SpStinet - vwpChiTiet

 

Khởi nghiệp IoT và sản phẩm công nghệ Việt


 

Ý tưởng không mới so với thế giới, nhưng điều quan trọng là các bạn trẻ đã làm chủ được công nghệ, tạo ra các sản phẩm khả thi trong lĩnh vực IoT (Internet of Things – Internet kết nối vạn vật), mang lại những lợi ích thiết thực cho xã hội bằng con đường khởi nghiệp IoT. Dù được đánh giá cao, nhưng các sản phẩm vẫn đang trong giai đoạn hoàn thiện và cần nhiều hơn nữa những nguồn lực hỗ trợ để được có thể ứng dụng rộng rãi. 
 


Khóa thông minh Glock: sản phẩm công nghệ dành cho người Việt
 

Khóa thông minh Glock áp dụng công nghệ mới, đáp ứng tốt các tiêu chí như tính an toàn, tiện ích, thẩm mỹ; có khả năng sản xuất và nội địa hóa cao, giá thành tốt. Sản phẩm do nhóm bạn trẻ gồm KS. Ngô Cự Mạnh, KS. Trần Tiên Tín, KS. Võ Thượng Đỉnh (Công ty TNHH Công nghệ Giao Thoa) nghiên cứu chế tạo.


Theo Ngô Cự Mạnh, với sự phát triển của công nghệ, các dòng khóa tích hợp công nghệ để mang đến sự an toàn và tiện ích đã xuất hiện khá đa dạng trên thị trường như: khóa dùng thẻ RFID, khóa điện tử nhập passcode, khóa sử dụng xác thực vân tay,... hoặc các dòng khóa tích hợp các công nghệ lại với nhau. Công nghệ phát triển cộng với nhu cầu thị trường là những động lực giúp nhóm phát triển dự án khóa thông minh Glock. Sản phẩm Glock không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân hiện nay về độ an toàn cao, mà còn phù hợp với xu hướng công nghệ, cá nhân hóa trong thời đại IoT. Khóa Glock gồm 2 phần chính: phần cứng là khóa điện tử (lắp đặt trên cửa) và phần mềm là ứng dụng điều khiển trên thiết bị di động để quản lý khóa. Phần mềm điều khiển được kiểm soát trên di động, ứng dụng giao tiếp với phần cứng khóa bằng giao tiếp Bluetooth 4.0 (BLE - Bluetooth Low Energy). Phần cứng của sản phẩm sử dụng chip ứng dụng công nghệ mới SoC (System on Chip). Các chip chức năng được tích hợp sẵn các vi điều khiển bên trong, có khả năng giúp tiết kiệm chi phí, công nghệ tốt, nhỏ gọn và tốn ít năng lượng (có thể sử dụng pin trong thời gian trên 6 tháng).


 
Nhóm tác giả Ngô Cự Mạnh trình bày về dự án khóa cửa thông minh tại cuộc thi "IoT Starup - phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống".
Ảnh: VN.


Tính năng nổi bật của khóa Glock là thiết bị di động chính là chìa khóa ảo hóa. Sự phổ biến của thiết bị di động hiện nay là điều kiện thuận lợi để thay thế chìa khóa truyền thống, đồng thời đi kèm nhiều tiện ích mới. Việc quản lý, giám sát và điều khiển khóa thông qua smartphone mang lại những ưu điểm vượt trội mà các sản phẩm hiện thời không có được. Với khóa truyền thống, nếu chẳng may người chủ làm mất chìa thì bắt buộc phải làm lại; hoặc ở các nhà trọ, nhiều người cùng sở hữu chung chìa cho một ổ khóa sẽ rất dễ xảy ra mất trộm. Đối với khóa Glock sẽ không xảy ra điều này. Khóa có khả năng kết nối tối đa 50 người cùng tham gia sử dụng,. nNếu chủ nhà không muốn ai đó sử dụng thì có thể thay đổi mật khẩu và xóa tên người đó hoặc có thể thêm một người khác vào danh sách sử dụng nếu muốn. Với phần cứng là khóa điện tử lắp trên cửa, cả hộp điều khiển và hệ thống chốt có thể lắp gọn phía bên trong cửa nên vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, hạn chế tối đa tỷ lệ phá hoại, trộm cắp.


Ngô Cự Mạnh chia sẻ, phải mất hơn 6 tháng nhóm mới hoàn thành sản phẩm. Từ ý tưởng đi đến sản phẩm mất nhiều thời gian vì Việt Nam chưa sẵn các thiết bị phần cứng. Khóa Glock liên quan đến nhiều ngành như cơ khí, phần cứng điện tử, phần mềm, ,… trong khi rất ít công ty sẵn sàng làm các sản phẩm còn ở giai đoạn nghiên cứu và phát triển (R&D), đây là khó khăn lớn trong quá trình hoàn thành sản phẩm. Nhóm đã tự thiết kế và làm chủ công nghệ về mạch, cũng như chip điều khiển BLE giúp đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, bảo mật và khả năng tích hợp, phù hợp với sự phát triển IoT. Khóa Glock đã được thử nghiệm ở một số văn phòng và nhà ở tại TP. HCM. Hiện nay sản phẩm vẫn đang tiếp tục được nghiên cứu phát triển các thế hệ tiếp theo nhằm cho ra sản phẩm tối ưu.


Năm 2016, sản phẩm đã được trao giải khuyến khích tại cuộc thi “IoT Startup – Phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống” do Ban Quản lý Khu Công nghệ cao TP. HCM tổ chức và giải vàng của giải thưởng Thiết kế, chế tạo, ứng dụng do Thành Đoàn TP. HCM tổ chức. Dự án đang được Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao hỗ trợ nghiên cứu, hoàn thiện sản phẩm, kết nối nhà đầu tư để mở rộng quy mô sản phẩm và đưa ra thị trường; hình thành doanh nghiệp khởi nghiệp IoT là Công ty Giao Thoa. Ngô Cự Mạnh cho biết thêm, con đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng các giải thưởng và những hỗ trợ từ Vườn ươm chính là những khích lệ, động lực lớn để Giao Thoa tiếp tục trưởng thành. Đầu năm 2017, nhóm sẽ cho ra mắt sản phẩm thương mại để chính thức bước chân vào thị trường.

 


Đèn đường thông minh S3: giải pháp tiết kiệm điện chiếu sáng

 
Tại cuộc thi “IoT Startup – Phát triển đô thị thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống” năm 2016, dự án “Hệ thống đèn đường thông minh” của Công ty S3 (Smart Streetlight System) đã được trao giải cao nhất. S3 do Phan Minh Hiếu cùng Tăng Phan Thanh Hiệp và Đỗ Nguyễn Thanh Đồng sáng lập.
 


Nhóm S3 trình bày về dự án hệ thống đèn đường thông minh
tại cuộc thi "IoT Starup - phát triển đô thị thông minh
và nâng cao chất lượng cuộc sống".
Ảnh: VN.

 

Theo Phan Minh Hiếu, giải pháp đèn đường thông minh bao gồm các bộ điều khiển kết nối trực tiếp với trụ đèn, giao tiếp không dây bằng sóng vô tuyến với một bộ trung tâm (gateway). Bộ trung tâm kết nối điện toán đám mây, truyền dữ liệu về các máy tính để kiểm soát và điều khiển từ xa: thiết lập hẹn giờ cho từng chế độ chiếu sáng, tắt mở trực tiếp hoặc tăng giảm độ sáng từ xa, thống kê thời gian hoạt động, cảnh báo đèn hư hỏng,… Điểm khác biệt của S3 là công nghệ mạng không dây đồng cấp Mesh Network do chính các kỹ sư Việt Nam phát triển. Công nghệ này cho phép các thiết bị giao tiếp ngang hàng “P2P” và giao tiếp về gateway, nên không cần sử dụng đến các bộ router hay repeater để kết nối. Một gateway cho phép quản lý 65.000 đèn, tương đương một tuyến đường dài chỉ cần một bộ gateway, giúp dễ dàng mở rộng mạng lưới điều khiển đèn thông minh, tiết kiệm chi phí đầu tư.

 

Theo tính toán của S3, hệ thống đèn đường hiện tại mở từ 6 giờ tối đến 6 giờ sáng là rất lãng phí. Nếu sử dụng giải pháp thông minh thì từ 12 giờ đêm tới sáng, tùy từng khu vực có thể tắt bớt 1/4 đến 1/2 số bóng đèn, giảm sáng 40% mỗi bóng trong trường hợp dùng đèn LED, như vậy sẽ tiết kiệm được 30% điện năng. Một khu công nghiệp hay một khu phố dùng hệ thống này có thể đảm bảo sau 18 tháng (cho quy mô 1.000 đèn cao áp) hoặc 28 tháng (cho quy mô 1.000 đèn LED) là hoàn vốn lắp đặt hệ thống qua việc tiết kiệm điện.



Bộ điều khiển kết nối trực tiếp với trụ đèn được chính các kỹ sư Việt nam chế tạo.


Phan Minh Hiếu cho biết, S3 đã được triển khai thử nghiệm thành công ở Khu Công nghệ cao TP. HCM và Khu dân cư HomyLand (Quận 2). Kết quả cho thấy, đèn đường thông minh hoạt động tốt, với các chức năng chính là kiểm soát hoàn toàn bằng máy tính qua internet; đặt lịch trình tự động giảm độ sáng về khuya; kích hoạt tăng độ sáng tự động khi có người di chuyển (có thể cài đặt để kích hoạt trước vài đèn); cảnh báo sự cố đèn, sự cố điện về trung tâm,…


Ngoài chức năng tiết kiệm điện cho chiếu sáng, hệ thống S3 còn tích hợp nhiều dịch vụ giá trị gia tăng khác phục vụ cho giao thông thông minh và các mục đích thương mại nhằm hướng tới thành phố thông minh trong tương lai. Ví dụ như, đối với đèn tín hiệu giao thông ở các ngã tư, hệ thống sẽ nhận biết tuyến đường nào đang có đông người lưu thông để ra lệnh cho đèn giao thông duy trì ở trạng thái xanh lâu hơn; dịch vụ quảng cáo thông minh (có thể nhận biết trên đường đang có nhiều phụ nữ hay nam giới hơn để ra lệnh cho các bảng quảng cáo trên đường phát những quảng cáo phù hợp với đối tượng mục tiêu); hệ thống dự báo giao thông; kiểm soát xe buýt thời gian thực; dịch vụ bản đồ thời tiết; cảnh báo ô nhiễm môi trường trên diện rộng,…


Chia sẻ về lý do hình thành S3, Phan Minh Hiếu cho biết, bản thân từng học tập và làm việc trong lĩnh vực IT, có gần 10 năm làm việc cho Điện lực Tây Úc và được tiếp xúc với các công nghệ hàng đầu về lưới điện thông minh và hệ thống chiếu sáng công cộng thông minh. Khi về nước, Hiếu đã cùng một số bạn bè có kinh nghiệm về IoT và hệ thống điều khiển thông minh phát triển giải pháp S3 với mục đích chính là tối ưu hóa hệ thống chiếu sáng công cộng của Việt Nam, góp phần tiết kiệm năng lượng, xây dựng nền tảng điều khiển thông minh để nhân rộng mô hình thành phố thông minh cho cả nước. Đến nay, các bạn đã làm chủ được công nghệ, cho ra sản phẩm công nghệ 100% Việt Nam, từ đó giảm thiểu các nguy cơ bảo mật khi sử dụng phần cứng của bên thứ ba. Lợi thế của giải pháp là công nghệ truyền nhận tín hiệu điều khiển không dây độc đáo giúp giảm chi phí triển khai và nâng cao chất lượng truyền nhận tín hiệu; giá thành chỉ bằng khoảng 30% - 50% so với công nghệ quốc tế; độ bền sản phẩm lên đến 20 năm.


Hiện tại, S3 đang tham gia ươm tạo tại Vườn ươm Doanh nghiệp công nghệ cao và được hỗ trợ trong quá trình thành lập doanh nghiệp, các thủ tục pháp lý, tư vấn về khởi nghiệp, hỗ trợ kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Những hỗ trợ này có ý nghĩa rất lớn với sự khởi đầu của S3.


S3 cũng lạc quan về thị trường tiềm năng bởi Việt Nam hiện có khoảng 1,5 triệu cột đèn đường. Điện năng chiếu sáng của chúng ta chiếm khoảng 35% tổng điện năng tiêu thụ (trên thế giới tỷ lệ này chỉ chiếm 17%). Do đó, việc ứng dụng các giải pháp chiếu sáng thông minh tiết kiệm điện năng là xu hướng tất yếu.


Tuy nhiên, theo Minh Hiếu, S3 cũng đối diện với không ít khó khăn, thử thách. Bởi S3 mới ra đời nên S3 không dễ dàng tiếp cận với các cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, hiện đại hóa toàn bộ hệ thống đèn chiếu sáng là một bài toán lớn, liên quan đến nhiều ban ngành, nhiều lĩnh vực để có thể khai thác hết tiềm năng của hạ tầng đèn đường thông minh. Do vậy, cần có sự ủng hộ, thậm chí chỉ đạo sâu sát của các cấp lãnh đạo để hiện thực hóa dự án. Mặt khác, hoạt động khởi nghiệp trong lĩnh vực này còn khá lặng lẽ so với các ngành khác. Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, chính quyền vẫn chưa sẵn sàng ứng dụng IoT. Nhu cầu về vốn để triển khai các dự án lớn cũng là một thách thức của những công ty mới thành lập như S3. Do vậy, cần có nhiều hơn các chính sách hỗ trợ cho khởi nghiệp IoT (chính sách thuế, khuyến khích các doanh nghiệp lớn sử dụng dịch vụ từ khối doanh nghiệp khởi nghiệp nếu công nghệ đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và cạnh tranh về giá,…).


Hiếu cho biết thêm, hiện S3 sẵn sàng trao đổi hợp tác với các nhà đầu tư tiềm năng để xây dựng một doanh nghiệp lớn mạnh, đủ khả năng cạnh tranh cả trong và ngoài nước. Đầu năm 2017, S3 sẽ tổ chức buổi hội thảo ra mắt sản phẩm để giới thiệu những tính năng vượt trội của giải pháp đèn đường thông minh; tìm kiếm - hợp tác với công ty sản xuất đèn LED để cho ra loại đèn LED thông minh “made in Viet Nam” gắn cảm biến, tự điều chỉnh sáng tối. Đồng thời đẩy mạnh công tác quảng bá, kết nối tiếp cận khách hàng tiềm năng là các khu công nghiệp, công ty chiếu sáng đô thị,…
 


VÂN NGUYỄN
, STINFO số 11&12/2016

Tải bài này về tại đây.

Các tin khác:

  • 10 mẫu tin
  • 50 mẫu tin
  • 100 mẫu tin
  • Tất cả