KHÁI NIỆM VỀ BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ
Bản đồ công nghệ (Technology Map, viết tắt T-Map) là tài liệu phân tích sự phát triển của công nghệ từ lúc còn là những đề án nghiên cứu đến khi thực sự là một công nghệ được ứng dụng trong cuộc sống.
Ba nhóm người dùng chính có thể tìm thấy những lợi ích khi sử dụng T-Map:
- Nhóm các nhà quản lý công nghệ, hoạch định chính sách phát triển công nghệ, tạm gọi là nhóm A.
- Nhóm các nhà nghiên cứu, phát triển công nghệ, thương mại hóa các sản phẩm công nghệ có được từ những kết quả nghiên cứu, tạm gọi là nhóm B.
- Nhóm các nhà sản xuất – kinh doanh có nhu cầu sử dụng công nghệ, đổi mới công nghệ, tạm gọi là nhóm C.
Hiển nhiên T-Map sẽ không chỉ có một loại, mà có nhiều loại, thích hợp cho những nhu cầu sử dụng khác nhau của các nhóm A, B hay C.
Ngoài những mục tiêu chính khi xây dựng T-Map là quản lý, phát triển và sử dụng công nghệ thì T-Map thường còn là một cẩm nang hướng dẫn cho quá trình thương mại hóa công nghệ, cung cấp các thông số phát triển của sản phẩm, phân tích điều kiện, hệ quả, tầm ảnh hưởng và cả rủi ro kinh doanh… khi một công nghệ được ứng dụng và thương mại hóa.
Xây dựng T-Map là công việc đòi hỏi sự hiểu biết sâu rộng trong lĩnh vực công nghệ cần có T-Map. Đại thể như muốn xây dựng bản đồ một khu vực địa lý nào đó, một quốc gia, một thành phố, một lưu vực sông, một vùng mỏ … thì hiển nhiên việc khảo sát kỹ lưỡng vùng địa lý đó là việc rất phức tạp. Tiếp đó là làm “bản đồ” thì phải “có nghề”. Với T-Map cũng vậy. Trong một bài báo ngắn, chúng ta không thể nói hết về nghề làm “bản đồ” rất trừu tượng, rất trí tuệ là T-Map. Tuy nhiên có thể tạm so sánh với các cỡ bản đồ địa hình để thấy rằng lập một T-Map cho nhóm người sử dụng A thì tựa như bản đồ địa hình tỷ lệ cỡ 1/10.000, 1/100.000, 1/1000.000 … còn cho nhóm B thì phải thu hẹp hơn, tạm hình dung cỡ 1/1000, 1/5000 … còn cho nhóm C thì những bản đồ cỡ 1/500 đã là thô nhất rồi!
VÀI THÔNG TIN VỀ ỨNG DỤNG CỦA T-Map
T-Map đã được ứng dụng khá nhiều trên thế giới như là một phương pháp phân tích và định hướng hiệu quả cho các quá trình phát triển công nghệ.
Viện nghiên cứu Nomura Research Institute, Ltd. (NRI) của Nhật đã ứng dụng phương pháp phân tích này, lập ra “T-Map cho công nghệ thông tin - Information Technology Map”. IT-Map phân tích những hoạt động trong nền công nghệ thông tin hiện tại, mối tương quan giữa các yếu tố “công nghệ cơ bản, công nghệ cao và công nghệ kế thừa” với “phát triển công nghệ, hạ tầng công nghệ và sử dụng công nghệ”…; đồng thời IT-Map cũng đề ra các khuynh hướng phát triển, những công nghệ chiến lược, dự đoán khuynh hướng công nghệ thông tin quan trọng cho tương lai. Các phân tích và xử lý số liệu cho thấy công nghệ thông tin đã thâm nhập vào tất cả các lĩnh vực của cuộc sống, ngày càng đóng vai trò không thể thiếu đối với sự phát triển của khoa học & công nghệ.
Trong một nghiên cứu của Ủy ban châu Âu thực hiện năm 1999, T-Map về “Dự án tương lai – The future project” đã cung cấp một cái nhìn tổng quan về các công nghệ ảnh hưởng mạnh mẽ đến xã hội châu Âu đến năm 2010. Các nghiên cứu dựa trên phân tích các điểm mạnh và yếu về công nghệ mà châu Âu đang có (so sánh một cách tương đối với Mỹ và Nhật Bản). Các lĩnh vực được chọn trong nghiên cứu bao gồm: công nghệ thông tin, khoa học đời sống, năng lượng, công nghệ xanh (sản phẩm sạch và thân thiện môi trường), công nghệ vật liệu và lĩnh vực giao thông vận tải. Ở mỗi lĩnh vực tập trung phân tích các điểm mạnh và yếu, những thuận lợi và khó khăn, những gì làm được và chưa làm được.
Bản đồ công nghệ về vật liệu cũng đã được SRI Consulting Business Intelligence (SRIC-BI) sử dụng làm công cụ tư vấn cho khách hàng. Những vật liệu “thông minh” tạo ra những sản phẩm thông minh, và đó cũng chính là một trong những mục tiêu cạnh tranh khốc liệt của nền công nghệ. Các nhà sản xuất có thể sử dụng vật liệu thông minh để đơn giản hóa một sản phẩm (ví dụ thu nhỏ kích thước, tăng tốc độ xử lý mà vẫn đảm bảo những tính năng của sản phẩm), đồng thời tạo ra những đặc điểm mới cho sản phẩm. Một trong những ví dụ chúng ta có thể nhận thấy là tính năng của vật liệu bằng kính “cổ điển” thì dễ vỡ, nhưng với sự phát triển của công nghệ, đặc biệt là công nghệ vật liệu đã tạo ra “kính chịu lực”, với những đặc điểm mới là rất dai, bền, có khả năng chống đạn, chịu sức ép, được ứng dụng nhiều trong các ngành xây dựng, quốc phòng, hàng không… Công nghệ vật liệu dần dần thâm nhập sâu vào các ngành, và phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kiến trúc xây dựng. Sự phát triển của công nghệ điện, điện tử cũng đã làm giảm giá thành của công nghệ vật liệu và tạo ra càng nhiều ưu điểm cho công nghệ vật liệu. Như vậy, một bản đồ công nghệ về vật liệu thông minh có thể cho thấy quá trình phát triển của công nghệ vật liệu. Sự phát triển của vật liệu và sự kết hợp của chúng trong các lĩnh vực khác nhau, ví dụ vật liệu với các lĩnh vực quang, nhiệt, điện, từ… đã tạo ra những ứng dụng mới mẻ trong quang điện, quang hóa, điện từ, điện quang… Nghiên cứu một bản đồ công nghệ cụ thể cho chúng ta biết quá trình phát triển từ quá khứ đến hiện tại của một công nghệ, đồng thời gợi mở những suy nghĩ cho các hướng đi hoàn toàn mới trong tương lai.
BẢN ĐỒ CÔNG NGHỆ “ MẪU”
Hầu như tất cả các T-Map đều bao gồm các phần chính: tầm quan trọng của công nghệ đó đối với khoa học và đời sống, quá trình phát triển, đặc tính công nghệ, ứng dụng thương mại…; mục đích của T-Map là cung cấp một nguồn dữ liệu khoa học và chính xác để các công ty, các cơ quan hoặc bất cứ ai quan tâm biết được quá trình phát triển hiện tại và khuynh hướng, nhu cầu của công nghệ trong tương lai. Từ đó đề ra định hướng cần làm gì để phát triển công nghệ này và có nên đưa nó vào thương mại, vào cuộc sống hay không.
Vì là một phương pháp khá mới mẻ, chúng ta sẽ lướt qua một bản đồ công nghệ “mẫu” được SRI Consulting Business Intelligence (SRIC-BI) khái quát thành một phương pháp.
Theo SRIC-BI, T-Map bao gồm các biểu đồ công nghệ (Technology Charts) cùng với các thuyết minh, tóm tắt các giai đoạn phát triển và thương mại hóa công nghệ. Các biểu đồ công nghệ tập trung vào các vấn đề: các tiêu chuẩn công nghệ, các thông số của quá trình thương mại hóa công nghệ, tác động qua lại của sản phẩm và thị trường, những sản phẩm nào là quan trọng, bước phát triển mới về công nghệ mang lại những hệ quả như thế nào, những cơ hội nào được tạo ra, những ai là người tham gia v.v…
Bản đồ công nghệ tập trung nghiên cứu và phân tích các vấn đề sau:
• Tầm quan trọng của công nghệ: phạm vi của công nghệ, tình trạng phát triển và cơ hội ứng dụng công nghệ trong quá trình thương mại hóa.
• Tổng quan về công nghệ: cung cấp các thuật ngữ của công nghệ (hệ thống, các thành tố, ứng dụng), sự phân hóa trong lĩnh vực công nghệ đang nghiên cứu, từ đó cung cấp cho khách hàng những hiểu biết cơ bản, theo chiều rộng lẫn chiều sâu của bản đồ công nghệ.
• Thông số phát triển thương mại: đánh giá các thông số ảnh hưởng đến quá trình phát triển thương mại, sắp xếp theo các thang đánh giá từ ít đến nhiều, từ mạnh đến yếu. Qua đó khách hàng có thể đưa ra quyết định đầu tư hay không đầu tư, có nên thực hiện quá trình thương mại hóa công nghệ đó hay không.
• Xác định phạm vi giám sát: đánh giá các tiêu chí, các sự kiện ảnh hưởng quan trọng đến quá trình thương mại hóa công nghệ; đánh giá những lĩnh vực có thể có tác động mạnh mẽ và cả những rủi ro có thể xảy ra.
• Hệ quả thương mại hóa công nghệ: điều gì sẽ xảy ra khi một công nghệ tham gia vào quá trình thương mại hóa, những bước tiếp theo của sự thay đổi đó là gì, từ đó vạch ra những con đường mà công nghệ có thể phát triển trong những tình huống cụ thể.
• Cơ hội: những cơ hội công nghệ có thể đạt được từ sự ứng dụng công nghệ, miêu tả từng cơ hội với một hỗn hợp của chuỗi giá trị hoặc mạng lưới giá trị, tóm tắt cơ cấu ngành công nghiệp và các mô hình kinh doanh.
• Người tham gia: những cơ quan, công ty, tổ chức nào tham gia vào quá trình thương mại hóa công nghệ…
KẾT LUẬN
T-Map là một công cụ tốt, giúp chúng ta phân tích về sự phát triển của các vùng công nghệ, các ngành công nghệ, cho đến từng công nghệ cụ thể. Tư duy theo bản đồ công nghệ giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát nhưng thấu đáo về các bài toán công nghệ mà ta phải giải từ góc độ của mình. Ở nước ta, T-Map còn khá xa lạ với mức độ là một công cụ dù rằng ở những mức độ khác nhau, các nhà hoạch định chính sách công nghệ, các viện và công ty KH&CN, các doanh nghiệp vẫn phải tiếp cận những khía cạnh nào đó của T-Map. Đã đến lúc chúng ta nên tiếp cận phương pháp này một cách nghiêm túc, bài bản. Chỉ xin lưu ý rằng lập T-Map phải có tri thức cao, thông tin KH-CN và kinh tế đầy đủ và phải có nghề T-Map! Từ đó đề ra các hướng giải quyết các vấn đề từ nhỏ đến lớn, từ tầm vi mô cho đến vĩ mô.
Danh sách vài bản đồ công nghệ đã được xây dựng trên thế giới:
1. T-Map “Dự án công nghệ năng lượng chiến lược của châu Âu (SET-Plan)”; 2007; báo cáo của Ủy ban châu Âu tại Brussels.
2. T-Map “Vật liệu thông minh”; 2006; tác giả: Carl Telford, nhà phân tích công nghệ, công ty SRIC-BI.
3. T-Map “Ứng dụng Web quốc tế”; 2006; tác giả: Suresh Chande, khoa Khoa học máy tính, đại học Helsinki, Phần Lan.
4. T-Map “Bản đồ công nghệ thông tin”; 2005; báo cáo công nghệ thông tin của Viện nghiên cứu NRI (Nhật Bản).
5. T-Map “Dự án tương lai”; 1999; tác giả: Eamon Cahill, Fabiana Scapolo, Viện Nghiên cứu công nghệ Công nghệ tương lai, Ủy ban châu Âu.
6. T-Map về kinh doanh của SAP AG; 1999; công ty phần mềm lớn của châu Âu, có trụ sở chính tại Walldorf, Đức.
7. T-Map “Khai thác điện từ các nguồn năng lượng tái sử dụng (xứ Wales)”.
Thông tin của SRIC-BI liệt kê một số lĩnh vực đã xây dựng bản đồ công nghệ để tư vấn cho các nhà đầu tư:
• Công nghệ sinh học nano, điện nano, công nghệ năng lượng tái chế, công nghệ polymer, công nghệ gen, công nghệ ảo hóa, công nghệ robot, công nghệ nhận dạng tần số radio.
• Xúc tác sinh học, vật liệu sinh học, cảm ứng sinh học, sinh học cao phân tử, màng phân chia.
• Pin nhiên liệu, điện quang, công nghệ lượng tử.
• Vi điện tử silicon, vật liệu thông minh, vật liệu ceramic, vật liệu nano
• Truyền thông di động v.v…
Oanh Vũ