Trong lúc tại Việt Nam, dự án xây dựng “đường sắt cao tốc” còn chờ Quốc hội cân nhắc, thì trên thế giới, đường sắt cao tốc được sử dụng từ năm 1964 và đã có những ý tưởng công nghệ đột phá, hy vọng sẽ tạo bước phát triển ngoạn mục cho loại hình vận tải hiện đại này.
Để tiết kiệm thời gian, sức lực, con người buộc mọi thứ xung quanh chuyển động thay mình. Muốn hàng hóa tự di chuyển đến kho, người ta dùng băng chuyền, thang tải. Thay vì leo cầu thang, người ta lên thang cuốn, thang máy, cáp treo. Không muốn cuốc bộ, có thể mang giày patanh, dùng ván trượt, xe đẩy. Để di chuyển nhanh hơn nữa, xe đạp, xe hơi, xe điện và các loại tàu cao tốc nối tiếp nhau ra đời. Đặc biệt, với nhu cầu vận tải ngày càng khổng lồ, tàu cao tốc đang trở thành phương tiện vận chuyển không thể thiếu trong tương lai.
Tàu cao tốc là hệ thống vận tải đường sắt hiện đại tốc độ cao với vận tốc đạt trên 250 km/h, đặc biệt thích hợp cho các quãng di chuyển không quá xa (khoảng 800 km). Đoàn tàu JR-Maglev MLX01 của Nhật Bản đang giữ kỷ lục thế giới về tốc độ (581 km/h) và Trung Quốc hiện là quốc gia có mạng lưới đường tàu cao tốc dài nhất thế giới (hơn 9.600 km đường ray đang sử dụng). | Tàu JR-Maglev MLX01 |
Việt Nam chưa có tàu cao tốc. Tuy nhiên trong năm 2013, Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) sẽ đề xuất dự án đường sắt cao tốc cho tuyến Bắc – Nam tại Việt Nam. Trong lúc tại nước ta, việc xây dựng “đường sắt cao tốc” còn đang được Quốc hội cân nhắc, thì trên thế giới, những ý tưởng công nghệ mới xuất hiện và kỳ vọng sẽ thay đổi bộ mặt loại hình vận tải hiện đại này.
Tương lai không xa lắm, biết đâu cả sân ga tàu cũng biết “chạy”. Hãy thử nghĩ, bao nhiêu thời gian tiết kiệm được nếu thay vì chờ tàu đến, sân ga tự dịch chuyển để bắt kịp chuyến tàu mà bạn cần lên? Với ý tưởng mới, các ga tàu cao tốc có thể bị xóa bỏ, chúng ta không còn phải ngồi đợi tàu ở nhà ga và những chuyến hành trình sẽ trở nên bất tận.
Có gì không ổn với hệ thống tàu cao tốc trên thế giới?
Do chạy ở tốc độ cao, tuyến đường tàu cao tốc phải riêng biệt với đường bộ nên hành khách phải đón taxi hoặc xe buýt,…có thể khá xa để đến ga, rồi mua vé và chờ tàu đến… Những hạn chế này đang làm giảm hiệu suất hoạt động tối ưu của loại hình vận tải này. Đồng thời, tàu cao tốc còn nhiều hạn chế khác như:
1. Chiếm nhiều không gian. Việc mở rộng hệ thống tàu cao tốc với nhà ga cố định như hiện tại chiếm rất nhiều không gian, chi phí và tác động không nhỏ đến môi trường. Các nhà ga này cũng tương tự bãi đậu xe, đầy ắp người trong giờ cao điểm nhưng lại vắng tanh vào thời gian còn lại.
2. Lãng phí năng lượng. Mặc dù mang danh “cao tốc”, nhưng các đoàn tàu này phải liên tục dừng lại tại các ga để đón và trả khách. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc không thể duy trì vận tốc lớn trong thời gian dài. Một lượng lớn năng lượng bị lãng phí cho việc khởi động và tăng tốc trở lại.
3. Vấn đề cuối cùng là thời gian chờ đợi khá dài của hành khách tại ga tàu và ở các trạm dừng trên đường. Với một quãng đường xa, không có gì mệt mỏi hơn là ngồi chờ nhiều giờ ở sân ga để bắt kịp chuyến tàu kế tiếp, đợi tàu đón khách tại trạm dọc đường và nhiều lần lên xuống ga để đổi tuyến.
Cảnh chờ đợi ở một ga tàu
Paul Priestman - giám đốc nhóm thiết kế vận tải Priestmangoode hàng đầu của Anh - vừa tiết lộ ý tưởng về những “moving platform” (tạm dịch là “sân ga chuyển động”), được xem là giải pháp tương lai để giải quyết những hạn chế của tàu cao tốc hiện nay.
Lấy cảm hứng từ cách internet hoạt động: “máy tính này kết nối với một máy tính ở nơi khác thông qua hệ thống mạng liên kết với nhau”, ý tưởng này cho phép bạn di chuyển từ con đường này sang con đường khác, đến một thành phố khác, thậm chí là từ đầu này sang đầu kia đất nước bằng tàu cao tốc mà không cần xuống ga để chuyển tuyến. Có “sân ga chuyển động”, hành khách có thể bắt một chuyến tàu, đi đến bất cứ nơi nào họ muốn mà không cần dừng lại.
Sân ga chuyển động: những “sân ga” đi tìm con tàu
Thực ra, “sân ga chuyển động” (SGCĐ) không phải nguyên một nhà ga di động, mà là mạng lưới xe điện kết hợp với hệ thống tàu tốc độ cao chạy liên tục. Các xe điện di chuyển trong khu vực nội thành để đưa đón khách tại trạm, còn tàu tốc độ cao chạy trên hệ thống đường ray khép kín bao quanh thành phố. Hai hệ thống vận tải này hoạt động song song và kết nối với nhau. Nguyên tắc tương tự như hệ thống xe trung chuyển kết nối với xe đường dài của các công ty vận tải hiện nay tại TP. HCM.
Tại các “điểm nút” giao nhau, tàu cao tốc giảm tốc còn xe điện chạy nhanh hơn cho đến khi cả hai đạt cùng vận tốc. Khi đó, chúng giữ nguyên tốc độ và các khoang đặc biệt ở cả hai xe áp sát nhau trong một khoảng thời gian. Hành khách có thể di chuyển qua lại giữa hai hệ thống nhờ các cửa ra vào rộng, cùng kích cỡ. Quá trình chuyển khách hoàn tất, hai xe tách riêng. Tàu tăng tốc tiếp tục hành trình, xe điện chậm lại, trở vào trung tâm thành phố đón lượt khách mới và trả khách vừa rời tàu.
Xe điện và tàu cao tốc chạy với tốc độ đến khi song song với nhau ở vị trí thích hợp
Khoang vận chuyển ở hai tàu nhô ra, kết nối và mở cửa để hành khách di chuyển qua lại. Khi quá trình hoàn tất, cửa khoang đóng lại và hai tàu tách ra.
Như vậy, hành khách chỉ cần di chuyển từ xe điện sang đoàn tàu thích hợp hoặc ngược lại để đến điểm cuối mà không cần dừng chờ tại sân ga. Trong hệ thống này, xe điện đóng vai trò một “SGCĐ”.
Bằng cách tiết giảm các điểm dừng, SGCĐ giúp hành khách cắt giảm thời gian đi lại đến mức tối đa. Chẳng hạn, một tàu cao tốc đi từ Los Angeles đến San Francisco cần phải dừng ở khoảng 20 trạm trung gian trên đường đi. Nếu ở mỗi trạm dừng mất 6 phút, chuyến hành trình sẽ dài thêm đến 2 giờ chờ đợi. Giảm bớt khoảng thời gian này giúp hiệu suất vận hành các đoàn tàu gia tăng đáng kể.
Dịch vụ đường sắt cao tốc thế kỷ 21
Chuyên gia Paul Priestman cho biết, SGCĐ là lựa chọn tuyệt vời cho dịch vụ đường sắt thế kỷ 21 bởi nhiều lý do:
Thứ nhất, rút ngắn thời gian di chuyển là điều phải làm nếu tàu cao tốc muốn phát triển thị phần. Theo nghiên cứu của Đại học Leeds (Anh), với cự ly khoảng 800 km, thời gian đi tàu phải ở mức trên dưới 3 giờ nếu muốn cạnh tranh với máy bay. Các chuyên gia Trung Quốc cũng cảnh báo, thị phần tàu cao tốc thường giảm mạnh với các tuyến dài trên 3 giờ.
Thứ hai, hệ thống tàu cao tốc của Đức, Ý, Anh, Pháp, Bỉ, và Tây Ban Nha hiện đã được kết nối với nhau. Năm 2025, dự kiến có khoảng 41.700 km đường cao tốc trên thế giới. Đến năm 2030, chúng ta sẽ được chứng kiến một hệ thống tàu cao tốc kết nối toàn bộ châu Âu và có thể cả các châu lục khác. Khi đó, SGCĐ sẽ là lựa chọn thú vị dành cho những du khách mê ngắm cảnh hoặc không thể đi máy bay.
Các tuyến đường sắt cao tốc ở một số nước châu Âu đã được kết nối
Một lợi điểm nữa của hệ thống này là, nếu hoạt động hiệu quả, các xe điện trung chuyển có thể giúp giảm lượng xe hơi lưu thông giữa các thành phố lớn; khi dùng vận chuyển hàng hóa sẽ giải phóng bớt số xe tải và giảm tắc nghẽn trên đường, giải quyết vấn nạn giao thông hiện tại.
Ý tưởng cho một tương lai xa
Nhóm thiết kế Priestmangoode không phủ nhận, SGCĐ thật sự là một ý tưởng lớn, không dễ thực hiện và cần một thời gian dài để chuẩn bị, nhưng họ cũng cho rằng đây là điều phải làm để dịch vụ đường sắt cao tốc phát triển trong tương lai. Nhóm thiết kế đã đề xuất những yêu cầu cơ sở hạ tầng và công nghệ hỗ trợ phù hợp:
Hai hệ thống đường ray song song, một cho tàu cao tốc và một cho xe điện. Các hệ thống này có thể được xây mới hoặc cải tiến trên hệ thống đường ray hiện tại để không tốn thêm không gian.
Công nghệ nhận dạng bằng sóng radio - RFID (Radio Frequency Identification). Chỉ cần quét thẻ RFID, hành khách tiết kiệm được thời gian mua vé và qua cổng.
Các nhà ga địa phương hiện tại sẽ được tận dụng để làm trạm cho xe điện ở vùng ngoại ô đón khách.
Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều lo ngại về độ tin cậy của SGCĐ. Chẳng hạn, những người khuyết tật, lớn tuổi (không thể lái xe) là đối tượng sử dụng chính của giao thông công cộng. Như vậy với một hệ thống tốc độ cao như SGCĐ, cần tính toán chính xác giải pháp cho những tình huống như: mất bao lâu để một bà lão đứng lên, cầm túi xách và chậm rãi di chuyển đến lối ra? Chuyện gì xảy ra nếu bà té ngã ở điểm giao nhau giữa hai đoàn tàu khi thời gian chuyển tiếp kết thúc? Phải làm gì nếu cửa khoang bị kẹt…? Bởi cho dù sử dụng phương tiện vận chuyển nào đi nữa thì an toàn vẫn là điều mà hành khách quan tâm trước hết.
Chúng ta hãy chờ xem, với những gì mà nhóm thiết kế kỳ vọng, liệu SGCĐ có thể làm một cuộc cách mạng ngành du lịch đường sắt như internet đã tạo ra cuộc cách mạng thông tin!