SpStinet - vwpChiTiet

 

Năng suất và năng suất các yếu tố tổng hợp tại TP.HCM



Năng suất là yếu tố quan trọng quyết định năng lực cạnh tranh, sự tồn tại lâu dài của doanh nghiệp và mức sống của người lao động. Với quốc gia, năng suất giúp nâng cao chất lượng tăng trưởng kinh tế, đảm bảo chất lượng cuộc sống và xã hội tốt đẹp hơn. 
 


Ngày 21/5/2010, Quyết định số 712/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”. Đây là một chính sách quan trọng, đánh dấu bước chuyển biến mạnh mẽ trong hoạt động thúc đẩy năng suất và chất lượng, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
 

Hưởng ứng phong trào năng suất chất lượng, những năm qua TP. HCM đã có nhiều chương trình hỗ trợ nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn. Gần đây, UBND Thành phố có Quyết định số 2032/QĐ-UBND ngày 27/4/2015 về phê duyệt Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp TP. HCM đến 2020” để phát triển phong trào năng suất thông qua việc xây dựng các mô hình doanh nghiệp năng suất điển hình, từ đó nhân rộng các mô hình này một cách đồng bộ và rộng khắp tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
 


Quan niệm về năng suất


Theo định nghĩa, năng suất là mối quan hệ giữa đầu ra và đầu vào được sử dụng. Đầu ra được hiểu là sản phẩm cuối cùng của quá trình, có thể là hàng hóa hoặc dịch vụ. Đầu vào là tất cả những nguồn lực được sử dụng để tạo ra sản phẩm hay cung cấp dịch vụ. Về mặt toán học, năng suất được thể hiện bằng công thức:

Như vậy, tăng năng suất là thực hiện phương thức để tối đa hóa đầu ra và giảm thiểu đầu vào.


Quan điểm tiến bộ hơn của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), năng suất là việc sử dụng có hiệu quả những nguồn lực: vốn, đất đai, nguyên vật liệu, năng lượng, thông tin và thời gian, chứ không chỉ bó hẹp trong yếu tố lao động.


Khái niệm mới về năng suất bao hàm nội dung coi trọng sử dụng hợp lý các yếu tố đầu vào với suất tiêu hao lao động và nguyên vật liệu thấp, hàm lượng trí tuệ - KH&CN- ngày càng cao. Nói tới năng suất, người ta chú trọng hơn yêu cầu lượng đầu ra phải tăng lên hoặc tăng nhanh hơn lượng đầu vào để có ngày càng nhiều sản phẩm, dịch vụ, thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng của dân cư, tạo thêm việc làm cho người lao động; tăng năng suất không chỉ tăng thêm kết quả sản xuất của một đơn vị đầu vào mà còn phải tăng thêm ngày càng nhiều số đơn vị có mức năng suất cao. Như vậy, tăng năng suất không phải là giảm bớt việc làm, mà ngược lại, tăng năng suất gắn liền với tăng việc làm cho người lao động.


Năng suất lao động
 

Năng suất lao động là quan hệ so sánh giữa một chỉ tiêu đầu ra (kết quả sản xuất) với lao động. Công thức tính:

 

Trong đó:
 

- Đầu ra được đo bằng GDP hoặc Giá trị gia tăng
 

- Đầu vào lao động có thể đo bằng: số lượng lao động; quy đổi ra thời gian làm việc toàn phần (FTE-Full Time Equivalent); số giờ công lao động; đầu vào lao động được điều chỉnh theo chất lượng (QALI-Quality Adjusted Labor Input).
 

Theo tài liệu “Đo lường năng suất, đo lường tốc độ tăng năng suất tổng thể và năng suất ngành - 2002” của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD- Organization for Economic Cooperation and Development), năng suất lao động là tỷ lệ giữa lượng đầu ra trên đầu vào, trong đó đầu ra được tính bằng GDP hoặc GVA (Tổng giá trị gia tăng), đầu vào thường được tính bằng: giờ công lao động, lực lượng lao động và số lượng lao động đang làm việc.


Năng suất vốn
 

Năng suất vốn thể hiện mức độ hiệu quả sử dụng vốn trong quá trình tạo ra giá trị gia tăng. Công thức tính:

Năng suất vốn chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố khác nhau, nhưng những yếu tố chủ yếu tác động tới năng suất vốn là: công nghệ ứng dụng, các biện pháp tổ chức và kỹ thuật được sử dụng trong quản lý năng lực sản xuất và tỷ lệ vốn đầu tư dành cho tái kiến thiết và trang bị lại công cụ.


Năng suất các yếu tố tổng hợp


Giữa năng suất vốn và năng suất lao động cũng có mối quan hệ chặt chẽ. Chẳng hạn, khi đầu tư thêm vốn cho sản xuất thì năng suất vốn có thể tăng, có thể không tăng hoặc, thậm chí giảm đi. Nhưng, bù lại việc tăng thêm vốn, nâng cao mức trang bị vốn cho lao động sẽ làm cho năng suất lao động tăng lên đáng kể. Vì vậy, chỉ tiêu dùng để đánh giá hiệu quả đạt được dựa trên các yếu tố đầu vào được đề xuất là năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP-Total Factor Productivity). TFP phản ánh sự đóng góp của các yếu tố vô hình như kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng lao động; cơ cấu lại nền kinh tế hay hàng hóa, dịch vụ; chất lượng vốn đầu tư, mà chủ yếu là chất lượng thiết bị, công nghệ, kỹ năng quản lý,... Tác động của nó không trực tiếp như năng suất bộ phận mà phải thông qua sự biến đổi của các yếu tố hữu hình, đặc biệt là lao động và vốn,


Hiện nay, có nhiều cách tính TFP nhưng phổ biến nhất là theo hàm sản xuất Cobb-Douglas:

 

Trong đó:
 

Y: yếu tố đầu ra; K: vốn; L: lao động,
 

A: năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP)
 

α= hệ số đóng góp của vốn, (ß = 1 – α) hệ số đóng góp của lao động


Khi sử dụng TFP, hai chỉ tiêu thường được quan tâm là tốc độ tăng TFP và đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế. Tốc độ tăng TFP càng cao kết hợp với đóng góp của tăng TFP vào tăng trưởng kinh tế càng lớn sẽ thể hiện nền kinh tế năng suất cao dựa trên phát triển KH&CN và lao động trình độ cao.
 

Tốc độ tăng TFP được tính bằng công thức sau:  

Trong đó:

 

ITFP: tốc độ tăng TFP;

 

GDP: tốc độ tăng GDP;
 

IK: tốc độ tăng vốn; IL: tốc độ tăng lao động
 


Diễn biến năng suất các yếu tố tổng hợp của Thành phố
 

Theo số liệu Đề án tính TFP của Cục Thống kê TP. HCM giai đoạn 2006-2013 cho thấy, năm 2006 tốc độ tăng trưởng GDP của Thành phố là 12,16%, trong đó 7,01% GDP tăng do tác động của yếu tố vốn, 1,96% do lao động, 3,19% GDP tăng do tác động của TFP.


Bảng 1: Đóng góp của các nhân tố đối với tốc độ tăng GDP của Thành phố

 

Giai đoạn 2008-2009, tốc độ tăng GDP giảm, tốc độ tăng TFP cũng giảm theo. Năm 2009 là năm kinh tế khó khăn nhất, tốc độ tăng GDP chỉ đạt 8,65%. Tốc độ tăng này chủ yếu cũng do yếu tố vốn (5,47%), lao động góp phần tăng 2,94%. Phần GDP tăng do tác động TFP chỉ 0,24%. Năm 2010, nền kinh tế đã vượt qua khó khăn, phần đóng góp chủ yếu cho tăng GDP vẫn là vốn (5,29%), lao động đóng góp cho 3,13% tăng GDP nên TFP phát huy tác dụng hơn, đem lại 3,33% tăng trưởng cho GDP.


Bình quân giai đoạn 2006–2013, tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm là 10,58%, trong đó 5,63% là đóng góp của vốn đầu tư, 2,49% do đóng góp của lao động và 2,46% do đóng góp của TFP.

 

Bảng 2: Tỷ phần đóng góp của các nhân tố đối với tốc độ tăng GDP của Thành phố


Giai đoạn 2006-2010, tốc độ tăng TFP là 17,4%, chưa có xu hướng rõ nét. Trong năm 2011, tỷ phần đóng góp của TFP vào tăng trưởng GDP có tăng lên, nhưng tỷ lệ này còn thấp.
 

Giai đoạn 2006-2013, đóng góp của vốn chiếm tỉ trọng cao (bình quân 53,36%), nay đang có xu hướng giảm xuống. Phần đóng góp của lao động bình quân giai đoạn này là 23,65% và có xu hướng tương đối ổn định trong khoảng từ 23%–30%.
 

Dự báo tỷ phần đóng góp của TFP vào tốc độ tăng GDP ước tính năm 2014 vào khoảng 36,4% và năm 2015 vào khoảng 35,1%.
 


Các biện pháp cần đẩy mạnh để tăng TFP
 

Để tiếp tục phát triển phong trào năng suất chất lượng, duy trì tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn, đồng thời nâng tỷ trọng đóng góp của TFP đạt 35% vào năm 2020 theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, cần tiếp tục thực hiện tốt Chương trình quốc gia nâng cao năng suất chất lượng và Dự án “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020”; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tiếp tục đầu tư tăng cường tiềm lực KH&CN; tiếp tục thúc đẩy phong trào năng suất chất lượng phát triển mạnh mẽ và sâu rộng với sự tham gia hiệu quả của liên kết giữa Nhà nước-viện, trường-tổ chức hỗ trợ trung gian-cộng đồng doanh nghiệp, từng bước tạo lập văn hóa năng suất chất lượng; các tổ chức, doanh nghiệp tích cực, chủ động tiếp cận thông tin, nâng cao năng lực quản trị phù hợp với các tiêu chuẩn sản phẩm và tiêu chuẩn hệ thống quản lý của quốc gia và quốc tế; và liên tục đổi mới, sáng tạo công nghệ và sản phẩm, liên kết đa ngành nghề và đa khu vực, tham gia hiệu quả vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

VŨ NGỌC LINH-Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng TP. HCM, STINFO số 3/2016


Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả