Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP. HCM vừa kỷ niệm 10 năm tổ chức. Mười năm (2005-2015) không quá dài cũng không quá ngắn để kịp ghi lại những dấu ấn, qua đó chứng minh sức lan tỏa của phong trào sáng tạo trẻ, khơi dậy khả năng tư duy sáng tạo và nhóm lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học (NCKH) cho thanh thiếu nhi Thành phố ngay từ khi các em còn là học sinh.
Nghiên cứu sáng tạo không chỉ là việc của các nhà khoa học
Trước đây, khi nhắc tới sáng tạo và NCKH, người ta thường nghĩ đó là việc dành cho các nhà khoa học, hay ít nhất cũng là sinh viên các trường đại học. Nhưng từ khi Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP. HCM (Cuộc thi) được tổ chức, những suy nghĩ này dần được thay đổi. Những em học sinh tiểu học thỏa sức sáng tạo với các sản phẩm tái chế, trang trí góc học tập, đồ chơi trẻ em; các bạn học sinh THCS, THPT thì dùng những kiến thức đã học vào thực hiện những mô hình dụng cụ học tập, lao động …Và từ đây, nhiều tài năng trẻ đã được phát hiện gắn với những “dấu ấn sáng tạo” của mình như “thần đồng tin học” Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, “cậu bé vàng sáng tạo” Nguyễn Dương Kim Hảo, “cây sáng chế 9X” Huỳnh Khải Dũng,… Không chỉ đam mê học hỏi, sáng tạo, NCKH mà những sản phẩm sáng tạo của các em còn có tính ứng dụng thiết thực, đạt các giải thưởng danh giá trong và ngoài nước.
Ví như “thần đồng tin học” Nguyễn Khánh Ánh Hoàng, tham gia Cuộc thi năm 2005 với AH Kids – phần mềm bảo vệ trẻ em khỏi những trang web xấu. Viết phần mềm đầu tay vào năm 8 tuổi, giải thưởng tin học đầu tiên của Nguyễn Khánh Ánh Hoàng là vào năm 11 tuổi, tại cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật TP. HCM năm 2003 với phần mềm “Em học toán”. Năm 2005, giải đặc biệt duy nhất của Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc thuộc về Hoàng chính là nhờ “AH Kids”. Phần mềm này được lập trình ngăn chặn hơn 1.000 trang mạng có nội dung không lành mạnh, tích hợp nhận biết màu da và thẩm định ngôn từ để loại bỏ các ảnh “mát mẻ”, từ ngữ dung tục,... AH Kids còn có thể hạn chế cả sự mê mẩn các trò chơi điện tử của các bạn nhỏ bằng việc cài đặt sẵn khung thời gian cố định, chỉ cần vượt quá khoảng thời gian ấy, các trò chơi sẽ tự động ngắt. Phần mềm này sau đó cũng nhận được Huy chương vàng của WIPO - Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới. Với niềm say mê sáng tạo và khả năng tin học của mình, Ánh Hoàng còn viết thêm nhiều phần mềm hay, ví dụ như “Em học nhạc”,... Ngoài ra, Hoàng còn đạt nhiều thành tích đáng kể như: giải nhất Cuộc thi Khoa học Kỹ thuật Truyền thông châu Á – Thái Bình Dương; giải thưởng Quả cầu vàng lĩnh vực công nghệ thông tin năm 2004,…
Các ý tưởng sáng tạo trẻ độc đáo cần được hỗ trợ hoàn thiện
và đưa vào ứng dụng nhiều hơn. Ảnh: HY.
Nhắc đến “dấu ấn sáng tạo trẻ” không thể không nhắc đến Nguyễn Dương Kim Hảo, “cậu bé vàng sáng tạo”. Từ khi còn nhỏ, Hảo đã có một niềm yêu thích đặc biệt với máy tính và các thiết bị điện tử. Vì vậy, dù mới chỉ là học sinh lớp 8, Hảo đã có cả một bộ sưu tập các danh hiệu, giải thưởng đáng nể và cái tên Nguyễn Dương Kim Hảo đã không còn xa lạ với các cuộc thi sáng tạo, lập trình tin học tại TP. HCM cũng như toàn quốc những năm gần đây. Các sản phẩm của Kim Hảo đều xuất phát từ nhu cầu cuộc sống, mong muốn đem lại tiện ích cho những người trong gia đình. Sản phẩm mang lại thành công đầu tiên của Hảo là mô hình “bảng điều khiển thông minh” có thể điều khiển các thiết bị điện trong gia đình từ xa, khắc phục việc quên tắt các thiết bị điện khi ra khỏi nhà. Sản phẩm đã mang lại cho Hảo giải nhất Cuộc thi lần VII năm 2012 và sau đó là nhiều giải thưởng, huy chương về sáng tạo ở các cuộc thi trong nước cũng như quốc tế (Huy chương vàng cuộc thi Triển lãm quốc tế sáng tạo KH&CN trẻ lần thứ 9 năm 2013 và cuộc thi Triển lãm dành cho các nhà sáng tạo trẻ châu Á tại Kuala Lumpur, Malaysia; giải đặc biệt của Viện Sáng tạo hàn lâm Hàn Quốc; Huy chương vàng của Viện Sáng tạo trẻ Indonesia,…). Sau đó, tại Cuộc thi năm 2013, Hảo lại tiếp tục đạt giải nhất với sản phẩm “máy tính hóa học”. Mặc dù khi đó mới chỉ là học sinh lớp 6, chương trình học chưa có môn hóa nhưng với sự tìm tòi, nghiên cứu, Hảo đã hoàn thành chiếc máy nhỏ cầm tay chứa đến gần 1.000 phương trình phổ biến về hóa vô cơ bậc THCS và phần đầu môn hóa bậc THPT. Máy tính hóa học giúp tiết kiệm thời gian trong khâu tìm kiếm, cân bằng phương trình, xem và nhận biết các chất hóa học. Sản phẩm này đã mang về cho Hảo nhiều giải thưởng tại các cuộc thi trong nước và quốc tế, trong đó có giải thưởng Best Young Inventor của WIPO. Với sự hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ tài năng trẻ TP. HCM, Kim Hảo đã xuất sắc tốt nghiệp khóa đào tạo hai năm của FPT-Aptech về lập trình công nghệ thông tin. Năm 2014, Kim Hảo đạt giải nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP. HCM, giải nhất Hội thi Tin học trẻ TP. HCM, giải nhì Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc với sản phẩm “xe chở hàng điều khiển bằng ứng dụng trên hệ điều hành Android”; giải đặc biệt tại Cuộc thi Thử thách sáng tạo trẻ với Intel Galileo với sản phẩm “máy khắc laser”. Kim Hảo đã được vinh danh là công dân trẻ tiêu biểu TP. HCM năm 2013, gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 và vẫn đang miệt mài học tập, nghiên cứu, sáng tạo để theo đuổi ước mơ trở thành một lập trình viên chuyên nghiệp trong tương lai.
Nguyễn Dương Kim Hảo và “máy khắc laser” đã đạt giải đặc biệt
tại Cuộc thi Thử thách sáng tạo trẻ với Intel Galileo 2014. Ảnh: HY.
Còn nhớ, chàng trai Huỳnh Khải Dũng tham gia Cuộc thi khi đang là sinh viên năm 2 Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP. HCM. Khi đó, Dũng đã cho ra đời hơn 50 sản phẩm sáng tạo thiết thực cho cuộc sống như: mũ bảo hiểm thông minh, hệ thống đèn giao thông dành cho xe buýt, máy báo vấp ngã cho người già, máy phát điện mini, máy giao thoa sóng nước,… Luôn quan sát chuyển biến của cuộc sống, suy ngẫm rồi đưa ra cách giải quyết đơn giản, các sáng chế của Dũng đều rất tiết kiệm chi phí, có thể khắc phục những khó khăn hàng ngày mà bản thân hoặc những người xung quanh gặp phải. Do vậy, hầu hết các sản phẩm của Dũng đều được đánh giá cao và trao nhiều giải thưởng ở các cuộc thi sáng tạo khoa học trẻ. Không những vậy sản phẩm sáng tạo của Dũng cũng được nhiều người quan tâm đặt mua như máy báo vấp ngã cho người già, mũ bảo hiểm thông minh.
… Và còn nhiều nữa, những cái tên gắn với khả năng sáng tạo đáng nể như Phan Lê Ánh Dương (tham gia Cuộc thi năm 2012 khi vừa mới 6 tuổi và đạt giải ba liên tục trong 3 năm 2012, 2013, 2014) hoặc Nguyễn Minh Châu, thí sinh tham gia Cuộc thi nhiều lần liên tục với nhiều mô hình, sản phẩm nhất (từ năm 2010 – 2014 tham gia 5 năm liên tục với tổng cộng 15 sản phẩm).
Ươm mầm và chắp cánh cho tài năng sáng tạo trẻ
Qua 10 năm tổ chức, Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi TP. HCM đã thu hút hơn 6.500 lượt thí sinh và 1.100 mô hình, sản phẩm sáng tạo từ hàng trăm trường tiểu học, THCS, THPT tham gia, chứng tỏ sức lan tỏa của giải thưởng đối với thanh thiếu nhi Thành phố. Từ những năm đầu, Cuộc thi chỉ được phát động và tổ chức cấp thành, đến nay, phong trào sáng tạo đã lan rộng tới các cơ sở. Nhiều đơn vị trên địa bàn thành phố đã tổ chức cuộc thi cấp quận, huyện và thu được nhiều kết quả đáng khích lệ (có thể kể tới một số đơn vị tổ chức vòng thi cấp cơ sở nhiều năm liền như huyện Cần Giờ, quận 10, quận 11,...). Qua đó, nhiều câu lạc bộ (CLB) học thuật, “ong sáng tạo” tại các trường THCS, THPT được thành lập, tạo ra các sân chơi, môi trường giao lưu, học hỏi cho các em học sinh yêu thích sáng tạo tại TP. HCM. Đây là những tín hiệu đáng mừng trong việc tạo ra môi trường sáng tạo để hun đúc, chắp cánh cho những tài năng trẻ.
Anh Đoàn Kim Thành (Giám đốc Trung tâm Phát triển KH&CN Trẻ, đơn vị thường trực Cuộc thi) chia sẻ, thông qua Cuộc thi, mạng lưới các CLB học thuật sáng tạo được hình thành ở các trường phổ thông trung học. Các CLB sáng tạo ở trường đại học sẽ được kết nối với những CLB ở trường phổ thông, để từ đó những bạn sinh viên sẽ dìu dắt, hướng dẫn các em học sinh phổ thông trên con được sáng tạo.
Các chuyên gia góp ý cho sản phẩm sáng tạo của các em học sinh. Ảnh: HY.
Để có những “dấu ấn sáng tạo trẻ” đáng kể như trên, công tác ươm mầm sáng tạo, khơi dậy đam mê và chắp cánh cho tài năng sáng tạo là rất quan trọng và cần thiết. Như Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP. HCM Nguyễn Kỳ Phùng đã đánh giá, qua 10 năm, Cuộc thi đã tập hợp hàng ngàn sản phẩm, đề tài của các tác giả đam mê sáng tạo rồi từ đó chắp cánh cho nhiều tài năng sáng tạo trẻ, tạo một nguồn lực, môi trường cho các em thỏa sức thể hiện đam mê sáng tạo để sáng chế ra nhiều sản phẩm đặc sắc và ấn tượng. So với những ngày đầu Cuộc thi được tổ chức, đến nay, các em thí sinh đã biết cách thức hình thành ý tưởng, hoàn thiện và thực hiện ý tưởng sáng tạo của mình thành một sản phẩm cụ thể. Theo ông Dương Đức Minh (Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi TP. HCM), Cuộc thi là sân chơi để thiếu nhi thỏa sức sáng tạo, cũng là cơ hội cho các em tìm hiểu, khám phá chính bản thân mình cũng như quan sát, tìm tòi những thứ xung quanh, chủ động hơn trong cuộc sống và học tập. Điều mà chúng ta cần trau dồi cho các em là khả năng quan sát, từ đó có thể giải quyết những câu hỏi, bài toán về cuộc sống đơn giản nhất.
Hội thi Tin học trẻ TP. HCM được tổ chức hàng năm cũng góp phần phát hiện
và bồi dưỡng các tài năng trẻ. Ảnh: HY.
TS. Đỗ Việt Hà (Ban Quản lý Khu Nông nghiệp Công nghệ cao TP. HCM) nhận xét, qua 10 năm, Cuộc thi đã tạo ra một sân chơi học tập bổ ích cho thanh thiếu nhi thành phố, là nơi khơi gợi niềm đam mê và tạo điều kiện để các em phát triển khả năng tư duy sáng tạo của mình trên tất cả các lĩnh vực. Tuy nhiên, phải nhận thức việc phát triển ý tưởng, hoàn thành ý tưởng và thực hiện ý tưởng là cả một quá trình lâu dài, khó khăn nên Cuộc thi cần tôn vinh các ý tưởng sáng tạo hay, mới lạ, có khả năng áp dụng vào cuộc sống. Bên cạnh đó cũng cần tăng cường các hoạt động về sáng tạo dành cho thanh thiếu nhi ngay tại các trường, các cơ sở Đoàn, Đội, Hội như các hoạt động tham quan nông trường, nông trại, nhà máy, xí nghiệp, các khu sinh thái, bảo tàng,… Đặc biệt, cần đẩy mạnh hỗ trợ phát triển và thương mại hóa các sản phẩm sáng tạo tiêu biểu của thí sinh tham gia Cuộc thi. Đối với các sản phẩm hay, có tính ứng dụng, cần có những giải pháp nhằm vận động các nguồn lực xã hội tham gia hỗ trợ cho các nhà sáng tạo trẻ hoàn thiện sản phẩm, truyền thông giới thiệu ra xã hội và đưa vào ứng dụng trong thực tế.
Hy vọng những “dấu ấn sáng tạo trẻ” sẽ được tiếp sức, chắp cánh để bay cao, bay xa và Cuộc thi sẽ ngày càng lan tỏa, góp phần phát triển những thế hệ trẻ tương lai chủ động và sáng tạo.
HÒA YÊN, STINFO số 7/2015
Tải bài này về tại đây.