SpStinet - vwpChiTiet

 

Phát triển công nghiệp hỗ trợ: cần giải pháp đồng bộ cho doanh nghiệp

 
 

Được xác định là xương sống của nền kinh tế, ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) gần đây rất được Chính phủ quan tâm, thể hiện qua nhiều chính sách phát triển như “chính sách phát triển một số ngành CNHT” (phê duyệt 2011); danh mục “các sản phẩm CNHT ưu tiên phát triển” (ban hành 2011); đề án trợ giúp phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong lĩnh vực CNHT (phê duyệt 2012)... Tuy nhiên, thực tế, ngành CNHT nước ta vẫn loay hoay tìm hướng đi phù hợp mà chưa có bước đột phá nào đáng kể.

 


Bức tranh chung chưa mấy sáng sủa


Trong Quyết định số 12/2011/QĐ-TTg về chính sách phát triển một số ngành CNHT của Thủ tướng chính phủ, CNHT được định nghĩa là “các ngành công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng linh kiện, phụ kiện, bán thành phẩm để cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất, lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh là tư liệu sản xuất hoặc sản phẩm tiêu dùng”. Các ngành CNHT ưu tiên phát triển được xác định là dệt may, da giày, điện tử - tin học, lắp ráp ô tô, cơ khí chế tạo và công nghiệp công nghệ cao.


Những năm qua, dù đã đạt một số kết quả nhất định trong quá trình phát triển CNHT như góp phần nâng dần tỷ lệ nội địa hóa của ngành công nghiệp lắp ráp, giảm tỷ lệ linh kiện, phụ tùng phải nhập khẩu từ nước ngoài… Tuy nhiên, thực tế, bức tranh chung về ngành CNHT vẫn chưa mấy sáng sủa. Khảo sát của Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) cho thấy, tỷ lệ nội địa hóa của các công ty của Nhật tại Việt Nam rất thấp, chưa đến 28%, so với 61% tại Trung Quốc và 53% tại Thái Lan. Các ngành sản xuất phục vụ xuất khẩu phần lớn phụ thuộc nguyên vật liệu, linh kiện nhập khẩu. Theo ước tính của Bộ Công thương, hiện ngành CNHT lệ thuộc gần 80% nguyên liệu nhập khẩu.


Theo một khảo sát năm 2013 của Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia (NCEIF, Bộ Kế hoạch và Đầu tư), TP. HCM cùng các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía nam là Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu có nền CNHT phát triển rất chậm so với nhu cầu. Tỷ lệ doanh nghiệp CNHT trên doanh nghiệp công nghiệp chính là 2,07 lần (Thái Lan là 50 lần), trong đó thấp nhất là ngành cơ khí (1,7 lần), cao nhất là ngành ô tô (5 lần). Nghịch lý ở chỗ, có hơn 74% số doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố được khảo sát nói trên xác nhận rất quan tâm đến các nhà cung ứng trong nước.


Thông tin từ hội thảo thu hút đầu tư công nghệ cao và CNHT vào TP. HCM do UBND Thành phố tổ chức gần đây cho biết, TP. HCM hiện có 371 doanh nghiệp trong nước và 261 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tham gia ngành CNHT. Tuy nhiên, phần lớn nguyên liệu, linh kiện phụ tùng cho các doanh nghiệp này được nhập khẩu. PGS.TS. Lê Hoài Quốc (Trưởng Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM) nhận định, khi CNHT yếu kém đồng nghĩa với việc phần lớn giá trị gia tăng tạo nên thuộc về các nhà đầu tư FDI và các nhà cung ứng nước ngoài. Việt Nam thu nhận được rất ít lợi ích từ quá trình này ngoại trừ giải quyết vấn đề lao động và học hỏi kinh nghiệm quản lý.

 


Thời gian qua, nhiều hoạt động hợp tác về CNHT giữa Việt Nam – Nhật Bản
đã được triển khai.
Ảnh: LV.


Theo Sở Công thương TP. HCM, thực trạng phát triển CNHT tại TP. HCM ở các ngành thiết bị điện – điện tử, cơ khí chế tạo, sản xuất lắp ráp ô tô, dệt may, da giày nhìn chung còn ảm đạm.


Ngành thiết bị điện – điện tử trình độ công nghệ chỉ ở mức trung bình – khá, CNHT tỷ lệ nội địa hóa mặc dù đã tăng nhưng thấp hơn so với mong đợi của doanh nghiệp lắp ráp. Doanh nghiệp trong nước vẫn sản xuất theo phương thức gia công – nhập khẩu linh kiện vì giá rẻ hơn và cung ứng tốt hơn.


Ngành cơ khí chế tạo, TP. HCM được coi là địa phương mạnh trong cả nước với khoảng 12.500 cơ sở sản xuất, hơn 129.000 lao động, trong đó CNHT chiếm 58.800 lao động. CNHT đã có bước phát triển nhưng chủ yếu phục vụ sản xuất các sản phẩm cơ khí gia dụng, sửa chữa thay thế các thiết bị trong dây chuyền đồng bộ nhập khẩu. Tỷ lệ doanh nghiệp có trình độ tiên tiến tăng, số doanh nghiệp trình độ lạc hậu giảm mạnh nhưng chưa có doanh nghiệp quy mô lớn làm vai trò hạt nhân thúc đẩy phát triển ngành.  
Hợp tác Việt Nam – Hàn Quốc tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư về CNHT tại TP. HCM. Ảnh: LV.


CNHT cho nhóm ngành dệt may tuy có bước phát triển nhưng tập trung ở các sản phẩm giá trị thấp như: cúc, xốp đựng, đệm bông, nhựa cài, dưỡng gá, chăn-ga-gối-đệm, chỉ, dây khóa kéo, băng chun, băng dính... Các khâu tạo sản phẩm có giá trị gia tăng cao như sản xuất sợi, hóa chất – chất trợ nhuộm, nhuộm, in hoa, hoàn tất vải còn phụ thuộc nhập khẩu. Điều này dẫn đến công nghiệp dệt may phát triển chủ yếu theo hình thức gia công, sản xuất theo nguyên liệu, mẫu mã của nước ngoài. Tỷ trọng của CNHT trong giá trị sản xuất công nghiệp cả nhóm ngành tăng từ 35,6% năm 2005 đến nay lên khoảng 42%.


Tương tự, CNHT cho ngành da giày cũng chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Chất lượng da sống trong nước không đáp ứng được yêu cầu, đầu tư vào lĩnh vực thuộc da còn hạn chế, các sản phẩm da tổng hợp, da nhân tạo cũng chưa đáp ứng được nhu cầu trong nước. Phần lớn doanh nghiệp sản xuất theo phương thức gia công nên bị lệ thuộc vào đối tác nước ngoài, trong nhiều trường hợp đối tác sẽ chỉ định nguồn cung cấp nguyên vật liệu, vì vậy các sản phẩm CNHT sản xuất trong nước khó tham gia vào chuỗi cung ứng này, liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn yếu.

 


Hướng đến các giải pháp đồng bộ cho doanh nghiệp


Có nhiều nguyên nhân khiến CNHT Việt Nam chưa phát triển, trong đó phải kể đến tình trạng các nguồn vốn đầu tư chưa đến được với doanh nghiệp, nguồn nhân lực chưa đáp ứng được nhu cầu. Do đó, trình độ kỹ thuật của các doanh nghiệp không được nâng cao, khó thực hiện chuyển giao công nghệ.


Việt Nam có không ít các cơ chế chính sách dành cho CNHT nhưng theo khảo sát của NCEIF, tỷ lệ doanh nghiệp CNHT được thụ hưởng các chính sách trên thực tế khá thấp. Nguyên nhân là do các chính sách thay đổi quá nhanh và thiếu nhất quán, thiếu sự thông tin và tư vấn kịp thời; hơn nữa, các chính sách này không trực tiếp và đặc thù đối với lĩnh vực CCNHT nên chưa phát huy được tác dụng. Mặt khác, các biện pháp ưu đãi cho CNHT chưa được doanh nghiệp tận dụng, sự liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành CNHT còn yếu. Bên cạnh đó, nhận thức về CNHT ở các khâu hoạch định, thực thi chính sách và triển khai các chương trình hỗ trợ còn chưa thống nhất giữa cơ quan quản lý nhà nước, hội ngành nghề và cộng đồng doanh nghiệp.



Triển lãm quốc tế về công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VSI Expo 2014) được xác định

là “chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm quốc gia năm 2014”. Ảnh: LV.


Theo các chuyên gia Nhật Bản, để phát triển ngành CNHT, Việt Nam cần tiến hành song song ba biện pháp hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp. Cụ thể, cần có chế độ hỗ trợ vốn đầu tư thông qua chế độ cho vay với lãi suất hợp lý; hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực để chuyển giao kỹ thuật; nâng cao chất lượng soạn thảo chính sách về CNHT. Bên cạnh đó, phải thành lập một cơ chế hợp tác để doanh nghiệp cùng nhà nước có thể nhanh chóng thực hiện các hành động cụ thể.


Về phát triển CNHT công nghệ cao, theo PGS. TS. Lê Hoài Quốc, từ thành công của hai nước lân cận là Nhật Bản và Hàn Quốc, bài học chỉ ra doanh nghiệp CNHT phải nằm trong các khu công nghiệp – khu chế xuất (KCN-KCX) và thực hiện nhiệm vụ cung ứng linh phụ kiện. Còn Khu Công nghệ cao, với lợi thế có mối liên hệ mật thiết với Đại học Quốc gia và các đại học lớn khác trong thành phố sẽ đóng vai trò hỗ trợ đầu vào (đào tạo nhân lực kỹ thuật cao, nghiên cứu, chuyển giao công nghệ) và đầu ra (thị trường). Từ đó hình thành nên một hệ sinh thái kinh doanh cho TP. HCM. Ở tầm quốc gia, cần thiết phải có một Ban chỉ đạo Phát triển CNHT, tương tự như Ban Phát triển kinh tế (EDB) của Singapore. Ban chỉ đạo này cần có quyền hạn đủ lớn để có thể chuyển tải các hỗ trợ của chính phủ đến các doanh nghiệp một cách thông suốt nhất.


Theo Ban Quản lý các KCN-KCX TP. HCM (Hepza), để phát triển CNHT, thành phố cần xây dựng những KCN, cụm công nghiệp chuyên ngành về CNHT, phù hợp với quy mô sản xuất của doanh nghiệp vừa và nhỏ, tạo được sự kết nối giữa các doanh nghiệp trong cùng chuỗi cung ứng, các chính sách ưu đãi cho nhà đầu tư hạ tầng KCN và các doanh nghiệp thuê đất để đầu tư sản xuất. Trước mắt, đề xuất chọn 2 KCN có quỹ đất sẵn sàng để hình thành KCN chuyên ngành về CNHT là KCN Hiệp Phước và KCN Lê Minh Xuân 3 để thu hút các ngành CNHT phục vụ phát triển công nghiệp cơ khí, điện tử, tin học.



Các Triển lãm Liên minh các Doanh nghiệp ngành CNHT tại TP. HCM, METALEX Vietnam,
NEPCON Vietnam được tổ chức thường niên tại TP. HCM
cũng góp phần thúc đẩy phát triển CNHT.
Ảnh: LV.

 

Sở Công thương TP. HCM đề xuất nghiên cứu, soạn thảo ban hành “Luật phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong CNHT” nhằm thúc đẩy phát triển CNHT bởi hiện nay tại Việt Nam, trong số khoảng 500.000 doanh nghiệp đang hoạt động theo Luật doanh nghiệp thì có trên 90% là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế chính sách đồng bộ về thuế, cơ sở hạ tầng, tín dụng, nguồn nhân lực CNHT; quỹ hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ đổi mới công nghệ, tạo cầu nối liên kết giữa các doanh nghiệp.

 


Cơ hội và thách thức cho doanh nghiệp


Trong bối cảnh thị trường chung châu Á, Cộng đồng Kinh tế chung ASEAN sắp được thiết lập, ngành CNHT Việt Nam sẽ còn nhiều tiềm năng phát triển, đặc biệt khi hầu hết các công ty đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đang chuyển hướng đầu tư vào Việt Nam. Với sự hỗ trợ của Chính phủ, các ngành CNHT Việt Nam phục vụ cho ngành công nghiệp ô tô, công nghiệp điện tử… đang ngày càng phát triển mạnh mẽ để đáp ứng nhu cầu sản xuất, đặc biệt là nhu cầu của các nhà sản xuất Nhật Bản, một trong những nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Đây được xem là cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với các doanh nghiệp Việt Nam.


Nắm bắt xu thế này, Tổng Công ty Công nghiệp Sài Gòn – TNHH Một thành viên (CNS) đã triển khai dự án đầu tư Khu CNHT Phạm Văn Cội với diện tích dự kiến 75 ha và vốn đầu tư 330 tỷ đồng, nhằm thành lập khu CNHT cung cấp hạ tầng kỹ thuật, nhà xưởng, kho bãi để thu hút các doanh nghiệp chuyên sản xuất các sản phẩm hỗ trợ cung cấp cho các công ty trong nước và nước ngoài hoạt động tại TP. HCM, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và tiến tới xuất khẩu; tạo tiền đề phát triển bền vững các ngành công nghiệp chủ lực của TP. HCM, thu hút đầu tư nước ngoài, giảm nhập siêu cho quốc gia.



Các hội thảo, hội nghị về CNHT cũng thường xuyên được tổ chức tại TP. HCM

nhằm thúc đẩy phát triển CNHT. Ảnh: LV.


Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, CNS gặp những khó khăn trong bối cảnh chung của ngành CNHT còn nhiều hạn chế. Do vậy, CNS đề xuất nhà nước cần quan tâm đến việc đào tạo nguồn nhân lực ngành CNHT; xây dựng mạng lưới thông tin công khai về tình hình sản xuất của ngành để nhà đầu tư và các đối tác có thông tin chính xác, từ đó đưa ra quyết định đầu tư, hợp tác kinh doanh; tích cực ưu tiên và thu hút các doanh nghiệp nước ngoài trong những ngành và lĩnh vực mà CNHT của chúng ta còn yếu để chuyển giao công nghệ; xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp CNHT, các doanh nghiệp CNHT với các doanh nghiệp sản xuất chính, doanh nghiệp lắp ráp dưới dạng hiệp hội để các doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin, nắm bắt nhu cầu lẫn nhau; liên kết doanh nghiệp trong và ngoài nước trong việc sản xuất, cung ứng các sản phẩm hỗ trợ; đẩy mạnh nghiên cứu thị trường trong và ngoài nước.


Công ty TNHH SX & TM Thanh Luân, một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xử lý bề mặt, đang có khách hàng là các công ty Nhật Bản sản xuất các sản phẩm cơ khí và cơ khí chính xác tại các KCN trong và ngoài Thành phố. Thanh Luân có kế hoạch nâng cao hơn nữa năng lực tạo ra các sản phẩm xử lý bề mặt phục vụ cho các ngành kỹ thuật cao như điện – điện tử, công nghiệp ô tô xe máy. Doanh nghiệp này mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn về nguồn vốn ưu đãi, thủ tục hành chính trong quá trình đầu tư, hỗ trợ về thuế, an ninh và các dịch vụ hải quan liên quan; đồng thời đề xuất Nhà nước cần có những chương trình hành động cụ thể thúc đẩy ngành CNHT cũng như chính sách cho người lao động như: nhà lưu trú, bệnh viện, trường học, trung tâm sinh hoạt cộng đồng tại chỗ, sẽ góp phần ổn định nguồn nhân lực, đảm bảo sự ổn định và phát triển bền vững.


LAM VÂN, STINFO Số 12/2014

Tải bài này về tại đây.

 

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả