Năm 2015, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) TP. HCM được đánh giá không chỉ phục vụ nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước mà còn góp phần nâng cao tỷ trọng đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, thời gian tới, cần đổi mới và sáng tạo nhiều hơn nữa để KH&CN thực sự là động lực phát triển kinh tế - xã hội.
Nhiều kết quả nổi bật
Báo cáo tại hội nghị tổng kết hoạt động năm 2015 của Sở KH&CN TP. HCM cho thấy, sự gắn kết giữa hoạt động nghiên cứu và phát triển KH&CN với nhu cầu thị trường được chú trọng nhằm nâng cao tỷ lệ ứng dụng của các đề tài nghiên cứu. Trong năm 2015, Sở KH&CN TP. HCM đã cấp kinh phí 128 tỷ đồng cho 239 đề tài nghiên cứu, nghiệm thu 158 đề tài. Giai đoạn 2013-2015, Sở đã xét duyệt 49 đề tài và ký hợp đồng thực hiện 44 đề tài nghiên cứu trong chương trình thí điểm hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học theo hình thức khoán kinh phí. Đến nay, đã có 2 đề tài được hỗ trợ thương mại hóa. Kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học năm 2015 đạt 105% so với kế hoạch và đây cũng là tỷ lệ cao nhất từ trước đến nay. Đặc biệt, năm qua, hoạt động KH&CN đã tập trung hơn vào nghiên cứu ứng dụng KH&CN phát triển các sản phẩm công nghệ cao, chú trọng phát triển các lĩnh vực công nghệ ưu tiên của Thành phố, bao gồm vi mạch bán dẫn, công nghệ thông tin, công nghệ sinh học, môi trường và biến đổi khí hậu,… góp phần vào mục tiêu làm chủ công nghệ, đẩy mạnh tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thành phố. Tiêu biểu là dự án “Thiết kế và sản xuất thử nghiệm chip vi xử lý 8 bit RISC thương mại SG-8V1” do Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Thiết kế Vi mạch chủ trì. Sản phẩm đã được thương mại hóa, có khả năng cạnh tranh về giá lẫn tính năng.
Cũng trong năm 2015, Sở KH&CN TP. HCM tập trung vào các chương trình KH&CN phục vụ 6 chương trình đột phá của Thành phố. Trong đó, thí điểm thực hiện một số chính sách thu hút chuyên gia KH&CN trong và ngoài nước, đã thu hút được 8 chuyên gia KH&CN làm việc tại Khu Công nghệ cao và Viện KH&CN Tính toán. Hoạt động phát triển thị trường công nghệ nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp (DN) cũng được chú trọng với hàng loạt các hoạt động như Sàn Giao dịch Công nghệ, Chợ Công nghệ và Thiết bị (Techmart) đa ngành, chuyên ngành,… Trong đó, thông qua các hoạt động Chợ Công nghệ và Thiết bị thường xuyên, trình diễn và phân tích xu hướng công nghệ, Sàn Giao dịch Công nghệ TP. HCM đã tiếp nhận 150 yêu cầu từ cá nhân, DN; tư vấn, kết nối 25 yêu cầu; ký kết 9 hợp đồng chuyển giao công nghệ với tổng giá trị hơn 2,1 tỷ đồng.
Về hoạt động hỗ trợ DN, Sở KH&CN đã hỗ trợ thêm 20 DN thành lập quỹ phát triển KH&CN, nâng tổng số DN thành lập quỹ đạt 101 DN, với số tiền trích lập quỹ là 494 tỷ đồng. Trong số này, 168 tỷ đồng được các DN chi cho đầu tư đổi mới CN&TB. Hoạt động ươm tạo DN công nghệ tại các trường đại học, Khu Công nghệ cao, Khu Nông nghiệp Công nghệ cao đã ươm tạo được 17 DN, nâng tổng số DN được ươm tạo là 54. Trong đó có 3 DN đã tốt nghiệp, nâng tổng số DN đã tốt nghiệp và sẵn sàng tốt nghiệp là 9 DN. Năm 2015 cũng tiến hành xây dựng “Chương trình khung về hỗ trợ phát triển hoạt động ươm tạo DN KH&CN trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020” theo hướng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp gắn với ươm tạo DN và phối hợp với Ngân hàng ADB, Công ty Bảo hiểm AIA để triển khai các dự án hỗ trợ ươm tạo DN, hỗ trợ khởi nghiệp.
Các hoạt động chợ công nghệ thiết bị, trình diễn công nghệ, sàn giao dịch,… được tổ chức thường xuyên nhằm thúc đẩy chuyển giao công nghệ đến doanh nghiệp. Ảnh: LV.
Hoạt động cung cấp dịch vụ KH&CN đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước và phục vụ sản xuất kinh doanh với các dịch vụ như cung cấp thông tin, đào tạo, tư vấn, phân tích thí nghiệm, kiểm định, hiệu chuẩn, tiết kiệm năng lượng,… Điển hình là dịch vụ phân tích thí nghiệm, doanh thu tăng 110% so với năm 2014, mở rộng thị phần tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long và miền Trung. Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP. HCM (thuộc Sở KH&CN TP. HCM) với những thế mạnh riêng đã có những đóng góp nổi bật cho hoạt động KH&CN thành phố. Cụ thể, Trung tâm đã tham gia các đề tài nghiên cứu phục vụ nhu cầu bức thiết của Thành phố, như nghiên cứu ứng dụng đất hiếm (RE) Việt Nam nhằm tăng năng suất cây lúa thơm và cây đậu phộng trên một số vùng đất tại TP. HCM; nghiên cứu vecni bóng, vecni tráng thiếc gốc polyuretan từ nguồn dầu thực vật trong nước (đã đưa vào sản xuất thử nhằm cung cấp cho các xí nghiệp sản xuất thực phẩm đóng hộp); nghiên cứu ứng dụng cộng hưởng từ hạt nhân (NMR) phân tích nước tiểu bệnh nhân ung thư đại – trực tràng tại Việt Nam,… Một trong những thế mạnh của Trung tâm là phòng thí nghiệm luôn có các nghiên cứu đón đầu, có thể đáp ứng các yêu cầu phân tích ngày càng khắt khe như phân tích vết, siêu vết các dư lượng kháng sinh, thuốc trừ sâu để kiểm tra và đánh giá chất lượng hàng hóa theo các tiêu chuẩn nghiêm ngặt,… Hiện nay, Trung tâm là thương hiệu lớn của Việt Nam trong lĩnh vực phân tích thí nghiệm với hơn 3.200 khách hàng là các đơn vị, tổ chức từ 51 tỉnh thành trên cả nước và khách hàng quốc tế.
Công tác thông tin truyền thông KH&CN của Trung tâm Thông tin KH&CN (thuộc Sở KH&CN TP. HCM) năm 2015 tập trung vào các sự kiện KH&CN lớn, các kỳ chợ CN&TB, các hội thảo giới thiệu công nghệ,… Chuỗi hoạt động chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam lần 2 và triển lãm với chủ đề “40 năm KH&CN TP. HCM, một chặng đường phát triển” đã giới thiệu gần 300 sản phẩm, CN&TB, kết quả nghiên cứu sẵn sàng chuyển giao, qua đó mang đến công chúng cái nhìn toàn cảnh về những thành tựu và sự phát triển KH&CN của Thành phố; thu hút sự quan tâm của xã hội, kết nối giữa các nhà sáng chế, các nhà khoa học trẻ, DN, giúp các bên có cơ hội tiếp cận, tìm hiểu để đầu tư phát triển. Triển lãm về KH&CN chào mừng Đại hội Đảng bộ TP. HCM lần X đã giới thiệu các sản phẩm công nghệ cao nổi bật từ các đề tài của Sở như robot kit tự động hình dạng module lắp ráp có động cơ và hệ điều hành robot mở dùng cho đào tạo lập trình, điều khiển học; robot 5 bậc tự do phục vụ giảng dạy; robot thông đường ống trong dây chuyền sản xuất phân bón; hệ thống hội chẩn y tế trực tuyến trong công tác hội chẩn, điều trị y tế; ốc chân cung hỗ trợ phẫu thuật cố định cột sống thiết kế chế tạo tại Việt Nam,… Hoạt động thông tin, truyền thông KH&CN năm 2015 được đánh giá đã mang lại tác động tích cực, góp phần nâng cao nhận thức xã hội về ứng dụng KH&CN, đồng thời là cầu nối thông tin giữa cung và cầu trong hoạt động đổi mới, chuyển giao công nghệ.
Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM Nguyễn Việt Dũng trao quyết định khen thưởng
cho các đơn vị hoàn thành tốt nhiệm vụ trong năm 2015. Ảnh: LV.
Trên tinh thần không ngừng nâng cao năng lực quản lý nhà nước về KH&CN, hiệu lực quản lý nhà nước đã có sự chuyển biến tích cực trên các mặt an toàn bức xạ; quản lý công nghệ; sở hữu trí tuệ; tiêu chuẩn-đo lường-chất lượng; công tác thanh tra, kiểm tra, cùng với việc đẩy mạnh hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN tại cơ sở. Năm qua, Sở cũng đã triển khai đồng loạt các chính sách thúc đẩy ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo thông qua các chương trình như hỗ trợ nâng cao năng suất chất lượng, hỗ trợ tái cấu trúc, đổi mới công nghệ, chế tạo thiết bị thay thế nhập khẩu và robot công nghiệp, nâng cao năng lực thiết kế, phát triển tài sản trí tuệ,… Các chương trình ngày càng gắn kết chặt chẽ hơn với DN, trực tiếp giúp DN về các mặt cung cấp thông tin KH&CN, tư vấn lựa chọn công nghệ, thiết bị, xây dựng, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế,…
Tiếp tục đổi mới
Những kết quả nổi bật của hoạt động KH&CN TP. HCM năm 2015 đã góp phần phục vụ nhu cầu xã hội, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và nâng cao tỷ trọng đóng góp của KH&CN vào tăng trưởng kinh tế chung. Tuy nhiên, vẫn tồn tại một số hạn chế về công tác thống kê, nắm bắt nhu cầu ứng dụng và đổi mới công nghệ, cung cấp thông tin KH&CN và công tác truyền thông KH&CN. Do vậy, các chương trình hỗ trợ chưa thực sự đi vào chiều sâu, DN còn thiếu thông tin và chưa nhận thức đầy đủ về lợi ích khi tham gia chương trình. Ví dụ, với chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc DN nhà nước, việc ứng dụng KH&CN nhằm tăng năng suất chất lượng cũng như tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường chưa được DN chủ động triển khai, mà phần lớn các DN tập trung vào các giải pháp ngắn hạn như sáp nhập, hợp nhất, chuyển giao DN,… Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý cũng còn hạn chế, tin học hóa các quy trình thủ tục cung cấp dịch vụ hành chính công còn chậm,…
Ông Nguyễn Việt Dũng nhấn mạnh về tinh thần đổi mới sáng tạo
trong các hoạt động KH&CN năm 2016. Ảnh: LV.
Ông Nguyễn Việt Dũng (Giám đốc Sở KH&CN TP. HCM) cho biết, năm 2016 và phương hướng sắp tới tiếp tục nhấn mạnh quan điểm phát triển ứng dụng KH&CN, đẩy mạnh đổi mới hoạt động quản lý nhà nước về KH&CN, tăng cường vai trò truyền thông và tham mưu. Các hoạt động phải gắn với đổi mới sáng tạo, phục vụ mục tiêu ứng dụng KH&CN và đổi mới sáng tạo, xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và phát triển thị trường công nghệ, tiến tới nền kinh tế sáng tạo. Để KH&CN phát huy vai trò là động lực phát triển kinh tế, xã hội thì mỗi cán bộ, viên chức phải nỗ lực, đổi mới sáng tạo trong công việc để khuyến khích mọi thành phần xã hội đầu tư cho KH&CN. Tinh thần đổi mới sáng tạo thể hiện trong tư duy và hành động, luôn tìm hướng đổi mới công việc, cởi mở hợp tác để đưa nguồn lực KH&CN phục vụ đời sống.
Bên cạnh đó, một trong những nhiệm vụ của năm 2016 là xây dựng và triển khai có hiệu quả công tác thống kê để phục vụ tăng cường năng lực quản lý nhà nước về KH&CN. Về nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tập trung thực hiện các chương trình KH&CN trọng điểm, đổi mới cơ chế xác định nhiệm vụ KH&CN gắn kết sát hơn với nhu cầu xã hội và có khả năng ứng dụng thực tiễn cao, xây dựng cổng thông tin kết nối nhu cầu xã hội với mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học và các tổ chức KH&CN,… Tiếp tục triển khai có hiệu quả các chương trình ứng dụng KH&CN gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của Thành phố như chương trình ứng dụng KH&CN phục vụ tái cấu trúc DN nhà nước giai đoạn 2016 – 2020; các chương trình, dự án hỗ trợ ứng dụng KH&CN, nâng cao năng suất và chất lượng, sức cạnh tranh của DN; chương trình kế hoạch hoạt động KH&CN và đổi mới sáng tạo ở cơ sở giai đoạn 2016-2020. Đặc biệt, năm 2016 sẽ triển khai thực hiện chương trình nâng cao năng lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực KH&CN giai đoạn 2016-2020, có những thay đổi trong cách vận hành để tác động tốt hơn đến hoạt động KH&CN thành phố.
LAM VÂN, STINFO số 3/2016
Tải bài này về tại đây.