Đẩy mạnh hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) tại cơ sở là một trong những giải pháp quan trọng để hoạt động KH&CN thực sự đi vào đời sống, là động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng thời bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội.
Mở rộng hoạt động khoa học và công nghệ tại các sở ngành
Hoạt động KH&CN tại các sở ngành thời gian qua chỉ tạm dừng ở việc tham gia các đề tài nghiên cứu thuộc các chương trình KH&CN của Sở KH&CN TP.HCM.
Hội nghị giao ban công tác khoa học và công nghệ quận - huyện TP.HCM năm 2012
Tháng 4/2012, lần đầu tiên hội nghị phối hợp triển khai hoạt động KH&CN tại sở ngành được Sở KH&CN TP. HCM tổ chức nhằm xác định phương thức tổ chức, nhiệm vụ và các biện pháp phối hợp triển khai hoạt động KH&CN tại các sở ngành. Hoạt động KH&CN trong giai đoạn đầu triển khai thí điểm tại 35 đơn vị. Hoạt động KH&CN tại các sở ngành tương đối mới, nhưng đã triển khai được một số hoạt động như sau:
- Xây dựng mạng lưới nhân lực theo dõi và triển khai các hoạt động KH&CN tại các sở ngành;
- Tổ chức cho các sở ngành đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ gắn với các chương trình KH&CN của Sở KH&CN và đặt hàng nghiên cứu ứng dụng. Kết quả Sở Giao thông Vận tải có 04 đề tài tự nghiên cứu và 06 đề tài đặt hàng, Sở Công thương: 01 đề tài đặt hàng, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: 01 đề tài tự nghiên cứu và 03 đề tài đặt hàng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: 01 dự án, Sở Tài nguyên và Môi trường: 01 dự án.
- Triển khai ứng dụng KH&CN phục vụ công tác quản lý của các sở ngành được chú trọng. Kết quả đã triển khai xây dựng hệ quản lý khách sạn trên địa bàn TP.HCM tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, bắt đầu tiến hành xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 – 2008 tại Ban Quản lý khu Nam.
Đã tiến hành khảo sát, xây dựng đề cương thực hiện và chuẩn bị tiến hành xây dựng hệ quản lý di sản trên địa bàn TP.HCM tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Chuẩn bị tiến hành khảo sát xây dựng hệ quản lý và số hóa tài liệu thẩm định giá và dự án đầu tư cho Sở Tài chính; hệ quản lý và số hóa tài liệu quản lý doanh nghiệp cho Ban Quản lý Đổi mới doanh nghiệp.
- Tổ chức các lớp tập huấn hướng dẫn quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học cho các phòng ban, đơn vị trực thuộc sở ngành (03 lớp cho cán bộ ngành y tế và 01 lớp cho cán bộ văn hóa, thể thao, du lịch).
- Ngoài ra Sở KH&CN TP.HCM đã phối hợp Sở Xây dựng tổ chức hội thảo “Công nghệ sản xuất và ứng dụng cọc nhựa uPVC chống sạt lở bờ kè”, hội thảo “Phổ biến sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng trên địa bàn TP. HCM” cho các doanh nghiệp ngành xây dựng; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức lớp tập huấn về các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho khách sạn 3 -5 sao và lớp tập huấn về các giải pháp tiết kiệm năng lượng cho nhà thi đấu thể thao tại TP.HCM.
Tuy đã được triển khai trong năm 2012, nhưng hiện nay chưa có các quy định hướng dẫn cụ thể từ Trung ương và của Thành phố cho hoạt động KH&CN tại các sở ngành. Vì thế, chưa định hình được cơ chế hoạt động, nội dung hoạt động một cách cụ thể, nên vừa chủ động tổ chức triển khai, vừa học hỏi và đúc kết kinh nghiệm.
Tổ chức triển khai các hoạt động KH&CN tại sở ngành gặp không ít khó khăn, chưa được đồng bộ và hiệu quả chưa cao vì mỗi sở ngành có các chức năng nhiệm vụ khác nhau, tổ chức đầu mối triển khai hoạt động KH&CN cho từng sở ngành chưa được hoàn thiện. Đồng thời, việc triển khai các hoạt động KH&CN bao gồm nhiều nội dung khác nhau như tuyên truyền, đào tạo, phối hợp trong công tác thanh kiểm tra, nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ, sở hữu trí tuệ, hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng cho công tác quản lý tại các sở ngành và các doanh nghiệp,…
Năm 2013, hoạt động KH&CN tại các sở ngành sẽ tiếp tục được tăng cường. Sở KH&CN sẽ phối hợp với các sở ngành để xây dựng kế hoạch hoạt động KH&CN năm 2013 cho từng sở ngành và triển khai các nội dung hoạt động cụ thể theo kế hoạch.
Một số ghi nhận về hoạt động KH&CN trên địa bàn quận huyện
Trong năm qua, nhiều hoạt động KH&CN trên địa bàn quận huyện được triển khai như tuyên truyền phổ biến pháp luật về KH&CN; triển khai ứng dụng đề tài, dự án KH&CN; tổ chức khảo sát, xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý; kiểm tra trong lĩnh vực KH&CN; tổ chức hỗ trợ kiểm định cân cho các tiểu thương; thành lập hội đồng KH&CN cấp quận huyện, huấn luyện nghiệp vụ cho cán bộ phụ trách KH&CN, …đã tạo nền tảng để các quận huyện phát triển hoạt động KH&CN phù hợp phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.
Các quận huyện đã phối hợp với Sở KH&CN tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu, liên kết với các đơn vị thực hiện để triển khai ứng dụng đề tài, dự án KH&CN cho các phòng ban, đơn vị và cơ sở, doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận huyện. Các chương trình đã thực hiện như:
- Xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Sữa Củ Chi” cho UBND huyện Củ Chi.
- Hệ thống quản lý chất thải rắn cho Phòng Tài nguyên - Môi trường quận 7, quận 10, quận Gò Vấp.
- Thiết kế hệ thống đèn chiếu sáng dân lập trên địa bàn phường 8 quận 6.
- Xây dựng mô hình trồng chuối giá trị cao tại xã Trung An huyện Củ Chi.
- Hệ thống quản lý nhân khẩu tại phường 4 quận 8, phường Bình Thọ và Linh Tây, quận Thủ Đức .
- Công cụ quản lý doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho Phòng Kinh tế một số quận huyện.
Hoạt động kiểm định cân cho các tiểu thương trên địa bàn bắt đầu được triển khai trong năm vừa qua dưới hình thức phối hợp giữa Phòng Kinh tế, Ban Quản lý các chợ và các đơn vị kiểm định. Theo đó, các quận huyện phối hợp cùng đơn vị kiểm định triển khai trực tiếp tại các chợ, phục vụ nhu cầu kiểm định cho các tiểu thương. Trong năm 2012 đã tổ chức kiểm định 8.981 cân thông dụng tại các chợ và 121 cân kỹ thuật cho các cơ sở kinh doanh khác. Hoạt động này đã giúp các Ban Quản lý chợ kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng cân trong kinh doanh theo đúng quy định pháp luật và cũng hỗ trợ các tiểu thương tiết kiệm chi phí, công sức trong việc kiểm định cân thông dụng.
Về hoạt động kiểm tra trong lĩnh vực KH&CN, các quận huyện đã tiến hành kiểm tra tại 2.576 doanh nghiệp, hộ kinh doanh (trong đó có 1.377 hộ kinh doanh là tiểu thương tại các chợ) với các nội dung kiểm tra chính như sau:
- Kiểm tra tem kiểm định, giấy chứng nhận kiểm định phương tiện đo tại các cơ sở kinh doanh vàng.
- Kiểm tra tem kiểm định, dấu kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định cột đo xăng dầu tại các cơ sở kinh doanh xăng dầu.
- Kiểm tra tem kiểm định, dấu kiểm định và giấy chứng nhận kiểm định cân lò xo tại các ban quản lý chợ, cơ sở kinh doanh tại các chợ bán lẻ.
- Kiểm tra dấu hợp quy, hồ sơ chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy mũ bảo hiểm tại các cơ sở kinh doanh mũ bảo hiểm.
- Kiểm tra hàng đóng gói sẵn gồm: sản phẩm là khí dầu mỏ hóa lỏng (gas) và một số mặt hàng thực phẩm khác.
Tuy nhiên, nội dung kiểm tra mới chỉ dừng ở mức kiểm tra tính pháp lý của các đối tượng quản lý (cân kỹ thuật, trụ bơm xăng dầu, mũ bảo hiểm, đồ chơi trẻ em ...)
Hoạt động kiểm tra chưa triển khai được hết các nội dung thanh tra kiểm tra về chất lượng hàng hóa vì một số lý do như: tại các quận huyện chưa có các cán bộ kỹ thuật được đào tạo về việc kiểm định chất lượng hàng hóa, trong khi lực lượng cán bộ kỹ thuật tại Sở KH&CN còn mỏng, chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu từ 24 quận huyện; các phương tiện, thiết bị kỹ thuật để kiểm định chất lượng hàng hóa chưa được đầu tư cho các quận huyện. Do đó việc sử dụng các phương tiện kiểm định của Sở KH&CN chưa thể đáp ứng được hết các nhu cầu.
Nhằm mục tiêu phát triển hoạt động KH&CN tại cơ sở, đưa KH&CN ứng dụng vào cuộc sống một cách hiệu quả, kịp thời và nâng cao năng lực và hiệu quả công tác quản lý nhà nước về KH&CN, các quận huyện, sở ngành cần chủ động hơn nữa trong việc triển khai các nội dung hoạt động về KH&CN theo yêu cầu cụ thể, đặc thù của từng lĩnh vực chuyên ngành, từng địa bàn.
Anh Trung, STINFO Số 1&2/2013