SpStinet - vwpChiTiet

 

Xác định nhanh tiểu đường ở người Việt



Theo dự báo của Tổ chức Y tế Thế giới, vào năm 2025 toàn cầu sẽ có khoảng 300 triệu người mắc bệnh tiểu đường. Tây Thái Bình Dương là khu vực có số người mắc bệnh cao nhất với khoảng 44 triệu người, Đông Nam Á khoảng 35 triệu người. Các nước đang phát triển sẽ phải hứng chịu hậu quả nghiêm trọng của căn bệnh này bởi tốc độ phát triển của nó có thể lên tới 170%. 
 

Việt Nam hiện có hơn 4,5 triệu người mắc bệnh tiểu đường.Theo thống kê tại Việt Nam thì bệnh tiểu đường đã tăng vọt từ mức 1% dân số người Việt trưởng thành vào năm 1991 - năm đầu tiên Việt Nam tiến hành thống kê bệnh tiểu đường trên toàn quốc - tỉ lệ này đã tăng lên đến 6% vào năm 2012. Điều đáng nói ở đây là hơn 65% người mắc bệnh tiểu đường trên cả nước không biết mình mang bệnh, tình trạng trên khiến phần lớn bệnh nhân tiểu đường tử vong do gặp phải các biến chứng nguy hiểm. Ngoài ra, còn hàng triệu người khác nằm trong vùng nguy cơ tiền tiểu đường. Nếu không khống chế các yếu tố nguy cơ một cách có hiệu quả, số người này sẽ trở thành người bệnh trong vài năm tới.

Bệnh nhân tiểu đường người Việt
bị cưa chân chỉ vì một vết va vào
thành tủ.
Nguồn: The NewYork Times.


Để kiểm tra lượng đường trong máu của bệnh nhân thì cách phổ biến nhất hiện nay là sử dụng công cụ để chích máu bệnh nhân, tuy nhiên cách này gây ra cảm giác khó chịu, đặc biệt là với những người mắc chứng sợ tiêm hay sợ vật nhọn.
 
 

Xác định nhanh khả năng bị bệnh tiểu đường 
 

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn và Giáo sư Lesley Campbell từ Viện nghiên cứu y khoa Garvan, hợp tác cũng Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai (Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP. Hồ Chí Minh) đã tìm ra cách đơn giản để xác định bệnh tiểu đường ở người Việt, chỉ dựa vào 2 yếu tố nguy cơ: cao huyết áp và tỉ số eo-mông.


Công cụ mà Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cùng đồng nghiệp đã phát triển là một biểu đồ tiên lượng (nomogram) gồm 3 cột song song trên một tờ giấy. Cột phía trái chỉ huyết áp, cột phía phải là tỉ số eo-mông, và cột chính giữa chỉ nguy cơ tiểu đường. Chỉ cần kẽ một đường thẳng từ huyết áp và tỉ số eo-mông, và điểm giao giữa đường thẳng được kẽ và cột chính giữa chính là xác suất mắc bệnh tiểu đường.

Ví dụ như một người có chỉ số huyết áp khá cao là 150, dáng người “bánh mì” với eo, mông bằng nhau thì khả năng bị bệnh tiểu đường là 0,2 tức là 20%. Cũng người này, giờ thành dáng “quả táo” với tỉ lệ eo và mông là 1,15 thì khả năng bị bệnh tiểu đường đã tăng lên 0,3 tức là 30%. Huyết áp càng cao thì khả năng bị bệnh tiểu đường cũng càng cao. Huyết áp đạt tới mức 230 thì người có vòng eo bánh mì đã có tới 40% nguy cơ bị tiểu đường trong khi người có vòng eo “thắt đáy lưng ong” chỉ có 20% nguy cơ bị bệnh tiểu đường.

Mô hình tiên lượng bệnh tiểu đường cho nam (biểu đồ trái) và nữ (biểu đồ phải) người Việt (Nguồn: đề tài “Phương pháp tiên lượng bệnh tiểu đường cho người Việt” của Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cùng đồng nghiệp)
 

Đề tài này của Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cùng đồng nghiệp đã vinh dự dành được giải nhất lĩnh vực y tế Hội thi Sáng tạo kỹ thuật lần thứ 22 năm 2011 – 2012. Tại buổi trao giải, bác sĩ Mai cho biết việc tầm soát tiểu đường trên toàn dân một cách không chọn lọc sẽ rất tốn kém và cũng chỉ phát hiện ra một số ít bệnh nhân. Trong khi đó, với một mô hình tiên lượng hiệu quả, khi đó đội ngũ y tế có thề phân lập nhóm cần được tầm soát tiểu đường với nhóm không cần xét nghiệm và tập trung vào nhóm có nguy cơ cao. Với mô hình này, các bác sĩ và nhân viên y tế và cả người dân đều có thể ước tính nguy  cơ  tiểu  đường  của  một cá  nhân  một  cách

Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai trả lời
các thắc mắc về bệnh tiểu đường.

nhanh chóng, dễ dàng. Tuy nhiên, để xác định cá nhân đó có bị tiểu đường hay không thì cần phải tiến hành các xét nghiệm về lượng đường trong máu.


Phòng bệnh vẫn hơn chữa bệnh


Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của việc “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, đặc biệt là ở bệnh tiểu đường. Người bệnh cần ăn uống điều độ, hợp lý, vận động cơ thể thường xuyên sẽ làm giảm các nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường.


Chế độ ăn uống khuyến nghị cho người tiểu đường:


- Lượng tinh bột đưa vào cơ thể người tiểu đường nên bằng khoảng 50-60% người thường. Sử dụng thường xuyên các loại ngũ cốc thô, chà xát ít vì lớp vỏ có chứa nhiều vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe như gạo lức, bánh mì đen….


- Nên ăn cá, trứng sữa, các sản phẩm chế biến từ sữa, đậu... Giảm ăn thịt heo, bò. Phương thức chế biến chủ yếu là luộc, nướng hoặc hầm chứ không nên chiên xào.


- Hạn chế ăn mỡ động vật và thay bằng các loại dầu thực vật như dầu đậu nành, dầu olive, dầu mè.


- Nên ăn khoảng 400 gram rau và trái cây tươi mỗi ngày. Nên ăn cả xác hơn là ép lấy nước uống, chất xơ ở rau quả là thành phần quan trọng làm giảm đường, làm chậm hấp thu đường và đỡ tăng đường sau khi ăn. Tuy nhiên, không phải loại trái cây nào cũng tốt, người mắc bệnh tiểu đường phải tránh các loại trái cây ngọt như nho, xoài, na, nhãn...


- Tránh xa tuyệt đối các loại bánh kẹo, nước ngọt có ga, rượu... Chất ngọt là nguyên nhân trực tiếp gây bệnh đái tháo đường, nó làm trầm trọng thêm quá trình bệnh lý, tăng các biến chứng nặng nề của bệnh.

Giữ vững chế độ ăn kiêng kết hợp với thể dục thể thao thường xuyên chính là phương pháp điều trị bệnh hiệu quả nhất. Tuy nhiên, chế độ ăn cụ thể phải dựa trên từng bệnh nhân, cân nặng, lượng đường trong máu, và cần tham khảo ý kiến của bác sĩ đang theo dõi và điều trị.
 

Thanh Minh, STINFO Số 8/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả