SpStinet - vwpChiTiet

 

Mô hình nuôi lươn thương phẩm với mật độ cao trong bể xi măng đáy không bùn

Nuôi lươn không bùn nhanh cho thu hoạch, không chiếm nhiều diện tích, giúp người nuôi tiết kiệm chi phí thức ăn, thuốc thú y, phù hợp với nhu cầu tiêu thụ lươn sạch, hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với nuôi truyền thống.

Tình hình sản xuất và tiêu thụ

Lươn là loài cá lưỡng tính tiền nữ, giai đoạn đầu nó thành thục và sinh sản là lươn cái, sau khi sinh sản sẽ dần biến thành con đực, đây là hiện tượng đảo giới tính.

Bình thường lươn cái thành thục trong vòng một năm tuổi, thân dài khoảng 20cm. Theo Mai Ðình Yên (1978), lươn có kích cỡ nhỏ (dưới 25cm) hoàn toàn là lươn cái, cỡ 25–54 cm có cả con đực, con cái và con lưỡng tính, cỡ lớn hơn (trên 54 cm) thì hoàn toàn là lươn đực. Về trọng lượng, lươn từ 30g trở lên đã bắt đầu chuyển giới tính, nhưng chuyển giới tính thực sự khi lươn lớn hơn 100g. Trong tuyến sinh dục của lươn có cả tuyến tinh sào (con đực) và buồng trứng (con cái) xen lẫn nhau. Càng về sau buồng trứng càng có xu hướng tiêu giảm và tinh sào càng lớn dần, tới một lúc nào đó con cái biến thành con đực, con cái thành thục thường nhận biết là có bụng phình to, da bụng mỏng có thể nhìn thấy trứng do buồng trứng phát triển.

 Lươn thường sinh sản vào tháng 4–5, rải rác các tháng khác vẫn bắt gặp một số lươn mang trứng. Khi sinh sản, lươn làm tổ bằng cách đào hang ở cạnh bờ và nhả bọt lên miệng hang để bao bọc trứng. Bọt do lươn đực nhả ra vừa có tác dụng bảo vệ trứng vừa có tác dụng giữ trứng tập trung trong tổ. Vào mùa sinh sản, sau những trận mưa và lúc trời gần sáng là thời điểm lươn đẻ tập trung, nhiệt độ thích hợp là  25–260c, tùy vào kích cỡ của lươn, sức sinh sản có thể từ 300–1.000 trứng/con.

Giống lươn nhân tạo chưa sản xuất nhiều, nên nguồn lươn giống để nuôi hiện nay chủ yếu từ đánh bắt tự nhiên. Lươn giống trong tự nhiên có nhiều kích cỡ khác nhau, tập trung nhiều nhất là vào tháng 6-8, giữa cuối mùa mưa. Hiện nay người thu bắt lươn giống thường có các phương pháp đặt chúm, tát đìa, xúc mô. Ngoài ra còn có các hình thức bắt lươn giống mang tính hủy diệt nhưng lại khá phổ biến là rà điện, nhử mồi thuốc. Tuy nhiên, lươn giống từ nguồn rà điện, nhử mồi thuốc chất lượng rất kém: lươn rà điện thường yếu và chậm lớn, có thể chết sau vài tuần nuôi; lươn đã bị nhiễm mồi thuốc cũng có thể làm cho lươn bình thường bị lây nhiễm và chết từ từ sau 1-2 tuần.

Quy trình giới thiệu cho phép nuôi lươn thương phẩm với mật độ cao.

Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện

Chuẩn bị bể nuôi

Kích thước bể: không nên quá lớn hoặc quá nhỏ, với chiều dài từ 2–5m, chiều rộng từ 1,2–2m, chiều cao từ 0,8–1m (diện tích khoảng khoảng từ 4–6m2 là phù hợp nhất). Đáy bể, thành bể phải láng và màu sắc thường là màu nâu đỏ (thường dùng gạch tàu) và đáy nghiêng 30 về hướng cống để nước thoát ra dễ dàng.

Cần có ống cấp nước cho bể lươn, nhưng tránh gây động mạnh làm lươn dễ bị strees. Chuẩn bị vòi xịt để vệ sinh hồ, vạt lươn nằm, để tránh gây ô nhiễm bể nuôi. Khi xịt nước nên từ ngoài vào, không xịt trực tiếp vào khu vực lươn nằm.

Vạt tre cho lươn nằm: trong một bể nuôi thường dùng từ 3–4 vạt tre, vạt này cách vạt kia 10cm, các vạt tre cách 4 tường của thành hồ từ 25– 30cm, mỗi thanh tre cách nhau khoảng 5cm.

 Lưu ý :

  • Khi đưa vạt tre vào sử dụng, cần phơi thật khô các thanh tre, sau đó cho ngâm nước từ 15–20 ngày, các thanh tre cần tạo cho trơn láng.
  • Khi thả nuôi lươn quá dày, thì cần trang bị thêm hệ thống sục khí ôxy.
  • Đối với bể xi măng mới xây: nên ngâm, xả bỏ nước và chà rửa nhiều lần. Sau đó mới tiến hành thả lươn nuôi.

Bể chứa nước cấp

Đây là công trình nuôi thủy sản tập trung nên cần thiết phải có hệ thống trử nước và diện tích phải lớn, đảm bảo công suất thay nước cho toàn bộ hệ thống nuôi, đây là hệ thống quan trọng để điều chỉnh các yếu tố môi trường phù hợp trước khi đưa vào bể nuôi.

Thả giống

Chọn giống

Cách chọn lươn tự nhiên:

Khi sử dụng giống lươn trong tự nhiên để nuôi, cần quan sát kỹ để đánh giá chính xác chất lượng và tình trạng sức khỏe, tránh bị nhầm mua lươn giống đánh bắt bằng rà điện và thuốc nhử có độc tố. Bằng cách quan sát ngoại hình, lươn khỏe, đều cỡ, có màu sắc sáng đặc trưng của loài, thân có màu vàng có chấm rõ, không bị sây sát, không bị mất nhớt, vận động co trườn nhanh nhẹn và nhẹ nhàng, loại bỏ những con lươn có màu sắc nhợt nhạt, lươn có màu vàng xanh hoặc xám tro thì yếu và khó nuôi, khi nuôi lươn tăng trưởng chậm. Khi để lươn vào thau có nước, lươn yếu thường ngoi đầu lên cao, mang phình to. Lưu ý:

  • Lươn bị rà điện thì ít vận động, lờ đờ, có khi chuyển màu.
  • Lươn bị nhiễm thuốc mồi thì xung quanh nắp mang và hậu môn thường xung huyết

Nên chọn thả lươn đồng kích cỡ, tránh việc cạnh tranh thức ăn và tình trạng con lớn ăn con nhỏ.

Mật độ thả:

Phải căn cứ vào điều kiện môi trường và trình độ người quản lý mà có thể thả mật độ nuôi khác nhau, thường hiện nay người nuôi lươn thả mật độ từ 60–100 con/m2, với cỡ lươn từ 30–40 con/kg.

Chuẩn bị thả giống

  • Khi mua lươn giống về cơ sở nuôi, ta cần cho vào bể nuôi tạm và tiến hành phân cỡ, tắm nước muối 3-5% từ 5–10 phút, thay nước sạch rồi giữ trong bể tạm 1–2 ngày để lươn phục hồi và loại bỏ những con yếu, bị thương hoặc có biểu hiện của bệnh.
  • Nên kiểm tra các yếu tố môi trường cho phù hợp rồi mới tiến hành thả giống lươn vào môi trường nuôi mới, đặc biệt là 3 yếu tố (pH: 7–8), nhiệt độ nước từ 25–280C và độ mặn là 0‰.
  • Nên thả lươn vào sáng sớm hoặc chiều mát.

Thức ăn

Lươn ăn dơ nhưng ở sạch. Lươn thích ăn thức ăn có nguồn gốc động vật và có mùi tanh (cá, ốc, trùn, phế phẩm lò mổ…), thức ăn có thể tươi sống hoặc nấu chín vừa với cỡ miệng của chúng. Lươn cũng ăn được thức ăn chế biến phối trộn từ nhiều nguồn đạm động vật, đạm thực vật (đậu nành, cám, tấm, bắp… với cá tạp vụn, bột cá) và cả thức ăn cám công nghiệp (có thể dùng thức ăn viên có độ đạm cao).

Thức ăn là cá tạp, cá vụn, ốc bươu, tép… cần phải được xay nhuyễn. Thức ăn chế biến gồm các thành phần gốc động vật (cá tạp…) trộn với cám gạo, bột đậu nành…phải được nấu chín để hạn chế sự ô nhiễm nước bể nuôi.

Lươn có tập tính ăn nhiều vào ban đêm (tuy nhiên trong nuôi lươn cũng có thể tập cho lươn ăn vào buổi sáng để thuận tiện và dễ dàng vệ sinh bể nuôi sau 2 giờ cho ăn).

Vị trí cho ăn:

Cho thức ăn vào sàn ăn, treo vào bể vừa ngập trong nước để lươn rút thức ăn qua kẽ sàn hoặc bò vào sàn ăn. Kiểm tra và rửa sạch sàn ăn sau mỗi lần cho ăn. Nên đặt sàn ăn hoặc thả thức ăn cho lươn gần cống rút nước, để khi lươn ăn xong thì tháo bỏ ngay nước dơ. Không cho thức ăn đã bị hư, ôi thiu làm hỏng môi trường nước và dễ gây bênh cho lươn.

Bảng: Tỷ lệ, thành phần thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến và khẩu phần ăn.

STT

Thành phần/loại thức ăn

Tỷ lệ phối trộn

Khẩu phần (% trọng lượng thân/ngày)

I

Thức ăn viên công nghiệp (30 – 35% đạm)

 

1-3

II

Thức ăn tươi sống (cá tạp, cua…)

 

3-7

III

Thức ăn chế biến

 

4-8

 

Cám gạo

30

 

Tấm

5

 

Bột bắp

5

 

Bột cá 50-55% đạm

50

 

Bột đậu nành

9

 

Khoáng và một số vitamin cần thiết

1

 

Ngoài ra trong các hộ nuôi gia đình có nhiều công thức chế biến thức ăn khác nhau rất hiệu quả như (0,7kg cá + 0,3kg thức ăn cám cho cá lóc) tạo thành 1kg thức ăn cho lươn, hoặc chọn những loại thức ăn mà mỗi vùng nuôi có lợi thế (ví dụ: có trại nuôi trùn quế thì cho lươn ăn trùn).

Hàng ngày nên theo dõi chế độ ăn của lươn để điều chỉnh cho phù hợp, nên cho ăn vừa đủ. Hằng ngày phải vét sạch thức ăn dư trong bể, dưới đáy bể sau mỗi lần cho ăn.

Cho lươn ăn cần tuân theo 4 nguyên tắc sau:

  • Đúng giờ: một ngày cho ăn 2 lần, buổi sáng vào lúc 8–9 giờ, chiều cho ăn lúc 14–15 giờ.
  • Đủ lượng: lượng thức ăn liên quan mật thiết với nhiệt độ nước. Ở nhiệt độ nước 20–280c thì lươn ăn rất mạnh từ 6–10% trọng lượng lươn. Khi nhiệt độ lớn hơn 280c thì giảm lượng thức ăn.
  • Đúng chỗ: nên cho lươn ăn ở một vị trí nhất định.
  • Đủ chất: không nên cho ăn thiếu hoặc quá dư đều ảnh hưởng không tốt đến lươn cũng như hiệu quả kinh tế.

Cách chế biến thức ăn cho lươn:

  • Thức ăn cho lươn như cá, tép cần được xay nhuyễn.
  • Thức ăn thức viên công nghiệp cần cho nước vào làm cho viên thức ăn rã ra và làm vón thành những cục lớn.
  • Thức ăn là trùn quế thì cần rửa trùn sạch. Sau đó được đưa vào tủ cấp đông, rồi cho lươn ăn, tránh hiện tượng tan rã thức ăn, dễ làm ô nhiễm nguồn nước và khả năng bắt mồi kém hiệu quả.    

Thu hoạch

Đối với bể nuôi xi mămg có thể thu lươn bằng hình thức dẫn dụ: khi lươn đến cỡ thu hoạch (3–6 con/kg), khi thu lươn ta nên ngưmg cho lươn ăn từ 1– 2 ngày, sau đó dùng cám gạo rang trộn với cua, tép và giun làm mồi rồi dụ lươn vào ngăn thu hoạch. Khi thấy lươn tập trung nhiều ở ngăn thu hoạch thì đóng nút thông và dùng vợt bắt lươn.

Cách tiến hành thu hoạch và vận chuyển:

  • Nên bắt từng mẻ và thu gọn, vận chuyển nhanh.
  • Rửa sạch bùn đất bám trên da và mang lươn trong bể chứa tạm trước khi vận chuyển đến nơi  tiêu thụ.
  • Không chuyển lươn với mật độ quá cao làm lớp lươn bên dưới bị đè dẹp dễ bị ngộp và chết.
  • Tốt nhất sau khi thu hoạch ta nên vận chuyển ngay.

Điều kiện nuôi lươn

Quản lý môi trường nước

Mực nước trung bình 15–30cm và mực nước không nên ngập quá sâu so với giàn (vĩ) lươn nằm là thích hợp nhất, để lươn dễ dàng chủ động hô hấp khí trời. Cần phải thay nước bể nuôi hàng ngày, nên thay nước bể nuôi sau khi cho lươn ăn 1–2 giờ, nhằm cải thiện chất lượng nước, cung cấp đủ ôxy hòa tan và ổn định nhiệt độ trong bể nuôi, lượng nước thay từ 2/3 đến toàn bộ và tùy thuộc chất lượng nước, không để nước có mùi hôi (lươn ăn dơ nhưng ở sạch).

  • Khi thời tiết nắng nóng kéo dài, cần có biện pháp che mát cho bể nuôi, dùng lưới mùng màu đen hoặc mái che đơn giản bằng tàu dừa che trên bể, những khi mưa lớn cần có ống xả tràn tránh tình trạng lươn theo nước ra ngoài.
  • Vào ban đêm, nhất là lúc mùa khô nóng, có thể trong bể nuôi thiếu ôxy hòa tan, phải kết hợp thay nước và sục khí cung cấp thêm ôxy để lươn bớt ngoi đầu lên thở không khí trời.

Quản lý hoạt động và sức khỏe lươn

  • Hàng ngày quan sát hoạt động của lươn, phát hiện một số lươn lút lắc đầu và nhoài lên khỏi mặt nước, bơi lung tung không bình thường, thì cần kiểm tra chất lượng nước,... và nhanh chóng thay nước mới, tăng cường sục khí, kịp thời vớt xác lươn bị bệnh, lươn chết ra khỏi bể.
  • Kiểm tra tăng trưởng của lươn: định kỳ hàng tháng kéo bắt khoảng 30 con và cân đo trọng lượng, chiều dài để đánh giá lượng tăng trưởng.
  • Kiểm tra tình trạng sức khỏe của lươn, khi phát hiện thấy biểu hiện bất thường, ta nên bắt lươn để kiểm tra bên ngoài, nhận biết các dấu hiệu thay đổi cơ thể, sau đó có thể tiến hành giải phẩu xem xét nội tạng để chuẩn đoán bệnh lươn và có biện pháp phòng trị.
  • Trong nuôi lươn thương phẩm, sự phát triển của lươn có thể không đồng đều, khi nuôi từ 30 –  45 ngày nên phân cỡ lươn một lần, để tạo bể lươn đều cỡ.

Phòng trị bệnh cho lươn

  • Lươn có sức đề kháng khá cao, trong điều kiện sinh thái tự nhiên lươn ít khi nhiễm bệnh. Tuy nhiên trong điều kiện nuôi nhân tạo, lươn mắc bệnh rất nhiều do quá trình nuôi không quản lý tốt các khâu nuôi, mật độ quá cao, thức ăn không hợp lý, điều kiện môi trường nuôi không tốt, chất lượng nước thối bẩn ...làm cho lươn giảm sức đề kháng và nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến tăng trưởng và tỷ lệ sống. Vì vậy trong nuôi lươn thịt thì công tác phòng bệnh phải được đặt lên hàng đầu.
  • Không nuôi những con lươn bị thương, bị mồi thuốc: tìm hiểu kiểm tra trong khâu bắt con giống tự nhiên, người đánh bắt không sử dụng cụ dễ làm tổn thương lươn (ví dụ như câu dễ làm cho lươn rách xoang miệng, hầu và cổ họng và dễ bị nhiễm trùng). Tuyệt đối không nuôi lươn giống bị rà điện và mồi nhử thuốc.
  • Nuôi mật độ hợp lý, không thả nuôi mật độ quá cao. Cần phải sát trùng lươn giống, tắm cho lươn bằng thuốc tím 20ppm trong khoảng 5–10 phút hoặc nước muối 3–5% trong 5–10 phút.
  • Thức ăn phải được làm sạch và nấu chín. Thường xuyên rửa sạch sàn ăn, khử trùng dụng cụ nuôi lươn
  • Theo dõi tình hình ăn hàng ngày của lươn, mức độ bắt mồi, dọn sạch thức ăn dư thừa, thức ăn không được ôi thiu.
  • Thường xuyên theo dõi thời tiết, kiểm tra nhiệt độ, pH chất lượng nước, đảm bảo nước nuôi sạch.
  • Phát hiện kịp thời lươn có dấu hiệu bệnh hoặc dấu hiệu bất thường để kịp thời xử lý.

Một số bệnh thường gặp ở lươn

Bệnh đốm đỏ

Do vi khuẩn Aeromonas hydrophila gây ra, bệnh phát sinh do nuôi mật độ quá dày, nước nuôi ít thay nên dễ bị ô nhiễm. Lươn bị bệnh thường xuất hiện những mãng đỏ trên cơ thể, phần đuôi bị viêm, xung huyết và hoại tử, xoang bụng chứa dịch, nội tạng hoại tử.

Phòng bệnh: tránh tạo ra các tác nhân cơ hội như làm lươn bị sây sát, thường xuyên vệ sinh bể, nước không bị nhiễm bẩn, không nuôi mật độ quá dày, khắc phục hiện tượng hàm lượng oxy hòa tan trong bể giảm thấp.

Cách trị: dùng thuốc tím (KMnO4) tắm cho lươn, liều dùng là 4ppm (4g/m3 nước) trong 5 phút và xử lý lặp lại sau 3 ngày. Dùng thuốc Oxytretacyline trộn vào thức ăn (cứ 50–70mg/kg trọng lượng thân) cho ăn 7–10 ngày.

Bệnh nhiễm trùng máu

Do vi khuẩn Pseudomonas spp.gây ra, thường liên quan đến các tress, các thương tổn do tác nhân cơ học, nuôi với mật độ quá cao, hàm lượng ôxy trong bể thấp. Lươn nhiễm bệnh thì thường xuất huyết các đốm đỏ trên da, bề mặt cơ thể có thể chảy máu, tuột nhớt. Pseudomonas spp. xâm nhập vào cơ thể sẽ phá hủy gan và bào mỏng thành mạch máu.

Phòng trị: giảm mật độ nuôi, cung cấp nguồn nước tốt, dùng dung dịch thuốc tím (KMnO4), nồng độ 3–5ppm để tắm lươn trong 5 phút. Dùng kháng sinh để điều trị như trong bệnh đốm đỏ.

Bệnh do ký sinh trùng

Tác nhân gây bệnh là trùng bánh xe (Trichodina) hay còn gọi là trùng mặt trời. Bệnh thường xuất hiện do nuôi với mật độ dày và môi trường nuôi quá bẩn. Trùng mặt trời chủ yếu ký sinh trên da, mang. Khi bị nhiễm, mang lươn tiết nhiều nhớt, lươn thường có cảm giác ngứa ngáy, nhô đầu lên mặt nước và lắc mạnh đầu.

Phòng trị: thả nuôi mật độ vừa phải, luôn giữ môi trường nước trong sạch. Khi lươn bị bệnh, dùng sulphat đồng (CuSO­4) ngâm với nồng độ 0,5–0,7g/m3 nước hoặc tắm với nồng độ 2–5g/m3 nước trong thời gian 5–15 phút. Có thể dùng muối ăn (NaCl) 3–5% tắm trong 5–10 phút.

Bệnh do nấm thủy mi

Do loài nấm Saprolegnia ssp. nhiễm vào lươn qua các vết thương. Nấm thủy mi có sợi màu trắng như bông, thường ký sinh trên mình lươn và trứng lươn, hút chất dinh dưỡng của lươn. Bệnh xuất hiện khi nuôi với mật độ dày, lươn bị sây sát, nước nuôi ít thay nước và bị ô nhiễm.

Phòng trị: áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp như vệ sinh khu nuôi trước khi thả lươn, tẩy trùng sạch sẽ, ngâm lươn vào dung dịch nước muối 3–5% trước khi thả. Nếu thấy bệnh xuất hiện trên đàn lươn thì có thể xử lý bằng Bicacbonat natri 4‰ cho toàn bộ khu vực nuôi trong vòng 15 phút, sau đó thay nước mới, lặp lại việc này trong vòng 2 ngày. Hoặc cũng có thể dùng dung dịch iodine 5%.

Bệnh giun đầu móc

Bệnh thường xảy ra khi lươn ăn thức ăn cá, tép và thức ăn tươi sống còn tồn tại giun. Giun đầu móc ký sinh trong ruột, đoạn ruột có giun ký sinh thường phình to. Bệnh giun nội ký sinh thường không gây thành dịch, không gây chết hàng loạt nhưng ảnh hưởng đến tăng tưởng của lươn, làm cho lươn gầy yếu và chậm lớn. Nếu kí sinh với số lượng nhiều sẽ dẫn đến tắc ống dẫn mật hoặc tắc ruột. Giun có thể đâm thủng ruột tạo điều kiện cho các loài vi khuẩn khác phát triển và gây ra những bệnh nguy hiểm khác.

Phòng trị: giữ sạch bể nuôi, nước cấp sạch không chứa mầm bệnh và ấu trùng giun sán, không cho ăn thức ăn tươi sống, thức ăn phải nấu chín và đưa vào tủ cấp đông.

Bệnh sốt ở lươn

Lươn bị bệnh là do sốc với môi trường. Khi môi trường quá bẩn, lươn sẽ bị mất cân bằng về sinh lý, cơ thể tiết ra quá nhiều dịch nhầy. Lúc này, các sinh vật gây hại bùng phát. Lươn cuốn nhau thành từng búi và làm cho nhiệt độ từng tầng tăng cao, đầu lươn sưng phồng to. Lúc này lươn rất dễ bị chết.

Cách phòng trị: đầu tiên phải giữ cho môi trường nuôi được sạch. Giảm bớt mật độ nuôi và tiến hành ngay việc thay nước. Phải lưu ý giữ hàm lượng ôxy hòa tan luôn đảm bảo. Dùng sulphat đồng (CuSO4) để xử lý nước với nồng độ 0,7g/m3. Cần loại bỏ những con bị bệnh nặng ra khỏi chỗ nuôi.

Bệnh xuất huyết

Lươn bị bệnh có hiện tượng tụ máu, tấy đỏ trên vùng thân, đặc biệt là ở vùng bụng. Miệng của chúng cũng sưng và đỏ tím. Đôi khi có máu chảy ra ở miệng. Lươn bơi không bình thường, chao đảo điên cuồng và ngóc lên mặt nước quẫy mạnh. Sau một thời gian là chết.

Cách phòng trị: chủ yếu vẫn là giữ cho nguồn nước nuôi được sạch sẽ, đủ oxy. Ta thay nước sạch vào. Có thể dùng nước Clo mạnh (nồng độ 0,3 – 0,5g/m3) để xử lý nước. Cũng nên dùng thuốc tím (0,5g/m3) để sát trùng cho lươn trong vòng 5 phút. Bệnh này hiệu quả khi dùng kháng sinh. Loại bỏ những con lươn bị bệnh nặng hoặc  đã chết. Tăng cường thay nước cho  khu nuôi.

Bệnh đỉa cắn

Đỉa là một loài động vật ký sinh rất nguy hiểm. Chúng hút máu của ký chủ. Lươn rất dễ bị đỉa tấn công. Nó thường bám giác vào đầu lươn và hút máu. Lươn không những bị mất máu mà còn hoảng loạn vì đỉa bám ngay trên đầu.

Phòng chống đỉa: dùng vôi sống để vệ sinh cho khu nuôi. Rắc vôi để giết chết đỉa. Sau đó thay nước mới vào và xử lý tiếp bằng sulphat đồng (CuSO4) nồng độ cao 10g/m3. Nếu đỉa vẫn chưa nhả thì tăng thêm nồng độ. Tới khi đỉa ngoi lên mặt nước, vớt bỏ đỉa và thay nước ngay cho lươn.

Cũng có khuyến cáo dùng phương pháp nhử: lấy xơ mướp già đã phơi khô nhúng vào huyết heo. Chờ cho huyết đông đặc lại trong xơ, thả vào chỗ nuôi, đỉa sẽ bơi vào đó. Vớt ra và tiêu diệt đỉa.

Ưu điểm và hiệu quả mô hình

  • Ứng dụng và quản lý mô hình dễ dàng và hiệu quả.
  • Lươn phát triển tốt, không tốn diện tich nuôi lớn.
  • Tiết kiệm chi phí, tăng lợi nhuận kinh tế khá cao.

Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ

Trung tâm Khuyến Nông TP.HCM

Người liên hệ: Nguyễn Thành

Điện thoại: (028) 3931 3016 – 0913 165 701

Email: thongtinquangba@khuyennongtphcm.com

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả