Tình hình sản xuất và tiêu thụ
Theo thống kê hiện nay tỷ lệ số người sử dụng y học cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe và điều trị bệnh ngày càng tăng như Trung Quốc, Hàn Quốc, các nước châu Phi, ...Ở Trung Quốc, chi phí cho sử dụng y học cổ truyền khoảng 10 tỷ USD (chiếm 40% tổng chi phí cho y tế), Nhật Bản khoảng 1,5 tỷ USD, Hàn Quốc khoảng trên 500 triệu USD.
Theo của WHO, những năm gần đây, nhiều nhà sản xuất đã có hướng đi mới là sản xuất các thuốc bổ trợ, các thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, hương liệu…Thống kê của Cục Quản lý dược cho thấy, năm 2011 giá trị thuốc sản xuất trong nước ước tính đạt khoảng 1.140 triệu USD, tăng 24,04% so với năm 2010; tổng giá trị tiền thuốc ước sử dụng năm 2011 là 2.432,5 triệu USD (tăng 27,45% so với năm 2010); nhập khẩu thuốc cả năm 2011 là 1.337 triệu USD, tăng 22,33% so với năm 2010 (1.038,46 triệu USD); trị giá nguyên liệu nhập khẩu là 190 triệu USD giảm 11,26% so với năm 2010 (214,110 triệu USD).
Quy trình, phương pháp tổ chức thực hiện
Chọn giống
Ở Việt Nam, hiện nay có nhiều loại giảo cổ lam: giảo cổ lam 3 lá, giảo cổ lam 5 lá, giảo cổ lam 7 lá, đều được thu hoạch trong tự nhiên và sử dụng.
Giảo cổ lam có thể nhân giống bằng cả hai phương pháp vô tính (giâm hom) và phương pháp hữu tính (gieo hạt). Tuy nhiên, hiện chủ yếu áp dụng phương pháp nhân giống vô tính (giâm hom).
Lượng giống: 150.000-170.000 mầm/ha. Có thể trồng thẳng hoặc giâm hom trong vườn ươm trước khi trồng.
Trồng ở giai đoạn vườn ươm
Chuẩn bị vườn ươm: chọn loại đất cát pha, sạch, không ô nhiễm, không chứa tồn dư nấm, sâu bệnh và cỏ dại. Đất được làm kỹ, tơi nhỏ, lên luống cao 15-20 cm, mặt luống rộng 80-90 cm, vét rãnh thoát nước, khoảng cách giữa các luống là 40 cm. Vườn ươm phải chọn nơi có thể chủ động được nước tưới.
Thời vụ giâm hom: thời vụ giâm hom cho ra rễ nhanh nhất từ tháng 2-4.
Chọn hom và kỹ thuật cắt hom giâm: chọn hom giâm từ cành bánh tẻ, có thể tận dụng cả hom già (nếu thiếu giống), loại bỏ hom ngọn non. Cắt mỗi hom giâm có 2-3 mắt ngủ.
Giâm hom: rạch mặt luống, giâm thành hàng nhỏ, mỗi hàng cách nhau 25 cm, khoảng cách giữa các hom giâm là 5 cm, đặt hom giâm chếch 25–300 so mặt luống, lấp đất hết phần dưới (khoảng 1,2 mắt hom giâm), phủ đất lên mắt hom giâm khoảng 2-4 cm, ấn chặt đất. Tưới nước đủ ẩm và duy trì độ ẩm liên tục trong thời gian giâm hom. Khi cây con đạt tiêu chuẩn đánh ra trồng. Trước khi đánh cây cần tưới nước ẩm trước 10-12 tiếng. Khi đánh cây cần đào sâu, tránh chạm vào rễ cây và không được làm đứt rễ.
Tiêu chuẩn cây giống: hom giâm sau 15-20 ngày thì ra rễ. Sau 30 ngày kể từ khi giâm hom, có thể đánh cây ra ruộng trồng. Cây giống đạt tiêu chuẩn có mầm cao khoảng 10-15cm, không bị sâu bệnh, bộ rễ khỏe mạnh.
Trồng ở giai đoạn vườn sản xuất
Thời vụ trồng
- Giâm hom vào tháng 2, 3 sẽ trồng vào tháng 3,4.
- Giâm hom vào tháng 9, 10 sẽ trồng vào tháng 10, 11.
Kỹ thuật làm đất
- Đất trồng cây giảo cổ lam yêu cầu đảm bảo độ ẩm, chất đất tốt, có thể trồng dưới tán cây. Làm đất kỹ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại, đảm bảo thoát nước tốt vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô.
- Luống cao 15-20 cm, rộng 80-100 cm, rãnh rộng 25-30 cm, chiều dài tùy theo ruộng.
Mật độ, khoảng cách trồng
Tùy theo sự màu mỡ của đất để trồng giảo cổ lam với mật độ, khoảng cách phù hợp.
- Đất xấu: mật độ 500.000 cây/ha trồng khoảng cách 20x10 cm.
- Đất tốt: mật độ 250.000 cây/ha trồng khoảng cách 20x20 cm
Bón phân
Bón lót: 15–20 tấn phân chuồng/ha. Toàn bộ lượng phân trộn đều lớp đất mặt rồi trồng. Bón trước khi trồng 10–15 ngày.
Sau mỗi lứa cắt bổ sung thêm 5 tấn phân chuồng/ha.
Kỹ thuật trồng và chăm sóc
- Kỹ thuật trồng: khi cây con đạt tiêu chuẩn, đánh trồng theo hốc, mỗi hốc 1 cây. Đặt cây sao cho rễ thẳng đứng, lấp đất và ấn chặt rễ. Trồng cây xong tưới nước ngay. Nên trồng vào chiều mát, sau 5-7 ngày cây bắt đầu bén rễ hồi xanh.
- Chăm sóc: thường xuyên làm cỏ, kết hợp với bón thúc phân đạm và kali giúp cây sinh trưởng tốt, định kỳ mỗi tháng 1 lần.
- Tưới tiêu: giảo cổ lam là cây ưa ẩm, nhưng không chịu được úng, vì vậy phải thường xuyên theo dõi độ ẩm trên đồng ruộng để có thể cung cấp nước, giữ ẩm thường xuyên cho cây. Nguồn nước tưới không bị ô nhiễm. Nếu mưa to, phải nhanh chóng thoát nước cho cây, tránh ngập úng.
Phòng trừ sâu bệnh
Trên giảo cổ lam chủ yếu xuất hiện sâu ban miêu thân đen, đầu đỏ gây hại trong điều kiện thời tiết nắng nóng, từ cuối tháng 5 đến giữa tháng 7 hàng năm. Sâu ăn lá và phá hại rất nhanh. Cần tiến hành điều tra định kỳ, dùng tay bắt sâu khi mật độ sâu phá hoại đang còn thấp.
Có thể sử dụng một số loại thuốc trừ sâu từ các nhóm hoạt chất mới ít độc hại với người và môi trường như: dịch chiết từ lá khổ sâm Matrine (ví dụ: Sokupi 0,36 hoặc 0,5 AS; Wotac 5EC, 10EC, 16EC); Azadirachtin (từ cây Neem, là một loài xoan ở Ấn Độ), Rotenone (từ cây thuốc cá. Lưu ý phun trừ kịp thời khi sâu non mới nở, còn nhỏ tuổi 1-2. Thời điểm sâu ban miêu gây hại nặng cũng là lúc có thể thu hoạch giảo cổ lam. Vì vậy, nếu thấy mật độ sâu tăng nhanh thì tốt nhất là nên tiến hành thu hoạch dược liệu.
Cây ít bị bệnh phá hại, chưa phát hiện bệnh nào gây hại đáng kể.
Thu hoạch, chế biến và bảo quản
- Thu hoạch: bốn tháng đến sáu tháng sau khi trồng (tùy theo độ sinh trưởng và phát triển của cây) có thể tiến hành thu giảo cổ lam. Để đạt được năng suất và chất lượng tốt cần phải chú ý những yếu tố sau:
- Tránh thu cây sau những đợt mưa dài, lúc đó hàm lượng hoạt chất thấp và tỷ lệ nước trong dược liệu cao.
- Nên thu hoạch vào những ngày nắng to, có điều kiện phơi sấy đảm bảo chất lượng dược liệu tốt, có màu xanh tự nhiên và mùi thơm đặc trưng của dược liệu giảo cổ lam.
- Thu toàn cây chỉ để lại phần gốc cách mặt đất khoảng 20-30 cm, để cây có điều kiện tiếp tục tái sinh sau khi chăm bón.
- Sơ chế: cây thu hoạch về, rửa nhanh bằng nước sạch, loại bỏ đất cát, tạp chất, để ráo nước, cắt đoạn nhỏ độ dài từ 2-3 cm, rải đều trên bạt, phơi nắng và thường xuyên đảo đều đến khi khô, độ ẩm <12% là được. Nếu thu giảo cổ lam vào mùa mưa cần có lò sấy, để ẩm lâu ngày sẽ chuyển màu đen, mùi nồng khó chịu, ảnh hưởng tới chất lượng dược liệu.
Dược liệu giảo cổ lam đã sơ chế sau thu hoạch, khô đạt độ ẩm <12%.
- Bảo quản: có thể bảo quản kín trong các bao nilon, đựng ngoài bao tải để tránh rách nát, tránh dược liệu bị hút ẩm trong quá trình bảo quản và vận chuyển đến nơi sử dụng. Bảo quản trong kho thoáng mát, sạch sẽ, khô ráo. Nếu có kho lạnh để bảo quản dược liệu càng tốt. Thường xuyên kiểm tra định kỳ, phát hiện các bao rách, ẩm, mốc, mối, mọt… để có biện pháp xử lý kịp thời, tránh dược liệu bị hư hỏng.
Ưu điểm của công nghệ, hiệu quả mô hình
- Tỷ lệ sống cao.
- Sản phẩm đồng đều về chất lượng cũng như mẫu mã.
- Sản phẩm dược liệu an toàn cho người sử dụng.
Thông tin liên hệ chuyên gia, hỗ trợ
Họ tên chuyên gia: Hoàng Đắc Hiệt
Nơi công tác: Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp Công nghệ cao
Địa chỉ: Ấp 1, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, TP.HCM
Điện thoại: 0935.805.869
Email: hoanghietcnc@gmail.com