SpStinet - vwpChiTiet

 

Làm cà phê sạch: đóng góp của khoa học và công nghệ trong nước

Là loại thức uống quen thuộc đối với người Việt Nam với nhiều tác dụng có lợi như giúp tỉnh táo, chống ôxy hóa, giảm cân, ngăn ngừa bệnh ung thư,...nên từ lâu, việc nhâm nhi một tách cà phê vào buổi sáng, hay những lúc hội họp bạn bè, đã là một thói quen của nhiều người Việt. Tuy nhiên, dù Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê hằng năm, nhưng ngay trên chính sân nhà, tình trạng chế biến cà phê không đảm bảo vệ sinh, thậm chí cả pha trộn tạp chất,...còn tràn lan, làm người tiêu dùng hoang mang, giảm sút niềm tin vào cà phê nội.

 

Hiện nay, bên cạnh một bộ phận người tiêu dùng có thu nhập cao sử dụng các thương hiệu cà phê cao cấp có cam kết đảm bảo cà phê sạch 100%, còn khá nhiều người Việt đang tiêu thụ cà phê từ các hàng quán phổ thông. Trong đó, nhiều mẫu cà phê bình dân có chứa phụ gia và các tạp chất như bắp, đậu nành, vỏ cau, vỏ cà phê nướng cháy (để tạo nên độ thơm, ngậy sau khi rang, đồng thời cũng tạo ra vị đắng như cà phê thật,…) vẫn được lén lút đưa ra thị trường.

Mới đây, các cơ quan chức năng đã phát hiện một cơ sở sản xuất nhuộm phế phẩm cà phê bằng pin Con Ó tại tỉnh Đăk Nông. Tuy mục đích, theo khai nhận của chủ cơ sở, là để trộn với hồ tiêu làm hồ tiêu giả, nhưng vụ việc đã gây bức xúc lớn trong dư luận vì tính chất nguy hại cho sức khỏe nếu như pha trộn loại tạp chất này vào cà phê, do tính chất độc hại của bột pin. Đây cũng không phải là cơ sở đầu tiên bị phát hiện có hành vi sản xuất sản phẩm bẩn có liên quan đến cà phê. Vào năm 2017, một cơ sở lớn trên địa bàn huyện Hóc Môn (TP.HCM) cũng bị phát hiện sản xuất và tiêu thụ cà phê giả với số lượng lớn. Công thức của cơ sở này là 50% đậu tương và 50% cà phê thật trộn với chất tạo màu,... Những việc làm này đang dần giết chết các cơ sở sản xuất cà phê chân chính cũng như uy tín của cà phê Việt.

Để vực dậy niềm tin vào cà phê nội, bên cạnh những động thái kiểm tra, giám sát chặt chẽ thị trường từ các cơ quan chức năng; các vận động, kêu gọi các nhà sản xuất cà phê cam kết minh bạch trong sản xuất và kinh doanh, bảo vệ người tiêu dùng của các hội ngành; việc ứng dụng các thành quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ vào thực tiễn sản xuất là giải pháp không thể xem nhẹ.

Nhằm đáp ứng cho yêu cầu nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê Việt, nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã được triển khai nghiên cứu và ứng dụng, từ chọn tạo giống cho khâu trồng trọt như Nghiên cứu chọn giống và các giải pháp kỹ thuật tiên tiến nhằm sản xuất cà phê bền vững, chất lượng cao phục vụ nội tiêu và xuất khẩu của nhóm tác giả Hoàng Thanh Tiệm, Chế Thị Đa và cộng sự; đến nghiên cứu các giải pháp công nghệ và sản xuất thiết bị cho khâu chế biến như Hoàn thiện thiết kế hệ thống máy sấy cà phê kiểu thùng quay phù hợp với điều kiện sản xuất của Việt Nam, có giá thành hạ và nâng cao chất lượng cà phê xuất khẩu (Trần Xuân Trình, Nguyễn Đình Tùng, Mai Thanh Huyền, Lê Thị Thúy); Hoàn thiện quy trình công nghệ, thiết bị đánh bóng theo phương pháp ướt và máy sấy trong dây chuyền phân loại cà phê nhân xuất khẩu, năng suất 4 tấn/giờ (Nguyễn Văn Hoàng, Phạm Văn Thuận và cộng sự),…cùng nhiều nghiên cứu phục vụ các khâu bảo quản, vận chuyển và phân phối sản phẩm khác.

Không chỉ dừng lại ở phạm vi nghiên cứu cho một vài đơn vị ứng dụng cụ thể, nhiều kết quả đã được tác giả, chủ sở hữu đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Cục Sở hữu trí tuệ, nhiều hứa hẹn chuyển giao rộng rãi hơn cho cộng đồng. Gần 100 sáng chế về cà phê đăng ký tại cơ quan này, có thể thấy rất nhiều sáng chế đầy tiềm năng ứng dụng trong thực tiễn như: Dụng cụ hái quả cà phê của các tác giả Bùi Thị Thu và Nguyễn Tấn Phương cho phép thu hoạch mà không để quả cà phê bị rơi ra bên ngoài, giúp tiết kiệm nhân công, thời gian và giảm thiểu tổn thương đến cành, lá cây cà phê; Quy trình chế biến cà phê sinh học của tác giả Phạm Hữu Nhượng, sử dụng chủng nấm mốc Aspergillius sp. để lên men cà phê nguyên liệu trước khi rang, phun rượu, nước muối và mỡ gà ở nhiệt độ thích hợp trong quá trình rang để thu được cà phê có mùi và hương vị giống như cà phê chồn; Quy trình và thiết bị sản xuất cà phê hòa tan của tác giả Võ Hoàng Liệt, cho phép thực hiện trọn gói các khâu chế biến, từ công đoạn sấy cà phê hạt, rang, nghiền, trích dịch lỏng, cô dịch trích ly, cho đến sấy phun dịch cà phê để tạo ra cà phê bột đen, thu hồi hương vị cà phê và tẩm vào cà phê bột,...

Tham gia vào quá trình đưa nhanh các kết quả nghiên cứu, công nghệ, thiết bị từ nơi sáng tạo đến địa chỉ ứng dụng, Sàn Giao dịch công nghệ (do Trung tâm Thông tin và Thống kê Khoa học và Công nghệ TP.HCM tổ chức) giới thiệu, chào bán 20 công nghệ thiết bị phục vụ cho sản xuất và chế biến cà phê, có thể kể đến như: Máy xay cà phê quy mô công nghiệp do Công ty TNHH Công nghệ Mr.Chí giới thiệu có độ bền cao, chất lượng bột đều mịn; Máy rang cà phê 120kg của Công ty TNHH Chế tạo Thiết bị Công nghiệp TTQ cho độ ổn định nhiệt cao, có hệ thống lọc bụi và phòng cháy hiệu quả; Máy đóng gói cà phê 4 biên của Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại Dịch vụ Kỹ thuật An Thành sử dụng bao bì là màng phức hợp, thiết kế thân thiện, dễ thay đổi khổ túi và có độ chính xác cao; Công nghệ sản xuất cà phê theo phương pháp lên men của Trường Đại học Bách khoa – Đại học Quốc gia TP.HCM, sử dụng enzym pectinase và cellulase để làm tăng khả năng trích ly các chất hòa tan có trong hạt cà phê, giúp khả năng hòa tan các chất cao hơn phương pháp thông thường hiện nay 45%, lần đầu tiên được nghiên cứu và áp dụng tại Việt Nam,… Thông qua kênh này, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất dễ dàng tìm kiếm được các công nghệ và thiết bị phù hợp với quy mô và hoạt động sản xuất của mình, để tạo ra các sản phẩm cà phê đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Cùng với những đổi mới về phương pháp quản lý, làm cà phê sạch qua việc tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ vào sản xuất sẽ giúp ngành cà phê tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, góp phần phát triển bền vững, nâng cao sức cạnh tranh cho cà phê Việt.