SpStinet - vwpChiTiet

 

Những "trang giấy trắng" mỏng manh

Tôi sinh ra và lớn lên trên đất Bắc. Quê nội tôi là những cù lao dừa xanh mát. Từ những năm tháng của tuổi ấu thơ hình ảnh quê hương cùng với tình yêu dành cho miền quê ấy luôn khắc khoải trong tôi qua những câu chuyện kể, qua những trang sách…

Nhưng trên tất cả, và cho đến tận bây giờ khi các con tôi đã lớn, vẫn còn nguyên trong tôi những câu thơ trong một cuốn sách lớp tiểu học.
“… Quê em ở Tam Quan
Giữa miền Nam ruột thịt
Quê em dù xa tít
Em vẫn nhớ vẫn thương…”
Minh họa cho bài thơ là hình ảnh một cô bé con mũm mĩm đứng dưới gốc dừa, dừa như đang vòng tay chở che cho bé.
Quê tôi không phải Tam Quan. Nhưng không hiểu sao từ những năm tháng tiểu học, một cách rất tự nhiên, tôi luôn mường tượng về quê nội của mình qua trang sách giáo khoa đó với một tình cảm rất đỗi thân thương. Tôi như thấy mình chính là cô bé ấy, như chính mình đang đứng dưới gốc dừa, như từ miền quê xa dừa đang trò chuyện với tôi bằng những cành lá xanh rì rào…
Tôi yêu quê nội của mình qua những vần thơ và hình ảnh ấy từ lúc nào không biết nữa. Chỉ biết rằng sau ngày giải phóng, được về quê nội, đi dưới những hàng dừa yên bình mát rượi, lần nào cũng vậy những câu thơ ấy lại rưng rưng trong tôi. Tôi thầm cám ơn tác giả bài thơ đã gieo cho tôi những tình cảm ban đầu sơ khai nhưng thật sâu đậm. Thời gian qua đi, nhưng tình cảm hình thành từ những trang sách giản dị và hình ảnh mộc mạc ấy vẫn cứ vậy trong trẻo, lớn dần theo năm tháng. Tôi thầm cám ơn những trang sách giáo khoa đã bên cạnh tôi, giúp tôi trưởng thành là một người con biết yêu quê hương, biết trân trọng mảnh đất cội nguồn…
Nghĩ lại thời thơ ấu của các con mình tôi thấy buồn. Khi chúng còn nhỏ, tôi đã từng phải ngồi đánh vật với con để cố gắng giảng giải cho chúng ý nghĩa của một bài thơ cổ khi chính bản thân tôi hiểu cũng rất khó khăn và không hề cảm thấy có chút cảm xúc nào khi đọc bài thơ ấy. Nhìn con cố gắng học cho thuộc bài thơ cổ theo yêu cầu của cô giáo mà tôi cảm thấy tiếc.
Tiếc cho những trang giấy trắng. Chúng mỏng manh và quý giá vô cùng. Vẽ cái gì lên chúng đây? Những bài thơ nhẹ nhàng, giản dị? Những bài thơ cổ uyên thâm? Hay cả hai?
Ở cái tuổi bé thơ, có lẽ càng giản dị càng dễ nhớ, dễ gần. Bài thơ cổ, về sự uyên thâm thì không chê vào đâu được nhưng còn lại trong tâm hồn trẻ thơ là cái gì sau khi bài học qua đi? Chẳng còn gì cả, nếu không nói là góp phần làm cho trẻ sợ học, sợ thơ.
Tôi nhớ một câu nói của nhà văn Nga Ilia Erenbua khi ông nói về tình yêu đất nước. Đại ý là những con suối nhỏ đổ vào dòng sông, những dòng sông lại đổ ra biển lớn. Tình yêu quê hương, đất nước bắt nguồn từ những điều giản dị nhất, yêu trang sách nhỏ, yêu chồi cây, ngọn cỏ quanh mình,... Con người khi biết yêu quê hương, đất nước là con người sẽ khó có thể làm những điều xấu.
Tôi không am hiểu về khoa học giáo dục. Từ bản thân và con mình, tôi chỉ mong sao khi cắp sách đến trường làm quen với việc học, các cháu được làm quen với những gì mộc mạc giản dị mà có hồn, những gì góp phần hình thành ở các cháu những nhân cách đẹp, những gì có thể theo các cháu đi suốt cuộc đời…
Thủy Vân

Các tin khác: