“Ngủ” là 1/3 cuộc đời. Không kể giấc ngủ về đêm, nhưng ở bất cứ đâu chúng ta cũng có thể bắt gặp những giấc ngủ... ban ngày với nhiều dáng vẻ: ngủ ngồi, ngủ đứng, ngủ treo, ngủ dưới gầm xe, ngủ trên bậu cửa, ngủ bên vệ đường, ngủ trong văn phòng, ngủ ngoài đường lộ, ngủ như thần giữ của, ngủ hớ hênh như chào mời v.v.... Có cái “ngủ ngày” gợi cho chúng ta nhiều suy nghĩ về cuộc đời và có cái “ngủ ngày” làm ta kinh hoàng! Có lần trong một hội nghị quốc tế ở nước ngoài, một vị nhà ta trên chủ tịch đoàn mà cứ liên tục “ngủ ngày”. Anh em thấp bé ngồi dưới chỉ mong đất nứt ra để mà độn thổ! Ấy nhưng đừng nghĩ chỉ có “người trần mắt thịt” mới ngủ ngày. Các bậc vĩ nhân như Winston Churchill, Napoleon Bonaparte, Albert Einstein, Leonardo Da Vinci, John F. Kennedy…. luôn tôn trọng giấc ngủ ban ngày.
Ngủ bù. Các bà, các chị tần tảo ngược xuôi buôn thúng bán mẹt từ mờ sáng đến trưa, lúc vắng khách, tìm một tấm phản bán hàng ngả lưng, lấy nón che mặt để ngủ một lát cho lại sức thì chỉ gợi lên niềm thương xót, đồng cảm chứ không ai trách móc!
Một chàng lái xe đường dài chạy suốt đêm qua, sáng treo cái võng dù ngay dưới gầm xe đánh một giấc thì đâu ai nói rằng anh lười!
Mấy bác xe ôm ngủ lăn chiêng đổ đèn trên xe trong khi chờ khách giữa trưa he oi ả mới thấy cuộc mưu sinh thật nhọc nhằn!
Anh chị em công nhân trong căn nhà trọ xập xệ, ngủ ngon lành dù mặt trời đã lên đỉnh cao để lấy lại sức sau ca đêm hôm qua và tiếp tục vào ca đêm nay.
Ai cũng mong sao họ có giấc ngủ đúng chu kỳ sinh học: thức ngày, ngủ đêm. Nhưng… cuộc sống vốn bộn bề lo toan! Đành lấy ngày làm đêm!
Ngủ làm tươi đầu óc!
Ngay cả với người được ngủ đủ giấc về đêm thì giấc ngủ trưa, sau mấy giờ vắt kiệt bộ não, vẫn có nguyên giá trị. Giấc ngủ trưa giúp lấy lại tinh thần phấn chấn, tăng sự minh mẫn, giúp học hành hiệu quả và giảm thiểu tai nạn, nhất là tai nạn xe cộ.
Ở Nhật Bản, đất nước có cường độ làm việc cao và “ít ngủ” nhất thế giới mà ngủ trưa cũng trở thành một “cơn sốt”.
Tại trường Phổ thông Meizen ở Fukuoka, các thầy cô giáo khuyến khích học sinh ngủ trưa 15 phút tại lớp bằng cách vặn nhỏ đèn, mở nhạc cổ điển và đôi lúc ngủ cùng học sinh.
Các salon ngủ trưa tại trung tâm Tokyo hàng ngày vẫn đón tiếp hàng ngàn người với giá khoảng 4,50 USD. Khách đến đây thường là những nhân viên văn phòng sau những giờ làm việc căng thẳng.
Ngủ quấy.
Một số chàng có những “giấc... thức trưa” ở các tiệm cắt tóc gội đầu, các dịch vụ ngủ trưa ôm thư giãn, ... Dân kinh doanh “luôn luôn lắng nghe - luôn luôn thấu hiểu”, và nắm bắt được mọi nhu cầu của các “thượng đế” kể cả nhu cầu trong những giờ ngủ trưa ít ỏi. Các chàng “ngủ trưa dịch vụ” về rất đúng giờ, quần áo tinh tươm bảnh bao sáng sủa, như không hề “có chuyện gì” xảy ra. Trời cũng chẳng biết chứ nói chi đến đồng nghiệp hay vợ con ở nhà...
Một dạng “ngủ quấy” khác, hay gặp ở mấy cô cậu sinh viên … học ít chơi nhiều. Thâu đêm đánh bài, nhậu nhẹt, xem phim, chơi võ lâm truyền kỳ hay “buôn dưa chuyện nhân tình thế thái” để rồi giữa giảng đường “cù gà cù gật” và phần lớn vẫn tai qua nạn khỏi, có khi vẫn trở thành… “nguyên khí quốc gia”!
Chuyện “ngủ ngày” còn lắm chuyện nhưng xin dừng tại đây. Ở cơ quan tôi anh chị em sau bữa ăn trưa đạm bạc tha hồ thiết kế các “kiểu ngủ dã chiến” cho riêng mình... Có anh thì ngủ cheo leo trên ghế, chân thò vào tủ hồ sơ, có anh ngủ thẳng cẳng như nằm phơi nắng trên tấm bìa các tông được tháo ra từ cái hộp đựng tài liệu. Các chị thì kín đáo hơn, có chị nằm cong như con tôm trong gầm bàn, có chị khoanh tay úp mặt xuống bàn làm việc, má áp một bên như cô bé học sinh tiểu học ngây thơ ngủ trong lớp.
Người ta bảo rằng càng làm việc đầu óc căng thẳng, giấc ngủ trưa ngắn ngủi càng quý giá.