Năm tháng đầu năm 2012, có tới 30.100 doanh nghiệp (DN) thành lập mới dù tình hình kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn. Rất nhiều doanh nhân băn khoăn trước bài toán nên chọn loại hình DN nào, nên lưu ý những vấn đề nào, tại sao việc đăng ký kinh doanh bị vướng mắc... Bà Nguyễn Thị Đan Thanh – Phó phòng Đăng ký Kinh doanh của Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã có buổi trao đổi với phóng viên Tạp chí STINFO về vấn đề này.
PV: Xin bà vui lòng nói rõ về các loại hình DN hiện nay? Những vấn đề thường gặp khi đăng ký hoạt động DN?
Bà Nguyễn Thị Đan Thanh: Có các loại hình DN đang hoạt động hiện nay như sau:
- Các hộ kinh doanh cá thể: do một cá nhân hay một hộ gia đình đứng ra đăng ký, không được sử dụng quá 10 lao động và chịu trách nhiệm vô hạn đối với các nghĩa vụ tài chính phát sinh. Tuy nhiên nghĩa vụ quyết toán thuế của hộ gia đình sẽ đơn giản hơn loại hình DN. Dù vậy loại hình này không được khuyến khích.
- DN tư nhân: do cá nhân làm chủ và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản về các nghĩa vụ tài chính phát sinh của DN. Lưu ý là DN tư nhân không có tư cách pháp nhân do không thỏa một trong 4 điều kiện theo Luật là không phân định được tài sản giữa người chủ DN và DN. Tuy nhiên đây chỉ là vấn đề về mặt từ ngữ mà thôi bởi vì một DN tư nhân vẫn có thể tiến hành giao dịch trên thị trường bình thường. Chủ DNTN sẽ không được đồng thời là chủ DNTN khác hay hộ kinh doanh khác. Rất nhiều trường hợp đăng ký kinh doanh không thành công vì người đứng tên đăng ký cho DNTN này đang là chủ của DNTN khác.
- Công ty hợp danh: các thành viên có chức năng, chuyên môn hợp với nhau lại để thành lập DN. Các thành viên hợp danh chịu trách nhiệm vô hạn về tài sản với nghĩa vụ tài chính của DN hợp danh. Thành viên góp vốn trong công ty hợp danh chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn trong phần góp vốn của mình nhưng sẽ không có quyền biểu quyết trong công ty hợp danh như thành viên hợp danh. Thành viên hợp danh sẽ không đồng thời là chủ DN hợp danh khác nếu các thành viên hợp danh khác không đồng ý.
- Công ty cổ phần: là loại hình tương đối phổ biến hiện nay trong đó các thành viên sở hữu các số cổ phần khác nhau. Ưu điểm của loại hình công ty này là khả năng thu hút vốn. Hạn chế của loại hình này là trong vòng 90 ngày kể từ khi đăng ký kinh doanh, các thành viên phải góp đủ vốn, bất kể lý do gì. Điều này có thể tránh bằng cách đăng ký góp bù số còn thiếu sau nếu như chưa đủ vốn. Giám đốc công ty cổ phần không được đồng thời là giám đốc công ty khác.
- Công ty TNHH một thành viên: gồm công ty TNHH một thành viên do cá nhân làm chủ và công ty TNHH một thành viên do tổ chức làm chủ. Các thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với nghĩa vụ tài chính phát sinh của doanh nghiệp. Lưu ý là khi góp vốn bằng tài sản như nhà, xe thì chủ DNTN sẽ không phải sang tên tài sản sang tên DN trong khi chủ công ty TNHH một thành viên phải sang tên tài sản cho DN. Do đó nhiều người cứ nghĩ đơn giản rằng khi góp tài sản vào DN thì khi cần mình vẫn có thể rút ra nhưng thực ra muốn lấy tài sản ra thì phải mua lại. Ngoài ra, dù tài sản có giá trị là bao nhiêu đi chăng nữa thì khi tranh chấp xảy ra thì việc phân định sẽ dựa vào giá trị tài sản đã đăng ký.
- Công ty TNHH hai thành viên: có số thành viên tối thiểu là 2 và tối đa là 50. Các thành viên chỉ chịu trách nhiệm hữu hạn đối với nghĩa vụ tài chính phát sinh của DN. Theo quy định tối đa trong vòng 36 tháng, các thành viên phải góp vốn vào công ty để tránh trường hợp khi chưa có quy định này thì có một số thành viên “chây ì” không chịu góp vốn.
PV: Khi đăng ký kinh doanh thì còn phải chú ý tới những vấn đề nào khác?
Bà Nguyễn Thị Đan Thanh: Người đăng ký kinh doanh cần quan tâm đến các vấn đề sau:
- Phải có bố cáo khi thành lập DN: có thể đăng trên báo địa phương hay ngay cả báo điện tử cũng được chấp nhận.
- Về nguyên tắc luật thì việc kê khai cần phải trung thực, chính xác.
- Các báo cáo tài chính hàng năm phải làm và nộp đầy đủ nếu không sẽ bị xử lý vi phạm hành chánh.
- Nếu là công ty cổ phần thì phải có sổ đăng ký cổ đông, công ty hợp danh, công ty TNHH hai thành viên phải có sổ thành viên.
- Địa chỉ đăng ký phải ở Việt Nam, rõ ràng gồm số nhà, tên phố, ngõ phố hoặc tên xã, phường, thị trấn, huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh hoặc Trung ương. Ngay cả địa chỉ giám đốc hay thành viên cũng cần phải chính xác.
PV: Các trường hợp nào thì không được phép đăng ký kinh doanh?
Bà Nguyễn Thị Đan Thanh: Theo khoản 2 điều 13 của luật DN thì các thành phần sau sẽ không được phép thành lập DN.
- Cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam sử dụng tài sản nhà nước để thành lập DN kinh doanh thu lợi riêng cho cơ quan, đơn vị mình;
- Cán bộ lãnh đạo, quản lý nghiệp vụ trong các DN 100% vốn sở hữu nhà nước, trừ những người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại DN khác;
- Người chưa thành niên, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị mất năng lực hành vi dân sự;
- Người đang chấp hành hình phạt tù hoặc đang bị tòa án cấm hành nghề kinh doanh;
- Công chức nhà nước, lực lượng vũ trang.
- Người đã bị phá sản thì luật phá sản sẽ cấm đăng ký kinh doanh.
PV: Các trường hợp nào thì sẽ bị thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh?
Bà Nguyễn Thị Đan Thanh: Có rất nhiều trường hợp dẫn đến việc phải thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh, các trường hợp tương đối phổ biến như sau:
- Địa chỉ đăng ký không đầy đủ, khi Sở Kế hoạch và Đầu tư gửi thư về địa chỉ mà bị trả về thì sẽ bị nghi vấn rằng kê khai không đúng và có thể sẽ bị thu hồi giấy phép. Nếu thay đổi địa chỉ nhất thiết phải đăng ký lại trong hạn 15 ngày.
- Sau 6 tháng kể từ ngày đăng ký kinh doanh mà không hoạt động thì giấy phép đăng ký DN sẽ bị thu hồi.
- Ngừng hoạt động một năm liên tục nhưng không báo cáo Sở Kế hoạch và Đầu tư thì cũng sẽ bị thu giấy phép.
- Theo Luật Thuế, điều 93 thì nếu nợ thuế liên tục thì sẽ bị yêu cầu thu hồi giấy phép.
PV: Hiện có một số DN gặp vướng mắc khi đăng ký mã ngành. Có giải pháp nào cho vấn đề này không?
Bà Nguyễn Thị Đan Thanh: Riêng việc đăng ký ngành nghề theo quyết định số 10/2007/QĐ-TTg có độ chênh nhất định so với thực tế vì các loại hình kinh doanh rất đa dạng, nên khi đăng ký kinh doanh, người đăng ký cần tìm ngành nghề có tính chất tương tự như loại hình kinh doanh mình đang thực hiện để ghép vào. Ví dụ như DN chuyên trồng hoa lan có thể lựa chọn mã số 01183: trồng hoa, cây cảnh. Một số ngành nghề yêu cầu phải có chứng chỉ hành nghề như y tế, luật, giáo dục. Một số ngành nghề yêu cầu phải có vốn pháp định như dịch vụ bảo vệ phải có vốn pháp định là 1 tỷ, kinh doanh bất động sản là 6 tỷ…. Các DN nên tìm hiểu rõ các quy định trước khi đăng ký.
Có một số trường hợp như đăng ký kinh doanh ngành nghề không có ở Việt Nam thì cần phải xin ý kiến của Bộ để cấp một mã số mới, đặc biệt là các ngành nghề ảnh hưởng đến cộng đồng thì càng phải cẩn trọng. Ví dụ như dịch vụ đòi nợ trước đây không có mã số thì gặp nhiều khó khăn trong đăng ký kinh doanh vì dịch vụ này ảnh hưởng đến cộng đồng rất cao. Tuy nhiên các dịch vụ khác ít ảnh hưởng như buôn bán các sản phẩm mới, lạ thì vẫn được xem xét cấp giấy phép.
Hoàng Mi, STINFO Số 12/2012