“Thị trường công nghệ” Việt Nam còn nhỏ bé, rất khó vận hành. Để hỗ trợ “thị trường” này vận hành và phát triển, theo TS. Nguyễn Trọng (nguyên Chánh văn phòng Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, nguyên Phó Giám đốc Sở KH&CN TP.HCM), chúng ta có thể vận dụng một số nguyên tắc vận hành của “thị trường patent”, loại thị trường chỉ phát triển mạnh tại các quốc gia tiên tiến.
Để thuận tiện cho bạn đọc, STINFO sẽ giới thiệu ý kiến của TS. Nguyễn Trọng về nội dung này trong nhiều kỳ. Mời Quí bạn đọc quan tâm theo dõi.
Phần 1: Khái niệm “Công nghệ patent” và “Công nghệ mới không patent”
Có thể chia công nghệ thành hai nhóm lớn:
Nhóm 1 gồm các máy móc, thiết bị có thể mua bán như các sản phẩm trên thị trường. Chúng có thể chỉ là một thiết bị đơn giản, nhưng cũng có thể là một hệ thống máy móc tinh vi, phức tạp và hiện đại. Đặc trưng rất quan trọng là chúng đã ra khỏi phạm vi của phòng thí nghiệm. Do đó, chúng có thể được sản xuất hàng loạt; hoặc sản xuất với quy mô công nghiệp. Ta sẽ gọi đây là loại "Công nghệ đã thương mại hóa” (CNĐTMH).
Nhóm 2 gồm các công nghệ còn ở trong các phòng thí nghiệm hoặc trên ngưỡng cửa từ phòng thí nghiệm ra sản xuất công nghiệp. Chúng có thể đã có những ứng dụng thực tiễn chập chững ban đầu. Chúng ta sẽ gọi chúng là các "Công nghệ mới” (CNM). Tại các quốc gia phát triển thì thành phần chính của nhóm CNM là những công nghệ được mô tả trong các bằng sáng chế độc quyền (patent). Các công nghệ này ta gọi là “Công nghệ patent” (CNPT). Tuy nhiên, ở các quốc gia đang phát triển như Việt Nam thì phần lớn những CNM lại không phải là CNPT. Đó là bởi, vì lý do nào đó, các tác giả không đăng ký xin cấp patent hoặc bản thân các công nghệ này chưa đạt yêu cầu để được cấp patent. Chúng ta tạm gọi đó là các “Công nghệ mới không patent” (CNMKPT).
Thị trường công nghệ ở nước ta hiện nay chủ yếu là các CNĐTMH và CNMKPT. Chúng ta sẽ chỉ bàn đến các CNMKPT vì vận hành thị trường các công nghệ này đang là khó khăn với cả bên mua, bên bán và cả với các cơ quan quản lý, các đơn vị hỗ trợ xúc tiến chuyển giao.
Thị trường các CNMKPT là giai đoạn sơ khai của quá trình hình thành thị trường patent. Các quốc gia tiên tiến đã trải qua giai đoạn này hàng trăm năm trước nên các nghiên cứu về thị trường này rất khó tìm thấy. Tuy nhiên, thị trường các CNPT chính là hình ảnh đã trưởng thành của thị trường các CNMKPT. Do vậy, trong giao dịch chuyển giao thì các CNMKPT và các CNPT có khá nhiều nét tương đồng. Nếu chúng ta vận dụng hợp lý một số phương thức vận hành của thị trường CNPT cho thị trường các CNMKPT thì một số khó khăn gặp phải trong thị trường công nghệ non trẻ ở nước ta có thể có cách giải quyết.
Các CNM nói chung, bao gồm cả CNPT và CNMKPT, rất khác với các CNĐTMH ở chỗ chúng còn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro trên chặng đường từ phòng thí nghiệm bước ra thị trường. Dù rằng trong thực tế thì ngay cả với các CNĐTMH không phải là mọi rủi ro đã có thể được loại bỏ. Tuy nhiên những rủi ro này khác xa những rủi ro của các CNM.
Chúng ta sẽ quan sát tình huống đơn giản và phổ biến nhất trong giao dịch chuyển giao các CNM: như đã đề cập, về cơ bản các CNM là những công nghệ còn ở trong các phòng thí nghiệm hoặc đang ở ngưỡng cửa từ phòng thí nghiệm bước ra sản xuất nên thường cần nhiều giai đoạn trung gian phức tạp để có được giá trị thị trường. Trong khi đó, các CNĐTMH thì hầu như không cần các hoạt động trung gian. Đầu tư cho một CNM rủi ro hơn rất nhiều so với đầu tư cho một CNĐTMH. Vì vậy, nhà đầu tư CNM khá ngần ngại chi tiền đầu tư khi được tiếp cận với chúng. Khả năng này cũng có thể xảy ra trong thực tế, nhưng không phải là phổ biến.
Tình huống thường gặp trong đàm phán chuyển giao CNPT
Với các CNPT, diễn biến sau đây rất thường gặp trong đàm phán chuyển giao.
Bên A (licensor – bên cấp phép) thỏa thuận với B (licensee – bên nhận phép) rằng: B có quyền được nghiên cứu, làm chủ, kiểm tra kỹ lưỡng CNPT mà A có khả năng chuyển giao trong một khoảng thời gian nhất định, chẳng hạn là 2 năm. Khoảng thời gian này được coi là “giai đoạn quá độ”, nhiều công việc trong giai đoạn này có thể được thực hiện trong phòng thí nghiệm của bên A.
Trong giai đoạn quá độ, thường bên A có một số trách nhiệm hỗ trợ, giúp B có được đầy đủ các dữ kiện để đi đến quyết định mua CNPT của A hay không. Những trách nhiệm chính thường bao gồm:
(i) B được phép sử dụng phòng thí nghiệm của A liên quan đến CNPT sẽ chuyển giao;
(ii) A hỗ trợ B thực hiện các công việc nhằm kiểm tra năng lực của CNPT sẽ chuyển giao;
(iii) Về nguyên tắc, trong giai đoạn này A bị những hạn chế nhất định trong các chuyển giao khác của CNPT đang xem xét.
Vào cuối giai đoạn quá độ, hai tình huống chính có thể xảy ra là:
Tình huống 1: Bên B mua CNPT của A ở một mức giá nhất định, đã được quy định trong hợp đồng chuyển giao. Thông thường, số tiền thanh toán sẽ được trả góp, theo một tỷ lệ phân chia thu nhập, được gọi là Royalty Rate (cũng được quy định trong hợp đồng). Nếu không được xác định riêng thì thường tỷ lệ này được tính khoảng 25% thu nhập được tạo ra bởi CNPT của A mà B có thể tạo ra khi khai thác CNPT này trong một khoảng thời gian nhất định.
Tình huống 2: B từ chối mua CNPT của A vì B nhận ra rằng CNPT này không đạt được mức như mô tả của patent.
Trách nhiệm tài chính đôi bên phải giải quyết ra sao là vấn đề lớn mà thị trường patent đòi hỏi phải minh định, để việc chuyển giao được công bằng, thuận lợi. Chúng ta có thể ứng dụng những nguyên tắc vận hành của thị trường patent vào thị trường CNMKPT ở nước ta như thế nào?
Mời bạn đọc quan tâm theo dõi các phần tiếp theo.
TS. NGUYỄN TRỌNG, STINFO số 6/2016
Tải bài này về tại đây.