Nhiều người Việt Nam đã nếm mùi kẹt xe ở Bangkok, Đài Bắc, Paris, Tokyo và nhiều nơi khác. Nhưng có lẽ không ở đâu có kiểu tắc xe như ở TP HCM. Nó triền miên, ngày càng tăng, tắc không còn có thể nhúc nhích, tắc một cách chắc chắn và biết trước! Rất nhiều người, nhiều diễn đàn đã nói về chuyện này nhưng vẫn chưa có lối thoát. Tại diễn đàn Quốc Hội khóa XII, các đại biểu đoàn TP HCM đã phải nhìn nhận:
“Chắc chắn chúng ta phải sống chung với kẹt xe 5 – 7 năm, thậm chí cả chục năm nữa, vì trước mắt chưa có lối thoát!” (NLĐ 25/10/2007). Đáng buồn là tiên đoán thật chính xác.
Nhưng cũng thật khó chấp nhận sự thật trên. Theo chúng tôi, diệt ngay nạn kẹt xe thì không thể, nhưng thế nào là chung sống thì cần phân tích kỹ! Chung sống với kẹt xe ngày một nặng nề hơn, hay ngày càng được giảm thiểu? Chúng ta phải tìm mọi cách để năm sau ít kẹt xe hơn năm trước, điều mà theo chúng tôi là hoàn toàn có thể.
Thành phố cũng đang có nhiều (theo báo chí năm 2007 thì là 16) dự án nhằm giải quyết nạn ùn tắc giao thông. Tuy nhiên nói chung các giải pháp đều khá lâu mới có thể có hiệu quả và rất tốn kém.
Chúng ta thử điểm qua một số hướng giải quyết chuyện kẹt xe. Các hướng giải quyết thì nhiều, tuy nhiên chúng tôi xin điểm qua 9 hướng chính sau:
1. Nâng tầm nhìn quy hoạch đô thị. Rõ ràng đây là việc cần làm. Tuy vậy, nếu làm được thì hiệu quả chỉ đến vào vài chục năm sau.
2. Mở rộng thêm một số tuyến đường, một số giao lộ. Ở vài khu vực thì đây là việc buộc phải làm nhưng trên tổng thể thì là ít hy vọng vì quá tốn kém.
3. Đánh thuế xe cộ mạnh tay hơn để hạn chế số lượng xe và đưa tiền thuế ấy vào mở mang giao thông. Tính hợp lý và hiệu quả
của giải pháp này còn rất nhiều tranh cãi, một đề xuất liên quan đến chuyện này nhưng chưa được duyệt là dự định thu phí trên các phương tiện giao thông như đã nói trên.
4. Tăng cường xe buýt và các phương tiện giao thông công cộng khác để bớt xe cá nhân. Việc này có lý về nguyên tắc lý thuyết nhưng hiện nay trên thực tế chính xe buýt là đồng phạm tương đối đáng kể của nạn kẹt xe, còn các phương tiện giao thông công cộng khác thì cũng còn xa.
5. Thiết lập hệ thống quan trắc giao thông và thông báo kẹt xe trên mạng ĐTDĐ. Giải pháp này có lý và không quá tốn kém, chỉ dăm tỷ đồng là có thể tổ chức vận hành thông suốt một hệ thống như vậy. Kinh phí duy trì được bù đắp chính bởi thu cước phí điện thoại người hỏi. Giải pháp sẽ góp phần làm cho những chỗ kẹt có khả năng không bị chồng chất thêm những dòng xe chảy về. Tuy nhiên trên căn bản kẹt vẫn hoàn kẹt vì chúng ta đã thấy nhiều khu vực kẹt tứ phía, không có lối vào và không có lối ra.
6. Giãn dân và các đơn vị cung ứng dịch vụ ra các vùng xa trung tâm. Rất có lý nhưng là chuyện vài chục năm, hơn thế nữa trên thực tế thì dường như hiện nay nhiều dự án vẫn đang theo chiều ngược lại.
7. Đổi lệch giờ một số hoạt động trong thành phố. Biện pháp này có lý, một số thành phố trên thế giới cũng làm vậy. Tuy nhiên còn rất nhiều thảo luận và băn khoăn.
8. Phân luồng, tăng thêm các đường một chiều. Giải pháp này có tác dụng làm phân bố giao thông đều hơn tuy không làm giảm số lượng tuyệt đối đối tượng tham gia giao thông trên đường (về lý thuyết thì làm tăng vì làm tăng thời gian lưu thông của một số đối tượng giao thông trên đường).
9. Thực hiện mọi biện pháp tuân thủ triệt để luật lệ giao thông. Theo chúng tôi đây là chìa khóa, là giải pháp duy nhất có hiệu quả nhanh thậm chí có thể nói tức thời và thực sự tiết kiệm, thể hiện tinh thần: Sống chung với tình trạng đường xá còn eo hẹp rất lâu và có thể là mãi mãi tại một số nơi, xe cộ quá nhiều nhưng sẽ nhiều thêm chứ khó mà ít đi, tiền của còn ít, tri thức về nhiều mặt còn hạn chế, ...
Để thêm bằng chứng về tính chìa khóa của giải pháp 9, chúng tôi xin nêu và trả lời vắn tắt một câu hỏi rất quan trọng sau:
Việc không tuân thủ luật lệ giao thông như hiện nay tác động thế nào đến nạn kẹt xe? Câu trả lời có tính chất định tính mà tất cả chúng ta đều dễ thống nhất là: đây là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng kẹt xe. Đọc trên báo chí, qua các thảo luận, chúng tôi thấy việc đánh giá mức độ quan trọng của nguyên nhân này rất khác nhau và do đó mà cách giải quyết nó cũng rất khác nhau. Không ai phủ nhận nguyên nhân này, nhưng có người cho là nguyên nhân này góp phần vào việc gây ùn tắc, có người cho rằng đây là một trong những nguyên nhân chính, có người xếp là nguyên nhân số 1, v.v...
Để đánh giá mức độ nghiêm trọng của nguyên nhân này, chúng ta cần
đo lường xem việc không tuân thủ nghiêm chỉnh luật giao thông tác động thế nào đến hiện tượng kẹt xe. Để giải bài toán đo lường này, ta cần làm rõ hơn 2 khái niệm cơ bản, đó là:
1. Thông lượng của mạng đường giao thông: Mỗi con đường và hệ thống các con đường (tức hệ thống giao thông) có một đặc trưng rất quan trọng gọi là “
thông lượng”. Đại lượng này nói lên khả năng cho phép số lượng đối tượng giao thông “chảy” qua con đường (mạng đường) trong một đơn vị thời gian. Thông lượng là đại lượng đặc trưng của từng tuyến đường, nó là đại lượng phụ thuộc vào thời điểm xem xét.
2. Lượng hóa khái niệm “không tuân thủ luật giao thông”, một khái niệm rất rộng và khá trừu tượng. Chúng ta hiểu việc
không tuân thủ luật giao thông là việc đối tượng hoạt động trên mạng giao thông chiếm dụng phần đường không được phép. Như vậy câu hỏi
“việc không tuân thủ nghiêm chỉnh luật giao thông tác động thế nào đến hiện tượng kẹt xe?” sẽ đưa về bài toán cơ bản sau:
Tình trạng các đối tượng tham gia giao thông chiếm dụng phần đường không được phép làm giảm thông lượng của các con đường, và mạng đường xá như thế nào? Đây là bài toán rất nghiêm túc. Chúng tôi chưa đủ điều kiện nghiên cứu đầy đủ bài toán này, nhưng đã phác tính và thấy kết quả rất đáng kinh ngạc. Những phác tính cho thấy tình trạng các đối tượng tham gia giao thông chiếm dụng phần đường không được phép đã làm giảm thông lượng hệ thống giao thông TP trong các khoảng thời gian cao điểm (6h30 - 8h30 sáng và 4h30 - 6h30 chiều) trung bình là không dưới 45-50%, tại một số khu vực thì thậm chí đến 80-90%! Tạm xem phác tính của chúng tôi là đúng thì kết luận là việc luật giao thông bị vi phạm như hiện nay làm thành phố “mất đi” 45-50% năng lực của hệ thống giao thông vào những giờ cao điểm. Đúng là đường ít (mật độ diện tích đường/diện tích chung thành phố chỉ khoảng 1,7% trong khi tỷ lệ chuẩn phải khoảng 10-20%), đường thiếu, đường xấu, hệ thống tín hiệu giao thông kém, xe nhiều quá sức chịu đựng của mạng đường giao thông (sức chịu đựng tối đa hiện nay là 2,5 triệu xe các loại nhưng tại TP hiện lưu thông trên 4 triệu xe và hàng ngày đăng ký thêm trên 1.000 xe gắn máy, trên 100 ô tô!),... Thế nhưng nếu quả thật luật giao thông bị vi phạm đã làm giảm thông lượng 50%, làm cho đường của TP vào giờ cao điểm chỉ còn khoảng 1/2 thì có mở đường 100 năm nữa cũng không xuể! Dù sao, chúng tôi cho rằng thành phố nên cho thực hiện một nghiên cứu nghiêm túc để xác định chính xác độ giảm thông lượng hệ thống giao thông do việc các đối tượng hoạt động trên mạng giao thông chiếm dụng phần đường không được phép. Sau khi có kết luận chính thức của nghiên cứu này, chúng ta sẽ biết chính xác cái giá mà cả thành phố, mỗi người dân thành phố phải trả cho nạn các đối tượng hoạt động trên mạng giao thông chiếm dụng phần đường không được phép tại TP HCM.
Xem rằng những tính toán sơ bộ vừa nêu là đúng, chúng ta sẽ không tranh luận thêm về xếp hạng các nguyên nhân gây kẹt xe mà sẽ chỉ bàn về việc làm sao trong một vài năm (trước 2010), thậm chí nhanh hơn, sẽ giảm rất nhanh và tiến tới chấm dứt việc các đối tượng tham gia giao thông chiếm dụng phần đường không được phép. Được như vậy thực chất là làm tăng gấp đôi thông lượng của mạng giao thông TP vào các giờ cao điểm, nói cách khác là sẽ “kiến tạo ngay” mạng đường xá gấp 2 lần hiện nay mà không làm thêm! Chỉ có như vậy TP mới trở mình, nhà đầu tư mới yên tâm, người dân mới dễ thở, khái niệm chung sống với kẹt xe mới có thể chấp nhận được.
Ngày 05/10/2007 UBND thành phố đã ban hành kế hoạch “Thực hiện một số giải pháp cấp bách nhằm kéo giảm tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trên địa bàn TP HCM từ nay đến hết quý 1 năm 2008” với 8 giải pháp chính. Hiệu quả của 8 giải pháp này đang được chúng ta chờ đợi.
Để giải quyết một chuyện lớn chúng tôi xin đề nghị cách hành động là: Phân tích vấn đề thì phải toàn diện, còn giải pháp thì cần chọn 1 cho từng thời kỳ, tập trung quyết liệt cho cái gì được xác định là nóng nhất. Cách giải quyết này không có gì mới. Chúng ta đã thắng nhiều chiến dịch lớn trước kẻ địch mạnh hơn ta gấp bội nhờ chọn quyết chiến điểm và tập trung lực lượng hợp lý. Xét tổng thể cả mặt trận thì lực lượng ta chỉ bằng 1/3 địch nhưng tại quyết chiến điểm thì ta gấp 3 lần địch! Tuy vậy trong thời bình các nhà lãnh đạo thường thiên về phương thức “phân tích toàn diện và giải pháp hành động cũng toàn diện”. Bao nhiêu là giải pháp để rồi không giải pháp nào được thực thi đến nơi! Lối tư duy này đã và đang hạn chế rất nhiều khả năng phát huy hiệu qủa của những chính sách đúng. Giải quyết nạn kẹt xe tại TP HCM là một việc lớn mà những ngày này được xem là giai đoạn nóng bỏng. Theo chúng tôi nên tập trung mọi nỗ lực cho giải pháp 9.
Vấn đề quan trọng hàng đầu hiện nay là làm sao chấm dứt nhanh nạn đối tượng tham gia giao thông chiếm dụng phần đường không được phép? Liệu việc này có khả thi?
Nếu không thể làm cho người dân tuân thủ luật giao thông thì thật khó mà nghĩ đến việc làm cho người dân tuân thủ các luật khác.
Nếu mỗi người dân không thể tự giác chấp hành luật giao thông thì liệu phẩm giá công dân còn được bao nhiêu?
Nói thì ai cũng nói được như vậy, nhưng đúng là làm thì rất khó. Rất nhiều việc phải làm và không dễ nhưng theo chúng tôi khẳng định là làm được.
Tạp chí Thông tin KH&CN (STINFO) rất mong nhận được các ý kiến bàn bạc về các biện pháp thật sự hiệu quả để nhanh chóng làm cho người dân thành phố tuân thủ nghiêm chỉnh luật giao thông, làm cho mạng đường xá của thành phố tăng gấp 2 lần trong một thời gian ngắn với chi phí thấp! Chúng tôi sẽ tổng hợp thành kiến nghị gửi các cấp có thẩm quyền xem xét giải quyết.