SpStinet - vwpChiTiet

 

Nghiên cứu giải pháp kiểm soát phát triển đô thị tự phát ở huyện Bình Chánh- huyện ngoại thành TP.HCM

Đề tài do tác giả Nguyễn Tiến Thành (Viện Qui hoạch xây dựng- Sở Xây dựng và Kiến trúc TP.HCM) thực hiện vừa được Sở KH&CN tiến hành nghiệm thu.

Bình Chánh là huyện có ưu thế về vị trí, nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam thành phố, là cầu nối giao thông thuận lợi về đường bộ, đường thủy, có tiềm lực về đất đai (Quỹ đất dồi dào đủ khả năng để phát triển đô thị một cách đồng bộ), tốc độ phát triển kinh tế cao (tập trung các khu công nghiệp lớn). Vì thế nơi đây đang có tốc độ đô thị hóa nhanh. Riêng đô thị hóa tự phát (ĐTHTP) tập trung tại các khu vực giáp ranh nội thành như: Bình Hưng Hòa, Bình Trị Đông, thị trấn An Lạc, xã Tân Kiên…Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả chọn 3 điểm thuộc quận Bình Tân, 3 điểm thuộc huyện Bình Chánh để khảo sát.
ĐTHTP không còn là vấn đề xa lạ với các quốc gia nhưng hiện nay trên thế giới, ở Việt Nam chưa có định nghĩa chính thức về nó. Theo tác giả “Phát triển đô thị tự phát là một hình thức của đô thị hóa, xảy ra ở các nước phát triển, đang phát triển, ngoài tầm kiểm soát của chính quyền đô thị liên quan, không tuân thủ luật xây dựng, thiếu đồng bộ về nhiều mặt và gây nhiều hậu quả xấu làm tổn hại đô thị”.
Qua việc tìm hiểu, phân tích đặc điểm đô thị hóa ở các đô thị trên thế giới, TP.HCM và huyện Bình Chánh, tác giả đã đưa ra những nguyên nhân cơ bản về đô thị hóa tự phát ở Bình Chánh, bao gồm: kinh tế, qui hoạch và quản lý đô thị, luật lệ không đồng bộ… Để khắc phục vấn đề này, theo tác giả cần phải điều chỉnh các chỉ tiêu qui hoạch sử dụng đất và kiến trúc thông qua các quy chuẩn, qui hoạch xây dựng đô thị; chỉnh trang nâng cấp điều kiện hạ tầng kỹ thuật đô thị trong các khu dân cư tự phát.
Theo đó, các giải pháp kiểm soát ĐTHTP có thể là: xây dựng mô hình không gian đô thị mới đa trung tâm; giải pháp không gian cần phù hợp với tiêu chí vùng TP ổn định và hướng phát triển thành phố vùng; hình thành “ranh giới phát triển đô thị”, công tác quy hoạch đô thị; công tác quản lý đô thị; nâng cấp môi trường đô thị và hệ thống hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật theo hướng bền vững; xác định đánh giá phân loại các khu đô thị hóa tự phát nhằm phân cấp các khu tự phát theo 3 loại chủ yếu, thực hiện đồ án chỉnh trang riêng phù hợp với từng khu ĐTHTP này; cần có những luật lệ để xử phạt những vi phạm trong xây dựng đô thị; tăng cường về nhiều mặt đội ngũ cán bộ qui hoạch và quản lý đô thị.
Ngoài ra, để kiểm soát ĐTHTP hiệu quả, tác giả đưa ra một số kiến nghị: cần nghiên cứu mô hình mới về vùng TP.HCM và tổ chức không gian đô thị TP.HCM theo hướng phát triển bền vững đô thị và phi xuyên tâm vành đai; nghiên cứu cụ thể về khu chức năng “khu trung tâm thương mại khu vực - SBD” của TP, trước mắt chọn SBD tại khu vực phía Tây TP; cần chú trọng hơn nữa đến yếu tố con người; cần tận dụng quỹ nhà rất lớn do ĐTHTP tạo nên nếu đạt chuẩn cho phép mà không ảnh hưởng đến qui hoạch, môi trường; TP sớm nghiên cứu những chỉ tiêu tối thiểu về kiến trúc- qui hoạch cho phép tồn tại những khu đô thị tự phát đạt các tiêu chuẩn tối thiểu; nên thành lập một đơn vị chuyên trách trong thời gian hữu hạn để giải quyết vấn đề ĐTHTP trên địa bàn TP.
Ở Việt Nam, hiện việc quản lí quá trình đô thị hóa còn nhiều bất cập. Câu hỏi “Đô thị hóa ở Việt Nam do đơn vị nào quản lý?”- do các nhà chính trị, các nhà đầu tư hay do qui luật phát triển… vẫn còn bỏ ngỏ. Vì thế, việc tìm ra giải pháp hiệu quả để kiểm soát ĐTHTP ở TP.HCM nói chung và huyện Bình Chánh nói riêng sẽ còn tiếp tục được nghiên cứu, thảo luận. Đa số các thành viên trong hội đồng nghiệm thu đều đánh giá đây là đề tài phức tạp, kết quả nghiên cứu là tài liệu có giá trị về mặt lí thuyết, hữu ích trong công tác giảng dạy.
Bích Hằng
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả