Hầu như ai cũng đã nghe nói đến cholesterol và biết về việc gây hại của nó như một trong các tác nhân gây các bệnh tim mạch. Chính vì thế, không chỉ người cao tuổi mà cả những người trẻ tuổi đều lo lắng khi biết kết quả xét nghiệm là Cholesterol trong máu tăng. Và trong số những “bệnh nhân” đang đau khổ vì cholesterol, người thực sự hiểu về tính hai mặt của nó vẫn còn rất ít. Liệu có phải cholesterol luôn là mối nguy lớn cho sức khỏe? Những thông tin cơ bản sau đây có thể bổ ích cho mỗi chúng ta! Cholesterol sinh ra từ đâu? Cholesterol là một chất béo, có trong máu và trong tất cả các tế bào của cơ thể. Việc có cholesterol là bình thường. Cholesterol được sản xuất trực tiếp trong cơ thể gọi là Cholesterol nội sinh hoặc do cơ thể hấp thu được qua ăn uống gọi là Cholesterol ngoại sinh. Tất cả các tế bào cơ thể đều có thể sinh ra cholesterol, gan là cơ quan chính. Cholesterol hầu như không có trong các loại thực vật.
Lượng cholesterol trong máu cao hay thấp phụ thuộc vào nhiều yếu tố như di truyền, có các bệnh lý khác như bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường…, chế độ dinh dưỡng (nhiều chất béo động vật), trọng lượng cơ thể (thừa cân có khuynh hướng làm tăng cholesterol máu), tuổi tác (tuổi càng tăng cholesterol càng tăng), giới tính (cholesterol của nữ trước thời kỳ mãn kinh thường thấp hơn nam ở cùng độ tuổi), thói quen sinh hoạt…
Chức năng của cholesterol Cholesterol là một phần quan trọng của một cơ thể khỏe mạnh. Chúng ta không thể sống được nếu không có cholesterol. Cholesterol là tác nhân quan trọng tạo nên các màng tế bào, sợi thần kinh và của nhiều nội tiết tố trong cơ thể. Chẳng hạn như các tế bào thần kinh dùng cholesterol để cô lập hóa phần trong với phần ngoài của tế bào, và do đó, nơi có nhiều chất cholesterol nhất trong cơ thể là não và hệ thống thần kinh. Ngoài ra gan còn dùng cholesterol để sản xuất ra acid mật giúp tiêu hóa thức ăn.
Một số vấn đề cần hiểu đúng Cholesterol không thể tan trong máu. Vì thế, trong cơ thể, cholesterol được mang đi trong máu nhờ kết hợp với một chất có tên là Lipoprotein. Có nhiều loại Lipoprotein nhưng 2 loại quan trọng nhất để vận chuyển cholesterol là loại có tỉ trọng cao có tên là HDL (High-Density Lipoprotein), loại có tỉ trọng thấp có tên là LDL (Low-Density Lipoprotein).
Cholesterol kết hợp với LDL được ký hiệu là LDL-c là dạng cholesterol gây hại cho cơ thể, vì khi chuyên chở lượng cholesterol có trong máu để cung cấp cholesterol cho tế bào nếu có quá nhiều LDL-c lưu thông trong máu, chúng có thể từ từ tích tụ ở thành trong các động mạch khiến động mạch ngày càng hẹp đi, cản trở tuần hoàn máu, dễ dẫn đến các bệnh tim mạch như xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim cũng như nhiều sự cố khác.
Cholesterol kết hợp với HDL được ký hiệu là HDL-c là dạng cholesterol có lợi cho cơ thể, vì chúng mang cholesterol dư thừa ứ đọng từ trong thành mạch máu trở về gan để gan xử lý và đào thải ra ngoài, giúp chống lại quá trình xơ vữa động mạch. Do đó, nồng độ HDL cao dường như có tác dụng bảo vệ chống đau tim. Nồng độ HDL thấp (dưới 40 mg/dL) cũng làm tăng nguy cơ bị bệnh tim mạch
(xem đầy đủ -pdf).