Tiến bộ trong kỹ thuật thu âm đã làm thay đổi cách làm nhạc, xóa đi tính ngắn ngủi của những buổi trình diễn nhạc sống và biến đổi thói quen thưởng thức.
Kể từ sáng chế máy quay đĩa cách đây 135 năm, không có nghệ sĩ biểu diễn nào dấn thân hơn Glenn Gould trong việc lưu giữ âm nhạc (có thể là trên băng, CD hoặc file nhạc MP3) để có thể trải nghiệm các cung bậc âm thanh một cách riêng tư. Gould, nghệ sĩ piano nổi tiếng "chuyên trị" các tác phẩm của Bach (Johann Sebastian Bach, nhà soạn nhạc lừng danh người Đức), rất không thoải mái với việc trình diễn, ông luôn có cảm giác khán giả chỉ chăm chăm phát hiện sai sót của người nghệ sĩ biểu diễn. Năm 1964, ở tuổi 32, ông rời hẳn sàn diễn. "Thời của những buổi hòa nhạc đã hết", ông tuyên bố. Không biểu diễn, ông chuyển hướng sang công nghệ ghi âm thuần khiết, nó cho phép ông toàn quyền kiểm soát âm nhạc mà người nghe sẽ thưởng thức. Ông có thể chăm chút cho French Suites hay Goldberg Variations (các tác phẩm của Bach) đạt đến mức hoàn hảo, truyền đạt được “cái thần” của Bach (tất nhiên có khác biệt là thời của Bach, 1685-1750, không có piano hiện đại).
Gould (mất năm 1982) đã đúng khi cho rằng công nghệ sẽ làm thay đổi việc thưởng thức âm nhạc, nhưng không chỉ như những gì ông đã dự báo. Ngoài việc cho phép người nhạc sĩ chuyển tải sáng tác của mình một cách hoàn hảo như Gould mong muốn, công nghệ còn cho phép mọi người đều có thể "làm nhạc" và phân phối tùy thích, như nhận xét của David Byrne (thủ lĩnh ban nhạc Talking Heads những năm 1970 và 1980) trong cuốn sách How Music Works. Đây là sự thay đổi có tính "phổ cập âm nhạc” và công nghệ đã làm cho âm nhạc được “xã hội hóa” trên toàn cầu, mang mọi người lại với nhau, cùng nghe nhạc.
Bùng phát
Sau hành động của Gould, ngành sản xuất băng đĩa bùng nổ. Chỉ ba năm sau khi Gould giã từ sàn diễn, ban nhạc The Beatles cũng bỏ lưu diễn để ra album: Sgt. Pepper’s Lonely Hearts Club Band (thường được gọi tắt là Sgt. Pepper). Phát hành năm 1967, album này đại diện cho bước nhảy vọt về mặt công nghệ và được xem là một trong những kiệt tác âm nhạc thế giới. Ban nhạc The Beatles và nhà sản xuất George Martin đã tạo ra một loại máy ghi âm đa kênh bằng cách nối các thiết bị ghi âm 4 kênh với nhau (trộn 4 kênh thành một kênh ở một máy khác), thực hiện những thay đổi tốc độ ở kênh tiếng, thêm hiệu ứng analog cho các kênh nhạc, và nhân đôi hoặc nhân ba lớp âm thanh. The Beatles không hề trình diễn "sống" album này.
Ngay sau đó xuất hiện thiết bị phối âm kỹ thuật số đầu tiên. Thập niên 1970 và 1980 mở ra kỷ nguyên của phần cứng kỹ thuật số chuyên dụng, điển hình như Synclavier giá trên 200.000 USD, một trong những sản phẩm đầu tiên cho phép chỉnh lý, tổng hợp và biên tập âm thanh hoàn toàn bằng kỹ thuật số. Ban nhạc Talking Heads đã khai thác lợi thế của các thiết bị như vậy. Ban này ban đầu chỉ là nhóm chơi tài tử tại câu lạc bộ CBGB ở New York City. Nhưng với album thứ ba của mình, Fear of Music, họ đã đạt đến đẳng cấp chuyên nghiệp và thành công về mặt thương mại. Điều này có được một phần là nhờ nhà sản xuất Brian Eno, tay cựu keyboard của ban Roxy Music, đã sử dụng nhiều hiệu ứng âm thanh và kênh nhạc hơn so với trước đó. Tuy thủ lĩnh Byrne cho rằng Talking Heads vẫn là ban nhạc sống nhưng thời đó phần nhiều người ta biết đến Talking Heads qua bản ghi âm này.
Thực tế, doanh thu bản ghi âm là nguồn thu chính cho các nghệ sĩ như Byrne. Lưu diễn phục vụ cho mục đích kinh doanh: tạo nên sự quan tâm đến bản ghi âm.
Thay đổi cuộc chơi
Mô hình trên tồn tại hơn 20 năm, doanh thu CD đạt đỉnh điểm vào năm 1999. Nhưng nó sớm sụp đổ do sự xuất hiện tập tin (file) kỹ thuật số cùng các phương thức chia sẻ. Năm 2011, doanh thu ngành công nghiệp âm nhạc ở Mỹ, bao gồm tải file nhạc trên mạng, đạt 7 tỷ USD, giảm hơn phân nửa so với 14,6 tỷ USD của năm 1999. | |
Tuy doanh thu bản ghi giảm, nhưng công nghệ một lần nữa giúp cho việc sản xuất nhạc ngày càng rẻ hơn, và trong tầm tay của ngày càng nhiều nhạc sĩ. Phần mềm bắt đầu thay thế công việc của Synclavier. Garage Band, một phần mềm ghi âm miễn phí đi kèm với các máy tính MacBook Pro, cho chất lượng âm thanh tốt không thua gì thiết bị tiên tiến thời đó như Kurzweil 1000 PX Professional Expander, một “hộp đen” mà các nhạc sĩ mua hồi cuối thập niên 80 để chơi âm mẫu từ một keyboard riêng. Các trang web như Samplebank cho phép các nghệ sĩ tải lên và trao đổi các âm mẫu và các đoạn riff. Chi phí phối âm và ghi âm rẻ hẳn, và “album giờ có thể được thực hiện ngay trên chiếc máy tính xách tay mà bạn sử dụng để kiểm tra e-mail", Byrne viết. Giờ ông làm việc chủ yếu trong studio tại nhà.
Tiến bộ trong công nghệ sản xuất nhạc đã giúp cho các nhạc sĩ "khởi nghiệp" dễ dàng hơn nhiều. Năm 2005 Jonathan Coulton bỏ nghề viết phần mềm để theo đuổi việc sáng tác và thu âm những bài hát dễ nghe (như Shop Vac, Code Monkey). Coulton được biết đến như một nhà tiếp thị internet khéo léo, khai thác công nghệ một cách hiệu quả, giúp anh sáng tác và làm kỷ xảo: "Công nghệ tân tiến đến nỗi đôi lúc bản demo đầu tiên tôi làm tốt như bản ghi âm chính thức, và tôi có thể bán luôn". Anh lấy một số ý tưởng từ Kaossilator, một thiết bị hòa âm điều khiển cảm ứng giá chỉ có 160 USD. Để chọn thang âm, chuyển hợp âm hoặc nhịp phách, bạn chỉ cần lướt ngón tay và "Với chiếc điện thoại, giờ tôi có thể làm được nhiều thứ hơn The Beatles khi họ thực hiện Sgt. Pepper. Công nghệ thực sự đã thay đổi cuộc chơi, và tôi cho rằng đây chỉ mới là bước khởi đầu".
Giá trị
Tiến bộ trong công nghệ sản xuất nhạc dẫn đến hệ quả tất yếu: ngày càng có nhiều bản nhạc được tạo ra và tiêu thụ, và các nhạc sĩ ngày càng khó trở nên nổi bật. Who Kill của Tune-Yards đã giành được lời ngợi khen, được đánh giá là một trong những album hay nhất năm 2011. Tuy nhiên, so với những album được ưa thích trước đây, như Sgt. Pepper và Fear of Music, số lượng bán được rất khiêm tốn: chỉ 47.000 bản trong năm 2011.
Byrne cho rằng các công nghệ thưởng thức âm nhạc (như bằng các máy iPod và tai nghe) không hề làm thay đổi bản chất của âm nhạc, "Đâu có ai phản đối MP3 và việc nghe nhạc riêng tư", ông viết trong cuốn sách của mình. Thật ra, công nghệ đã tạo nên sự đa sắc màu của âm nhạc và tạo nên động lực mạnh mẽ hơn cho các nhạc sĩ, Byrne- giờ đã trên 60, cho biết ông đang loại bỏ đĩa than và CD, và hàng tuần mạo hiểm rời căn hộ ở Manhattan đi ra ngoài để xem trình diễn nhạc sống: "Ở đó có những người khác, và thường có cả bia".
Ông nhìn thấy khả năng công nghệ sẽ ngày càng mang chúng ta đến với nhau để cùng thưởng thức âm nhạc, khác hẳn ý tưởng của Gould, ông viết: "cả thế kỷ đổi mới công nghệ và số hóa âm nhạc đã vô tình tạo nên hiệu ứng chú trọng đến chức năng phổ biến. Dù vẫn chia sẻ cho bạn bè các bản 'copy' bài nhạc ưa thích, nhưng chúng ta sẽ ngày càng hướng đến các buổi trình diễn ‘người thật’ hơn, . . . Công nghệ hữu dụng và tiện lợi, nhưng cuối cùng nó sẽ hạ mình xuống để nâng giá trị của những thứ mà nó không bao giờ có thể sao chép", và “nhạc sống” vẫn sống bất kể công nghệ tiến bộ ra sao.
Về phần Gould, ngày nay chúng ta vẫn có thể xem ông gò lưng trên phím đàn. Bất tử trên YouTube, ông biểu diễn bản Italian Concerto của Bach thật đầy cảm hứng, hy vọng ông sẽ không cảm thấy sự cống hiến của mình cho công nghệ đặt nhầm chỗ.
P. UYÊN, STINFO Số 1&2/2014
Tải bài này về tại đây.