SpStinet - vwpChiTiet

 

Ảo như thật với ảnh 3D lenticular

3D đang trở thành trào lưu trong công nghệ nghe nhìn, từ “cơn sốt” phim 3D mở đầu bằng siêu phẩm Avatar, dòng tivi 3D màn hình “khủng”, cho đến nghệ thuật vẽ tranh 3D đầy ma mị trên đường phố. Nói đến “3D” người ta thường liên tưởng đến những sản phẩm công nghệ hiện đại, độc đáo và tiêu tốn khá tiền. Thật ra, kỹ thuật 3D đã và đang có mặt trong rất nhiều sản phẩm in ấn phổ biến trong sinh hoạt hàng ngày. Đó là các “hình nổi 3 chiều” có thể được in trên thước kẻ, ly uống nước, decal giấy, ảnh phong cảnh, động vật và cả ảnh cưới. Những bức hình có chiều sâu, chuyển động và biến đổi luân phiên dưới nhiều góc độ, tất cả nhờ vào công nghệ lenticular tạo ảnh nổi 3D.
 

Công nghệ ảnh nổi lenticular


Tấm lenticular


Ảnh thường ta nhìn thấy là ảnh phẳng 2D. Xem ảnh 2D, mắt không cảm nhận được chiều sâu. Ảnh nổi lenticular là ảnh 3D, trong đó lượng thông tin truyền đến mắt nhiều gấp 20-30 lần ảnh 2D, dựa trên nguyên tắc “hợp thị” (thị giác 2 mắt): chúng ta cảm nhận không gian thực nhờ những hình ảnh ghi nhận đồng thời từ mắt trái và mắt phải được não bộ tổng hợp lại. Nhờ kết hợp 2 hình ảnh ở 2 góc nhìn khác nhau, ta cảm nhận sự chìm/nổi, sâu/cạn, gần/xa của không gian và vật thể xung quanh mình.
 

Phương pháp tạo ảnh nổi lenticular xuất hiện từ năm 1940 bằng cách dùng một tấm lenticular (lenticular sheet) để mô phỏng nguyên tắc hợp thị, tạo độ sâu và chuyển động cho một hình ảnh trên vật liệu phẳng.
 

Tấm lenticular là một tấm mỏng làm từ vật liệu tổng hợp như PVC, APET, Acrylic…, dầy khoảng 1-3 mm, trong suốt, một mặt có cấu trúc gồm nhiều gân nhỏ, tạo khúc xạ ánh sáng tương tự những dãy thấu kính, mỗi cm chiều dài tấm lenticular có từ 6 - 60 gân nhỏ tùy loại, mặt sau phẳng để dán hay in hình. 

 

Mô phỏng "nguyên tắc hợp thị"


Trong hình mô phỏng “nguyên tắc hợp thị”, nhờ khúc xạ ánh sáng, mỗi đường gân nhỏ trên tấm lenticular cho phép mắt nhìn thấy một dải của ảnh gốc tùy hướng nhìn. Theo hướng nhìn trên hình vẽ, mắt trái chỉ thấy được dải hình màu xanh, trong khi mắt phải chỉ nhìn được dải hình màu cam (tương tự như nhìn đối tượng lần lượt bằng từng mắt). Khi não kết hợp các hình này lại, ta cảm nhận được chiều sâu (chiều thứ 3) của đối tượng. Tùy loại tấm lenticular, loại gân dầy cho hiệu ứng chiều sâu tốt, trong khi loại gân nhỏ hợp với ảnh cần hiệu ứng “chuyển động” nhiều hơn.

 

Lenticular tạo ra một ảnh nổi như thế nào?
 

Chúng ta cần ít nhất 2 hình ảnh của đối tượng được chụp ở 2 góc gần nhau, theo chiều ngang, cách nhau độ 5-8 cm (tương tự khoảng cách giữa 2 mắt). Càng nhiều ảnh được chụp ở nhiều góc liên tiếp sẽ cho hiệu ứng 3D càng rõ. Những ảnh này được xử lý thành nhiều dải ảnh nhỏ xếp xen kẽ nhau, sau đó ghép thành một ảnh lenticular nền để in. Bước sau cùng là dán một lớp lenticular lên bề mặt ảnh.
 

Đơn giản hơn nữa, ảnh 3D lenticular có thể làm bằng thủ công: lấy 2 tấm hình, cắt thành dải mỏng dán xen kẽ 2 hình lên một tờ giấy và gấp nếp theo chiều dọc.

 

Kết quả: khi đổi hướng nhìn từ trái qua phải hoặc ngược lại, bạn sẽ thấy hình ảnh biến đổi theo nguyên lý lenticular.
 

Chỉ cần thay đổi góc nhìn…
 

Vậy là thế giới thực vụt hiện ra từ tấm ảnh. Thác nước hùng vĩ bọt tung trắng xóa, vực thẳm hun hút, chúa sơn lâm tung hoành giữa rừng già, hoặc nàng tiên thoắt ẩn thoắt hiện… tất cả trở nên sống động lạ lùng. Ở cấp độ cao hơn, nhờ kết hợp ảnh của nhiều đối tượng khác nhau, lenticular có thể tạo chuyển biến rất sinh động cho hình ảnh, tương tự như xem một đoạn phim ngắn. Có thể đổi màu, đổi gương mặt nhân vật trong ảnh (từ buồn sang vui, người này thành người khác), kết hợp chuyển động của nhiều nhân vật với nhau…

 

Ảnh 3D lenticular hấp dẫn người xem bởi chiều sâu, hình khối, độ dày/mỏng, nhìn ở góc độ nào cũng cho cảm giác như thật, thậm chí hình ảnh có thể chuyển động. Nếu được chế tác cẩn thận, ảnh có độ bền lên đến 30 năm. Tuy không đặc sắc và rõ nét như phim 3D, nhưng quan sát được bằng mắt thường, không cần đến kính nên rất thuận tiện. Cứ như một thế giới nho nhỏ có thể mang đi khắp nơi!
 

Tuy vậy, công nghệ lenticular cũng có giới hạn. Hiệu ứng ảnh phụ thuộc nhiều vào vị trí của người xem. Khi người xem di chuyển, hình ảnh có thể bị mờ. Thậm chí, xem ảnh lenticular quá lâu có thể gây cảm giác “say sóng” do mắt phải điều tiết liên tục.
 

Một nhược điểm khác là độ nét của ảnh không cao nếu có quá ít ảnh gốc. Ngày nay, nhờ phần mềm xử lý hình ảnh chuyên dụng, các ảnh lenticular được tích hợp từ trung bình 15-20 ảnh gốc, có thể lên đến 30 ảnh nên rất rõ nét.
 

Lenticular - từ giản đơn đến vô cùng phong phú hiện nay
 

Lenticular đã được họa sĩ Pháp G. A. Bois-Clair giới thiệu năm 1692. Từ cuối năm 1940-1980, các sản phẩm in lenticular bắt đầu “làm mưa làm gió” trên thị trường. Sản phầm đầu tiên là loạt phù hiệu cho chiến dịch chính trị “I like IKE”. Một số ấn bản của tạp chí “Look and Venture” xuất bản năm 1960 có sử dụng hình lenticular. Qua nhiều năm, lenticular chưa hề bị lãng quên giữa “rừng” công nghệ hình ảnh 3D đang liên tục phát triển. Chủng loại sản phẩm in lenticular ngày càng đa dạng và phổ biến. Sự ra đời của máy ảnh kỹ thuật số, máy in thế hệ mới và những phần mềm xử lý hình ảnh cực mạnh sau này đã làm trào lưu ảnh 3D lenticular bùng nổ trở lại.
 

Một vài sản phẩm lenticular thông dụng:
 

Ảnh nổi 3D: là sản phẩm rất phổ biến, làm từ vật liệu tổng hợp không thấm nước nên khá bền. Giá cả đa dạng, từ 15.000 – 20.000 cho đến trên vài trăm ngàn đồng một tấm. Đa số là ảnh thiên nhiên, phong cảnh, loài vật, và ảnh người. 
 

Đồ dùng học sinh: cặp sách, sổ tay, thước, và cả ly uống nước… in ảnh lenticular, vài chục năm qua vẫn là những sản phẩm dành cho trẻ em rất đắt hàng mỗi mùa tựu trường.

 

Bao bì, quảng cáo: trên thế giới, nhiều bao bì sản phẩm và các poster quảng cáo đã dùng lenticular để tạo ấn tượng mạnh mẽ và thu hút người xem, nhưng loại hình này chưa phổ biến lắm tại Việt Nam. Đây vẫn là mảnh đất mới đang chờ khai phá.

 

Tranh nghệ thuật 3D: tái hiện những tác phẩm hội họa nổi tiếng dưới một dáng vẻ hoàn toàn mới. Đặc biệt, hiệu ứng 3D độc đáo giúp nghệ thuật dân tộc trở nên hấp dẫn với giới trẻ, vốn chuộng sự mới mẻ.
 

Ảnh chụp 3D: dịch vụ chế tác ảnh nổi 3D sẽ giúp bạn có được những tấm ảnh kỷ niệm sống động và lạ mắt. Ảnh cưới 3D từng trở thành “cơn sốt” cho các cặp đôi trẻ vào năm 2010 sau khi bộ phim “Avatar” được trình chiếu. So với ảnh cưới bình thường, chi phí cho ảnh cưới 3D đắt hơn khoảng 300.000.
 

Xem phim 3D không cần kính: đây là công nghệ mà rất nhiều “fan” của dòng phim 3D chờ đợi. Năm 2010, hãng Zero Creative (Hà Lan) đã chào bán màn hình LCD có khả năng xem hình 3D bằng mắt thường nhờ trang bị tấm lenticular. Philips và LG cũng có dòng sản phẩm này. Mới đây nhất là loạt tivi 3D không dùng kính Regza 55RZ1 của Toshiba, dự kiến tung ra thị trường châu Á từ sau tháng 5 năm 2012. Giá bán của loại tivi này tại châu Âu tương đương 230 triệu đồng Việt Nam.

 

Sản phẩm mới bao giờ cũng đắt và khó tiếp cận, nhưng chỉ vài năm nữa thôi, xem phim 3D không dùng kính sẽ không còn là điều ngoài tầm với. Trong lúc chờ đợi, để thỏa “cơn ghiền” 3D, bạn có thể thử một số phần mềm miễn phí tạo ảnh 3D lenticular trên máy tính như: Free 3D Photo Maker, 3Dmasterkit, 3D Magic. Màng lenticular có giá khoảng 130.000/ tấm cỡ 80 cm x 60 cm, nếu muốn bạn có thể tự tạo cho mình một ảnh lenticular tại nhà.

 

Thảo Vy, STINFO Số 7/2012.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả