SpStinet - vwpChiTiet

 

Tâm sự ngày xuân với các bạn trẻ

Vào những năm 70 thế kỷ trước, những đợt sóng thanh niên Ấn Độ rồi tiếp theo là Trung Quốc liên tục lớp lớp tràn sang Mỹ và những quốc gia công nghiệp tiên tiến khác. Lớp trẻ Ấn Độ ra đi phần lớn là nghèo nhưng quyết chí tìm cách có được học vấn để vươn lên. May mắn cho họ là họ có tiếng Anh và việc ra đi không mấy khó khăn ngoài chuyện quá nghèo. Thanh niên Trung Quốc thì gian nan hơn. Họ cũng rất nghèo, thêm nữa còn bị rào cản ngôn ngữ và chính sách chưa cởi mở thời bấy giờ. Nhiều người trong số họ đã đi theo kiểu vượt biên bất hợp pháp, thường qua ngả Hồng Kông. Hàng triệu thanh niên Trung Quốc và Ấn Độ ấy, vài ba chục năm sau đã góp phần không nhỏ tạo ra công nghệ phần mềm rực rỡ của Ấn Độ, tạo ra nền khoa học & công nghệ vĩ đại của Trung Quốc. Tác động ngược của những đợt sóng tri thức tạo nên bởi lớp lớp thanh niên được nạp tri thức và kinh nghiệm làm việc trong môi trường công nghiệp là vô giá. Sớm nhận ra giá trị lớn lao của lớp trí thức trẻ, phải nói là “trưởng thành trong bão táp” này, chính phủ Trung Quốc đã nhanh chóng thay đổi chính sách. Chúng tôi được bạn bè Trung Quốc kể lại rằng, ông Đặng Tiểu Bình đã dụng công, kiên trì thuyết phục giới lãnh đạo còn ít nhiều bảo thủ thời đó để 3 lần gia tăng sự cởi mở cho vấn đề này, mỗi lần thêm một chút:

Lần 1. Nếu các cháu đi du học được thì nhà nước vô cùng hoan nghênh, quyết không ngăn cản. Đất nước còn nghèo, có thể chưa hỗ trợ được gì nhiều cho các cháu và gia đình các cháu, nhưng ủng hộ việc các cháu du học.

Lần 2. Khi đã giỏi giang thì các cháu hãy trở về góp phần xây dựng đất nước. Để thành người giỏi giang, các cháu cần thời gian bao lâu là tùy ở các cháu. Tổ quốc tin các cháu. Người ở nhà thì gắng sức để làm cho điều kiện làm việc khi các cháu trở về ngày càng gần với những gì mà các cháu đã học và làm ở các quốc gia tiên tiến.

Lần 3. Về làm việc ở nhà rồi, nếu thấy cần đi tiếp để tích lũy thêm tri thức, kinh nghiệm thì các cháu có thể lại ra đi bất kỳ lúc nào.

Tư duy “quản lý lưu học sinh” của ông Đặng quả là đáng nể!

Chẳng hiểu thực hư đến đâu, tuy nhiên tôi tin rằng ông Đặng Tiểu Bình thừa sức nghĩ ra những chính sách như trên. Nhưng người ta cũng kể rằng ông phải ban bố từng nấc một để tránh gây sốc!

Nhìn vào thế hệ trẻ Việt Nam, lớp già như tôi thật sung sướng khi được thấy những thành công của thanh niên Việt Nam hôm nay như:

Ngô Bảo Châu, nhà toán học và cũng là nhà khoa học Việt Nam đầu tiên có công trình được Tạp chí Time, một tạp chí quốc tế uy tín bình chọn là một trong 10 khám phá khoa học nổi bật nhất trong năm 2009.
Nguyễn Kiều Liên bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về hóa học tại Cambridge và trở thành nữ tiến sĩ trẻ nhất Việt Nam khi mới 25 tuổi;

Bùi Thế Duy, chủ nhiệm Khoa CNTT- ĐH Công nghệ ĐHQG Hà Nội, bảo vệ luận án tiến sĩ năm 26 tuổi và được trao học hàm Phó giáo sư năm nay, khi Duy 31 tuổi;

Và nhiều, nhiều các bạn như Nguyễn Thịnh (tiến sĩ toán năm 2006, khi tròn 26 tuổi), Nguyễn Thanh Hải (nữ tiến sĩ vật lý trẻ nhất bảo vệ thành công luận án lúc 28 tuổi, được trao học hàm Phó giáo sư năm 2007 ở tuổi 37, Phạm Khánh Phong Lan (tiến sĩ dược học năm 1999, được trao học hàm Phó giáo sư năm 2006 ở tuổi 36), …

Các giáo sư, tiến sĩ Việt Nam đang làm việc ở nước ngoài khá nhiều. Qua Internet, tôi có được một danh sách khiêm tốn 250 vị (trong đó đông đảo nhất là: toán học 47 vị, khoa học máy tính 43 vị, kỹ thuật điện và máy tính 34 vị, y học 19 vị, cơ khí 16 vị, hóa học 12 vị, …), tập trung đông nhất là ở Mỹ: hơn 100 vị, kế đến là Úc 26 vị, Pháp 19 vị, … Tất cả họ là những đóa hoa xuân, là những Bảo Châu (ngọc quý), như tên của người trẻ tuổi tiêu biểu Ngô Bảo Châu.

Lịch sử không bao giờ lặp lại. Nhưng chúng ta cần và có thể làm nhiều việc để nhiều và rất nhiều, ngày càng nhiều thanh niên Việt Nam, kể cả thanh niên nghèo mà gia đình không lo nổi và nhà nước cũng không thể lo hết, có cơ hội học tập, đặc biệt là cơ hội du học, làm việc ở các nước tiên tiến. Cũng phải nói rằng, ý chí lăn xả lập thân của thanh niên là yếu tố rất quyết định để có được điều này.
Gần 100 năm trước, Bác Hồ đã từ trong đêm dài thuộc địa ra đi tìm đường cứu nước. Lớp lớp thanh niên Việt Nam đã từng xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước thì nay đất nước rất cần lớp lớp con cháu họ rẽ sóng biển Đông đi học để dựng xây đất nước hôm nay và mai sau.
TS. NGUYỄN TRỌNG