Bước đầu nghiên cứu sử dụng shunt tạm thời trong phẫu thuật tổn thương mạch máu kết hợp tổn thương xương khớp chi thể
26/02/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Nguyễn Trường Giang, Nguyễn Hải Chiều, Vũ Đình Thành (Bệnh Viện 103) thực hiện nhằm nghiên cứu một số đặc điểm dịch tễ, lâm sàng và cận lâm sàng của tổn thương mạch máu kết hợp; bước đầu nghiên cứu kỹ thuật và hiệu quả của shunt tạm thời trong phẫu thuật điều trị tổn thương mạch máu kết hợp.
Tổn thương mạch máu kết hợp tổn thương xương khớp và phần mềm chi thể không hiếm gặp trong cả thời chiến và thời bình. Tỷ lệ cắt cụt do tổn thương mạch máu ngoại vi là 4,8% trong đó 60% do tổn thương mạch máu kết hợp với tổn thương xương khớp. Chẩn đoán và xử trí sớm nhằm tái lập tuần hoàn, rút ngắn thời gian thiếu máu là yếu tố quyết định đến khả năng bảo tồn chi thể. Nhiều tác giả cho rằng phương pháp tối ưu trong phẫu thuật điều trị tổn thương mạch máu kết hợp tổn thương xương khớp là sử dụng shunt tạm thời. Bệnh nhân được nhanh chóng đặt shunt nội mạch đảm bảo tưới máu chi, tiến hành cố định xương gãy và sau đó khâu nối mạch máu. Như vậy vừa không làm tăng thời gian thiếu máy vừa tạo sự ổn định khi khâu nối mạch máu.
Nghiên cứu tiến hành với 18 bệnh nhân tổn thương mạch máu ngoại vi kết hợp hợp tổn thương xương, khớp và phần mềm chi thể điều trị tại Bệnh Viện 103.
Kết quả cho thấy, tuổi bệnh nhân từ 19-45, trung bình 32,7 ± 8,3; tổn thương mạch máu kết hợp tổn thương xương khớp và phần mềm chi thể thường gặp ở nam giới (94,4%), tuổi trẻ và nguyên nhân chủ yếu là do tai nạn giao thông (88,9%). Gãy xương sai khớp vùng gối và tổn thương động mạch khoeo, mạch cẳng chân chiếm tỷ lệ lớn (66,7%). Hình thái tổn thương chủ yếu là bầm dập thành mạch kết hợp với đứt mạch (55,5%), điểm MESS trung bình là 4,8 ± 0,8. Chẩn đoán chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng là mất mạch, chi lạnh, tái nhợt và tê bì. Siêu âm doppler là biện pháp cận lâm sàng có giá trị. Đặt shunt tạm thời được sử dụng với tổn thương mạch đùi, khoeo và cánh tay, shunt tạm thời làm giảm thời gian thiếu máu chi trung bình 80,1 ± 42,1 phút, không có biến chứng và cho kết quả tốt. Khâu nối mạch 61,1%, ghép mạch bằng tĩnh mạch hiển tự thân chiếm 33,3%. Cố định ngoài là phương pháp chủ yếu (65,0%), ít gây tổn thương tuần hoàn bên, vững chắc và dễ dàng chăm sóc tổn thương phần mềm sau mổ.
LV (nguồn: Tạp Chí Y học thực hành, số 12/2007)