Đánh giá hiệu quả và độ an toàn của carvedilol trong điều trị tăng huyết áp nhẹ và vừa tại Bệnh Viện Bạch Mai
22/02/2008
KH&CN trong nước
KH&CN trong nước
Đề tài do các tác giả Vũ Đình Hòa, Hoàng Kim Huyền (Trường ĐH Dược Hà Nội), Tạ Mạnh Cường (Bệnh Viện Bạch Mai) thực hiện nhằm đánh giá tác dụng của carvedilol trên huyết áp ở các bệnh nhân tăng huyết áp nhẹ và vừa; theo dõi các tác dụng không mong muốn (ADR) gặp phải trong quá trình nghiên cứu.
Nghiên cứu tiến hành với các bệnh nhân tăng huyết áp được điều trị tại Bệnh Viện Bạch Mai trong thời gian nghiên cứu từ tháng 2/2006 đến hết tháng 10/2006; thuốc nghiên cứu là viên nén carvedilol 12,5 mg, biệt dược dilatrend của Hãng Hoffmann – La Roche.
Kết quả cho thấy, về tác dụng của carvedilol trên huyết áp, sau 2 tháng điều trị bằng carvedilol, huyết áp tâm thu trung bình của bệnh nhân giảm được 26,7 ± 8,7 mmHg, huyết áp tâm trương trung bình của bệnh nhân giảm được 17,8 ± 5,9 mmHg; huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương của bệnh nhân giảm đáng kể trong tháng đầu tiên và tháng thứ 2 (PT1-T0 và PT2-T1 <0,01); tỷ lệ bệnh nhân kiểm soát được huyết áp sau 1 tháng điều trị bằng carvedilol 61,1% và 2 tháng là 86,7% (p<0,05). Về theo dõi các ADR, có 1 bệnh nhân (3,3%) gặp đau đầu nhẹ trong tháng đầu điều trị bằng carvedilol với liều 12,5 mg và hết triệu chứng trong tháng điều trị thứ 2; sau 2 tháng điều trị chỉ số AST và ALT trung bình của nhóm bệnh nhân tăng nhưng vẫn nằm trong giới hạn bình thường, các chỉ số sinh hoá máu và huyết học khác thay đổi không có ý nghĩa. Đề tài cũng đưa ra đề suất là thực hiện nghiên cứu có đối chứng với thời gian theo dõi dài hơn, cỡ mẫu lớn hơn nhằm xác định rõ ràng hơn và tác dụng của carvedilol trên bệnh nhân Việt Nam; khi thực hiện đề tài này, nhóm tác giả còn đánh giá tác dụng của carvedilol trên chức năng tâm trương qua hình ảnh siêu âm tim… Kết quả thu được của đề tài này có thể đóng góp thêm bằng chứng về tác dụng của carvedilol trên bệnh nhân tăng huyết áp, giúp thầy thuốc có thêm cơ sở khi theo dõi và điều trị cho các bệnh nhân này.
LV (nguồn: Tạp Chí Dược học số 379, 11/2007)