SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu KH&CN, TP. HCM 1&2/2016


 



Heo được xem là ký chủ tự nhiên của liên cầu khuẩn Streptococcus suis (S. suis) và là nguồn lây nhiễm chính cho những người có công việc liên quan đến heo. Phương pháp sàng lọc huyết thanh sẽ giúp hiểu rõ hơn về tỷ lệ nhiễm trong nhóm có nguy cơ cao, nhiễm bệnh không triệu chứng và đáp ứng miễn dịch với S. suis.


Protein bề mặt 1 (Surface antigen one - SAO) là protein hiện diện trên bề mặt tế bào của vi khuẩn S. suis, tác nhân quan trọng gây viêm màng não mủ trên người tại Việt Nam. Một phiên bản của protein SAO được tạo dòng, biểu hiện vượt mức trong tế bào E. coli BL21 (DE3)pLysS và được tinh sạch dựa trên đặc tính ái lực với nikel của aminoacid histidine. Protein này được sử dụng làm kháng nguyên gây đáp ứng miễn dịch sản xuất kháng thể đa dòng đặc hiệu trên thỏ trắng New Zeland. Kết quả kiểm tra hiệu giá kháng thể của huyết thanh thỏ bằng phản ứng ELISA cho thấy protein SAO có tiềm năng sinh miễn dịch cao. Huyết thanh thỏ được dùng để phát triển phương pháp ELISA kiểu mẫu nhằm phát hiện kháng thể S. suis và khảo sát khả năng sử dụng trong phân lập S. suis cho mục đích ứng dụng thực tế.


Kết quả, protein SAO thu nhận có độ tinh sạch cao (>90%), huyết thanh thỏ chứa kháng thể với độ đặc hiệu tuyệt đối (100%) và có hiệu giá kháng thể tốt ở độ pha loãng >16.000. Khảo sát sử dụng kháng nguyên SAO protein phát hiện kháng thể trong huyết thanh bệnh nhân nhiễm S. suis và nhiễm tác nhân khác S. suis cho thấy, quy trình ELISA có độc đặc hiệu cao (95%) và độ nhạy tốt (90%). Phương pháp phân lập định danh sử dụng huyết thanh thỏ chứa kháng thể kháng toàn tế bào của S. suis cho thấy độ đặc hiệu cao (100%) và độ nhạy tối thiểu ở độ pha loãng 8.000.


Đây là lần đầu tiên protein SAO và những protein mang đặc điểm của các chủng vi khuẩn S. suis ở Việt Nam được nghiên cứu và tạo ra kháng thể đa dòng. Kết quả nghiên cứu có tiềm năng ứng dụng cho mục tiêu phát triển vaccine ngăn ngừa nhiễm S. suis trên heo ở Việt Nam, hạn chế tổn thất kinh tế do dịch bệnh (như dịch heo tai xanh). Đồng thời, khi ứng dụng rộng rãi phương pháp ELISA sẽ giúp xác định được phổ gây bệnh của S. suis trên người, hiểu rõ cơ chế gây bệnh của S. suis trên người và heo, từ đó có khuyến cáo thích hợp giúp giảm thiểu số ca nhiễm S. suis trong nước.
 




Nhóm tác giả đã nghiên cứu ứng dụng mô hình tính toán Mike Flood, kết hợp của ba loại mô hình khác nhau (kết hợp Mike 11 với Mike 21; Mike 11 với Mike Urban và Mike Urban với Mike 21), tổng hợp các yếu tố địa hình, hệ thống thoát nước, hệ thống sông rạch để tính toán ngập lụt do triều, mưa cho một số tiểu lưu vực quận 12, TP.HCM thuộc lưu vực Tham Lương – Bến Cát chịu ảnh hưởng bởi triều cường, mưa và lũ thượng nguồn.

Mô hình thủy lực Mike 11 giúp so sánh và phân tích các giá trị mực nước, lưu lượng tính toán với thực đo, cho kết quả hệ số tương quan cao (R>0,98) tại các trạm Phú An, Nhà Bè. Mô hình đã thiết lập được các cống ngăn triều dọc bờ hữu sông Sài Gòn và hệ thống cống trên sông Vàm Thuật, Tham Lương – Bến Cát – Rạch Nước Lên trong dự án Nam Rạch Tra. Kết quả mô hình cho thấy hiệu quả của cống ngăn triều và chống ngập do triều khu vực phường An Phú Đông và phường Thạnh Xuân, quận 12.


Mô hình tiêu thoát nước đô thị Mike Urban (Mike Mouse) cho phép thiết lập hoàn chỉnh hệ thống cống của khu vực nghiên cứu là các tuyến cống chính trên trục đường chính như quốc lộ 1A, Phan Văn Hớn, Nguyễn Ảnh Thủ, Lê Văn Khương.


Kết quả tính toán với các kịch bản thủy văn (hiện trạng, nước biển dâng 9 cm, xả lũ) cho thấy sự khác biệt về ngập lụt là không nhiều. Kịch bản quy hoạch tương lai cho thấy, đường kính cống trên đường Vườn Lài phường An Phú Đông lớn hơn 1 m sẽ thoát nước tốt.


Từ đây, nhóm nghiên cứu đề xuất các giải pháp giảm ngập gồm: mở rộng kích thước cống và chia nhỏ lưu vực của khu vực từ đường Phan Văn Hớn đến kênh Tham Lương. Về mở rộng kích thước cống, nhóm nghiên cứu giả định đường kính cống thoát nước của tuyến đường Phan Văn Hớn, Nguyễn Văn Quá được nâng cấp từ 600 mm lên 1.000 mm; quốc lộ 1A nâng từ 1x1 m lên 2x2 m. Theo tính toán, sau khi nâng kích thước cống, các tuyến đường này sẽ giảm ngập thấy rõ, nước rút tốt và độ sâu ngập giảm 10 cm so với hiện trạng. Với giải pháp chia nhỏ lưu vực, giả định tiểu lưu vực từ đường Phan Văn Hớn đến kênh Tham Lương được chia nhỏ và thiết lập thêm cống dẫn nước mưa đến kênh Tham Lương nhằm tránh tình trạng cống quá tải khi mưa lớn. Tính toán cho thấy, độ ngập sâu nhất giảm rõ rệt, từ 45 cm xuống còn 35 cm, nhiều vị trí từng ngập nặng chỉ còn ngập nhẹ hoặc hết ngập.


Kết quả đề tài có thể giúp các nhà quản lý có cái nhìn trực quan, hỗ trợ ra quyết định đúng trong công tác quy hoạch đô thị, nâng cao năng lực ứng phó với ngập lụt, phát triển cơ sở hạ tầng bền vững. Mô hình sử dụng trong đề tài có thể chuyển giao cho đơn vị quản lý ngập ở quận 12.
 




Đề tài xây dựng giải pháp sinh học để loại bỏ nitơ trong nước thải thuộc da ở khâu cuối của các quá trình xử lý, thông qua nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ muối (Clˉ), tải lượng nitơ và DO (oxy hòa tan) đến hiệu quả hoạt động của nhóm vi khuẩn NitrosomonasAnammox.


Kết quả khảo sát cho thấy, tất cả các quy trình xử lý nước thải của các công ty thuộc da trong KCN Hiệp Phước đều không có công đoạn xử lý N-NH4. Các thông số của nước thải sản xuất ở các thời gian khác nhau trong ngày cũng có nhiều thay đổi. Mẫu thu vào lúc 7g30 trong ngày cho thấy các chỉ tiêu theo dõi tương đối thấp (N-NH4: 91,7–195 mg/l, Cr III: KPH - 2,3 mg/l). Mẫu thu lúc 3g30, 3g30 và 17g các chỉ tiêu có biến động (N-NH4: 186 – 747 mg/l, Cr III: 1,5 – 56,4 mg/l). Chỉ tiêu Clˉ cũng dao động rất lớn ở tất cả các mẫu (3,545–9,210 mg/l). DO ở 3 giai đoạn nghiên cứu không ảnh hưởng nhiều đến hiệu suất loại N-NH4. Quá trình kết hợp nhóm vi khuẩn NitrosomonasAnammox sau 210 ngày vận hành mô hình cho thấy hiệu suất loại N-NH4 giảm dần khi tăng tải lượng từ 0,3; 0,45; 0,6 kg N-NH4/m3/ngày và nồng độ Clˉ ở 2; 4; 6 g/l. Mô hình sử dụng vi khuẩn NitrosomonasAnammox trong cùng một bể phản ứng cho kết quả tốt, có hiệu quả và thích hợp để xử lý nitơ trong nước thải.


Các tác giả đã xây dựng 9 mô hình thí nghiệm quá trình nitrit hóa/anammox quy mô 10 lít/ngày trong phòng thí nghiệm, vận hành thích nghi cho nhóm vi khuẩn NitrosomonasAnammox và quy trình công nghệ SNAP (Single – stage Nitrogen Removal Using Anammox and Partial nitritation) cho hệ thống pilot 1 m3/ngày, xử lý nitơ trong nước thải thuộc da đạt tiêu chuẩn cho phép theo cột B, QCVN 40:2011BTNMT. Thiết bị gồm bể xử lý, bơm định lượng, máy cấp khí, timer và giá thể được vận hành thực nghiệm tại KCN Hiệp Phước, Huyện Nhà Bè, TP. HCM. Đánh giá hiệu quả kinh tế - kỹ thuật bước đầu cho thấy: sau bước xử lý đầu tiên, hiệu suất loại N-NH4 khoảng 70-80%, bước 2 hiệu suất loại N-NH4 khoảng 85-90%. Giá thành vật liệu, chất mang (giá thể) vi sinh của công nghệ này chỉ bằng 30-50% so với sản phẩm ngoại nhập. Có thể triển khai ứng dụng công nghệ này cho các cơ sở thuộc da có công suất nhỏ (10-50 m3/ngày).
 




Mục tiêu của đề tài là thông qua phương pháp nghiên cứu hành động có sự tham gia của người dân để nắm bắt thực trạng nếp sống đô thị tại TP. HCM trong điều kiện hiện nay, chỉ ra những nguyên nhân cản trở việc thực hiện chủ trương xây dựng nếp sống văn minh đô thị của chính quyền và người dân thành phố, đưa ra những gợi ý cho giải pháp quản lý và tuyên truyền đối với từng lĩnh vực khác nhau, cho người dân tại các cộng đồng đô thị. Nội dung nghiên cứu tập trung vào các vấn đề: chấp hành luật giao thông, vệ sinh giữ gìn môi trường, giao tiếp ứng xử nơi công cộng.


Về chấp hành luật giao thông, đề tài phân tích 3 khía cạnh chính trong bất ổn giao thông ở TP. HCM gồm hạ tầng cơ sở và tổ chức phân luồng, tuyến giao thông, đặc điểm các loại phương tiện tham gia giao thông và sự thiếu điều chỉnh kịp thời của luật lệ giao thông; kiến thức, thái độ, hành vi của người tham gia giao thông; nhóm thực thi pháp luật góp phần điều chỉnh hành vi cho người tham gia giao thông (cảnh sát giao thông, các lực lượng hỗ trợ tại các giao lộ).


Về giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, kết quả khảo sát cho thấy, các phương tiện truyền thông đại chúng, đặc biệt là các chương trình truyền hình có vai trò cao trong việc tuyên truyền cho người dân những kiến thức và quy định mang tính pháp quy về vệ sinh môi trường. Đối với người nhập cư, do đặc thù mưu sinh, cần có những phương pháp để riêng phổ biến pháp luật. Đối với học sinh, sinh viên, việc phổ biến kiến thức và củng cố thái độ còn hạn chế; phương pháp thu hút thanh niên tham gia của các tổ chức đoàn đội cần thay đổi.


Về giao tiếp ứng xử nơi công cộng, văn hóa cảm ơn, xin lỗi là điểm cần lưu ý. Theo phân tích, hành vi cảm ơn hoặc xin lỗi chỉ được thực hiện vì lợi ích, mang tính nghiệp vụ trong kinh doanh nhiều hơn là quan niệm về điều đúng đắn và hành vi lịch thiệp cần có trong cộng đồng.


Từ đây, các tác giả đề xuất những nhóm giải pháp cụ thể liên quan tới hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị hiện đại; công tác tổ chức chỉ đạo và thực hiện cuộc vận động nếp sống văn minh đô thị; công tác truyền thông; tổ chức các cuộc vận động và các hoạt động tại các địa bàn dân cư; các giải pháp trong lĩnh vực an toàn giao thông, vệ sinh – môi trường, giao tiếp ứng xử nơi công cộng.

VÂN NGUYỄN, STINFO số 1&2/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả