Chi nhánh là một trong nhiều loại hình đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp với những quy định pháp lý riêng biệt.
Phân biệt chi nhánh và văn phòng đại diện
· Xin hỏi chi nhánh khác văn phòng đại diện (VPĐD) như thế nào?
* Theo Điều 37 Luật Doanh nghiệp năm 2005 quy định:
- “VPĐD là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ đại diện theo ủy quyền cho lợi ích của doanh nghiệp và bảo vệ các lợi ích đó. Tổ chức và hoạt động của văn phòng đại diện theo quy định của pháp luật”.
- “Chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải phù hợp với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp”.
Như vậy, chi nhánh và văn phòng đại diện đều là đơn vị trực thuộc doanh nghiệp. Tuy nhiên, chi nhánh được ủy quyền để thực hiện tất cả các chức năng sinh lời của doanh nghiệp, có thể ký kết hợp đồng kinh tế và sử dụng con dấu riêng của chi nhánh trên hợp đồng. Còn văn phòng đại diện chỉ có chức năng thay mặt doanh nghiệp về mặt hành chính, nếu muốn giao dịch phải có giấy ủy quyền phù hợp, chỉ được ký kết hợp đồng khi có sự ủy quyền của doanh nghiệp và hợp đồng sẽ đóng dấu của doanh nghiệp.
Cách đặt tên chi nhánh
· Tên chi nhánh có thể khác với tên doanh nghiệp không?
* Khoản 4 Điều 37 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh phải mang tên của doanh nghiệp, kèm theo phần bổ sung tương ứng xác định chi nhánh, văn phòng đại diện và địa điểm kinh doanh đó.”
Như vậy, trong cấu tạo tên chi nhánh cần có thành tố chỉ rõ tên doanh nghiệp và thành tố chỉ rõ vị thế tên chi nhánh hoặc địa điểm đặt chi nhánh.
VD: có thể đặt tên cho chi nhánh của công ty cổ phần X như sau: “Chi nhánh Công ty Cổ phần X – cửa hàng số 1”; “Chi nhánh Công ty Cổ phần X – Ban dự án A” hoặc “Công ty Cổ phần X – Chi nhánh Hà Nội”.
Chi nhánh hạch toán độc lập hay phụ thuộc?
· Xin hỏi khi mở chi nhánh thì chi nhánh đó hạch toán độc lập hay phụ thuộc?
* Căn cứ khoản 1, khoản 4 Điều 33 Nghị định 43/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 về đăng ký doanh nghiệp: khi thành lập chi nhánh, việc chi nhánh hạch toán độc lập hay phụ thuộc là tùy thuộc khả năng quản lý và tổ chức bộ máy kế toán của doanh nghiệp.
- Hạch toán độc lập: mọi nghiệp vụ kinh tế phát sinh tại chi nhánh được chi nhánh tự ghi chép, kê khai và quyết toán thuế. Chi nhánh hạch toán độc lập cũng có con dấu riêng.
- Hạch toán phụ thuộc: chi nhánh chỉ tập hợp chứng từ và gửi về công ty để kê khai, quyết toán thuế vào cuối tháng.
Trách nhiệm pháp lý của chi nhánh
· Công ty có nhiều chi nhánh hạch toán độc lập, với tài sản riêng và con dấu riêng. Công ty mẹ ủy quyền để chi nhánh ký hợp đồng kinh tế với đối tác. Xin hỏi nếu hợp đồng thất bại, thua lỗ gây nợ, thì chi nhánh chịu trách nhiệm một mình hay công ty mẹ cũng phải có trách nhiệm liên đới?
* Căn cứ Điều 37 Luật Doanh nghiệp hiện hành thì chi nhánh không phải là pháp nhân độc lập. Do đó mọi giao dịch chi nhánh thực hiện với đối tác được hiểu là thực hiện theo sự ủy quyền của doanh nghiệp (tức công ty mẹ).
Như vậy, trường hợp các giao dịch này xảy ra tranh chấp, phát sinh nợ nần, thì doanh nghiệp phải là chủ thể chịu trách nhiệm trước pháp luật và đối tác. Nếu sai sót xảy ra do lỗi của chi nhánh gây thiệt hại cho doanh nghiệp, có thể căn cứ quy định nội bộ để xác định trách nhiệm của cá nhân, tập thể nhân viên làm việc tại chi nhánh có liên quan để yêu cầu bồi thường.
Cấp mã số thuế cho chi nhánh
· Công ty có 3 chi nhánh hạch toán phụ thuộc, cấp phép hoạt động từ năm 2007. Hiện công ty đang chuẩn bị làm hồ sơ thay đổi người đứng đầu chi nhánh. Theo thông tin hướng dẫn từ Sở Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) thì công ty phải liên hệ trực tiếp cơ quan thuế để được cấp mã số thuế cho chi nhánh, sau đó mới làm thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động.
Xin hỏi: Các chi nhánh của công ty đều hạch toán phụ thuộc thì có nhất thiết phải xin cấp mã số thuế cho từng chi nhánh không?
* Căn cứ Khoản 5 Điều 8 Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15/04/2010 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp thì “Mã số đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp được cấp cho chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp”.
Theo Khoản 1b Điều 3 Thông tư số 01/2013/TT-BKHĐT ngày 21/01/2013 của Bộ KHĐT thì: “Mã số doanh nghiệp đồng thời là mã số thuế của doanh nghiệp; mã số chi nhánh đồng thời là mã số thuế của chi nhánh; mã số văn phòng đại diện đồng thời là mã số thuế của văn phòng đại diện.”
Theo quy định trên thì các chi nhánh phải có mã số đơn vị trực thuộc. Do đó, đối với các chi nhánh đã thành lập trước ngày 15/4/2013 nhưng chưa được cấp mã số chi nhánh theo quy định trên, doanh nghiệp cần liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế để được cấp mã số thuế, sau đó mới thực hiện thủ tục thay đổi nội dung đăng ký hoạt động tại Phòng Đăng ký kinh doanh theo quy định.
Ký hợp đồng lao động tại chi nhánh
· Xin hỏi người đứng đầu chi nhánh có thể ký hợp đồng lao động trực tiếp với người lao động làm việc tại chi nhánh không, hay phải thông qua tổng công ty?
* Theo quy định tại khoản 2 Điều 37 Luật Doanh nghiệp, khoản 3 và khoản 4 Điều 92 Bộ Luật Dân sự thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của pháp nhân, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của pháp nhân, kể cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Người đứng đầu chi nhánh thực hiện nhiệm vụ theo ủy quyền của pháp nhân trong phạm vi và thời hạn được ủy quyền.
Như vậy, người đứng đầu chi nhánh chỉ có thể ký kết hợp đồng lao động với người lao động tại chi nhánh nếu được sự ủy quyền của tổng công ty.
Đăng ký bảo hiểm xã hội cho lao động ở chi nhánh
· Công ty tại TP. HCM có chi nhánh phụ thuộc tại Bình Dương. Nếu công ty tuyển lao động làm việc tại chi nhánh thì phải đăng ký bảo hiểm xã hội (BHXH) và bảo hiểm y tế (BHYT) cho số lao động này tại Bình Dương hay TP. HCM?
* Căn cứ khoản 3 Điều 7 Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của BHXH Việt Nam. Theo đó, đơn vị có trụ sở chính ở địa bàn nào thì đăng ký tham gia đóng BHXH tại địa bàn tỉnh đó theo phân cấp của cơ quan BHXH. Riêng chi nhánh của doanh nghiệp đóng BHXH tại địa bàn nơi cấp giấy phép kinh doanh cho chi nhánh.
Đối chiếu với quy định trên, nếu công ty tuyển lao động làm việc tại chi nhánh ở tỉnh Bình Dương thì phải đăng ký tham gia BHXH, BHYT cho số lao động này tại Bình Dương.
Vấn đề con dấu khi giải thể chi nhánh
· Công ty muốn giải thể chi nhánh ở cùng địa phương với trụ sở chính. Chi nhánh của công ty không khắc con dấu riêng. Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Sở KHĐT, khi giải thể chi nhánh phải có bản xác nhận chưa khắc dấu. Xin hỏi nơi nào cấp văn bản này?
* Với doanh nghiệp có chi nhánh hoặc văn phòng đại diện, hồ sơ khi giải thể chi nhánh cần có “Giấy chứng nhận đã nộp con dấu” hoặc văn bản xác nhận chưa khắc dấu chi nhánh đối với trường hợp chưa khắc dấu.
Như vậy, trường hợp doanh nghiệp chưa khắc dấu chi nhánh có thể nộp “Giấy giới thiệu khắc dấu” đã được Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở KHĐT cấp khi thành lập chi nhánh. Nếu văn bản này đã bị mất, vui lòng liên hệ Công an thành phố tại địa chỉ 159 Trần Hưng Đạo, Quận 1, TP.HCM để làm “Giấy xác nhận chưa khắc con dấu chi nhánh”, nộp kèm hồ sơ đăng ký giải thể chi nhánh.
Chuyển nhượng chi nhánh
· Công ty cổ phần có nhiều chi nhánh, nay muốn chuyển nhượng một chi nhánh cho người khác. Xin hỏi thủ tục như thế nào?
* Luật Doanh nghiệp hiện nay chưa có quy định về chuyển nhượng chi nhánh. Mặt khác, chi nhánh không được xem là tài sản của doanh nghiệp nên cũng không thể sử dụng Luật Chuyển nhượng tài sản. Tuy nhiên có thể áp dụng một trong các giải pháp sau:
- Chỉ chuyển nhượng tài sản chi nhánh: trường hợp người nhận chuyển nhượng chỉ cần tài sản của chi nhánh, công ty có thể ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ tài sản thuộc chi nhánh, sau đó người này tự mình đăng ký kinh doanh nếu muốn.
- Tách chi nhánh thành công ty độc lập: trong trường hợp người nhận chuyển nhượng muốn tiếp nhận cả tài sản lẫn các hoạt động kinh doanh của chi nhánh, công ty cần làm thủ tục tách doanh nghiệp (theo Điều 151 Luật Doanh nghiệp) để tách chi nhánh thành công ty độc lập. Như vậy các hoạt động của chi nhánh vẫn được giữ nguyên. Sau khi hoàn tất tách chi nhánh, cổ phần của công ty mới (tức chi nhánh cũ) sẽ được người nhận chuyển nhượng mua lại. Sau đó người nhận chuyển nhượng tiến hành các thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh có liên quan.
MINH NHẬT, STINFO Số 6/2014
Tải bài này về tại đây.