SpStinet - vwpChiTiet

 

Sáng chế hỗ trợ người khuyết tật



Không dừng lại ở thương cảm mơ hồ hay xúc động nhất thời, những sáng chế nhân văn mang món quà hữu ích nhất dành tặng người khuyết tật: sự tự chủ và khả năng hòa nhập với cộng đồng.


Xe máy ba bánh có lắp cơ cấu nâng hạ xe lăn dùng cho người khuyết tật


Số bằng sáng chế: 1-0009460; cấp ngày: 18/07/2011 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Lê Xuân Sinh; địa chỉ: số 58 đường Trần Hưng Đạo, phường Nam Ngạn, TP. Thanh Hóa. 
Cơ cấu nâng – hạ xe lăn lắp trên xe máy ba bánh.

Xe lăn được xem là đôi chân của người khuyết tật nhưng lại khó di chuyển trên đường phố đông đúc. Còn nếu dùng xe máy, người khuyết tật phải nhờ trợ giúp nếu muốn chuyển từ xe máy sang xe lăn hoặc ngược lại. Sáng chế đề cập đến xe máy ba bánh có lắp cơ cấu nâng hạ xe lăn dùng cho người khuyết tật hai chân, với hệ thống đường ray giúp xe lăn dễ dàng lên xuống xe máy. Xe lăn độc lập sẽ được định vị trên xe máy trong quá trình di chuyển.
 
• Xe lăn sử dụng là xe lăn thông thường dành cho người khuyết tật.
 
Xe máy ba bánh có kết cấu gồm: khung xe (1a), bánh trước (1b), các bánh sau (1c), tay lái (1d), động cơ đốt trong (12), và các bộ phận khác như phanh, bảng điện, …
 
Cơ cấu nâng hạ xe lăn: gồm các ray dẫn hướng (3), (4) có tiết diện ngang hình chữ U. Các ray (3) lắp cố định trên sàn xe và song song với nhau sao cho khoảng cách giữa chúng bằng khoảng cách giữa bánh trước và bánh sau của xe lăn. Các ray (4) nối với các ray (3) từng đôi một và nối với nhau bởi các thanh giằng (7) để tạo thành khung hình chữ nhật. Đầu sau của các ray (4) được nối với thanh cong có hình nửa ovan (6), tạo thành cầu dốc nhằm dẫn hướng xe lăn lên và xuống xe máy.
 
Cơ cấu nâng hạ cầu dốc: gồm tay cầm (8), các thanh truyền (9) được nối với nhau, với một đầu của tay cầm (8) và với ray (4) bằng các khớp xoay. Khi đẩy tay cầm (8) về phía trước, các thanh truyền (9) sẽ di chuyển theo và kéo cầu dốc lên. Thanh hãm và chốt hãm cố định tay cầm (8) khi xe lăn đã ở vị trí cố định.

Việc vận hành xe rất đơn giản. Hạ cầu dốc xuống, đẩy xe lăn vào hệ thống ray dẫn hướng, nâng cầu dốc lên. Sau khi định vị ghế ngồi, người sử dụng có thể khởi động máy và di chuyển như xe máy bình thường. 
 
 
Thiết bị điều khiển xe lăn
 
Số công bố đơn: 27044; ngày nộp đơn: 10/01/2011 tại Việt Nam; tác giả và người nộp đơn: Rong Jen Wu; địa chỉ: No. 14, Lane 291, Shin-Te St., Pyng- Jenn City, Taoyuan, Taiwan. 

Sáng chế đề cập đến thiết bị điều khiền xe lăn, hỗ trợ người khuyết tật di chuyển dễ dàng hơn mà không quá tốn sức. Kết cấu thiết bị gồm: 

Cần lái: lắp xoay quanh trục của bánh lái ở hai bên khung ghế.
 
Cụm phanh: lắp đặt tại vị trí tương ứng với bánh lái, dùng để hãm hoặc nhả bánh lái bằng phanh tay.
 
Như vậy, thay vì trực tiếp dùng tay, người sử dụng có thể hãm hoặc nhả bánh lái thông qua cụm phanh, dễ dàng kéo – đẩy cần lái qua lại để điều khiển bánh lăn về phía trước hay phía sau, nhờ đó vận hành và kiểm soát xe lăn dễ dàng, thuận tiện, ít tốn sức và an toàn hơn.

Xe lăn có gắn thiết bị điều khiển.

 
Xe tập đi / đứng an toàn dùng cho người bại liệt

Số bằng sáng chế: 1-0008394; cấp ngày: 19/04/2010 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Võ Duy Trữ; địa chỉ: 142 Hoàng Diệu, quận Hải Châu, TP. Đà Nẵng.
 
Xe tập đi/ đứng dùng cho người bại liệt là loại thiết bị y tế hỗ trợ các bệnh nhân bị liệt bán thân do tai biến, ngoài ra cũng hữu ích cho người bị tai nạn giao thông và những người có khuyết tật về chân.
 
Dụng cụ tập đi/ đứng thông thường chỉ có một chức năng, hoặc đi, hoặc đứng. Bệnh nhân cần có không gian rộng để di chuyển và cần người trợ giúp suốt quá trình tập. Các dụng cụ này cũng có kích thước cố định nên chỉ thuận lợi với những bệnh nhân có chiều cao phù hợp.
 
Sáng chế đề cập đến xe tập đi/ đứng an toàn có thể khắc phục các nhược điểm trên. Xe tập theo sáng chế là sự kết hợp giữa kiểu xe tập đi của trẻ em với cặp nạng, có thể chuyển động lẫn cố định để người tập sử dụng được cả hai chức năng: tập đi và tập đứng.

Kết cấu xe đơn giản gồm các bộ phận lắp ráp cơ học, kết hợp với hệ thống ống trượt nên dễ dàng điều chỉnh kích thước phù hợp với chiều cao người sử dụng.

• Vòng dưới (1) do bốn đoạn ống lắp ghép với nhau. Trong đó, hai đoạn hai bên có thể gấp lên vuông góc với mặt phẳng vòng dưới. Đoạn phía trước (5) có thể mở ra, đóng lại.

• Vòng trên (7) do hai đoạn ống lắp ghép lại, trong đó đoạn phía trước (8) có thể mở ra đóng lại được.

• Năm ống trượt dưới (3) được lắp vào vòng dưới (1). Năm ống trượt trên (9) được lắp vào vòng trên (7) và lần lượt lồng vào trong lòng năm ống trượt dưới (1).

• Hai cây nạng (11) được lồng vào trong lòng hai ống trượt dùng cho cặp nạng (10) gắn ở vòng trên (7).


Xe kết hợp tập đi-tập đứng cho người bại liệt có thể điều chỉnh kích thước.
Xe tập theo sáng chế còn có hai dây nịt an toàn, võng ngồi bằng vải gắn trên xe (tương tự võng ngồi trên xe tập đi trẻ em).
 
Hệ thống dẫn động dùng cho xe lăn để di chuyển qua chướng ngại vật dạng bậc

Số bằng sáng chế: 1-0007487; cấp ngày: 19/01/2009 tại Việt Nam; tác giả và chủ bằng: Stairbike A.S; địa chỉ: Sedlackova 212/11 30100 Plzen, Czech Republic.
 
Các hệ thống dẫn động thông thường hỗ trợ người điều khiển xe lăn di chuyển qua chướng ngại vật dạng bậc (chẳng hạn như bậc cầu thang) có kết cấu rất phức tạp, cần được trang bị bộ dẫn động điện từ và máy tính để điều chỉnh độ cân bằng của xe lăn khi qua chướng ngại vật. Trên thực tế, mức giá cho hệ thống này khá cao.

Hệ thống dẫn động dùng cho xe lăn theo sáng chế có kết cấu đơn giản với một chi tiết hỗ trợ hình chữ thập quay được, chỉ sử dụng sức người cũng có thể di chuyển qua chướng ngại vật dạng bậc nên có giá cả phù hợp hơn.

Xe lăn đi trên đường phẳng, chi tiết chữ thập được nâng lên Xe lăn di chuyển trên cầu thang nhờ chi tiết chữ thập xoay được
 
Xe lăn gồm ghế ngồi (2), các bánh xe (8) được bố trí ở hai phía của ghế ngồi (2), trong đó có ít nhất một bánh xe ổn định ở phía trước (10). 

Hệ thống dẫn động gắn trên xe có kết cấu gồm:

• Các đòn (6): được gắn chặt ở hai phía ghế ngồi (2), trên đó gắn các trục của bánh xe (8) trượt được về cả hai vị trí đầu mút của đòn (6).
 
• Các đòn khuỷu (9): được bố trí ở hai phía của ghế ngồi (2).
 
• Chi tiết gài khớp có dạng hình chữ thập quay được (3): đặt ở hai phía trong phần sau của ghế ngồi (2). Mỗi đòn khuỷu (9) được nối với chi tiết gài khớp (3) tương ứng ở cùng phía của ghế ngồi (2) thông qua bộ truyền động bánh răng (5), nhờ đó chuyển động quay của đòn khuỷu (9) được truyền tới chi tiết gài khớp (3).

Xe lăn đi trên đường phẳng, chi tiết chữ thập được nâng lên.
 

Xe lăn di chuyển trên cầu thang nhờ chi tiết chữ thập xoay được.


• Bộ truyền động bánh răng (5): có lẫy (7) để ngăn ngừa chuyển động quay ngược của đòn khuỷu (9).

Khi cần di chuyển, người điều khiển xoay phần lưng xe lăn hướng về chướng ngại vật dạng bậc. Sau đó, lùi xe đến vị trí sao cho xe lăn không chỉ tì lên mặt đất bằng các bánh xe, mà còn bằng chi tiết gài khớp hình chữ thập quay được, rồi lăn bánh xe về phía trước. Ở vị trí này, nhờ chi tiết quay được hình chữ thập phía sau, xe lăn có thể di chuyển qua hầu hết các chướng ngại vật dạng bậc trên đường, bao gồm cả các bậc cầu thang thông thường. Sáng chế cho phép xe lăn vượt chướng ngại vật dạng bậc theo cách rất đơn giản mà không cần bất kỳ hỗ trợ nào từ bên ngoài.
 


 
MINH NHẬT,STINFO Số 11/2013

  

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả