Nông nghiệp hữu cơ đang ngày càng phát triển trên toàn cầu. Đây là phương thức canh tác kết hợp giữa truyền thống và hiện đại nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của con người nhưng vẫn đảm bảo tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái.
Sản xuất nông nghiệp hữu cơ (NNHC) là quy trình sản xuất không sử dụng phân bón vô cơ và các chất kích thích để tăng trưởng; không sử dụng các hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu, bệnh hoặc diệt cỏ và không sử dụng các sinh vật biến đổi gen.
Theo Liên đoàn NNHC Quốc tế (IFOAM - International Federation of Organic Agriculture Movements), vai trò của NNHC dù trong canh tác, chế biến, phân phối hay tiêu dùng, là nhằm mục đích duy trì sức khỏe của hệ sinh thái và các sinh vật, từ các sinh vật có kích thước nhỏ nhất sống trong đất đến con người. NNHC dựa vào quá trình sinh thái, đa dạng sinh học và quá trình phát triển tự nhiên phù hợp với từng điều kiện của địa phương, nhằm duy trì sức khỏe cho đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người. Sản xuất NNHC chính là sản xuất nông nghiệp kết hợp giữa truyền thống và các tiến bộ kỹ thuật cùng phương pháp quản lý hiện đại để đảm bảo tiêu chuẩn của quy trình sản xuất NNHC, đồng thời đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm cuối cùng, tính bền vững của môi trường và hệ sinh thái.
Sự chú ý đến NNHC ngày càng tăng ở nhiều quốc gia, nhất là các nước phát triển, khi vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng nông sản và môi trường được đặc biệt chú trọng.
Viện Nghiên cứu NNHC FiBL (Research Institute of Organic Agriculture FiBL) và IFOAM đã công bố tài liệu “The world of organic agriculture. Statistics and Emerging Trends 2016” dựa trên kết quả khảo sát từ 172 quốc gia, tính đến cuối năm 2014, đã cho thấy xu hướng phát triển của nền NNHC toàn cầu, với một số nội dung đáng chú ý.
Diện tích đất NNHC toàn cầu luôn có xu hướng tăng trong những năm qua, năm 2014 đạt 43,7 triệu ha, chiếm 0,99% đất nông nghiệp. Qua 10 năm (2004-2014), diện tích đất NNHC tăng 146% (BĐ 1).
BĐ 1: Phát triển diện tích đất NNHC trên thế giới
Nguồn: FiBL-IFOAM-SOEL surveys 2000-2016.
NNHC ở các châu lục có xu hướng tăng. Nhiều nước ở châu Đại Dương, châu Âu, Mỹ La-tinh đã khuyến khích nông dân canh tác NNHC, đây là những khu vực có nhiều diện tích đất NNHC, lần lượt là: 17, 3 triệu ha, 11,6 triệu ha và 6,8 triệu ha (Bảng 1). Diện tích NNHC ở châu Âu phát triển đều qua các năm, châu Đại Dương tăng mạnh trong giai đoạn 2012-2014, chiếm đến 37,9% diện tích đất NNHC thế giới (BĐ 2).
Bảng 1: Diện tích đất NNHC theo khu vực, năm 2014
Nguồn: FiBL survey 2016.
BĐ 2: Phát triển diện tích đất NNHC theo khu vực
Nguồn: FiBL-IFOAM - SOEL surveys 2000-2016.
73% diện tích đất NNHC toàn thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Nước Úc có nhiều kinh nghiệm phát triển NNHC, có diện tích đất NNHC nhiều nhất với 17,2 triệu ha, trong đó 97% là những đồng cỏ rộng lớn; kế đến là Argentina và Mỹ (BĐ 3). Tuy nhiên đất NNHC có tỷ lệ cao trong đất nông nghiệp là Malvinas (36,3%), Liechtenstein (30,9%), Áo (19,4%) (BĐ 4). So sánh giữa năm 2014 và 2013, các nước tăng mạnh diện tích NNHC là Uruguay, Ấn Độ, Liên bang Nga (BĐ 5).
BĐ 3: 10 quốc gia dẫn đầu diện tích đất NNHC, năm 2014
Nguồn: FiBL survey 2016.
BĐ 4: Quốc gia có hơn 10% đất nông nghiệp canh tác NNHC, năm 2014
Nguồn: FiBL survey 2016.
BĐ 5: 10 quốc gia tăng mạnh diện tích NNHC
(So sánh giữa năm 2014 và 2013)
Nguồn: FiBL survey 2016.
Phương pháp canh tác NNHC được sử dụng nhiều để trồng các loại cây lương thực, lên đến hơn 3 triệu ha trên toàn cầu, trong đó khu vực châu Âu có gần 2 triệu ha, kế đến là châu Á và Bắc Mỹ; các loại hạt có dầu được trồng gần 1 triệu ha, nhiều nhất là khu vực châu Á, kế đến là châu Âu; cây cà phê chiếm vị trí thứ ba, được trồng nhiều ở châu Mỹ La-tinh (Bảng 2).
Bảng 2: Một số loại cây trồng được canh tác NNHC theo khu vực
Nguồn: FiBL survey 2016.
Thực hiện những công việc liên quan đến NNHC bao gồm sản xuất, chế biến và xuất nhập khẩu, tạm gọi chung là nhà sản xuất NNHC (NSX) ở các khu vực đều gia tăng số lượng, ngoại trừ châu Đại Dương. Có hơn 86 % NSX ở các quốc gia đang phát triển và các thị trường mới nổi, trong đó, châu Á có hơn 900 ngàn NSX, chiếm 40% trên thế giới, kế đến là châu Phi và châu Mỹ La-tinh (Bảng 3). Vị trí dẫn đầu về số lượng NSX là Ấn Độ (650 ngàn) , kế đến là Uganda (190.552), Mexico (169.703) (BĐ 6).
Bảng 3: Số lượng nhà sản xuất NNHC theo khu vực
Nguồn: FiBL survey 2016.
BĐ 6: 10 quốc gia dẫn đầu số lượng nhà sản xuất NNHC
Nguồn: FiBL survey 2016.
Châu Á là khu vực có diện tích đất NNHC lớn nhất, nhưng tăng giảm thất thường, năm 2014 đạt 3,57 triệu ha đất NNHC (BĐ 7), trong đó dẫn đầu là Trung Quốc gần 2 triệu ha, kế đế là Ấn Độ 720 ngàn ha, Việt Nam đứng thứ 7 (BĐ 8). Tuy nhiên, trong 10 quốc gia dẫn về tỷ lệ diện tích đất NNHC so với diện tích đất nông nghiệp không có Trung Quốc và Ấn Độ, mà quán quân là Timor-Lester (6,8%), kế đến là Srilanka (2,3%) (BĐ 9).
BĐ 7: Phát triển diện tích đất NNHC ở châu Á
Nguồn: FiBL-IFOAM-SOEL surveys 2000-2016.
BĐ 8: 10 quốc gia dẫn đầu diện tích đất NNHC khu vực châu Á
Nguồn: FiBL survey 2016.
BĐ 9: 10 quốc gia dẫn đầu tỷ lệ diện tích đất NNHC so với đất nông nghiệp, khu vực châu Á, năm 2014
Nguồn: FiBL survey 2016.
Ở châu Á, các loại cây trồng được canh tác theo NNHC phần nhiều là cây lương thực, các loại hạt có dầu, bông vải, dừa,… (BĐ 10)
BĐ 10: Một số loại cây trồng NNHC ở châu Á, năm 2014
Nguồn: FiBL survey 2016.
Tại Việt Nam, trước nhu cầu ngày càng cao về chất lượng thực phẩm, cũng như đáp ứng yêu cầu cho hàng xuất khẩu, cộng với việc bảo vệ hệ sinh thái được quan tâm nhiều hơn nên diện tích đất NNHC ở Việt Nam cũng theo xu thế gia tăng, năm 2014 đạt 43,01 ngàn ha, tăng 223% so với năm 2010 (BĐ 10), trong đó có 220 ha trồng cây lương thực và 151 ha trồng rau. Tuy nhiên diện tích canh tác NNHC chỉ chiếm 0,4% đất nông nghiệp.
BĐ 11: Phát triển diện tích đất NNHC ở Việt Nam
Nguồn tài liệu tham khảo: Willer, Helga và Julia Lernoud (Eds.) (2016): The world of organic agriculture. Statistics and Emerging Trends 2016. FiBl, Fric và IFOAM, Bonn.
Các dữ liệu về thị trường và xu hướng công nghệ về nông nghiệp hữu cơ sẽ được đăng tải trong STINFO số kế tiếp. Mời Quí bạn đọc quan tâm theo dõi.
ANH TÙNG, STINFO số 8/2016
Tải bài này về tại đây.