Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Tại TP.HCM, cua biển là một trong những loài nuôi phù hợp với vùng ven biển Cần Giờ. Những năm gần đây nguồn giống ngoài tự nhiên ngày càng cạn kiệt, vì vậy, nuôi cua sinh sản nhân tạo bằng thức ăn công nghiệp đã được nghiên cứu thử nghiệm trên ao nuôi tôm không hiệu quả tại Cần Giờ cho kết quả khả quan. Để góp phần tăng hiệu quả sản xuất cho bà con diêm dân, khai thác tối đa tiềm năng đất đai trong mùa mưa (không sản xuất muối), nông dân vùng mặn ở huyện Cần Giờ đang đẩy mạnh mô hình nuôi cua trên ruộng muối. Mô hình cho thấy phù hợp với diêm dân, có thị trường tiêu thụ ổn định, hiệu quả kinh tế cao.
Quy trình và phương pháp tổ chức thực hiện
Chuẩn bị ao nuôi
Ao nuôi rộng khoảng 5.000m2, có cống cấp và thoát nước riêng. Chọn ao ở vùng chất đất ít bị nhiễm phèn, chất đáy là bùn pha cát, thịt pha sét, không có qúa nhiều bùn nhão, lớp bùn < 20cm, pH từ 7,5-8,2, độ mặn từ 10-25‰. Tháo cạn nước và bón vôi với lượng khoảng 6kg/100m2. Phơi nắng 5-10 ngày cho đến khi đáy ao nứt nẻ. Tiến hành thả chà (các loại cành cây như bần, đước phơi khô, bó thành bó) và lấy nước qua lưới lọc vào ao, mức nước là 0,6-0,8m. Gây màu nước bằng phân urê (2kg/1.000m2), NPK 2kg/1.000m2. Ngoài ra có thể dùng phân gà để bón cho ao. Phân được hòa tan với nước ngọt, tạt xuống ao vào lúc 9-10 giờ sáng.
Thả giống và cho ăn
Nguồn giống là nguồn cua sản xuất nhân tạo, chất lượng tốt, đủ các phần phụ và mạnh khỏe. Cua giống có kích cỡ:
- Cua hạt tiêu (chiều dài mai 0,5-0,7 cm)
- Cua hạt me (chiều dài mai 1-1,5 cm)
- Cua mặt đồng tiền (chiều dài mai 3-4 cm)
Nên tiến hành thả giống vào lúc trời mát, nhiệt độ còn thấp (7-9 giờ sáng), ở nhiều điểm khác nhau trong ao. Thả cua sát mép nước để cua tự bò xuống. Trước khi thả cần chú ý sự chênh lệch độ mặn, nếu độ mặn quá chênh lệch cần thuần hoá rồi mới thả.
Nguồn thức ăn chủ yếu là tự nhiên. Khi thức ăn tự nhiên trong ao nuôi nghèo nàn, có thể cho cua ăn thêm thức ăn chế biến (các loại cá tạp, cá vụn, tép,…). Lượng thức ăn hàng ngày khoảng 4-6% tổng khối lượng cua trong ao. Mỗi ngày cho cua ăn một lần vào thời gian từ 17-19 giờ.
Chăm sóc, quản lý
Hàng ngày kiểm tra các yếu tố môi trường trong ao nuôi để đạt chỉ tiêu thích hợp: nhiệt độ 28-300C; độ mặn 10-20‰; pH 7,5-7,8; độ kiềm >100mg/l; oxy hòa tan >3,5mg/l;… Tiến hành thay nước khi các chỉ tiêu môi trường bất lợi cho sinh trưởng cua nuôi.
Việc đảm bảo môi trường nước trong sạch rất quan trọng đối với cua, nhất là nuôi mật độ dày, cho ăn thức ăn tươi sống. Ở những nơi có thủy triều lên xuống hằng ngày cần thay nước thường xuyên. Mỗi ngày thay từ 20-30% lượng nước trong ao. Một tuần thay toàn bộ nước trong ao một lần, kết hợp kiểm tra ao. Thường xuyên kiểm tra tình trạng bờ, cống, rào chắn tránh thất thoát cua.
Trong thời gian nuôi, khoảng 2 tuần bắt cua cân, đo để xem sinh trưởng của cua, tình trạng của cua: cua khỏe nhanh nhẹn, không bị ký sinh ngoài vỏ; xem trong xoang mang có bị ký sinh hay không. Nếu có hiện tượng bị nhiễm bệnh thì phải tìm nguyên nhân và biện pháp xử lý.
Sau thời gian nuôi từ 3-4 tháng, cua nuôi đạt 250g/con trở lên, có thể tiến hành thu tỉa. Dụng cụ thu tỉa là các lồng lưới thu cua. Sau thời gian nuôi 5-6 tháng cần thu hoạch toàn bộ. Nếu thả cua giống vào tháng 10-11 thì thu hoạch cua trước tháng 2-3; nếu thả tháng 1-2 thì thu hoạch trước tháng 6-7. Cua thương phẩm được trói càng bằng bẹ chuối ngâm nước để giữ ẩm cho cua.
* Một số lưu ý để nuôi cua thành công
- Cua giống phải đồng cỡ, thả cùng một lúc;
- Có đủ nguồn nước sạch để thay thường xuyên;
- Cung cấp đủ nguồn thức ăn;
- Có đăng chắn ở trên bờ ao;
- Trong ao phải có các ụ chà làm nơi trú ẩn cho cua.
Điều kiện sản xuất
Hiện nay nuôi cua quảng canh trên ruộng muối phù hợp nhất là mùa mưa, từ tháng 6-10. Ruộng muối bằng phẳng không cần cải tạo nhiều, chủ yếu là xả nước ra vào nhiều lần cho hạ độ mặn của muối và làm hàng rào bằng nilon cao từ 0,8-1m để giữ không cho cua bò đi. Đồng thời giữ mực nước ổn định, cao từ 0,8-1,2m; thả giống mật độ 1,2-1,6m2/con là phù hợp nhất. Thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp biển giá rẻ từ 2.000 - 2.500đ/kg.
Ưu điểm của công nghệ. Hiệu quả kinh tế
Ưu điểm
- Giúp bà con diêm dân tăng hiệu quả sản xuất, bởi canh tác không đòi hỏi kỹ thuật cao, nguồn giống dễ kiếm, cải tạo đất không nhiều, dễ chăm sóc, ít rủi ro, chi phí thấp.
- góp phần đa dạng hóa các đối tượng nuôi, giúp người dân tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; thúc đẩy chuyển đổi diện tích sản xuất muối sang nuôi trồng thủy sản bền vững tại huyện Cần Giờ.
Hiệu quả kinh tế
Hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với sản xuất muối: sau 4-5 tháng nuôi cua theo mô hình sẽ cho thu hoạch với năng suất 260-280kg/ha (loại từ 2-3 con/kg), giá bán tại ruộng là 85-90 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, lãi ròng 14-15 triệu đồng/ha.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Địa chỉ mô hình sản xuất tiêu biểu
Các hộ tham gia mô hình tại xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ: Hồ Văn Tâm; Nguyễn Thành Vinh; Nguyễn Hoàng Khang; Hồ Thanh Vũ; Phan Văn Lo; Nguyễn Thành Quang.
Địa chỉ cung cấp giống và vật tư
Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II. Địa chỉ: số 116, Nguyễn Đình Chiểu, quận 1, TP.HCM. Điện thoại: 08. 382 995 922.