SpStinet - vwpChiTiet

 

Giới thiệu kết quả nghiên cứu


Đề tài được thực hiện nhằm xây dựng hệ thống thông tin quản lý lâm nghiệp trên địa bàn TP.HCM, phục vụ theo dõi, quản lý, lập kế hoạch và dự báo, xây dựng chiến lược phát triển lâm nghiệp đô thị.

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thu thập dữ liệu về rừng và quản lý lâm nghiệp tại Chi cục Lâm nghiệp, Chi cục Kiểm lâm và Ban Quản lý rừng phòng hộ, kết hợp phúc tra thực địa; sử dụng mô hình RAD (Rapid Application Development) và quan điểm toàn diện, dựa vào thực tế rừng và quản lý để phát triển hệ thống.

Nghiên cứu phân tích hiện trạng thông tin cho thấy, ở TP.HCM rừng và đất lâm nghiệp hiện chỉ có ở 5 quận huyện là Cần Giờ, Hóc Môn, Bình Chánh, Củ Chi và quận 9, đáng kể nhất là rừng ngập mặn Cần Giờ. Về chủ quản lý rừng, TP.HCM có 5 loại (doanh nghiệp nhà nước, ban quản lý rừng, hộ gia đình, đơn vị lực lượng vũ trang và các UBND). Hệ thống quản lý ngành lâm nghiệp trên địa bàn TP.HCM hiện nay tinh giản còn 3 cấp là Sở Nông nghiệp và PTNT – cấp 1, Chi cục Lâm nghiệp và Kiểm lâm – cấp 2, UBND Huyện Cần Giờ chỉ đạo Ban Quản lý rừng phòng hộ và các chủ quản lý và sử dụng rừng – cấp 3.

Đề tài đã xây dựng được hệ thống thông tin quản lý lâm nghiệp trên địa bàn TP.HCM (FORMIS-HCM) với 7 mô đun: bộ chỉ thị ngành lâm nghiệp; quản lý dữ liệu rừng và rừng ngập mặn; tra cứu thực vật – cây rừng; tra cứu luật và thủ tục; các tác nghiệp lâm nghiệp; tài liệu tham khảo lâm nghiệp; hướng dẫn, giúp đỡ.

Hệ thống có 7 quy trình chính (cập nhật dữ liệu, đánh giá diễn tiến, kết xuất khung báo cáo, cập nhật dữ liệu thống kê, kết xuất thông tin tham khảo...) và 3 nhóm tác nhân là nhóm sử dụng, nhóm quản lý chỉ thị và lập báo cáo ngành lập nghiệp, nhóm quản lý rừng.

Các chức năng chính chính của hệ thống đã được phân tích đầy đủ về yêu cầu kỹ thuật theo quy định thiết kế phần mềm của Bộ Thông tin và Truyền thông cũng như trình bày rõ lược đồ quan hệ giữa các cơ sở dữ liệu của hệ thống.

Kết quả nghiên cứu có ý nghĩa thực tiễn trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý lâm nghiệp, đáp ứng nhu cầu cải tiến quản lý ngành lâm nghiệp TP.HCM nói riêng và cải tiến quản lý đô thị nói chung. Với hệ thống FORMIS, đơn vị ứng dụng là Chi cục Lâm nghiệp và Chi cục Kiểm lâm TP.HCM sẽ tăng hiệu quả quản lý, thúc đẩy cán bộ nâng cao trình độ tin học, nâng cao hiệu suất lao động.
 


Bệnh lỵ trực trùng xảy ra ở hầu hết các nước đang phát triển, có 4 loài chính gây bệnh lỵ trực trùng là Shigella dysenteriae, Shigella flexneri, Shigella sonnei và Shigella boydii. Bệnh này thuộc nhóm B trong luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, nhưng có tỷ lệ mắc và tử vong tương đối cao. Theo báo cáo của Khoa Kiểm soát và Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Viện Pasteur TP.HCM, tỷ lệ nhiễm bệnh lỵ trực trùng năm 2011 giảm 17,65% so với năm 2010, chiếm 5% trong số các trường hợp tiêu chảy tại khu vực phía Nam (có nơi 10-15% hoặc 20%). Tuy tỷ lệ ca mắc giảm nhưng số bệnh nhiễm Shigella vẫn trên 9.000 ca trên toàn khu vực phía Nam.

Đề tài được thực hiện nhằm khảo sát tình hình kháng kháng sinh trên bệnh nhân lỵ trực trùng tại Bệnh viện Nhi đồng I, TP.HCM. Trên tổng số 201 mẫu phân tiêu đàm máu được thu thập, tỷ lệ Shigella được phát hiện 5,47% (gồm Shigella sonnei và Shigella flexneri). 100% các chủng Shigella phân lập đều đa kháng; 45,45% chủng kháng trên 3 loại kháng sinh (ampicillin, tetracyline, nalidixic acid); 18,18% các chủng kháng với 6 loại kháng sinh (ampicillin, tetracyline, nalidixic acid, cefixim, sulfamethoxazone, cefotaxim); 9,09% các chủng kháng với 7 loại kháng sinh (ampicillin, tetracyline, nalidixic acid, cefixim, sulfamethoxazone, cefotaxim, azithromycin hoặc amoxycillin). Nồng độ ức chế tối thiểu của các chủng Shigella phân lập được đối với kháng sinh ampicillin là 128 µg/ml, ciprofloxacin là 0,125 µg/ml, cefixim va cefotaxim là 16 µg/ml, ceftazidime là 2 µg/ml, azithromycin là 10 µg/ml, và tetracyline là 64 µg/ml. Nồng độ ức chế tối thiểu của các chủng Shigella đang trên đà gia tăng so với các chủng trước đây. ESBL phát hiện trên đa số các Shigella phân lập, chiếm tỷ lệ 54,45%, trong đó, lần đầu tiên phát hiện các chủng Shigella tiết ESBL dạng TEM lưu hành tại TP.HCM. Ngoài ra, itergron lớp 2 là gene phổ biến trên cả 2 nhóm S.flexneri và S.sonnei, chưa tìm thấy chủng Shigella mang đồng thời 2 loại integron. Các chủng chứa integron đều thể hiện tính đa kháng đối với kháng sinh nghiên cứu. Qua đó cho thấy, Shigella kháng thuốc tiếp tục gia tăng và tiết ESBL đang là thách thức trong việc kiểm soát sự lây lan trong cộng đồng.
 



Đề tài ứng dụng một số phương pháp nghiên cứu về hóa học để đánh giá chất lượng nấm linh chi theo hợp chất dấu vân tay (fingerprint); nghiên cứu về sinh học và dược lý nhằm khảo sát tác dụng của nấm linh chi đỏ và linh chi vàng theo hướng tăng cường miễn dịch, bảo vệ cơ thể trước tổn thương oxy hóa và hoạt tính kháng ung thư thực nghiệm ở mức tế bào.

Nấm linh chi đỏ (Ganoderma lucidum)

Nấm linh chi vàng (Ganoderma colossum)

Kết quả cho thấy, nấm linh chi đỏ trồng ở Việt Nam có hàm lượng acid ganoderic A cao gấp 4,6 lần so với nấm linh chi đỏ Nhật Bản, và hàm lượng acid ganoderic A trong cao chiết cồn cao gấp 1,6 lần so với cao chiết nước; đã bước đầu xác định được những thành phần đường chính hiện diện trong polysaccharid chiết từ linh chi đỏ là glucose, xylose, galactose, mannose; trong nấm linh chi vàng là glucose, xylose, arabinose, galactose, sucrose.

Khảo sát tác dụng chống oxy hóa cho thấy, hoạt tính dập tắt gốc tự do DPPH của cao cồn và polysaccharid chiết từ linh chi đỏ tương đương nhau và mạnh hơn cao nước. Polysaccharid của linh chi vàng có hoạt tính khử gốc superoxid yếu hơn của linh chi đỏ. Kết quả xác định khả năng gây độc tế bào in vitro của các cao cồn và cao nước chiết từ nấm linh chi đỏ và vàng bằng thử nghiệm SRB và WST-1 trên các dòng tế bào ung thư cổ tử cung Hela, ung thư vú MCF-7, ung thư phổi NCI-H460 và A549 cho thấy, cao chiết cồn của linh chi vàng cho tỷ lệ gây độc tế bào trên dòng tế bào Hela cao nhất so với các cao chiết khác với nồng độ 92,6 µg/ml.

Các cao chiết từ nấm linh chi đỏ và vàng có tác dụng phục hồi sự giảm bạch cầu, hematocrit và thể tích trung bình hồng cầu gây ra bởi cyclophosphamid; có tác dụng bảo vệ gan, ức chế quá trình peroxy hóa tế bào gan theo cơ chế làm tăng glutathion nội sinh, điều chỉnh về mức bình thường sự gia tăng hoạt tính glutathion peroxidase gây ra bởi cyclophosphamid. Các cao chiết từ linh chi vàng còn có tác dụng phục hồi khả năng tái tạo tiểu cầu.

Về tác dụng tăng cường miễn dịch, khảo sát cho thấy, cao nước hoặc polysaccharid thô chiết từ nấm linh chi đỏ làm tăng trọng lượng tương đối của gan, lá lách và tuyến ức trên chuột tiêm cyclophosphamid. Cao chiết nước từ linh chi vàng làm tăng trọng lượng tương đối của tuyến ức ở chuột bình thường.

Kết quả nghiên cứu in vitro cho thấy, nấm linh chi đỏ và vàng có hoạt tính chống oxy hóa theo cơ chế khử gốc tự do và ức chế peroxy hóa lipid. Trên dòng tế bào ung thư cổ tử cung Hela và ung thư phổi A549, nấm linh chi vàng có hoạt tính độc tế bào theo cơ chế cảm ứng apoptosis. Như vậy, nấm linh chi đỏ và vàng thể hiện tác dụng tăng cường miễn dịch và tác dụng bảo vệ cơ thể trước những độc tính cyclophosphamid trên máu và trên gan.

Những kết quả thu nhận được từ đề tài đã củng cố thêm giá trị khoa học và khả năng sử dụng của các loại nấm dược liệu được nuôi trồng ở Việt Nam, góp phần định hướng phát triển và ứng dụng nấm dược liệu trong y học nhằm tạo ra các sản phẩm hỗ trợ tăng cường thể trạng, hỗ trợ điều trị một số bệnh lý như ung thư hoặc các tổn thương oxy hóa gan do thuốc và độc chất.
 
Bích Vân, STINFO số 5/2013
 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả