Đời hay là cõi mộng? Nhận thức sẽ không khó lắm, nếu bạn có trong tay … “con quay”!
Trong bộ phim bom tấn Inception của đạo diễn Chris Nolan, Dom Cobb (do Leonardo DiCaprio thủ vai) cùng với đội tình báo công nghệ có thể tự đưa mình vào giấc mơ nhiều tầng – mơ trong mơ (nhờ thiết bị tải giấc mơ). Thực và mơ, rồi mơ trong mơ, Cobb nhiều khi không nhận biết được mình đang ở trong đời thực hay cõi mộng! Việc này rất nghiêm trọng vì trong cõi mộng chỉ cần thức tỉnh thì có thể thoát khỏi tình huống hiểm nghèo, ở đời thực thì không đơn giản như vậy. Đạo diễn đã sử dụng một “đạo cụ” đơn giản giúp Cobb trong phim: con quay – trong giấc mơ nó quay mãi không ngừng.
Thật tuyệt khi ý thức được mình đang mơ, mọi việc đều có thể diễn ra… như mơ! Đi trên tường như Cobb trong phim là chuyện nhỏ, bạn có thể làm những chuyện “phi thường” hơn, như bay lượn trên không, đi dạo dưới biển, du hành xuyên thời gian… Việc mơ có ý thức có thực không? Thực tế không ít người đã có trải nghiệm này. Thậm chí người ta còn có thể “định hướng” cho những gì diễn ra trong mơ.
Con quay trong đời
Theo một số nghiên cứu, trung bình khoảng 10 người thì 1 người có khả năng nhận thức được tình trạng đang mơ hay còn gọi là “mơ tỉnh”. Về mặt khoa học, bất kỳ ai cũng có thể mơ tỉnh nếu muốn, chỉ cần “huấn luyện” cho não với những kỹ thuật đơn giản.
Một trong những phương pháp phổ biến nhất là ghi nhật ký mơ. Việc ghi nhật ký giúp bạn theo dõi những giấc mơ đã trải qua, và hành vi lặp đi lặp lại này làm cho hoạt động mơ trở thành điểm nhấn trong não. Phương pháp thứ hai thực hiện việc gọi là "kiểm tra thực tế", chẳng hạn như xem đồng hồ hay đếm ngón tay. Nếu hành động này được thực hành suốt khi thức thì nhiều khả năng nó sẽ diễn ra trong mơ nhưng có thể biến đổi theo cách nào đó để "nhắc" người ta biết mình đang mơ (giống như con quay không ngừng của Cobb). Phương pháp thứ ba được biết đến với thuật ngữ MILD (Mnemonically Included Lucid Dreams), đây là chiến lược đơn giản "chuẩn bị" cho não “sẵn sàng” cho việc mơ tỉnh. Đại khái, bạn chỉ việc lặp đi lặp lại câu "tôi sẽ mơ tỉnh" cho đến khi thiếp đi. Chiến lược đơn giản này cho kết quả tốt nhất khi người ta thức giấc nửa đêm khoảng 30 phút rồi sau đó ngủ lại khi tập trung đưa mình vào cơn mơ tỉnh.
Ngoài ra, người ta cũng có thể nhờ đến sự trợ giúp của công nghệ. Chẳng hạn như “máy mơ” dạng mặt nạ che mắt của NovaDreamer do tiến sĩ Stephen LaBerge phát triển. Mặt nạ này phát hiện chuyển động nhanh của mắt khi người ta bắt đầu vào trang thái mơ và chớp đèn qua mi mắt (nhắm) nhập vào bối cảnh giấc mơ cảnh báo người ta biết tình trạng đang mơ.
Mơ như ý
Đầu thế kỷ 20, nhà tâm lý học người Áo, Sigmund Freud cho rằng giấc mơ bộc lộ những ước muốn bị kìm nén hay từ vô thức. Nhưng khoa học hiện đại cho rằng não giống như ổ đĩa lưu trữ ký ức, tâm tư và những trải nghiệm của chúng ta. Và giấc mơ chính là quá trình “xử lý thông tin” từ kho dữ liệu này, thường theo thứ tự “mới trước cũ sau” – những gì mới và nổi bật (hay có điểm nhấn) thường được ưu tiên “xử lý” trước (việc người ta thường mơ gặp người thân mới mất là một ví dụ).
Mơ có ý thức cho phép chúng ta kiểm soát việc “xử lý thông tin” trên, là bước khởi đầu cho việc… điều khiển giấc mơ. Việc điều khiển giấc mơ của người khác như trong Inception có lẽ còn xa vời, nhưng việc kiểm soát hay định hướng giấc mơ của chính mình có thể trong tầm tay. Vào Google, tìm với từ khóa "dream control" (hay "kiểm soát giấc mơ"), có cả triệu kết quả trả về hướng dẫn các phương pháp khác nhau từ nhiều nguồn, trong đócó những dịch vụ chuyên về kiểm soát giấc mơ và những tạp chí khoa học tên tuổi.
Nếu bạn đang băn khoăn trước một quyết định quan trọng nào đó, như cân nhắc thay đổi công việc chẳng hạn, bạn có thể tìm lời giải … trong mơ. Hãy rủ bỏ khỏi tâm trí những so đo vật chất, thư giãn và đưa mình vào giấc ngủ trong khi hỏi đi hỏi lại vấn đề. Lời giải trong mơ, trực tiếp hay mơ hồ, có thể gần với “bản ngã” của bạn nhất.
Một lời khuyên cho học sinh, sinh viên: hãy ngủ một giấc trước kỳ thi! Phương pháp này có thể cho điểm thi cao hơn đáng kể so với các bạn không ngủ và… không mơ, theo các nhà nghiên cứu tại Harvard.
Chia sẻ giấc mơ
Nói chung, mơ có tính riêng tư. Những trải nghiệm trong đời sống thường hiện diện trong mơ, dẫn dắt người mơ theo những câu chuyện luôn có tính cá nhân. Có những câu chuyện kể về việc mơ cùng giấc mơ ở những cặp song sinh hay những người cùng trải qua một biến cố lớn nào đó, nhưng việc “mơ chung” như đội của Cobb trong Inception khó có thể xảy ra.
| Tuy không thể mơ chung nhưng việc chia sẻ giấc mơ là có thể. Hiện đã có cách "đọc" được giấc mơ: dùng máy quét fMRI (Functional Magnetic Resonance Imaging) để chụp ảnh hoạt động của não, sau đó dùng phần mềm tạo lại hình ảnh thực mà người ta thấy trong mơ. Một thiết bị ghi lại giấc mơ không phải là điều xa vời. Các nhà khoa học cho rằng một ngày nào đó không xa, chúng ta sẽ có thể tự ghi những giấc mơ của mình, xem lại khi ăn sáng và đưa lên mạng để chia sẻ với bạn bè. |
P. Uyên, STINFO Số 3/2013