Để triển khai Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (Chương trình), ngày 01/9/2016, Bộ trưởng Bộ KH&CN đã ban hành Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN quy định quản lý thực hiện Chương trình này.
Với quan điểm nguồn gen là tài sản quốc gia, là nguồn tài nguyên sinh học để phát triển khoa học, kinh tế - xã hội, môi trường và quốc phòng - an ninh, Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã xác định việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen là trách nhiệm của Nhà nước, của cộng đồng, của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp. Quyết định này cũng nhấn mạnh việc ứng dụng KH&CN hiện đại kết hợp hài hòa với tri thức truyền thống trong bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen; bảo tồn kết hợp với sử dụng bền vững nguồn gen góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ thiên nhiên, môi trường. Việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen được thực hiện trên cơ sở mạng lưới quỹ gen thống nhất toàn quốc.
Hiện thực hóa các quan điểm này, Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN đã xác định có 3 loại nhiệm vụ thuộc Chương trình là: (i) nhiệm vụ thường xuyên; (ii) nhiệm vụ quỹ gen; và (iii) nhiệm vụ đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật (gọi là dự án đầu tư).
Nhiệm vụ thường xuyên
- Hoạt động duy trì lưu giữ an toàn các nguồn gen đã được thu thập, đánh giá trong Danh mục nguồn gen bảo tồn thuộc Đề án khung quỹ gen cấp bộ, tỉnh (theo quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này) đã được bộ, ngành, địa phương phê duyệt sau khi có ý kiến đồng thuận của Bộ KH&CN. Danh mục này được rà soát hằng năm;
- Hoạt động quản lý Chương trình, gồm hoạt động quản lý Mạng lưới quỹ gen quốc gia; của Ban Điều hành, Tổ thư ký; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu (CSDL) quỹ gen quốc gia; thông tin truyền thông; quản lý nhiệm vụ quỹ gen và các hoạt động khác có liên quan.
Nhiệm vụ quỹ gen
- Đề tài KH&CN về quỹ gen (sau đây gọi là đề tài quỹ gen) thực hiện các nội dung nghiên cứu bảo tồn tại chỗ (in-situ) và chuyển chỗ (ex-situ); nghiên cứu điều tra, thu thập bổ sung những nguồn gen mới và nghiên cứu phương pháp lưu giữ an toàn nguồn gen sinh vật; đánh giá, tư liệu hóa nguồn gen; đánh giá di truyền nguồn gen; nghiên cứu quy trình công nghệ, biện pháp kỹ thuật để khai thác nhằm sử dụng bền vững nguồn gen có giá trị khoa học và giá trị ứng dụng cao; xây dựng hệ thống CSDL quỹ gen quốc gia;
- Dự án sản xuất thử nghiệm về quỹ gen thực hiện nội dung ứng dụng kết quả của đề tài KH&CN liên quan đến nguồn gen để sản xuất thử nhằm hoàn thiện công nghệ mới, sản phẩm mới trước khi đưa vào sản xuất hàng hóa.
Dự án đầu tư
Thực hiện việc đầu tư tăng cường tiềm lực cơ sở vật chất kỹ thuật cho các tổ chức KH&CN thuộc Mạng lưới quỹ gen quốc gia, trong đó tập trung cho Ngân hàng gen cây trồng quốc gia, Trung tâm nghiên cứu nguồn gen và giống dược liệu quốc gia, Vườn thực vật quốc gia, Trung tâm nguồn gen vật nuôi quốc gia, Trung tâm nguồn gen thủy sản quốc gia, Ngân hàng gen vi sinh vật quốc gia. Khuyến khích doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nguồn lực thực hiện việc bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen.
Quy định về quản lý Chương trình
Nhiệm vụ thường xuyên
- Các bộ, ngành, địa phương: căn cứ Đề án khung bảo tồn nguồn gen của bộ, ngành, địa phương; văn bản hướng dẫn xây dựng kế hoạch và dự toán ngân sách KH&CN hằng năm của Bộ KH&CN và các nội dung nhiệm vụ thường xuyên của Chương trình, các bộ, ngành, địa phương tổng hợp nhu cầu thực hiện các hoạt động để duy trì lưu giữ an toàn nguồn gen của các tổ chức trực thuộc, lập kế hoạch chung gửi về Bộ KH&CN. Trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ KH&CN tổng hợp, thống nhất với Bộ Tài chính để cân đối nguồn ngân sách phân bổ cho các bộ, ngành, địa phương theo kế hoạch. Các bộ, ngành, địa phương tổ chức việc xét giao trực tiếp cho các tổ chức thực hiện, kiểm tra định kỳ, nghiệm thu đánh giá theo quy định của nhiệm vụ cấp bộ, cấp tỉnh.
- Bộ Khoa học và Công nghệ: căn cứ các hoạt động quản lý Chương trình (quản lý Mạng lưới quỹ gen quốc gia; hoạt động của Ban Điều hành, Tổ thư ký; xây dựng, quản lý và vận hành hệ thống CSDL quỹ gen quốc gia; thông tin truyền thông; quản lý nhiệm vụ quỹ gen và các hoạt động khác có liên quan), hằng năm đơn vị quản lý Chương trình của Bộ KH&CN xây dựng kế hoạch nhiệm vụ thường xuyên để thực hiện việc quản lý Chương trình, trình Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt và tổ chức thực hiện.
Nhiệm vụ quỹ gen
- Nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia do Bộ trưởng Bộ KH&CN phê duyệt, ký hợp đồng và tổ chức thực hiện. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp quốc gia bao gồm các nội dung: tổ chức xác định nhiệm vụ quỹ gen; tổ chức tuyển chọn, xét giao trực tiếp và thẩm định kinh phí; ký hợp đồng, kiểm tra đánh giá điều chỉnh, chấm dứt hợp đồng nhiệm vụ quỹ gen; và tổ chức đánh giá, nghiệm thu kết quả, thanh lý hợp đồng, khai thác kết quả và xử lý tài sản nhiệm vụ quỹ gen.
- Nhiệm vụ quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt, ký hợp đồng và tổ chức thực hiện. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện nhiệm vụ quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh vận dụng quy định quản lý các nhiệm vụ KH&CN cấp bộ, cấp tỉnh và quy định tại Thông tư này.
Dự án đầu tư
- Việc xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án đầu tư tuân thủ quy định của Luật Đầu tư ngày 26/11/2014, Luật Đầu tư công ngày 18/6/2014 và các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành.
- Dự án đầu tư thuộc Chương trình phải có ý kiến đồng thuận bằng văn bản của Bộ KH&CN trước khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư áp dụng cho các tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình có sử dụng ngân sách nhà nước, hiệu lực thi hành từ ngày 15/10/2016.
DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ ƯU TIÊN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28/9/2015 của Thủ tướng Chính phủ)
TÂY SƠN, STINFO số 10/2016
Tải bài này về tại đây.