SpStinet - vwpChiTiet

 

Hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ địa phương

 

 

Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ (KH&CN) thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện vừa được liên Bộ KH&CN và Bộ Nội vụ thống nhất quy định lại tại Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV, ban hành ngày 15/10/2014. Đây là một trong những biện pháp hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển KH&CN địa phương trong cả nước.


Năm 2008, Thông tư liên tịch số 05/2008/TTLT-BKHCN-BNV (Thông tư 05) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được ban hành đã bổ sung và chi tiết hóa một số chức năng và nhiệm vụ của Sở KH&CN để đáp ứng các yêu cầu trong tình hình mới như thống kê KH&CN, phát triển thị trường công nghệ. Thông tư cũng cho phép tổ chức bộ máy Sở KH&CN theo hướng mở, kết hợp các cơ cấu cứng (bắt buộc) và mềm (theo đặc thù từng địa phương). Ví dụ, tất cả các Sở KH&CN đều phải có 3 đơn vị (cơ cấu cứng): Văn phòng, Thanh tra, Phòng Kế hoạch - Tài chính. Ngoài ra, tùy theo đặc điểm của từng địa phương, có thể thành lập các phòng (cơ cấu mềm): Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Công nghệ, Phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Phòng Quản lý chuyên ngành (sẽ quản lý các lĩnh vực như sở hữu trí tuệ, an toàn bức xạ và hạt nhân, thông tin và thống kê KH&CN,...). Thông tư 05 cũng đặc biệt chú trọng đến quản lý hoạt động KH&CN tuyến huyện, với việc xác định rõ vấn đề tổ chức và biên chế: tại Sở KH&CN, Phòng Quản lý KH&CN cơ sở quản lý hoạt động KH&CN tuyến huyện; tại các quận, huyện, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Công thương quản lý hoạt động KH&CN trong phạm vi huyện; đồng thời đảm bảo biên chế cho các đơn vị này hoạt động.


Trải qua 6 năm triển khai rộng khắp tại tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thông tư 05 đã đưa lại những kết quả tích cực bước đầu về các mặt hoạt động KH&CN, góp phần vào việc phát triển kinh tế-xã hội ở các địa phương. Tuy nhiên, trong thời gian từ 2008 đến nay, đã có khá nhiều văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành (đặc biệt là Luật KH&CN năm 2013, Nghị định 11/2014/NĐ-CP về hoạt động thông tin KH&CN, Nghị định 24/2014/NĐ-CP quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,…), điều chỉnh nhiều nội dung có liên quan trực tiếp đến các đối tượng đang được quy định tại Thông tư 05.
Do vậy, ngày 15/10/2014, Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV (Thông tư 29) hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã được ban hành lại nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý để thúc đẩy phát triển KH&CN tại các địa phương.


So với Thông tư 05, Thông tư 29 xác định rõ hơn vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Sở KH&CN để phù hợp với quy định của Luật KH&CN năm 2013 và các văn bản pháp quy khác. Trong đó, có một số nội dung mới đáng chú ý như sau:


Về tổ chức bộ máy: bổ sung nhiệm vụ về quản lý tổ chức bộ máy, biên chế công chức và số lượng người làm việc cho các đơn vị sự nghiệp công lập của Sở KH&CN. Thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở gồm: Văn phòng; Thanh tra; 5 phòng chuyên môn nghiệp vụ (Phòng Kế hoạch - Tài chính, Phòng Quản lý Khoa học, Phòng Quản lý Công nghệ, Phòng Quản lý KH&CN cơ sở, Phòng Quản lý chuyên ngành); Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng được tổ chức theo hướng bảo đảm tính thống nhất với các phòng chuyên môn nghiệp vụ, có đơn vị sự nghiệp trực thuộc là Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng; 2 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở KH&CN cũng được xác định rõ về tên gọi và chức năng nhiệm vụ, đó là Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN và Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN.


Về quản lý hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ (NCKH&PTCN): Sở KH&CN được phép xác định, đặt hàng, giao trực tiếp nhiệm vụ KH&CN; tổ chức giao quyền sở hữu, quyền sử dụng kết quả (NCKH&PTCN) sử dụng ngân sách nhà nước trong phạm vi quản lý cho các tổ chức, cá nhân theo quy định; theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện và sau nghiệm thu các nhiệm vụ KH&CN có sử dụng ngân sách nhà nước; tổ chức ứng dụng, đánh giá hiệu quả ứng dụng kết quả thực hiện nhiệm vụ KH&CN do UBND cấp tỉnh đề xuất đặt hàng hoặc đặt hàng sau khi được nghiệm thu; và tổ chức đánh giá nghiệm thu kết quả NCKH&PTCN không sử dụng ngân sách nhà nước của tổ chức, cá nhân trên địa bàn.


Về phát triển thị trường KH&CN: Sở KH&CN được giao thêm nhiệm vụ tổ chức khảo sát, điều tra đánh giá trình độ công nghệ và phát triển thị trường KH&CN; hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các trung tâm giao dịch công nghệ, sàn giao dịch công nghệ, các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN, doanh nghiệp KH&CN tại địa phương.


Về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng: sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về lĩnh vực tiêu chuẩn đo lường chất lượng để phù hợp với Nghị định số 27/2014/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng và các văn bản pháp luật liên quan. Trong đó, xác định nhiệm vụ tiếp nhận bản công bố sử dụng dấu định lượng; chứng nhận cơ sở đủ điều kiện sử dụng dấu định lượng trên nhãn hàng đóng gói sẵn theo quy định của pháp luật; và tổ chức thực hiện việc áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước.


Về sở hữu trí tuệ: sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ về quản lý chỉ dẫn địa lý, địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương; triển khai các biện pháp để phổ biến, khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng chế, sáng kiến, sáng tạo tại địa phương; tổ chức xét, chấp thuận việc công nhận các sáng kiến do Nhà nước đầu tư kinh phí, phương tiện vật chất, kỹ thuật theo quy định.


Về công tác thông tin, thống kê KH&CN: để phù hợp với quy định của Nghị định 11/2014/NĐ-CP về hoạt động thông tin KH&CN, Thông tư 29 bổ sung một khoản riêng về thông tin và thống kê KH&CN, trong đó chỉ rõ các nhiệm vụ tổ chức, triển khai công tác thu thập, đăng ký, lưu giữ và công bố thông tin về nhiệm vụ KH&CN tại địa phương; tổ chức chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chế độ báo cáo thống kê cơ sở về KH&CN tại địa phương; chủ trì triển khai chế độ báo cáo thống kê tổng hợp về KH&CN; triển khai các cuộc điều tra thống kê về KH&CN tại địa phương.


Ngoài ra, một số nội dung liên quan đến công tác thanh tra, kiểm tra, phòng chống tham nhũng cũng được cập nhật, sửa đổi để phù hợp với quy định của Luật Thanh tra năm 2010, Nghị định 213/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của thanh tra ngành KH&CN.


Đối với cơ quan chuyên môn chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, Thông tư 29 xác định là Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và hạ tầng. Nhiệm vụ của các cơ quan này được bổ sung thêm nội dung hướng dẫn chuyên môn, nghiệp vụ về quản lý KH&CN đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn; quản lý, triển khai thực hiện các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách nhà nước cấp cơ sở.


Như vậy, Thông tư 29 không chỉ kế thừa những nội dung còn phù hợp của Thông tư 05 mà đã cập nhật thêm nhiều điểm phù hợp với quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật liên quan mới ban hành. Với hành lang pháp lý hoàn thiện phù hợp thực tiễn, hoạt động KH&CN ở địa phương có thêm điều kiện để phát triển mạnh trong thời gian tới.

 

TAM KIỆT, STINFO số 3/2015

Tải bài này về tại đây.


Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả