SpStinet - vwpChiTiet

 

Điều kỳ thú của muối

Muối là linh hồn của biển. Biển cả bao la. Đi hết biển mới kể hết chuyện về muối…!

Con đường muối – con đường giao thương
Trong lịch sử phát triển văn minh của loài người, muối đã từng giữ một vai trò quan trọng về kinh tế khi được dùng làm đơn vị trao đổi chủ yếu trong giao thương. Người du mục mang muối để đổi lấy thực phẩm hàng hóa, thương buôn Hy Lạp dùng muối để mua bán nô lệ. Thương dân Vênixi thường chuyển muối đến bán cho quân sĩ Tantenbao để lấy tiền kim loại (tiền xu). Một phần tiền lương của binh lính La Mã được trả bằng muối. Và muối còn được vua chúa dùng để đánh thuế dân.
Nếu “con đường tơ lụa” được coi là một hệ thống những con đường thương mại nổi tiếng lớn nhất thế giới thời cổ đại, là cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây thì “con đường muối” không hề thua kém “con đường tơ lụa” về tính chất lẫn quy mô. Sử sách đã từng viết về “con đường muối” nổi tiếng như: các con thuyền chở đầy muối từ Ai Cập vượt biển sang Hy Lạp. Hoặc muối từ Marốc, vượt qua sa mạc Sahara rồi đến tận Baccơto. Những con đường làm nên sự giàu có nhanh chóng cho những thương nhân cổ xưa, bởi giá trị của muối tăng tỉ lệ thuận với chiều dài đường đi. Và muối đã từng được đổi ngang bằng với vàng về trọng lượng “một lạng muối đổi một lạng vàng”. Đế quốc La Mã trở nên cường thịnh chính là nhờ “mọi con đường đổ về La Mã” khi từng đoàn xe thồ chất đầy muối của các thương nhân, từ Phương Đông xa xăm, theo “con đường muối” đã đến tận bờ sông Tai Phô của La Mã.
Muối tôn kính
Trong thánh kinh, muối là biểu tượng của sự vĩnh hằng, trung thành và thanh khiết. Đến nay người theo đạo Thiên Chúa La Mã vẫn còn giữ nghi thức bỏ một vài hạt muối ăn vào miệng đứa trẻ sơ sinh, với lòng mong muốn đứa trẻ lớn lên trong trắng không lừa dối. Trong giáo lý của người Ki Tô giáo cho rằng, muối chứa đựng trí tuệ và lòng nhân từ của chúa Giê Su.
Muối là lễ vật của người Do Thái dùng dâng cho các thần. Người La Mã cổ đại nói: “Không có gì ích lợi hơn mặt trời và muối”và họ đặt tên cho vị thần phồn vinh sức khỏe là Sa Lus (Thần Muối). Trong những bản cam kết, giao kèo ngày xưa, sau khi đôi bên thỏa thuận người ta rắc muối lên bản cam kết để biểu thị khái niệm vĩnh hằng. Tại Châu Âu văn minh ngày nay, nhiều nơi vẫn giữ nghi thức: đem bánh mì và muối mời khách quí để biểu thị sự tôn kính.
Muối cao quý
Muối trong thế giới cổ xưa được coi như một báu vật. Tại Ai Cập và Ba Tư chỉ có nhà vua mới được dùng muối.
Ở Pháp, đến tận thời Trung kỷ, người ta còn lấy muối làm biểu tượng phân biệt địa vị xã hội của khách khứa bên bàn tiệc. Trên bàn tiệc bao giờ cũng đặt đĩa muối trắng, ở nơi dễ thấy nhất để làm ranh giới xếp đặt chỗ ngồi: những vị trí ngay ở phía đầu bàn tiệc được gọi là “ngồi trên muối”, những người khách “thường thường bậc trung” ngồi quây quần, gần đĩa muối, được gọi là “ngồi ngang muối”, còn khách “thấp” trong bữa tiệc thì ngồi lùi xa đĩa muối về phía cuối bàn, gọi là “ngồi dưới muối”!
Muối - thêm vị mặn mà cho văn hóa
Không biết từ khi nào, muối đi vào dân gian văn hóa, trở thành quốc hồn quốc túy, biểu tượng may mắn sung túc với người dân Việt Nam “Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”. Mua muối đầu năm là phong tục của ông bà xưa. Việc mua muối hóa ra là một ứng xử văn hóa, là giữ lấy vị mặn trong khao khát của nghìn đời về sự mặn mà trong tình người, tình đời, và cả tình quê hương đất nước. Nghe tiếng rao muối đầu năm, nhà nào mà chẳng ra mua một hai nghìn, mua lấy sự may mắn, mua lấy sự mặn mà cho suốt một năm. Muối còn thành tập tục trong các lễ vọng. Lễ cúng ít nhiều tùy gia đình nhưng phải có bát muối bên cạnh bát gạo, cốc nước, hoa quả và giấy tiền vàng.
Ở Huế, món ăn được mọi người tâm đắc nhất có lẽ phải kể đến “cơm muối” Bữa cơm muối Huế, đúng là chỉ có cơm và muối. Tức bữa cơm với các món ăn được chế biến từ một nguyên liệu chính là muối. Các món ăn này, chứa đựng một bảo tàng văn hóa về muối, tới mức người sành sỏi về nghệ thuật ẩm thực nhất làng văn đất Việt, nhà văn Nguyễn Tuân cũng phải bái phục cơm muối với hàng chục món muối: muối vả, muối hành khô, muối sả, muối ớt, muối gừng, muối gan (gan heo luộc chín, giã nát trộn chung với muối bột), muối tôm (tôm non, rang vàng, nghiền mịn, trộn chung với muối), muối sung, muối xoài, muối ruốc v.v…Mỗi chén muối chỉ vừa đủ cho một vắt cơm. Ăn cơm muối tức là thưởng thức cái lõi, cái gốc gác tận cùng của cuộc sống thủy chung, nghĩa tình “ Tay bưng đĩa muối chấm gừng. Gừng cay muối mặn xin đừng quên nhau”.
Muối đi vào huyền thoại
Theo sách Thiên Nam Ngữ Lục thì có một người đàn bà nghèo khó đến xem nấu muối. Một làn khói muối ngũ sắc bao lấy bà. Bà mang thai, sinh ra một bé trai đen đủi, xấu xí nhưng rất thông minh, lanh lợi, có sức khỏe lạ thường và vô cùng gan dạ. Làn khói muối ngũ sắc ấy là ẩn số của vị anh hùng Mai Thúc Loan - Bố Cái Đại Vương Mai Hắc Đế, người có công giải nạn “cống Vải” hay “cống Lệ Chi” (trái vải còn gọi là trái lệ chi) của người dân nước Nam cho bọn Tàu.
Đường đua muối
Tên gọi của thung lũng Saiđamô của Trung Quốc có nghĩa là đầm muối, mặt hồ có tầng muối rất dầy che phủ, tầng muối trên mặt hồ rất cứng, có thể dựng công xưởng hoặc phi trường để máy bay lên xuống mà không hề rạn nứt. Con đường xuyên thung lũng dài 31km được làm hoàn toàn bằng muối! Đường vừa sáng sủa vừa kiên cố. Người dân quanh vùng gọi nó là “vạn trượng diêm kiều” (cầu muối vạn thước). Đây chính là loại đường lý tưởng để đua ô tô tốc độ cực lớn.
Khách sạn muối
Khách sạn muối độc nhất vô nhị được xây dựng trên sa mạc muối rộng lớn Salar de Uyuni của Bolivia, là một điểm đến yêu thích của khách du lịch trên thế giới. Giống khách sạn băng của Thụy Điển nhưng nó có một điểm khác biệt là không có nguy cơ bị tan chảy. Những thứ không làm từ muối là mái nhà thiếc được phủ bằng rơm, các thiết bị thắp sáng và dĩ nhiên bao gồm cả toilet.

Bùi Nhung

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả