Khảo sát kiến thức cơ bản của cán bộ y tế nhà nước và y tế tư nhân vể chẩn đoán và sử dụng thuốc sốt rét tại Thừa Thiên - Huế
21/03/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Võ Đại Tùng (Sở Y tế Thừa Thiên - Huế), Hoàng Kim Huyền (Trường ĐH Dược Hà Nội), Trương Văn Như (Viện sốt rét, côn trùng và kí sinh trùng Trung ương) thực hiện nhằm tìm hiểu kiến thức cơ bản của cán bộ y tế nhà nước và tư nhân về chẩn đoán và sử dụng thuốc sốt rét tại một số cơ sở y tế ở Thừa Thiên - Huế, từ đó phát hiện những sai sót nhằm có biện pháp chấn chỉnh kịp thời để góp phần nâng cao chất lượng điều trị sốt rét cho Thừa Thiên - Huế.
Nghiên cứu tiến hành từ 7/2006-8/2006 với các cán bộ y tế nhà nước, bác sĩ tư nhân, người bán thuốc tại các cơ sở dược tư nhân.
Kết quả cho thấy, về kiến thức của cán bộ y tế nhà nước, có 66,7% số người trả lời đúng nội dung về chẩn đoán và sử dụng thuốc sốt rét cho các đối tượng đặc biệt; có 70,6% cán bộ y tế tuyến bệnh viện trả lời đúng nội dung về điều trị sốt rét.
Về kiến thức của y tế tư nhân, có 54,2% số người trả lời đúng nội dung về chẩn đoán và sử dụng thuốc sốt rét cho các đối tượng đặc biệt; có 74,1% thầy thuốc tư nhân trả lời đúng nội dung về sử dụng thuốc điều trị sốt rét; có 16,8% người bán thuốc tư nhân trả lời đúng nội dung về thuốc sốt rét thiết yếu.
Từ đó, nhóm tác giả đề xuất cục quản lý Dược Việt Nam nên yêu cầu các công ty, Xí nghiệp Dược phẩm có sản xuất, nhập khẩu thuốc sốt rét phải in “hướng dẫn sử dụng thuốc” đi kèm thuốc sốt rét đúng phác đồ hiện hành của Bộ Y tế và khi có sự thay đổi phác đồ điều trị được ban hành thì phải sửa đổi, hướng dẫn lại trước khi đưa thuốc ra thị trường. Sở Y tế, Trung tâm phòng chống sốt rét – kí sinh trùng – côn trùng Thừa Thiên - Huế nên tổ chức tập huấn và kiểm tra kiến thức chẩn đoán, điều trị định kỳ cho các tuyến cơ sở, bệnh viện của hệ thống y tế nhà nước có điều trị sốt rét và các phòng khám chữa bệnh tư nhân, các cơ sở dược có nhu cầu.
LV (nguồn: TC Dược học số 381, 1/2008)