SpStinet - vwpChiTiet

 

Giáo sư không biên giới

Một chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI - Artificial Intelligence) đang góp phần làm thay đổi phương thức dạy và học trên toàn thế giới.

Tháng 9 năm rồi, ngày mà thống đốc bang California, Mỹ, Jerry Brown trên chiếc Toyota Prius không người lái đi đến trụ sở Google để ký sắc luật mở đường cho xe tự hành (điều khiển bằng máy tính), thì Sebastian Thrun, "cha đẻ" của ý tưởng sáng tạo này không có mặt ở phòng lab sang trọng đầy tiện nghi của Google (Thrun là người sáng lập và phụ trách phòng thí nghiệm tối mật – Google X) mà đang
ở trong một căn phòng lộn xộn trong một tòa nhà không có gì nổi bật tại một con phố ở Palo Alto. Văn phòng này, trông không khác gì trụ sở của những công ty mới khởi nghiệp: những ký hiệu kỳ lạ trên bảng, đồ chơi trên bàn làm việc, chồng hộp ngũ cốc, ly nước… ở phòng nghỉ.

Đó là trụ sở của Udacity, được ca tụng là "đại học của thế kỷ 21", nơi Thrun đang giải quyết một vấn đề lớn: đào tạo đại học (ĐH) không biên giới. Tuy vẫn dành mỗi tuần một ngày làm việc tại Google và còn là giáo sư (GS) thỉnh giảng tại ĐH Stanford, nhưng Udacity mới chính là “nhà” của chuyên gia robot 45 tuổi, sinh ra ở Đức.
 
Tự ái của nhà giáo
 
Udacity khởi nguồn từ trải nghiệm trong năm 2011 khi Thrun cùng một số đồng nghiệp đưa các khóa học về AI (Trí tuệ nhân tạo) đang giảng dạy tại ĐH Stanford lên internet, “mở cửa” cho tất cả mọi người. Khi khóa học bắt đầu, Thrun cho biết ông đã sốc khi thấy số người đăng ký lên tới 160.000. Sau đó điều bất thường đã xảy ra ở lớp học tại trường: hàng ngày lớp có mặt đầy đủ 200 sinh viên, nhưng sau khi bài giảng được đưa lên internet hai hoặc ba tuần, lớp chỉ còn khoảng 30 sinh viên. Khi được hỏi, sinh viên cho biết họ thích nghe giảng trên internet hơn, và có thể nghe đi nghe lại nhiều lần bất cứ lúc nào.
 
Giáo sư Sebastian Thrun được tạp chí Smithsonian trao giải thiên tài nước Mỹ
năm 2012 trong lĩnh vực giáo dục.
 
Điều đáng suy nghĩ không chỉ ở con số mà ở chính những người tham gia lớp học: đủ mọi thành phần từ khắp nơi trên thế giới, từ học sinh phổ thông đến doanh nhân, người nghỉ hưu và cả người đang bệnh nặng. Hàng ngàn bức “tâm thư” đã gửi qua email cho Thrun, và ông nhận ra đây chính là những người thật sự cần ông.
 
Đốm lửa quyết định thổi bùng quyết tâm của Thrun đến từ một buổi thuyết trình cho TED (www.ted.com) của Salman Khan, người đã sáng lập học viện trực tuyến Khan Academy có hơn 200 triệu lượt truy cập bài giảng video với đủ mọi chủ đề. Salman Khan - một người vốn là chuyên gia phân tích của một quỹ đầu tư lại có thể cung cấp tri thức đến hàng triệu người, trong khi ông là “nhà giáo chuyên nghiệp” của một trường ĐH lừng danh lại chỉ giảng dạy cho vài trăm sinh viên?
 
Nhận được tài trợ từ quỹ đầu tư Charles River Ventures, và với sự giúp đỡ của các cựu đồng nghiệp tại Stanford như David Stavens, tháng 2/2012, Thrun đã cho ra mắt Udacity mô hình đào tạo trực tuyến được biết đến với thuật ngữ “MOOC" - Khóa học mở trực tuyến dành cho số đông (Massive Open Online Course, xem bài Công nghệ đào tạo 2.0 tại trang 11 STINFO số này). Truy cập trang web udacity.com, chỉ vài phút bạn có thể ghi danh lớp thống kê của GS Thrun để tìm hiểu về xác suất Bayes mà không tốn đồng học phí nào. Tất cả khóa học đều miễn phí. Tham gia giảng dạy ngoài các học giả tên tuổi còn có các “ngôi sao” của Thung lũng Silicon như nhà sáng lập Reddit Steve Huffman và các doanh nhân thành đạt như Steve Blank. Các công ty như Nvidia và Google không chỉ tài trợ kinh phí mà còn hứa hẹn tuyển dụng những sinh viên hoàn thành các khóa học Udacity trong tương lai. Sau khi kết thúc khóa học, nếu có nhu cầu lấy chứng chỉ (để xin việc), sinh viên có thể đóng phí tham dự kỳ thi do công ty Pearson VUE (chuyên thực hiện đánh giá giáo dục) tổ chức.
 
Trước Thrun, hai cựu đồng nghiệp tại Stanford là Ng Andrew và Daphne Koller đã mở Coursera (xem bài “Công nghệ đào tạo 2.0” tại trang 11 STINFO số này) hợp tác với hàng chục trường đại học, đồng thời rất nhiều trường cũng đã bắt đầu đẩy mạnh các dịch vụ trực tuyến. Như Viện Công nghệ MIT đã đưa tài liệu học tập lên web cách đây cả chục năm, gần đây còn hợp tác với ĐH Harvard trong dự án edX. Tuy nhiên, Thrun nhận thấy việc đào tạo trực tuyến cần tư duy mới với những cách thức mới để khai thác hết khả năng của internet phục vụ cho việc giảng dạy. Mô hình Udacity của Thrun được Cathy Davidson, giáo sư tại ĐH Duke và đồng giám đốc tổ chức Digital Media and Learning Competition của quỹ MacArthur Foundation nhận định là chất xúc tác “lập trình lại” việc học tập trực tuyến và làm cho nó trở nên phổ biến hơn. Cathy ca ngợi Thrun về "nỗ lực sáng tạo cho sự tiến bộ của nhân loại” và đánh giá Thrun là người có "tầm nhìn"“thực tế".
 
Thiên hướng … máy học!
 
Thrun thích trích dẫn phát biểu của Larry Page (đồng sáng lập Google), người mà ông xem như cố vấn: "Nếu bạn không suy nghĩ lớn, bạn không làm những việc lớn. Dù là vấn đề lớn hay nhỏ, bạn đều mất thời gian cho nó vì vậy tôi chọn giải quyết vấn đề lớn có thể thúc đẩy xã hội tiến lên phía trước". Tuy nhiên, từ khi còn bé ở một thị trấn nhỏ gần Hanover, Đức, Thrun đã tìm cách giải quyết những vấn đề nhỏ. Trên máy tính Horizon Northstar, món quà của cha mẹ, ông đã viết chương trình để giải khối lập phương Rubik. Đây có thể xem là bước đầu tập tành để làm những việc lớn.
 
Tại ĐH Bonn, Thrun theo chuyên ngành "học máy" thuộc lĩnh vực AI, nhưng lại nghiên cứu thêm tâm lý học. Niềm đam mê của Thrun khi đó là con người và trí tuệ của con người. Năm 1991, ông trải qua một năm tại ĐH Carnegie Mellon phát triển các robot nhỏ và thử nghiệm các học thuyết về học máy dưới sự dìu dắt của những nhà tiên phong về AI là Herbert Simon và Allen Newell. Ngay từ thời đó ông đã suy nghĩ vượt ra ngoài phòng thí nghiệm. Ông luôn muốn làm cho robot thật thông minh, không chỉ để gây ấn tượng với đồng nghiệp mà còn nhằm đem lại lợi ích thật sự cho xã hội.
 
Sau đó Thrun làm trợ lý giáo sư phát triển các robot điều dưỡng tại viện dưỡng lão Pittsburgh. Trước đó ông đã phát triển một robot có tên gọi Minerva làm "hướng dẫn viên” đón khách tham quan Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Smithsonian. Với Thrun, đây chính là những kinh nghiệm quý giá. 
 
Minerva, một trong những robot của GS Thrun,
làm nhiệm vụ hướng dẫn du khách tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia của Mỹ.
 
Năm 2001, Thrun đến Stanford và cảm thấy như được “khai sáng” bởi tinh thần của Thung lũng Silicon. "Ở Đức có rất nhiều câu hỏi bạn không được phép hỏi… đối với tôi, cốt lõi của sáng tạo đó là đặt câu hỏi". Tại Thung lũng Silicon ông có được "mong muốn cháy bỏng để đặt các câu hỏi… và nghĩ cách giải".

Chính tinh thần đó đã thúc đẩy ông lao vào nghiên cứu xe tự hành sau này “tự lái” đến Google. Năm 2007, ông rời Stanford một năm để phát triển Streetview – tính năng bản đồ 360 độ của Google. Sau đó ông tập hợp một nhóm nghiên cứu AI để hiện thực xe tự lái (dựa trên mô hình Stanley đã chiến thắng giải DARPA Grand Challenge năm 2005) và thành lập phòng thí nghiệm Google X để phát triển các sản phẩm như "kính Google".
 
Xe không người lái đã được phép chạy trên đường phố California – bang đông dân nhất nước Mỹ (trước đó, bang Nevada cũng đã cấp phép); kính Google cũng đã có màn ra mắt ấn tượng và được nhiều tạp chí hàng đầu bình chọn là một trong sáng chế nổi bật của năm (2012). Udacity dường như là một cuộc phiêu lưu mới của Thrun, đây là một “bài toán” lớn hứa hẹn đem lại lợi ích lớn cho xã hội.

Vào cuối buổi nói chuyện Thiết kế cuộc sống số (Digital Life Design) tại Munich (Đức) hồi đầu năm rồi, Thrun đã thông báo nghỉ việc tại ĐH Stanford để dồn sức cho Udacity.
 
Nguyễn Lê, STINFO Số 3/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả