Tai nạn, thảm họa là điều không ai mong muốn. Tuy nhiên thực tế, nhiều tai nạn vẫn xảy ra (hỏa hoạn, động đất, bão lũ…) mà việc cấp cứu nạn nhân là rất quan trọng. Trong tình huống có nhiều nạn nhân không còn khả năng di chuyển cần được đưa ra khỏi vùng nguy hiểm một cách nhanh chóng, chúng ta sẽ xử trí thế nào? Nhà sáng chế Giang Mãng Phước (Cty Thiết bị Y tế Phước Vinh – TP.HCM) đã giới thiệu một giải pháp có thể giải quyết triệt để vấn đề này, đó là cáng cấp cứu cải tiến...
Ông Phước cho biết, trong lĩnh vực trang thiết bị y tế, hiện đã có nhiều giải pháp cho việc chuyển nạn nhân cấp cứu từ nơi này sang nơi khác. Tuy nhiên các phương pháp này (cáng cấp cứu cổ điển; cáng cấp cứu ngoại nhập; hoặc đôi khi chỉ là tấm vải, màn cửa cột vào hai thanh vật liệu bất kỳ tìm được trong lúc nguy cấp…) vẫn còn một số hạn chế như cồng kềnh, không linh động, cần có hai người mới di chuyển được một nạn nhân, giá thành cao, kết cấu phức tạp cần phải được hướng dẫn trước khi sử dụng hoặc dễ cháy, dễ bị hư hỏng, không đảm bảo an toàn tối thiểu cho nạn nhân… Trong khi đó, yêu cầu cơ bản của quá trình cấp cứu là phải chuyển nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm càng nhanh càng tốt. Dựa trên kết cấu của loại cáng cứu thương ngoại nhập, ông Phước đã nghiên cứu và cải tiến thành công cáng cấp cứu có thể giải quyết triệt để các hạn chế nói trên và đặc biệt phù hợp với điều kiện Việt Nam. Cáng cấp cứu cải tiến bao gồm khung hình chữ nhật với các cạnh dài là các đoạn lắp với nhau theo kiểu có thể gập lại được bởi các khớp nối xoay một chiều, tấm đỡ lắp trên khung, hai bánh xe kéo lắp ở đầu thứ hai của khung, hai chân đỡ lắp ở đầu thứ nhất của khung, đai an toàn để cố định nạn nhân vào cáng. Ưu điểm của cáng cải tiến so với cáng ngoại nhập là có thể gập lại làm 4 và thu nhỏ, không chiếm nhiều không gian khi chưa cần sử dụng. Nhờ có gắn thêm hai bánh xe nên việc sử dụng rất linh hoạt, giúp cho một người có thể cứu một người trong tình huống nguy cấp, trong khi cáng ngoại nhập phải cần đến hai người mới di chuyển được một nạn nhân. Một ưu điểm nữa là cáng được thiết kế đơn giản, dễ sử dụng nhưng lại rất tiện ích và có độ bền cao nhờ được làm bằng các vật liệu có độ bền chắc thích hợp và chống cháy. Cụ thể, thân cáng được chế tạo bằng hợp kim đặc biệt, mặt cáng làm bằng thép inox dày 0,8mm hoặc vải bố hoặc vật liệu chống cháy đặc biệt. Khối lượng toàn bộ cáng chỉ nặng 7 kg, với kích thước chiếm chỗ là 1.900 x 550 x 170 mm (dài x ngang x cao) và kích thước khi xếp gọn là 550 x 510 x 160 mm. Khi sử dụng chỉ cần một người nâng tại đầu có chân đỡ, đầu kia sẽ chuyển động trên bánh xe, nhờ đó có thể nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm một cách an toàn. Trong trường hợp không thể di chuyển cáng trên bánh xe (như trên cầu thang) thì tại 4 góc của tấm đỡ trên cáng đã có 4 lỗ khoét để hai người có thể nắm tay khiêng cáng lên.
Cáng cấp cứu cải tiến còn là phương tiện vận chuyển bệnh nhân trong vùng sâu, vùng chật hẹp (xe cứu thương không tiếp cận được bệnh nhân) ra nơi an toàn hoặc cho phép sử dụng như một thang thoát hiểm khẩn cấp hoặc ghép nhiều cáng thành thang cứu hộ… Do đó, ông Phước còn gọi đây là cáng cứu thương đa năng.
Với nhiều tiện ích cùng giá thành chế tạo thấp hơn hẳn so với cáng ngoại nhập, cáng cấp cứu cải tiến rất phù hợp trang bị tại nhiều nơi như chợ, y tế học đường, hội chữ thập đỏ, siêu thị, khách sạn, khu chế xuất, khu công nghiệp, nhà cao tầng, sân bay, tàu hỏa, bệnh viện, phòng chống lụt bão… trong các trường hợp xảy ra tai nạn, hỏa hoạn, thảm họa thương tích, động đất… Cáng cấp cứu cải tiến đã được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích năm 2006 và được sản xuất ứng dụng thực tiễn với giá 2 triệu đồng/sản phẩm (cáng ngoại nhập có giá 240 USD/sản phẩm). Sản phẩm cũng được đánh giá cao tại Giải thưởng Sáng chế TP.HCM 2008 bởi tiềm năng thương mại trên thị trường, tính hữu ích phục vụ ngành y tế trong cứu hộ cứu nạn và giá thành cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại cùng loại.
Ông Phước chia sẻ tâm đắc về sản phẩm chính là yếu tố con người. Bởi cáng cấp cứu cải tiến có thể giúp nạn nhân thoát khỏi vùng nguy hiểm đến nơi an toàn một cách nhanh nhất, đặc biệt là trong trường hợp hỏa hoạn, khi mà thời gian vài phút cũng có thể cứu được sinh mạng con người. Bên cạnh đó, sản phẩm lần đầu tiên được sản xuất tại Việt Nam này đã đáp ứng được nhu cầu của ngành y tế về trang thiết bị thay thế hàng ngoại nhập với giá thành thấp, chất lượng tương đương, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Nó cũng rất phù hợp với định hướng mà tại một hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã cho biết, đến năm 2010, ngành y tế chỉ nhập khẩu những trang thiết bị y tế chưa sản xuất được trong nước; Bộ Y tế từng bước xây dựng và trình Chính phủ xem xét ban hành các chính sách khuyến khích, ưu đãi đối với các cơ sở sản xuất trang thiết bị y tế thay thế hàng nhập khẩu… Tuy nhiên, ông Phước cũng trăn trở trong việc tiếp cận thị trường bởi tâm lý chung của người dân ta vẫn chuộng hàng ngoại hơn, chưa yên tâm với hàng Việt Nam. Do đó, cần đến một cơ chế chính sách khuyến khích và định hướng cụ thể trong việc chuyển giao trang thiết bị y tế sản xuất trong nước thay thế hàng ngoại nhập.