Qua các cặn bã khô trong các bình gốm 9.000 năm tuổi tìm thấy ở miền Bắc Trung Quốc đã cho thấy người sống ở thời kỳ đồ đá mới đã biết sử dụng thức uống chứa ethanol. Ethanol nguyên chất lần đầu tiên thu được vào năm 1796 bởi Johann Tobias Lowitz, bằng cách lọc và chưng cất qua than củi. Hiện nay, 95% ethanol được sản xuất bằng cách lên men từ ngũ cốc, mật mía, đường, gỗ, trái cây… (trong đó lên men từ đường chiếm 61%) và 5% ethano được tổng hợp được từ dầu mỏ, gas, than … Ethanol đang được xem là nguồn nhiên liệu thay thế quan trọng và được quan tâm đặc biệt trong chiến lược phát triển nguồn năng lượng của nhiều quốc gia (xem thêm bài Xăng sinh học, STINFO số 4/2012).
Lựa chọn loại nguyên liệu nào phù hợp để sản xuất ethanol tùy thuộc vào điều kiện đất đai, khí hậu, chính sách phát triển của mỗi quốc gia. Các nguyên liệu chủ lực để sản xuất ethanol ở các nước như sau: Mỹ: bắp, Brazil: mía, Pháp: củ cải đường, Ấn độ: mía, Việt Nam: sắn…Tính theo diện tích canh tác, hiệu quả sản xuất ethanol từ củ cải đường cao nhất, có thể đạt 7.000 lít/ha, kế đến là mía và bắp. Tuy nhiên, sẽ thu được nhiều ethanol hơn khi lên men từ bắp, gần 400 lít/tấn hạt, trong khi củ cải đường chỉ đạt 100 lít/tấn.
Ethanol mới đầu chỉ là một loại thức uống làm ngây ngất lòng người, mà nay được biết dưới nhiều tên gọi tùy thuộc nguồn nguyên liệu, vùng miền như rượu nàng hương, đế gò đen, vodka, shochu…, và ethanol hiện diện đa dạng qua các chất dẫn xuất ethyl este sử dụng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp: chất kết dính, vật liệu che phủ, sơn, mỹ phẩm, mực in, dược phẩm, chất tẩy uế, các chất tạo mùi… Trong những năm gần đây, trước nguy cơ cạn kiệt của dầu mỏ, ethalnol là ngôi sao sáng giá thay thế cho nguồn nhiên liệu dầu mỏ. Hơn 30 năm qua, lượng ethanol dùng trong công nghiệp gần như không đổi, dùng cho giải khát có tăng nhẹ, dùng làm nhiên liệu thì tăng phi mã, trước năm 1975 gần như không thấy ethanol dùng làm nhiên liệu, nhưng đến 2010 có đến hơn 60 tỷ lít ethanol được dùng làm nhiên liệu trên thế giới.
Là nguồn nguyên liệu được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp, nguồn năng lượng sinh học giảm thiểu ô nhiễm nhà kính nên nhiều quốc gia đã đầu tư lớn vào lĩnh vực này. Trước hết là Mỹ, quốc gia đứng đầu về sản lượng và tiêu thụ ethanol. Sản lượng ethanol năm 2011 của Mỹ: 50 tỉ lít. Brazil nước đứng thứ hai: 20 tỉ lít và là nước mà 90% các ô tô mới có thể sử dụng xăng ethanol. Ấn Độ phê chuẩn chính sách về nhiên liệu sinh học và quyết định thành lập Ủy ban quốc gia về nhiên liệu sinh học từ năm 2009, dự kiến lượng tiêu dùng ethanol trong thời gian 2010-2013 sẽ tăng khoảng 4,5% mỗi năm. Trung Quốc cũng đang có những nỗ lực sánh bước cùng các “cường quốc” ethanol, với sản lượng khoảng 2 tỉ lít năm 2011.
Việt Nam, tính đến tháng 4/2012, có 13 dự án sản xuất ethanol nhiên liệu, 5 nhà máy đã đi vào hoạt động với công suất thiết kế 490 triệu lít/năm. Với hy vọng ethanol sẽ thay thế một phần xăng sử dụng trong nước, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, cải thiện được tình trạng phụ thuộc vào nhiên liệu nhập khẩu, tạo công ăn việc làm cho nông dân tại các vùng nhiên liệu… thế nhưng việc đưa xăng E5 ra thị trường còn nhiều trở ngại, lượng tiêu thụ trong thời gian qua ở mức rất thấp. Để có thể duy trì hoạt động, các doanh nghiệp sản xuất ethanol Việt Nam đang phải tìm đường xuất khẩu!
Anh Tùng, STINFO Số 7/2012