Từ xa xưa, con người đã áp dụng các phương pháp vật lý trị liệu để chữa bệnh và nâng cao sức khỏe. Hiện nay, vật lý trị liệu được áp dụng khá phổ biến và được công nhận như một phương pháp điều trị hiệu quả giúp chức năng cơ thể hồi phục. Các yếu tố vật lý được ứng dụng trong điều trị bằng vật lý trị liệu thường là điều trị bằng điện xung, từ trường, ánh sáng (tia hồng ngoại, tia tử ngoại, tia laser), siêu âm, nhiệt, nước hoặc bằng các tác nhân cơ học, vận động, hoạt động,…
Hầu hết phương pháp điều trị vật lý trị liệu đều không có vai trò loại trừ hoàn toàn nguyên nhân bệnh, mà chủ yếu là để tăng cường sức đề kháng và giúp cơ thể lập lại cân bằng hoạt động chức năng. Các phương pháp điều trị vì thế thường không mang tính đặc hiệu cho một loại bệnh nào. Một kỹ thuật có thể được chỉ định rộng rãi để điều trị nhiều bệnh và một bệnh có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để điều trị. Tuy nhiên, phải tùy vào từng thể bệnh và cơ địa của mỗi bệnh nhân mà các bác sĩ chuyên khoa sẽ áp dụng các kỹ thuật vật lý trị liệu phù hợp.
Hiện nay, điện xung trị liệu đang là phương pháp được ứng dụng rộng rãi trong điều trị và chăm sóc sức khỏe, giúp giảm căng cơ, đau dây thần kinh hiệu quả, chấm dứt những cơn đau cho người bệnh. Phương pháp vật lý trị liệu điện xung sử dụng các xung điện tác động trực tiếp lên các huyệt đạo, tăng cường tuần hoàn máu, giảm đau nhức, căng cứng cơ. Liệu pháp điều trị này ngày càng được ưa chuộng bởi tính an toàn, hiệu quả, không phải lo lắng về tác dụng phụ như khi sử dụng thuốc dài ngày.
Tùy từng bệnh mà bác sĩ chuyên khoa sẽ áp dụng kỹ thuật vật lý trị liệu phù hợp
Điện xung trị liệu (hay còn được biết đến rộng rãi trên thế giới với tên gọi Electrotherapy) là một trong những phương pháp vật lý trị liệu nổi tiếng, sử dụng các xung điện có tần số trung bình và thấp để điều trị bệnh. Dòng điện xung có tần số dưới 1.000Hz/s gọi là dòng điện xung có tần số thấp. Dòng điện xung có tần số dao động trong khoảng 1.000 – 100.000Hz/s gọi là dòng điện xung có tần số trung bình. Trong quá trình sử dụng điện xung trị liệu, có thể kết hợp pha trộn xung để tạo sự đa dạng về kích thích, giảm tình trạng quen dòng, tăng cường hiệu quả của phương pháp điện xung trị liệu.
Về mặt kỹ thuật, điện xung được tạo thành do nhiều xung điện nối tiếp. Các xung điện chỉ xuất hiện trong thời gian ngắn, giữa các xung điện là những khoảng nghỉ hoàn toàn không có dòng điện. Điện xung có thể là dòng một chiều hoặc dòng xoay chiều, có thể mang hình vuông, hình gai, hình sin, hình lưỡi cày,… Hình thể sẽ quyết định tính chất xung điện. Nếu xung điện có độ dốc lớn thì sẽ kích thích mạnh cơ và chi phối thần kinh tốt hơn. Ngược lại, xung có độ dốc nhỏ thì phù hợp với các trường hợp cơ giảm hoặc mất chi phối thần kinh.
Phương pháp vật lý trị liệu điện xung được sử dụng để giảm đau cơ xương khớp
Đối với các dòng điện xung trị liệu có sử dụng cường độ tăng từ từ với tần số trung bình, chúng đem đến tác động giảm đau rõ rệt, giúp thư giãn các cơ nhờ cơ chế cổng kiểm soát, cơ chế phóng thích Endorphine (là chất dẫn truyền thần kinh trong não bộ có tác dụng tạo cảm xúc tích cực, cải thiện tâm trạng, giảm đau và nhiều hơn thế nữa). Đối với các dòng điện xung trị liệu có sử dụng tần số thấp, cường độ tăng nhanh chóng, chúng đem đến tác động kích thích thần kinh, tăng dẫn truyền thần kinh, tăng khối lượng cơ, giúp giảm đau.
Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại máy điện xung trị liệu. Những thiết bị này sử dụng dòng điện kích thích với tần số phù hợp, có nhiều loại dòng khác nhau nhằm đáp ứng hầu hết yêu cầu về sử dụng điện trị liệu trong chuyên khoa vật lý trị liệu và phục hồi chức năng. Các thông số như dạng xung điện, cường độ kích thích và thời gian trị liệu có thể được lựa chọn theo từng trường hợp điều trị cụ thể và được chỉ thị ngay trên mặt máy, giúp theo dõi trạng thái bệnh nhân dễ dàng.
Thiết bị điện điều trị tần số thấp
Nói chung, điện xung trị liệu hỗ trợ rất tốt trong việc giảm đau ở hầu hết bộ phận trong cơ thể như đau vai, đau lưng, đau cổ, đau cơ, đau khớp, đau dây thần kinh,… giảm tình trạng bại liệt, kích thích tổn thương mau lành. Điện xung cũng hỗ trợ điều trị một số bệnh thần kinh vận mạch, cải thiện tình trạng loạn dưỡng Sudeck, hội chứng Raynaud, bệnh Buerger, thần kinh ngoại vi.
Mặc dù, điện xung trị liệu có thể chữa trị và hỗ trợ điều trị rất nhiều bệnh, tuy nhiên chúng không phải là “thần dược” và không nên lạm dụng. Khi sử dụng phương pháp vật lý trị liệu này, người bệnh cần tuân thủ đúng chỉ dẫn của bác sỹ, y tá tại cơ sở y tế hoặc đơn vị mình đến thăm khám và điều trị. Việc điều trị có kết quả tốt hay không còn phụ thuộc rất nhiều vào ý chí của người bệnh. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống và sinh hoạt cũng là vấn đề mà người bệnh nên lưu ý trong quá trình hỗ trợ điều trị bệnh.
Thiết bị sẽ được trưng bày, giới thiệu tại “Chợ công nghệ và thiết bị chuyên ngành y tế - Giải pháp môi trường cho bệnh viện và phòng khám” (Techmart) diễn ra từ 11-13/10/2018 tại Sàn Giao dịch Công nghệ TP.HCM – Techmart Daily 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1.
Để đăng ký tham dự Techmart, cũng như tìm kiếm các công nghệ và thiết bị, tiếp xúc chuyên gia tư vấn, vui lòng liên hệ:
Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM
Phòng Thông tin Công nghệ
• 79 Trương Định, phường Bến Thành, Quận 1, TP.HCM
• ĐT: (028) 3825 0602 - Fax: (028) 3829 1957
• DĐ: 0918 692 173 (Mr. Cang)
• Email: techmart@cesti.gov.vn
• Website: http://techport.vn/