SpStinet - vwpChiTiet

 

CSC “mua nhà” ở Việt Nam


Nhớ lại một lần gặp một anh bạn, một nhà doanh nghiệp thành đạt ở Sài Gòn, Cần Thơ, Nha Trang tôi hỏi anh có định mua một căn nhà phố cho doanh nghiệp của anh ở Hà Nội không vì tôi có người bạn Hà Nội có căn nhà phố khá đẹp tính bán? Anh trả lời là chưa nghĩ đến việc này vì chưa thấy rõ thị trường Hà Nội đối với các sản phẩm - dịch vụ anh đang rất thành công ở phía Nam. Vậy mà CSC đã quyết định “mua nhà” tại Việt Nam! PSV và hậu duệ là FCG đã thực hiện được một công việc trọng đại là kéo được CSC vào Việt Nam bằng chính hình ảnh và sức mạnh của mình. Chúng ta không thể quên những chuyến công tác nhiều lúc phải mang tính con thoi của các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng và Chính Phủ, những đón tiếp nồng hậu tầm quốc gia để chào mời NIDEC, INTEL, ... vào với công nghệ cao Việt Nam. Nghĩ thế mới thấm cái công, cái của mà FCG-PSV làm được cho công nghệ cao Việt Nam.
Kinh tế thị trường ở Việt Nam còn non trẻ. Chúng ta đã quen dần với nhiều hoạt động mua - bán, nhiều loại hàng hóa trong đó có cả những thứ hàng hóa mà trước đây bị bài xích như những dịch vụ tư vấn mà ta gán cho cái tên rẻ rúng “buôn nước bọt”. Mặc dầu vậy, loại hàng hóa là những công ty thì còn rất xa lạ, nhất là những công ty tri thức, với hàng trăm, hàng ngàn nhân viên toàn là kỹ sư, cử nhân! Làm sao định giá được “món hàng” “độc” này? Ta thì còn rất ít kinh nghiệm, còn trên thế giới, nhất là thế giới văn minh thì họ hiểu rõ quy trình và các kỹ thuật mua - bán này.
Với sự kiện trở thành CSC Việt Nam, công ty được mua lại 2 lần từ các đại gia công nghiệp trí tuệ Mỹ, STINFO hoàn toàn chia sẻ niềm tự hào, niềm vui và quan điểm của người mở đường, TGĐ Ngô Hùng Phương: “Gia nhập được CSC là một minh chứng rằng giới phần mềm quốc tế đã coi FCG-PSV là đồng đội!”. Chợt nghĩ về bóng đá Việt Nam, đến bao giờ ta mới có một cầu thủ chơi ở câu lạc bộ cỡ Manchester United (MU)? Mà CSC trong làng phần mềm cũng cỡ MU trong làng bóng đá quốc tế!
Thấy những bước đi hoành tráng của một doanh nghiệp phần mềm chuyên cho thị trường nước ngoài, nhiều người hỏi anh Phương:
- Anh ở ... tiểu bang nào?
Anh Phương điềm nhiên trả lời:
- Tui ở EOL ÂY!
- À À LOS (Los Angeles) hả?
Anh Phương cười và với giọng của danh hài Bảo Quốc:
- Ồ không, EOL ÂY (L.A) là Long An!
Chúc mừng và ước mong CSC Việt Nam sẽ phát triển vượt bậc, đạt được quy mô hàng chục ngàn nhân viên như các công ty lớn tại Ấn Độ. Khi đó có thể chúng ta không chỉ có một cầu thủ chơi cho MU mà cả một đội bóng cỡ MU trên đấu trường công nghệ cao. Ước mong này thật khó thành hiện thực, nhưng chúng ta có quyền ước mơ.

Năm 1995, nhóm nghiên cứu và sản xuất phần mềm của Trung Tâm Điện Toán Trường Đại Học Bách Khoa - Trưởng nhóm là ông Ngô Hùng Phương đã hoàn thành một phần của sản phẩm Dental Pro-phần mềm quản lý cho một phòng nha theo yêu cầu của một nhóm Việt Kiều ở Chicago Mỹ. Họ rất hài lòng và đề nghị kết hợp thành lập công ty liên doanh phát triển phần mềm. Công ty TNHH Paragon Solutions Việt Nam (PSV) ra đời, tên tiếng Việt là Công ty TNHH Tin Tiến với 10 nhân viên.
Năm 2003, PVS sáp nhập với tập đoàn FIRST CONSULTING GROUP (FCG) - một tập đoàn nổi tiếng trong lĩnh vực y tế và khoa học đời sống với 25 năm kinh nghiệm tại Mỹ, đổi tên là FCG Việt Nam.
FCG Việt Nam là công ty đầu tiên ở Việt Nam đạt chuẩn CMMi mức 5 về quản lý quy trình phát triển phần mềm, chuẩn ISO27001 về quản lý hệ thống bảo mật và chuẩn TL9000 version 4 về chuẩn quản lý chất lượng cho các hệ thống và sản phẩm viễn thông.
Đầu tháng 1/2008, FCG Việt Nam sáp nhập với tập đoàn CSC - là một tập đoàn CNTT hàng đầu thế giới trị giá 17,3 tỉ đôla, với 91.000 chuyên gia CNTT làm việc ở trên 92 quốc gia trên thế giới. FCG Việt Nam chính thức gia nhập vào chuỗi các trung tâm phát triển phần mềm toàn cầu của CSC bên cạnh các trung tâm ở Hoa Kỳ, Canada, Séc, Lithuana, Bulgaria, Tây Ban Nha, Ấn Độ, Trung Quốc, Chi Lê, …

Hồng Nhung