SpStinet - vwpChiTiet

 

Rắn trong đời sống con người

Rắn là động vật máu lạnh, bò sát - cùng lớp với các loài có vảy như thằn lằn, tắc kè - nhưng không có chân, tiến hóa từ tổ tiên của loài thằn lằn. Trên thế giới đã phát hiện có khoảng 450 loài rắn có độc (250 trong số đó có nọc độc làm chết người). Một số loại rắn đặc biệt có khả năng lướt nhanh, hầu hết thuộc chi Chrysopelea, chúng có khả năng phóng/bay rất xa, khoảng 13,7 mét trong không khí.
 

Việt Nam là nơi cư ngụ của gần 200 loài rắn. Trong đó có 53 loài rắn độc được ghi nhận, phân bố ở miền Bắc: 12 loài, miền Nam: 19 loài và 22 loài có trên cả nước. Có 5 loài hiện được coi là đặc hữu của Việt Nam gồm: rắn cạp nia slowinski (Bungarus slowinskii), đẻn xanh lơ (Hydrophis parviceps), rắn lục hòn sơn (Cryptelytrops honsonensis), rắn lục trùng khánh (Protobothrops trungkhanhensis) và rắn lục trường sơn (Viridovipera truongsonensis).
 

Hình rắn quấn quanh một cây gậy (gậy Aesculapius hay gậy Asklepios) là biểu tượng của y học, được nhiều tổ chức y tế chọn làm biểu tượng.
 

Một số biểu tượng của các đơn vị y tế trên thế giới với hình rắn



Nhiều nghiên cứu về rắn
 

Là loài bò sát gây sợ hãi cho nhiều người, nhưng rắn là loài động vật mà con người tận dụng toàn bộ. Từ thịt làm thực phẩm, da dùng trong công nghiệp, nọc độc, xương… dùng trong dược phẩm. Có nhiều nghiên cứu lấy nọc rắn để làm huyết thanh kháng nọc (HTKN), hay dùng điều trị các tai biến chảy máu như chảy máu tử cung, chảy máu dưới da, tiểu ra máu, hoặc được dùng làm thuốc giảm đau cho các bệnh nhân bị bệnh ung thư, đau xương khớp, đau thắt ngực, đau thần kinh, viêm xương...Tính đến năm 2003, đã có 50 quốc gia trên thế giới nghiên cứu và đưa vào sản xuất 185 loại HTKN. Các nước như Philippines, Thái Lan, Malaysia, Ấn Độ...có riêng hẳn một viện nghiên cứu và sản xuất HTKN.
 

Các nhà khoa học đặc biệt quan tâm đến loài bò sát này và đã có rất nhiều nghiên cứu liên quan đến rắn để ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Theo dữ liệu sáng chế (SC) tiếp cận được, có đến 966 SC liên quan đến rắn (chưa kể đến các SC như đồ chơi, robot, các chi tiết máy… mô phỏng hình dáng của rắn). SC đầu tiên được đăng ký năm 1960, trong vòng 15 năm tiếp theo có chưa đến 20 SC, thời kỳ này các SC hầu hết đề cập đến cách dẫn dụ bắt rắn và nọc độc của rắn. Đăng ký SC về rắn phát triển mạnh từ 1990 đến nay, nhiều nhất là năm 2005 có đến 75 SC được đăng ký (BĐ 1).
 

BĐ 1: Phát triển số lượng đăng ký sáng chế

liên quan đến rắn trên thế giới

Nguồn: Wipsglobal

 

Nhiều nhất là các nghiên cứu sử dụng nọc rắn các loại trong dược phẩm, có 417 SC, kế đến là các nghiên cứu trích xuất, sử dụng nọc rắn: 81 SC, nghiên cứu sinh hóa nọc rắn: 76 SC, nghiên cứu các phương tiện để bắt rắn: 41 SC, nghiên cứu các phương pháp nuôi rắn: 38, nghiên cứu chế biến rượu rắn: 27 SC và nghiên cứu hợp chất diệt trừ rắn: 20 SC (BĐ 2).
 

BĐ 2: Số lượng sáng chế liên quan đến rắn
phân theo IPC trên thế giới


Nguồn: Wipsglobal

 

Quốc gia có nhiều đăng ký SC liên quan đến rắn là Trung Quốc: 484 SC, kế đến là Mỹ: 164 SC, Nhật: 95 SC, Úc: 24 SC và Hàn Quốc: 20 SC (BĐ 3). Công ty sở hữu nhiều sáng SC về rắn là công ty về dược của Đức: Knollag, kế đến là công ty dược của Thụy Sĩ: Pentapharm AG (BĐ 4).
 

BĐ 3: Nơi có nhiều đăng ký sáng chế liên quan đến rắn

Nguồn: Wipsglobal


BĐ 4: Đơn vị có nhiều đăng ký sáng chế liên quan đến rắn

Nguồn: Wipsglobal

 


...và rắn được nghiên cứu ở Việt Nam
 

Rắn độc được xếp loại theo tác động của nọc độc. Việt Nam có hai họ rắn độc: họ rắn hổ (hổ đất, hổ mèo, hổ mang, hổ chúa, cạp nong, cạp nia...) và họ rắn lục (phổ biến nhất là choàm quạp và lục xanh). Nọc của họ rắn hổ thường gây liệt thần kinh cơ trong khi nọc rắn lục gây rối loạn đông cầm máu.
 

Ước tính ở Việt Nam có tới 30.000 người bị rắn cắn phải nhập viện mỗi năm, trong đó 22% do rắn độc cắn. Tỷ lệ tử vong do rắn lục cắn thấp hơn so với bị rắn hổ cắn. Trong số những người được cứu sống, có đến 13-14% phải cắt chi hoặc một phần chi. Phương pháp duy nhất cứu sống bệnh nhân nhiễm độc nọc rắn là dùng các huyết thanh đặc hiệu (phù hợp đối với từng loại rắn độc) hay kháng thể trung hòa nọc độc. HTKN lần đầu tiên được tìm ra bởi Albert Calmatte, một nhà khoa học Pháp khi đó đang làm việc tại Viện Pasteur Sài Gòn năm 1894. Hiện nay, Tiền Giang có Trại rắn Đồng Tâm nổi tiếng như một bảo tàng rắn và Viện Vắc-xin Nha Trang là nơi đầu tiên có quy trình hoàn chỉnh để sản xuất HTKN rắn hổ đất, rắn lục tre với quy mô đại trà. Các SC liên quan đến chữa trị rắn cắn đã đăng ký ở Việt Nam như sau:
 

• Quy trình sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất và sinh phẩm huyết thanh kháng nọc rắn hổ đất. Số bằng: 1-0003638; ngày cấp: 08/07/2003; chủ sở hữu: Trường Đại học Y Dược TP. HCM.
 

• Quy trình sản xuất huyết thanh kháng nọc rắn choàm quạp và sinh phẩm huyết thanh kháng nọc rắn choàm quạp. Số bằng: 1-0003637; ngày cấp: 08/07/2003; chủ sở hữu: Trường Đại học Y Dược TP. HCM.
 

• Thuốc trị rắn độc cắn. Số bằng 1-0001408; ngày cấp: 31/07/2000; chủ sở hữu: Lê Văn Hoài.
 

• Dược phẩm dùng để điều trị khi bị trúng nọc độc của rắn cạp nia bungarus multicinctus. Số công bố đơn: 24392; công bố: 29/04/2010; đơn vị đăng ký : Yeda Research and Development Co. LTD.
 

Rắn trên thị trường
 

Rắn bị săn bắt ở Việt Nam đa số là để ngâm rượu và làm mồi cho dân nhậu. Theo khảo sát của Ruchira Somaweera và Nilusha Somaweera về tình hình kinh doanh rượu rắn ở Việt Nam, trong 916 bình rượu rắn ở 127 điểm bán có 1.924 con rắn thuộc 20 loài khác nhau (bảng 1). Trong đó không có loài nào trong danh mục đỏ của Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN -the International Union for Conservation of Nature), có 7 loài trong sách đỏ Việt Nam và 5 loài trong phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES -the Convention on International Trade of Endangered Spicies of Wild Fauna and Flora). Phổ biến nhất được ngâm rượu là rắn nước xenochrophis flavipunctatus thuộc phân họ natricidae, loài này không được ghi trong các tài liệu bảo tồn nào.
 

Bảng 1: Số lượng các loại rắn bị ngâm rượu ở Việt Nam

(Theo khảo sát tại 127 điểm, tháng 9/2009)



Ghi chú: MD: Đồng bằng Sông Cửu long, HCMC: TP. Hồ Chí Minh, HA: TP. Hà Nội, HB: Vịnh Hạ Long.
 

Nguồn: Ruchira Somaweera và Nilusha Somaweera, Serpents in jars: the snake wine industry in Vietnam.

 

Khảo sát trong dữ liệu nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam, có 9 nhãn hàng mang hình dạng rắn, đa số là sản phẩm dược phẩm và rượu rắn (bảng 2). So với rượu rắn được bày bán công khai thì loại rượu rắn có nhãn mác như muối bỏ biển.


Bảng 2: Các nhãn hiệu hàng hóa với rắn


Hàng hóa: rượu rắn.
Số bằng: 4-0167593.
Chủ sở hữu: Hội nuôi rắn xã Tứ Xã.
Địa chỉ: Xã Tứ Xã, huyện Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ.

Hàng hóa: rượu, rượu rắn (không dùng cho mục đích y tế), rượu chuối hột (không dùng cho mục đích y tế); dịch vụ vui chơi giải trí trong khu du lịch sinh thái; trại nuôi rắn.
Số bằng: 4-0176165.
Chủ sở hữu: Trung tâm nuôi trồng nghiên cứu chế biến dược liệu Quân Khu 9 (Đồng Tâm Trại Rắn Đồng Tâm Quân Khu 9).
Địa chỉ: ấp Tân Thuận, xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang.


Hàng hóa: dược phẩm, thực phẩm chức năng (dùng cho mục đích y tế), đồ uống dùng cho mục đích y tế.
Số bằng: 4-0182505.
Chủ sở hữu: Công ty TNHH Tân Lâm Long.
Địa chỉ: 588/4 Nguyễn Kiệm, phường 4, quận Phú Nhuận, TP. HCM


Hàng hóa: dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế.
Số bằng: 4-0158730.
Chủ sở hữu: Công ty cổ phần đầu tư Kim Long.
Lô số 2 - khu A tập thể Liên Cơ quan - Từ Liêm, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội.
 

Hàng hóa: dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế.
Số bằng: 4-0167593.
Chủ sở hữu: Công ty cổ phần đầu tư Kim Long.
Địa chỉ: Lô số 2, khu A tập thể liên cơ quan Từ Liêm, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội.
 

Hàng hóa: dược phẩm, cao xoa bóp.
Số bằng: 4-0114618.
Chủ sở hữu: Công ty cổ phần đầu tư Kim Long.
Địa chỉ: Lô số 2, khu A tập thể liên cơ quan - Từ Liêm, xã Mỹ Đình, huyện Từ Liêm, TP. Hà Nội. 


Hàng hóa: Dược phẩm, thực phẩm dinh dưỡng dùng trong y tế.
Số đơn: 4-2011-04711.
Chủ sở hữu: Công ty trách nhiệm hữu hạn dược phẩm ích Nhân .
Địa chỉ: Lô A18/D7, khu đô thị Cầu Giấy, phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. 
 

Hàng hóa: keo dính chuột.
Số bằng: 4-0172385.
Chủ sở hữu: Công ty TNHH Sản xuất Đại Thành.
Địa chỉ: 123 đường số 44, phường 10, quận 6, TP. Hồ Chí Minh.

Hàng hóa: các chế phẩm dùng để làm sạch cống rãnh hoặc đường ống.
Số bằng: 4-0046421.
Chủ sở hữu: The Clorox Company.
Địa chỉ: 1221 Broadway, Oakland, California 94612, United States of America.


Không những bị ngâm rượu, rắn còn dẫn đầu trong các món “đặc sản” khoái khẩu của thực khách. Theo báo cáo tổng kết của Dự án khảo sát tình hình kinh doanh động vật hoang dã trong nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM, ý kiến từ 845 thực khách cho biết trong các món ăn “hoang dã”, rắn đứng đầu trong các món khoái khẩu, và từ khảo sát 1.621 nhà hàng, thì rắn cũng được các nhà kinh doanh xếp vào món khoái khẩu để phục vụ “thượng đế” (bảng 3).
 

Bảng 3: Quan điểm khoái khẩu của người kinh doanh

và thực khách đối với một số động vật hoang dã
 


 

Nguồn: Nguyễn Phúc Bảo hào, Julia C.Shaw và Nguyễn Vũ Khôi, Dự án khảo sát tình hình kinh doanh động vật hoang dã trong nhà hàng, quán ăn tại TP.HCM, 2004.

 

Trước nạn săn bắt tận diệt, rắn một trong những là loài đang được quan tâm bảo tồn để khỏi biến mất trên Trái Đất do sự tàn sát của con người.

 

Anh Tùng, STINFO Số 1 & 2/2013

 

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả