SpStinet - vwpChiTiet

 

Căn bản về sở hữu công nghiệp

Hiểu biết về sở hữu trí tuệ là một trong những yếu tố quyết định lợi thế doanh nghiệp trong cạnh tranh và hội nhập nền kinh tế thị trường, kể từ số này, STINFO và Phòng Sở hữu trí tuệ - Sở KH&CN TP. HCM sẽ phối hợp thực hiện các bài viết liên quan đến sở hữu trí tuệ để cung cấp thông tin hữu ích về sở hữu trí tuệ cho các doanh nghiệp và nhà nghiên cứu.

1. Sở hữu công nghiệp là gì?
Thuật ngữ sở hữu công nghiệp (SHCN) sử dụng ở đây không phải để chỉ một hành vi thể hiện quyền làm chủ. Chẳng hạn khi nói “anh ấy sở hữu ngôi nhà” thì nghĩa là anh ấy là chủ nhân ngôi nhà. Thuật ngữ SHCN được dùng với nghĩa là danh từ, chỉ ra một nhóm các đối tượng bao gồm: sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại v.v... Mỗi đối tượng vừa liệt kê (và còn những đối tượng khác cũng thuộc phạm vi SHCN) cần được hiểu kỹ hơn mà chúng tôi sẽ giải thích sâu hơn trong những bài sau. Có thể tạm hiểu thuật ngữ SHCN giống như hiểu thuật ngữ Bất động sản - BĐS. Nhà, đất, … là các loại BĐS. Vậy thì sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, tên thương mại là các đối tượng SHCN. BĐS và SHCN là những tài sản do con người (hoặc tổ chức) nắm giữ, làm chủ chúng. BĐS được xem là một loại tài sản hữu hình, còn SHCN được xem là một loại tài sản vô hình. Chủ BĐS phải được Nhà nước cấp những giấy Đỏ, giấy Hồng để xác nhận quyền làm chủ BĐS. Với những giấy tờ đó, Nhà nước bảo hộ quyền của sở hữu chủ BĐS. SHCN cũng vậy, Nhà nước sẽ xem xét các đơn yêu cầu bảo hộ nào đáp ứng điều kiện do pháp luật quy định để cấp văn bằng. Tuy nhiên, trong lĩnh vực SHCN có đối tượng được Nhà nước bảo hộ không trên cơ sở cấp văn bằng như: tên thương mại, bí mật kinh doanh. Với các đối tượng này, chủ sở hữu phải chứng minh quyền sở hữu của mình khi yêu cầu Nhà nước bảo hộ.
Chủ SHCN có các quyền sau đây (Điều 4.4 Luật SHTT):
- Sử dụng, cho phép người khác sử dụng các đối tượng SHCN.
- Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng SHCN.
- Định đoạt đối tượng SHCN.
Như vậy, trong quá trình hoạt động, sáng tạo nếu có phát sinh các đối tượng của quyền SHCN thì chủ sở hữu nên tiến hành thủ tục xác lập quyền để được Nhà nước bảo vệ.
2. Rất nên và rất cần đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp.
2.1. Ta thua nhiều, thắng ít.
Vinataba được Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam đăng ký quyền SHCN tại Việt Nam năm 1990. Đến năm 2001, khi muốn mở rộng thị trường ra nước ngoài, Tổng công ty đăng ký quyền SHCN ở nước ngoài. Lúc này mới biết nhãn hiệu Vinataba đã bị công ty Putra Satbat Industry của Indonesia đăng ký tại 13 nước. Trong đó có Lào, Camphuchia, Trung Quốc. Nếu không dành lại được quyền sở hữu nhãn hiệu, Vinataba không thể xuất khẩu sang các nước mà Putra Satbat đã đăng ký, và thuốc lá Vinataba giả có thể nhập lậu vào Việt Nam qua các nước làng giềng như Lào, Trung Quốc và Camphuchia. Đến nay sau rất nhiều công sức đấu tranh giành lại nhãn hiệu, Vinataba mới thành công ở Campuchia.
Nhãn hiệu Vifon được đăng ký ở Việt Nam năm 1990, năm 1995 công ty nộp đơn đăng ký tại Ba Lan thì bị từ chối vì đã có Công ty Kim Lân đăng ký nhãn hiệu khác với hình ảnh giống của Vifon. Kim Lân chính là bạn làm ăn của Vifon.
Và tranh chấp cũng có thể xảy ra ngay cả khi doanh nghiệp là chủ sở hữu văn bằng bảo hộ như vụ võng xếp Duy Lợi. Công ty Duy Lợi nhận được thư từ một văn phòng luật sư nước ngoài cảnh báo về việc vi phạm giải pháp khung võng xếp của công ty Nhật Bản đã được đăng ký sáng chế tại Nhật Bản. Để dành được thị trường này Công ty Duy Lợi phải khiếu kiện và chứng minh giải pháp kỹ thuật mà công ty Nhật Bản được bảo hộ đã mất tính mới vì trước đó giải pháp kỹ thuật này đã được Công ty Duy Lợi công bố tại Việt Nam (trước ngày nộp đơn đăng ký sáng chế của công ty Nhật Bản).
Rắc rối từ việc không đăng ký bảo hộ quyền SHCN tại nước ngoài là rất nhiều như: Bia Sài gòn tại Mỹ và Canada, bánh phồng tôm Sagiang tại Pháp và châu Âu hay kẹo dừa Bến tre tại Trung Quốc... và chẳng mấy ai có thể ngờ rằng phương pháp sản xuất chả giò rế của người Việt Nam lại bị người Nhật đăng ký bảo hộ độc quyền, mì ăn liền lại do người Nga v.v...
2.2. Làm chủ tài sản của chính mình bằng việc xác lập quyền sở hữu công nghiệp.
Những rắc rối trên là hậu quả tất yếu của tình trạng không biết hoặc không quan tâm tới việc bảo hộ quyền SHCN của các doanh nghiệp. Đây là vấn đề không mấy xa lạ với các nước trên thế giới nhưng lại khá mới mẻ đối với các doanh nghiệp Việt Nam.
Quyền sở hữu công nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với các doanh nghiệp trong việc xác lập quyền SHCN của mình trên thị trường trong nước và càng trở nên quan trọng hơn khi tham gia vào thị trường quốc tế. Đây là biện pháp chống nạn bị ăn cắp kết quả lao động sáng tạo, tránh bị làm giả hàng hóa, bảo vệ thị trường cho các sản phẩm của doanh nghiệp ở trong và ngoài nước. Hơn thế nữa xác lập quyền SHCN là cơ sở để doanh nghiệp kinh doanh trên tài sản trí tuệ, phát triển lượng tài sản vô hình của doanh nghiệp. Để kinh doanh được đảm bảo, cần tuân thủ nguyên tắc là trước khi muốn đưa hàng hóa vào bất kỳ thị trường nào, việc đầu tiên doanh nghiệp phải làm là đăng ký bảo hộ quyền SHCN.
Quyền SHCN là một yếu tố thể hiện lợi thế cạnh tranh trong thương mại, các đối tượng SHCN cần được đăng ký bảo hộ nhằm bảo đảm tối đa các quyền lợi của doanh nghiệp trong môi trường kinh doanh, đồng thời, hoạt động này phải đi trước một bước trong chiến lược kinh doanh. Với một đối tượng SHCN đã được đăng ký bảo hộ, doanh nghiệp luôn có sự chắc chắn:
- Có cơ sở bảo vệ chính doanh nghiệp trong hoạt động bảo vệ quyền SHCN.
- Chính các đối tượng SHCN đã được đăng ký sẽ trở thành tài sản của doanh nghiệp trong tương lai, thậm chí rất lớn nếu công việc kinh doanh của họ phát đạt.
- Doanh nghiệp đang hòa nhập cùng nguyên tắc và chuẩn mực của thế giới.
3. Xác lập quyền sở hữu công nghiệp như thế nào?
Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật sở hữu trí tuệ hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký;
Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó;
Quyền sở hữu công nghiệp đối với bí mật kinh doanh được xác lập trên cơ sở có được một cách hợp pháp bí mật kinh doanh và thực hiện việc bảo mật bí mật kinh doanh đó;
Quyền chống cạnh tranh không lành mạnh được xác lập trên cơ sở hoạt động cạnh tranh trong kinh doanh.

S.T. (tổng hợp)