Chuyển giao công nghệ (CGCN) không chỉ diễn ra giữa cá nhân, công ty mà còn giữa các vùng miền khác nhau. Ngay từ đầu năm 2016 đã diễn ra hàng loạt hoạt động tìm hiểu nhằm kết nối CGCN từ các vùng công nghệ cao ở nước ngoài vào Việt Nam.
Kết nối công nghệ thực phẩm và bao bì từ vùng Emilia – Romagna (Ý)
Thiết bị chế biến và đóng gói thực phẩm là lĩnh vực mạnh của Ý, với tổng doanh thu xuất khẩu đạt 2,5 tỉ Euro vào năm 2015. Theo Thương vụ Ý (ICE), máy móc từ Ý tập trung theo hướng phát triển và cải tạo kỹ thuật nên rất phù hợp với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam.
Một hệ thống chế biến thực phẩm của Ý tại Triễn lãm Propak 2016. Nguồn: Hoàng Mi
Vùng Emilia – Romagna tập trung đến 415 ngàn doanh nghiệp, 50 ngàn xí nghiệp sản xuất, với 11 trung tâm nghiên cứu và CGCN và 29,9 ngàn cán bộ nghiên cứu. Xuất khẩu hàng công nghệ cao chiếm đến 58% tổng giá trị xuất khẩu của vùng. Đây cũng là nơi dẫn đầu về lượng sáng chế được Cơ quan Sáng chế châu Âu cấp bằng bảo hộ.
Bà Maily Anna Maria Nguyen, đại diện thương mại vùng cho biết, Việt Nam hiện đang là đối tác quốc tế hàng đầu của các công ty trong vùng trong những năm tới. Chính quyền vùng đã phối hợp cùng Liên đoàn các Phòng Thương mại thực hiện dự án "Điểm đến Việt Nam", nhằm thúc đẩy quan hệ đối tác thương mại giữa các doanh nghiệp Vùng và Việt Nam. Dự án đã thực hiện nhiều hoạt động hỗ trợ thương mại và kết nối CGCN giữa hai nước, như tổ chức chuyến thăm và làm việc với các đối tác Việt Nam, hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tham dự các buổi gặp B2B về lĩnh vực thực phẩm, công nghệ chế biến thực phẩm tại Ý,…
Trong giai đoạn 2015-2016, dự án sẽ tập trung vào ngành công nghiệp thực phẩm, bao gồm các loại máy móc thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp, đóng gói, chế biến, bảo quản thực phẩm và đồ uống, các loại thực phẩm được chứng nhận về chất lượng và rượu vang sản xuất từ các loại nho bản xứ. Mới đây, 11 doanh nghiệp thiết kế và sản xuất uy tín lâu năm trong lĩnh vực máy móc, thiết bị cho ngành bao bì, phần lớn đến từ vùng Emilia – Romagna đã tham gia sự kiện Propak 2016 để giới thiệu sản phẩm của mình, ví dụ như: các loại bao bì sản xuất theo công nghệ đùn, định hình nhiệt, màng đa lớp, các dây chuyền thanh trùng và đóng chai, xếp và bốc dỡ hàng hóa,... Ông Nguyễn Đặng Hiền, Phó Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm Việt Nam cho biết, hiện nay ngành thực phẩm Việt Nam còn yếu về mặt chế biến và bảo quản. Ông hy vọng máy móc và công nghệ chế biến thực phẩm từ Ý sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam tìm được giải pháp hiệu quả và phù hợp cho các sản phẩm của mình.
Chuyển giao công nghệ đa ngành, đặc biệt là cao su từ vùng Ostim (Thổ Nhĩ Kỳ)
Ostim là một vùng công nghiệp phát triển tại Thổ Nhĩ Kỳ với hơn 10 ngàn doanh nghiệp hoạt động trong 139 ngành nghề khác nhau. Tại đây, nhiều công nghệ tiên tiến được ứng dụng như công nghệ xanh, điện gió,...đặc biệt là ngành cao su ở đây có nhiều giải pháp kỹ thuật cao.
Ông Kayhan Olanca cho biết, Ostim đã chọn mô hình phát triển là nhóm các công ty hoạt động trong các lĩnh vực rất rộng, từ kỹ thuật cao su, cơ khí cho đến năng lượng tái chế, tàu hỏa,… Mục tiêu tạo nhóm doanh nghiệp nhằm gia tăng trình độ, tăng cường hợp tác giữa các thành viên để tăng tính sáng tạo và cạnh tranh, tăng thị phần trong nước và quốc tế. Ông cho biết hiện nhóm doanh nghiệp cao su có 51 thành viên với hơn 2.000 nhân lực, liên kết với 6 trường đại học lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ, mỗi thành viên này có nhu cầu tiêu thụ đến 2.000 tấn cao su mỗi năm.
Quang cảnh buổi gặp gỡ và kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam
và Thổ Nhĩ Kỳ. Nguồn: Hoàng Mi
Tại buổi gặp gỡ và kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 07/3/2016 tại khách sạn Sheraton, các doanh nghiệp Việt Nam rất quan tâm đến việc CGCN từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Việt Nam. Ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc công ty Virmco Group, nơi có hai nhà máy chuyên sản xuất cao su xuất khẩu đến nhiều quốc gia (kể cả Thổ Nhĩ Kỳ) mong muốn có những tiếp xúc sâu hơn về công nghệ với các doanh nghiệp của Thổ Nhĩ Kỳ. Ông Dương Hữu Phúc, thư ký Câu lạc bộ Cơ khí khuôn mẫu Sài Gòn với 30 thành viên là các doanh nghiệp ngành nhựa, gia công khuôn mẫu và gia công cơ khí chính xác, cũng rất mong muốn có nhiều cơ hợp hợp tác với các doanh nghiệp vùng Ostim. Cùng chung mục tiêu, đại diện công ty Quy Anh Rubber, chuyên sản xuất, xuất khẩu cao su tự nhiên sang nhiều nước cũng mong muốn mở rộng xuất khẩu sang Thổ Nhĩ Kỳ và hợp tác trong sản xuất cao su kỹ thuật,...Không chỉ cao su, công nghệ sản xuất xe hơi tại Thổ Nhĩ Kỳ với các sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn cao của khối EU cũng được doanh nghiệp Việt Nam quan tâm tìm hiểu.
Chuyển giao công nghệ xanh từ vùng Osaka (Nhật Bản)
Osaka là một trong những trung tâm kinh tế lớn và là một thành phố xanh, sạch, đẹp nổi tiếng của Nhật Bản. Năm 2011, Osaka đã thử nghiệm thành công công nghệ nhà thông minh, kết hợp các giải pháp năng lượng sạch và hệ thống quản lý năng lượng tại nhà (HEMS), kết quả giảm 88% điện năng tiêu thụ so với nhà ở thông thường.
Từ năm 2011 đến nay TP. HCM và Osaka đã thống nhất về chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp, bao gồm quy hoạch, sử dụng năng lượng hiệu quả, phát triển giao thông công cộng, quản lý nguồn nước bền vững, xử lý tổng hợp chất thải rắn theo hướng tái sinh năng lượng, xử lý nước thải công nghiệp và đô thị. Thông qua hợp tác, các thế mạnh về KH&CN và các kinh nghiệm xây dựng thành phố xanh, sạch của Osaka sẽ được chuyển giao cho các đối tác tại TP. HCM, góp phần xây dựng thành phố ít phát thải carbon.
Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại hội nghị chương trình phát triển thành phố
phát thải carbon thấp. Ảnh: Hoàng Mi
Trong khuôn khổ Chương trình phát triển thành phố phát thải carbon thấp, Osaka sẽ tăng cường chuyển giao kiến thức, bí quyết kỹ thuật, hệ thống quản lý đô thị, phát triển đô thị mà Osaka đang sở hữu. TP. HCM cũng sẽ xây dựng các khung pháp lý cần thiết cho việc thực hiện các phương án hợp tác. TP. HCM thống nhất với Osaka xây dựng kế hoạch hành động thích ứng biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020; phát triển các dự án xử lý chất thải thu hồi năng lượng ứng dụng cơ chế JCM (cơ chế bù trừ phát thải carbon song phương); đồng thời mở ra các lĩnh vực hợp tác mới như: quy hoạch, năng lượng, giao thông, công nghiệp, quản lý nước, nông nghiệp, y tế, xây dựng và du lịch.
Hiện TP. HCM đã cùng Osaka thực hiện dự án sử dụng khí và lên men methane đối với rác hữu cơ ở chợ bán buôn; dự án năng lượng điện từ chất thải kiểu tích hợp; kế hoạch thúc đẩy tiết kiệm năng lượng tại khách sạn và dự án thúc đẩy bệnh viện xanh bằng tiết kiệm năng lượng, cải thiện môi trường. Lãnh đạo thành phố cũng mong muốn tiếp nhận những công nghệ hiệu quả về giảm khí thải vận tải công cộng, giảm chất thải rắn, sử dụng năng lượng tiết kiệm cho TP. HCM trong thời gian tới từ Osaka.
HOÀNG MI, STINFO số 4/2016
Tải bài này về tại đây.