Sức sáng tạo và năng lực thương mại hóa các sáng tạo từ góc nhìn sáng chế
27/07/2009
Doanh trường KH&CN
Doanh trường KH&CN
Thuật ngữ sáng chế được dùng để chỉ cả 2 đối tượng của quyền sở hữu công nghiệp là sáng chế và giải pháp hữu ích (xem thêm bài “Căn bản về sở hữu công nghiệp”, STINFO số 4/2009). Để bảo hộ sáng chế, giải pháp hữu ích, Nhà nước cấp bằng độc quyền sáng chế, bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho người nộp đơn yêu cầu cấp bằng, thường được gọi chung là bằng độc quyền sáng chế hoặc nói gọn lại là bằng sáng chế. Theo GS. Đặng Mộng Lân, Viện Chiến lược và Chính sách KH&CN: “Số lượng bằng sáng chế được cấp bởi những cơ quan có uy tín trên thế giới là số đo cơ bản để đánh giá khả năng sáng tạo công nghệ của một quốc gia”.
Có 2 cái nhìn quan trọng vào số lượng sáng chế được đăng ký ở mỗi nước. Đó là số sáng chế do những người trong nước đăng ký và số sáng chế do người từ nước ngoài đăng ký. Chẳng hạn, trong năm 2006 tại Mỹ có 204.182 sáng chế do người nước ngoài đăng ký xin bảo hộ ở Mỹ, còn tại Trung Quốc số này là 88.183. Chúng ta thấy rõ những nhà sáng chế nước ngoài rất quan tâm đến khả năng thương mại hóa các sáng chế của họ tại Mỹ, tức khả năng các sáng chế của họ có thể đi vào sản xuất. Khi đó quyền lợi của họ cần được bảo hộ. Và đó là lý do họ phải đăng ký xin bảo hộ sản xuất ở Mỹ. Khả năng này ở Trung Quốc cũng khá lớn tuy còn kém xa Mỹ. Còn về sức sáng tạo của người Mỹ ta cũng thấy sự vượt trội so với Trung Quốc với số sáng chế đăng ký của chính người Mỹ là 221.784 so với 122.318 của người Trung Quốc. Về khả năng sáng tạo này thì đứng đầu là Nhật Bản với số đăng ký vượt xa các nước khác, kể cả so với Mỹ (347.060 so với 221.784).
Những con số quá nhỏ bé của Việt Nam là câu hỏi lớn cho cả xã hội nói chung và ngành khoa học – công nghệ nói riêng. Không đem so với Mỹ, Nhật, Trung Quốc, … ta chỉ so với Thái Lan cũng thấy bức tranh không thể lạc quan về sức sáng tạo của ta, về việc người nước ngoài đánh giá khả năng đưa các sáng chế vào sản xuất ở ta hay nói cách khác là thương mại hóa các ý tưởng sáng tạo. Trong năm 2006 Việt Nam chỉ có 196 sáng chế do người trong nước đăng ký (trong khi Thái Lan là 915) và 1970 sáng chế của người nước ngoài xin đăng ký tại Việt Nam (ở Thái Lan là 5333).
Loan Nguyễn