SpStinet - vwpChiTiet

 

Vài nét về ăn đẹp, ăn quái của con người

ĂN ĐẸP

Ăn “local”

Có một phong trào bắt nguồn từ thành phố San Francisco năm 2005, phong trào “Locavore” là từ ghép của “local” (địa phương) và “vorous” (ăn), thành từ mới nghĩa là “chỉ mua thực phẩm ở gần nhà” nhằm góp phần hạn chế khí thải làm hại môi trường sinh ra từ việc vận chuyển thực phẩm. Điển hình như cô giáo dạy múa Leda Meredith, từ hơn một năm nay đã đưa khỏi danh sách thực phẩm của mình chuối, cam, sôcôla, trái bơ,… Lý do là những thực phẩm ấy không “mọc” ở vùng New York (Mỹ). Meredith chỉ dùng những thứ được sản xuất trong vùng bán kính 400 km quanh quận Brooklyn của cô mà thôi... Để bổ sung những thứ không có ở chợ, Meredith còn tự trồng rau, làm mứt quả hay chế biến rau củ trữ trong lọ dành cho cả mùa đông. Hoặc có cặp vợ chồng nhà báo J.B. MacKinnon và Alisa Smith, sống ở Vancouver (Canada) lập ra cho mình “chế độ ăn 100 dặm” (ý nói chỉ mua thức ăn trong vòng 100 dặm, tức khoảng 160 km). Và hiện nay, ở các nước đều có phong trào tiêu dùng sản phẩm địa phương. Một trong những nhà ăn của hãng Google nổi tiếng khi chỉ chế biến các nông sản được mua trong vòng 240km, tức còn “ngặt” hơn tiêu chí 400 km (tương đương khoảng cách đi được với một bình xăng xe hơi) của cô Meredith.

Ăn chay

Ít ai trong chúng ta biết rằng, có một cái giá về môi trường mà chúng ta phải trả khi sử dụng nhiều thức ăn từ thịt. Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) cho biết lượng khí thải độc hại sinh ra từ ngành chăn nuôi và sản xuất thịt chiếm tới 1/5 tổng lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính trên toàn cầu. Và để nấu thịt con người cũng thải ra một lượng CO2 rất lớn so với nấu thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Chính vì lý do trên, các nhà khoa học khuyến cáo nhân dân thế giới nhịn các món khoái khẩu từ thịt ít nhất hai ngày trong tuần nhằm góp phần cứu hành tinh xanh của chúng ta.

Tại thành phố Ghent (Bỉ), chiến dịch ăn chay đang được triển khai rầm rộ nhằm khuyến khích người dân mỗi tuần một ngày ăn chay để bảo vệ môi trường và chống lại hiện tượng biến đổi khí hậu. Thứ năm hàng tuần sẽ là ngày không ăn thịt. Đây là thành phố đầu tiên ở châu Âu và có lẽ là thành phố đầu tiên trên thế giới có cách làm mới này. Các hoạt động trong chiến dịch cũng rất rầm rộ như: phát không công thức nấu món chay trong tạp chí của thành phố; tổ chức hội thảo cho các chuyên gia; lập bản đồ giới thiệu các nhà hàng ăn chay, phát tờ rơi…  Người dân thành phố 240 ngàn dân của Bỉ đã phản ứng rất tích cực với chiến dịch ý nghĩa này.

Xu hướng “quay về thiên nhiên” trong ẩm thực vài năm gần đây đã trở thành một nét đẹp. Nhiều người ăn chay không vì tôn giáo. Chính những nguyên liệu chay thuần cây cỏ mộc mạc và đặc tính nhẹ nhàng của món ăn đã giúp con người ta tìm thấy sự nhẹ nhõm về tinh thần. Ngoài ra, sự biến tấu của món ăn là những hình thức trang trí tinh tế, đơn giản nhằm toát lên cái dụng ý muốn hướng đến cuộc sống thanh cao hơn, bình lặng hơn trong tâm hồn.

ĂN QUÁI

Ăn tận diệt

Ăn và chọn cái ăn, cách ăn là chuyện riêng của mỗi người. Nhưng không phải chỉ vì đi tìm những khoái cảm kỳ dị trong ăn uống mà quên đi yếu tố đạo đức.
Từ xưa đến nay các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam đều có quan niệm khá phổ biến về ăn uống là “ăn gì bổ nấy”. Từ đó, các động vật quý hiếm đều được ưa chuộng và nhiều người có tiền của luôn cất công tìm kiếm để ăn với hi vọng trường sinh bất lão. Nào là hươu, nai, gấu, khỉ, hổ, tê giác, rùa, rắn... loài động vật hoang dã nào cũng có một vài đặc điểm về sự dẻo dai, khỏe mạnh, sống lâu... nên nhiều người ăn thịt chúng với mong muốn chuyển các ưu điểm từ chúng vào cơ thể mình. Và rồi tất cả mọi con thú từ trên trời đến dưới biển cũng như trong rừng đều chui tuốt vào cái bụng con người. Chưa hết, việc tiếp đãi nhau bằng động vật hoang dã quý hiếm hiện nay đã biến tướng với quan niệm chứng tỏ mình “sang trọng, sành điệu hoặc vinh dự” đối với không ít người lắm tiền nhiều của chỉ cốt nhằm phô trương sự giàu có của mình. Ăn thú rừng càng quí hiếm càng chứng tỏ “đẳng cấp”, thậm chí trở thành “mốt” mà quên đi rằng đây là hành vi bất hợp pháp mà quốc tế đã và đang lên án. Cái giá phải trả là con người đã đẩy các loài thú quí hiếm vào chỗ bị tuyệt chủng, môi trường sinh thái bị mất cân bằng nghiêm trọng. Sau này con cháu của chúng ta chắc chỉ còn thấy chúng qua hình ảnh của những trang sách nằm trong thư viện mà thôi.

Ăn dã man

Lịch sử nhân loại từ đông sang tây, từ cổ chí kim chưa có yến tiệc nào kinh dị như bữa tiệc do Từ Hy Thái Hậu, đời nhà Thanh – Trung Hoa tổ chức tiếp đãi các sứ thần phương Tây mà sử sách đã từng ghi lại. Khách được thết đãi các món ăn vô cùng rùng rợn, dã man. Bà cho người mang đến trước mặt các sứ thần mỗi người một cái cũi đóng kín, trong đó trói gô một con khỉ lại, chỉ lú lên trên mỗi cái đầu khỉ, dùng dao cạo sạch lông đầu, vạt sọ, tưới nước sâm vào và dùng muỗng múc óc ra mời các sứ thần ăn khiến các sứ thần tái mặt, rùng mình run sợ. Thậm chí, muốn món ăn có ít nhiều ý nghĩa lịch sử, các chú khỉ được mặc  triều phục, đội mão, vẽ mặt, mang râu, giống như một đại quan của triều đình, trên cổ đeo một tấm bảng nhỏ ghi rõ tên họ, tuổi tác cùng quan chức thuở sinh tiền. Những con khỉ đó tượng trưng cho những nịnh thần, gian tặc gian ác nhất. Ngoài ra, bàn tiệc còn có hai món ăn trứ danh khác là chuột và sâu. Chuột nuôi được cho ăn toàn bằng nhân sâm, khi đẻ giết bỏ chuột mẹ, tiếp tục cho chuột con ăn bằng nhân sâm và đến thế hệ thứ ba thì bắt đầu ăn, bằng cách bắt chuột con mới sinh thoa một lớp ngoài bằng bột, không chế biến xào nấu gì, cứ thế đưa lên miệng nhai từ tốn và ăn vào miệng còn nghe tiếng “chít, chít”!. Với món sâu thì cho quân lính lên rừng thẳm, núi cao tìm bắt những con sâu ăn lá nhân sâm đem về xào với tinh dịch của trai tơ để ăn. …
Người đời vẫn bảo vua chúa luôn được mệnh danh là cao sang về tất cả mọi phương diện. Nhưng có lẽ khi biết thêm về những món ăn của Từ Hy thì có lẽ cụm từ “cao sang” phải xem lại đối với bà Thái Hậu này.

Đấy là chuyện xưa, còn chuyện nay thì dã tâm của con người còn kinh khủng hơn được thể hiện ngay trong cái quan niệm ấu trĩ về cái ăn. Một số thương gia Đài Loan gần đây loan truyền một trào lưu bồi bổ “tráng dương thượng phẩm” rợn tóc gáy – món canh thai nhi. Đây là một hiện tượng chưa từng diễn ra trong lịch sử của xã hội văn minh loài người, tưởng chừng như chỉ có thể xảy ra khi con người đối mặt với cái đói, phải chọn vì mục đích sinh tồn mới “ăn thịt đồng loại”. Cái tâm và đạo đức thật sự không có trong những loại người này!

Ăn “sex”

Một kiểu ăn uống “sexy” nhất thế giới phải kể đến Nyotaimori hay còn gọi là “ẩm thực lõa thể”. Nyotaimori xuất hiện lần đầu tiên tại Nhật Bản vào thế kỷ 18 khi các lãnh chúa dư thừa của cải và thức ăn, họ không biết làm thế nào để bữa ăn của mình thêm thú vị. Và họ đã nghĩ ra một cách: ăn món ăn đặt trên người một phụ nữ khỏa thân hoàn toàn, hình thức ăn này thường được ưa chuộng bởi giới thượng lưu và các băng đảng xã hội đen. Vào những năm 90 của thế kỷ trước, hình thức “ẩm thực lõa thể” này bị các nước phương Tây phản ứng dữ dội bởi họ cho rằng làm như thế là sỉ nhục thân thể và danh dự người phụ nữ. Trung Quốc đã ra lệnh cấm hoàn toàn loại hình dịch vụ này. Tuy nhiên, người Nhật lại khẳng định đây là nét văn hóa độc đáo của Nhật Bản cùng với Kimono, Sumo và cháo mơ muối. Tại Anh, hiện có một cửa hàng đầu tiên và duy nhất có kiểu ăn này phục vụ khách vào tối cuối tuần. Nhìn đám thực khách hau háu chờ thưởng thức món “Nyotaimori”, có người đã nói rằng trông họ chẳng khác những kẻ “ăn thịt người”.
HỒNG HẠNH