SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng chế về dụng cụ học tập

 

Phương pháp đọc sách bằng bút điện tử không cần in mã code trên sách

Số công bố đơn: 1830; ngày nộp đơn: 31/05/2011 tại Việt Nam; tác giả: Thomas Justin Tie Qiao Chan; đơn vị nộp đơn: Công ty Cổ phần Giáo dục & Công nghệ Thành phố Thông Minh; địa chỉ: 110 đường số 2, cư xá Đô Thành, phường 4, quận 3, TP. HCM.


Bút điện tử thông minh (bút chấm đọc) được xem là công cụ hữu dụng hỗ trợ trẻ em học ngoại ngữ hiện nay, giúp trẻ phát âm chuẩn hơn. Thông thường loại bút này được dùng kèm với sách số - tức sách có nội dung giống hệt sách thường, nhưng bề mặt giấy được tráng một lớp vật liệu đặc biệt để phủ mã code lên từng trang sách. Nhờ đọc mã code in trên sách, bút điện tử có thể nhận biết và phát âm nội dung.


Giải pháp hữu ích đề cập đến phương pháp đọc sách bằng bút điện tử mà không cần công nghệ in mã code trên từng trang sách. Cụ thể là nhờ một tấm kẹp bằng nhựa trong suốt với bề mặt được mã code toàn bộ nội dung của cuốn sách. Một phần mềm có thể giải mã code được in trên tấm kẹp bằng nhựa sẽ chuyển mã code thành âm thanh tương ứng.


Cách sử dụng: kẹp tấm kẹp bằng nhựa vào trang sách cần đọc, sau đó chỉ đầu bút điện tử vào vị trí cần đọc trên trang sách, lúc này phần mềm sẽ giải mã nội dung cần đọc đó để âm thanh phát ra từ bút điện tử.
 

 

Dụng cụ phòng ngừa bệnh cận thị sử dụng kết hợp với bàn học


Số bằng sáng chế: 2-0000753; cấp ngày: 19/01/2009 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Nguyễn Đức Thắng; địa chỉ: số 14, hẻm 420/24/7, đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.


Nguyên nhân chính gây ra bệnh cận thị ở học sinh là kích thước bàn ghế không phù hợp. Giải pháp hữu ích đề cập đến dụng cụ phòng ngừa bệnh cận thị sử dụng kết hợp với bàn học. Nhờ tính năng thay đổi chiều cao; khi gắn dụng cụ vào bàn học ngay trước ngực trẻ sẽ giúp trẻ không cúi quá sát khi đọc, viết.
 

Kết cấu dụng cụ gồm bộ phận ngăn cản và bộ phận đỡ. 

Dụng cụ phòng ngừa bệnh cận thị

 

1. Bộ phận ngăn cản: gồm thanh ngăn cản (2) được lắp ráp với bộ phận đỡ hoặc chế tạo liền khối với bộ phận đỡ. Khi cần mặt bàn trống để làm việc khác, có thể nới vít (6), rồi xoay thanh ngăn cản (2) vuông góc với vị trí ban đầu. Khi đó thanh ngăn cản (2) sẽ nằm song song với mép chiều rộng của bàn.
 

2. Bộ phận đỡ: gồm hai chân đỡ là chân đỡ (3) và chân đỡ (5).
 

• Chân đỡ (3): có đế (4) và thân đỡ (7). Đế (4) đặt trên mặt sàn để đỡ toàn bộ dụng cụ phòng ngừa bệnh cận thị.
 

• Chân đỡ (5): đặt trên mặt bàn để đỡ đầu kia của thanh ngăn cản (2).
Có thể điều chỉnh dễ dàng chiều cao của bộ phận ngăn cản so với mặt bàn nhờ nới vít (6) và di chuyển thanh ngăn cản (2) dọc theo thân đỡ (7) đến vị trí có độ cao thích hợp. Chân đỡ (5) cũng có cấu tạo để điều chỉnh được độ cao so với mặt bàn tương tự như trên.

 

Bút chì không cần chuốt
 

Số công bố đơn: 22409; ngày nộp đơn: 30/09/2008 tại Việt Nam; tác giả và người nộp đơn: Nguyễn Trọng Hào; địa chỉ: 2/24 Lý Thường Kiệt, phường 09, quận Tân Bình, TP. HCM.

Nhược điểm của bút chì khi sử dụng là phải chuốt liên tục, riêng loại bút chì bấm, người dùng thường gặp khó khăn với việc điều chỉnh chiều dài đoạn ngòi bút được bấm ra. Sáng chế đề cập đến một loại bút chì không cần chuốt có ruột rời, dễ điều chỉnh chiều dài ngòi. Kết cấu bút chì theo sáng chế có phần nắp vặn được lắp với phần thân bút bằng ren. Khi nắp được vặn vào trong, kim đẩy ở phía trong nắp vặn sẽ đẩy ruột bút ra một đoạn tùy ý. Sáng chế bút chì không cần chuốt vừa tiện dụng, tiết kiệm nguyên liệu làm bút lại không gây ô nhiễm môi trường.
 

Bút chì không cần chuốt

 

Cặp học sinh kiêm phao cứu sinh


Số bằng sáng chế: 2-0000731; cấp ngày: 08/09/2008 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Phạm Quang Huy; địa chỉ: số 11 tập thể bưu điện, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định.
 

Cặp kiêm phao cứu sinh

 

Sáng chế đề xuất loại cặp học sinh được kết hợp thêm các vật tạo sức nâng để có tác dụng như một chiếc phao, đặc biệt thích hợp cho học sinh tại các khu vực nhiều sông, rạch.
 

Cặp học sinh theo sáng chế không khác biệt nhiều so với cặp đi học bình thường, kết cấu gồm chi tiết hình túi, có mặt trước (1), mặt sau (2) và nắp đậy (3). Nắp đậy (3) kéo dài từ mép trên của mặt sau (2) trùm lên một phần của mặt trước (1) và được trang bị khóa để gài vào mặt trước (1). Quai đeo (4) được gắn vào các mép trên và mép dưới, hoặc gắn vào mép bên của mặt sau (2).
 

Cặp được làm bằng vật liệu nhẹ, giúp tạo sức nâng cho người đeo khi bị rơi xuống nước. Đặc biệt giữa những lớp vật liệu dùng làm cặp có gắn thêm các vật tạo sức nâng (13, 14) làm từ bọt xốp polyuretan, nhờ đó cặp sẽ trở thành một chiếc phao hữu ích cho các em trong những tình huống ngặt nghèo.
 

Qua thử nghiệm, chiếc cặp theo sáng chế có thể nâng một người nặng khoảng 50 kg nổi trên mặt nước mà không cần tác động nào từ cơ thể. Cặp nặng khoảng 0,6 kg; phù hợp với các em học sinh từ lớp 5 trở xuống.


Que tính tập đếm dùng cho học sinh


Số bằng sáng chế: 2-0000446; cấp ngày: 17/01/2005 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Đinh Văn Bằng; địa chỉ: 581 Nguyễn Kiệm, Phường 9, Quận Phú Nhuận, TP. HCM.
 

Que tính là công cụ giúp bé tập đếm và làm toán dễ dàng hơn. Nhược điểm của các que tính hình tròn là thường bị lăn trên mặt bàn, dễ thất lạc. Giải pháp hữu ích đề cập đến que tính tập đếm ít bị lăn dành cho học sinh.
 

Que tính theo sáng chế có dạng ống rỗng dài 20cm, làm bằng nhựa. Phần rỗng bên trong có tiết diện là hình tròn đường kính 2,8mm. Tiết diện mặt ngoài có hình lục giác đều với đường kính của vòng tròn đi qua các đỉnh là 4mm, nhờ đó que tính không bị lăn trên mặt bàn khi sử dụng. Cấu trúc này cũng giúp que tính khó bị uốn cong, bẻ gãy.
 

 

Phấn viết bảng không bụi và quy trình sản xuất phấn viết bảng này

Số bằng sáng chế: 1-0005055; cấp ngày: 12/07/2005 tại Việt Nam; tác giả: Cô Gia Thọ; chủ bằng: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Thiên Long; địa chỉ: lô 6-8-10 đường số 3, khu công nghiệp Tân Tạo, huyện Bình Chánh, TP. HCM.
 

Bụi phấn thường gây ra các bệnh lý đường hô hấp cho học sinh và giáo viên. Sáng chế đề xuất phấn viết bảng không bụi và quy trình sản xuất phấn viết này. Phấn được phủ một lớp polymer không tan trong nước bằng cách nhúng vào dung dịch polymer có chứa ít nhất một polymer hòa tan trong nước, chất tạo phức và các phụ gia khác.
 

Dưới tác dụng của tác nhân tạo rắn như nhiệt độ, ánh sáng; lớp polymer này sau khi được phủ lên bề mặt sẽ tạo thành phức không tan trong nước trên bề mặt của phấn. Phấn viết theo sáng chế không để lại bụi phấn khi viết, không độc hại, đảm bảo vệ sinh và sức khỏe cho người tiêu dùng. Tốc độ mài mòn phấn ít nên đỡ hao khi sử dụng. Loại phấn này còn có khả năng chống ẩm, đảm bảo giữ nguyên giá trị sử dụng sau thời gian dài không được bảo quản trong điều kiện khô ráo.


Sáng chế cũng đề xuất quy trình sản xuất đơn giản để giá thành sản xuất loại phấn trên tăng không đáng kể so với phấn thông thường, nhờ đó giữ nguyên đặc tính rẻ tiền và tiện dụng của phấn viết.
 

MINH NHẬT, STINFO số 9/2013


 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả