Dự án Trung tâm vũ trụ Việt Nam: bước khởi đầu mới cho sự phát triển ngành công nghiệp vũ trụ nước nhà
05/08/2010
Hoạt động KH&CN
Sự kiện KH&CN
Hai Tập đoàn hàng đầu Nhật Bản về điện tử viễn thông - xây dựng NEC và SUMITOMO vừa có chuyến thăm và làm việc tại Khu Công nghệ cao (CNC) Hòa Lạc nhằm tìm hiểu thêm những thông tin về Dự án xây dựng Trung tâm vũ trụ, từ đó xác định những phương án hợp tác thiết thực, cụ thể để có thể cùng với phía Việt Nam và các đối tác Nhật Bản khác sớm triển khai thành công Dự án này, góp phần làm sinh động mối quan hệ đối tác chiến lược giữa hai quốc gia.
Về phía Ban Quản lý, Tiến sĩ Nguyễn Văn Lạng - Thứ trưởng Bộ KH&CN, Trưởng Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc cùng đại diện một số đơn vị trực thuộc Ban đã thân mật tiếp đoàn.
Trong khuôn khổ hợp tác song phương trên kỹ thuật nói chung và hợp tác về vũ trụ nói riêng giữa hai nước được đẩy mạnh trong những năm gần đây, đặc biệt kể từ sau chuyến thăm của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tới Nhật Bản và Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) vào tháng 5 vừa qua. Nhằm cụ thể hóa hơn nữa quá trình hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực này, Chính phủ Việt Nam dự kiến sẽ triển khai xây dựng Dự án Trung tâm Công nghệ vũ trụ Việt Nam tại Khu CNC Hòa Lạc dưới sự hỗ trợ của Chính phủ và các đối tác Nhật Bản. Đây sẽ là dự án đặc biệt quan trọng, là đòn bẩy tạo động lực thúc đẩy ngành công nghiệp vũ trụ Việt Nam cất cánh. Do vậy, dự án không chỉ nhận được sự quan tâm của Bộ KH&CN, Ban Quản lý Khu CNC Hòa Lạc mà còn nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các cấp, bộ, ngành và đông đảo người dân trên cả nước.
Tập đoàn NEC và SUMITOMO là những tập đoàn đa quốc gia và hàng đầu của Nhật Bản, có thế mạnh trên nhiều lĩnh vực, trong đó có điện tử viễn thông (NEC) và xây dựng (SUMITOMO). Chuyến thăm tới Khu CNC Hòa Lạc lần này với chương trình làm việc liên quan đến Dự án Xây dựng Trung tâm vũ trụ của đại diện cao cấp hai Tập đoàn trên cho thấy sự quan tâm rất lớn từ phía các đối tác Nhật Bản trong việc nghiên cứu và hiện thực hóa thành công Dự án này tại Việt Nam. Dự án bước đầu nhằm nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ, phục vụ cho các nhu cầu trong nước như dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh - truyền hình… Ngoài ra còn được nghiên cứu ứng dụng trong lĩnh vực quân sự và tìm kiếm cứu nạn...Trong thời gian tiếp theo, Dự án sẽ từng bước mở rộng cả về quy mô hoạt động nghiên cứu và ứng dụng triển khai trên nhiều lĩnh vực khác.
Tại buổi tiếp, Thứ trưởng Nguyễn Văn Lạng khẳng định Ban Quản lý hoàn toàn ủng hộ và tạo điều kiện thuận lợi nhất để Dự án này sớm được triển khai thành công. Thứ trưởng đánh giá cao những hợp tác, hỗ trợ thiết thực và hiệu quả từ phía Nhật Bản và bày tỏ hi vọng Tập đoàn NEC, SUMITOMO nói riêng và các đối tác Nhật Bản khác nói chung sẽ có những đóng góp tích cực nhằm triển khai có hiệu quả Dự án quan trọng này, góp phần củng cố và làm sâu sắc hơn mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Nhật Bản.
Theo dự kiến, Trung tâm này sẽ được xây dựng từ năm 2011 - 2018 với kinh phí khoảng 400 triệu USD từ vốn vay ODA của Nhật Bản. Trung tâm sẽ là nơi nghiên cứu và sản xuất các vệ tinh nhỏ, phục vụ cho các nhu cầu trong nước như dự báo thời tiết, quan trắc, thăm dò, thu phát sóng truyền thanh - truyền hình, tìm kiếm cứu nạn,…Trong thời gian tiếp theo, Dự án sẽ từng bước mở rộng cả về quy mô hoạt động nghiên cứu và ứng dụng triển khai trên nhiều lĩnh vực.
QA (VISTA)